Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Sự khẩn yếu lúc lâm chung: Thỉnh bậc tri thức khai thị

Lúc bịnh nhơn đau nhiều, như thần thức còn thanh tỉnh, người nhà nên thỉnh bậc tri thức đến thuyết pháp khai ngộ cho. Nếu không có bậc tri thức, nên mời một vị đồng tu đến an ủi khai thị.

Tiết 69. Thỉnh Bậc Tri Thức Khai Thị

Người tu Tịnh Độ, khi bịnh chưa nặng cũng nên uống thuốc, nhưng vẫn tinh tấn niệm Phật, chớ tưởng nghĩ rằng: uống thuốc rồi sẽ lành bịnh. Lúc bịnh đã nặng, có thể không cần dùng thuốc. Hoằng Nhứt đại sư khi đau nặng, có kẻ thưa để xin rước thầy hốt thuốc. Ngài liền từ tạ và nói kệ rằng:

Đức Phật A Di Đà.
Là vô thượng y vương.
Nếu bỏ đây không cầu
Ấy là kẻ si cuồng!
Một câu hồng danh Phật.
Là thuốc diệu Dà Đà.
Nếu bỏ đây không uống.
Thật lầm to lắm mà!

Rồi Ngài chỉ chuyên tâm niệm Phật. Quả nhiên bịnh cũng lần lần thuyên giảm.

Nên nhớ khi bịnh đã nặng, hành giả phải buông bỏ tất cả mọi việc xung quanh, cho đến chính thân tâm của mình, chỉ chuyên nhứt niệm Phật, một lòng mong cầu vãng sanh Tây Phương. Làm như thế, nếu thọ mạng đã hết, quyết được vãng sanh. Như thọ mạng chưa dứt, tuy cầu vãng sanh mà trở lại mau lành bịnh, do vì lòng mình chuyên thành, nên có thể diệt trừ nghiệp ác đời trước. Trái lại, nếu chẳng buông bỏ mọi duyên nhứt tâm niệm Phật, như thọ mạng đã hết quyết không được vãng sanh, vì mình chỉ chuyên cầu lành bịnh chớ không cầu vãng sanh, nên không do đâu được về Cực Lạc. Nếu thọ mạng chưa dứt, chẳng những không được mau thuyên giảm, mà bịnh lại tăng thêm, vì mình nhân cầu lành bịnh, vọng sanh lòng buồn lo sợ hãi.

Có nhiều người tu Tịnh Độ, trong lúc đau nặng, thân nhơn vì kém hiểu đạo, chẳng lo khuyến tấn sự niệm Phật, trở lại không tiếc tiền rước nhiều đông, tây y hoặc thầy phù thủy, đến cầu điều trị hoặc cúng tế cho mau lành bịnh. Làm như thế, khiến cho người bịnh đã không được sự trợ niệm, lại bị rộn ràng phân tâm, nên không được vãng sanh. Đó là lấy tiền mua hiếu hoặc mua danh, để cho người ngoài thấy mình là kẻ ân hậu, tận tâm lo lắng. Họ đâu hiểu rằng, có lòng hay không Phật Thánh đều chứng biết, chớ nào phải hình thức bên ngoài! Hành động ấy khiến cho người sáng suốt chỉ mỉm cười thương xót!

Lúc bịnh nhơn đau nhiều, như thần thức còn thanh tỉnh, người nhà nên thỉnh bậc tri thức đến thuyết pháp khai ngộ cho. Nếu không có bậc tri thức, nên mời một vị đồng tu đến an ủi khai thị. Vị này nên khuyên nhắc thân nhơn kẻ bịnh, dùng lòng từ bi cố chủ trương điều hành cho mọi việc hợp với đạo, để cho người sắp mãn phần được sự lợi ích vãng sanh. Đại khái vị khai thị nên y theo mấy chi tiết sau đây:

1. Nói cảnh khổ Ta Bà, cảnh vui Cực Lạc, nhắc cho bịnh nhơn phát lòng hâm mộ. Lại nên đem việc lành, công tu của bịnh nhơn kể rõ ra và khen ngợi, khiến cho người bịnh sanh lòng vui mừng không còn nghi ngại, tự biết khi mình chết sẽ nương nơi nghiệp lành ấy sanh về Tây Phương.

2. Nếu bịnh nhơn có điều nghi ngờ gì, nên tùy cơ giải thích như thuyết Tam Nghi Tứ Quan ở đoạn trên đã nói. Trong đây điểm cần yếu là khuyên phải dứt trừ tâm tham tiếc tài sản và niệm ái luyến gia đình.

3. Nếu người sắp chết có di chúc trước thì thôi, bằng không, vị khai đạo phải can ngăn, khuyên thân nhơn không nên hỏi han về di chúc. Lại cũng khuyên đừng nói chuyện tạp vô ích khiến cho bịnh nhơn động tâm niệm tình ái, quyến luyến thế gian, có ngại cho sự vãng sanh.

4. Khi có bà con hay thân hữu của kẻ bịnh đến thăm nên ngăn không cho đến trước bịnh nhơn tỏ vẻ buồn thảm hỏi han. Nếu đã vì cảm tình đến viếng thăm, chỉ nên đứng gần bên chắp tay niệm Phật ra tiếng một hồi, đó mới thật là có lòng thương mến. Như kém hiểu biết chỉ dùng theo tục tình, đó chính là xô người xuống biển khổ, tình tuy đáng cảm, mà sự lại di hại đáng thương.

5. Nên khuyên bịnh nhơn đem những y phục vật dụng của mình thí cho kẻ khác. Hoặc y theo phẩm Như Lai Tán Thán trong Kinh Địa Tạng, đem vật liệu ấy cúng dường kinh tượng lại càng hay. Điều này cũng giúp cho người bịnh thêm phước tiêu tội, được dễ dàng trong sự vãng sanh.

Những điều đại khái như trên, vị khai thị phải lưu ý. Ngoài ra có thể tùy cơ ứng biến, ở đây không thể nói hết được.

Tiết 70. Cách Thức Trợ Niệm

Người bịnh từ khi đau nặng cho đến lúc sắp tắt hơi, thân nhơn quyến thuộc phải bình tỉnh đừng khóc lóc. Có kẻ tuy không khóc nhưng lại lộ nét bi thương sầu thảm, đó cũng là điều không nên. Bởi lúc bấy giờ, bịnh nhơn đã đi đến ngả rẽ phân chia giữa quỉ, người, phàm, Thánh, sự khẩn yếu nguy hiểu khác thường, như ngàn cân treo dưới sợi tóc. Khi ấy duy nhứt tâm trợ niệm Phật hiệu là điều thiết yếu. Người dù có chí nguyện vãng sanh, mà bị quyến thuộc thương khóc làm cho khơi động niệm tình ái, tất phải bị đọa lạc luân hồi, công tu cũng đành luống uổng!

Lại khi bịnh nhơn gần qua đời, tự họ muốn tắm gội, thay y phục hay đổi chỗ nằm, thì có thể thuận theo, song phải nhẹ nhàng cẩn thận mà làm. Như họ không chịu, hoặc á khẩu không nói được, rất không nên miễn cưỡng mà làm. Bởi người sắp chết thân thể thường đau nhức, nếu ép di động, đổi chỗ nằm hoặc tắm rửa, thay y phục, thì bịnh nhơn càng đau đớn thêm. Nhiều người tu hành phát nguyện cầu về Cực Lạc, nhưng khi lâm chung vì bị quyến thuộc di động nhiễu loạn, phá hoại chánh niệm, nên không được vãng sanh, việc này xảy ra rất thường. Hoặc kẻ mạng chung có thể sanh về cõi lành, nhưng bị người khác không biết, xúc chạm thân thể, sửa đổi tay chân làm cho đau đớn, nên sanh lòng giận tức. Do một niệm đó, liền đọa vào đường ác, làm rồng, rắn, cọp, beo, hoặc các loài độc khác. Như vua A Xà Thế tu nhiều phước lành, khi lâm chung bị người hầu cận ngủ gục làm rớt cây quạt trên mặt, nên giận chết đọa làm rắn mãng xà. Gương này không nên răn sợ ư!

Người bịnh khi lâm chung hoặc ngồi, hoặc nằm, đều tùy tiện, chớ nên gắng gượng. Nếu cảm thấy suy nhược chỉ có thể nằm, mà muốn xem cho ra vẻ, gắng gượng ngồi dậy, là điều nguy hại không nên. Hoặc theo lẽ, phải nằm nghiêng bên mặt hướng về tây, nhưng vì thân thể đau nhức phải nằm ngửa, hay nằm nghiêng bên trái hướng về đông, cũng cứ để tự nhiên chớ nên gắng gượng. Đây là chính bịnh nhơn phải hiểu như thế mà tự xử sự. Còn người thân thuộc cũng phải hiểu lẽ này, chẳng nên cầu danh, bắt người bịnh nằm nghiêng bên mặt hướng về tây, hay đỡ dậy, mặt áo tràng sửa ngồi kiết dà. Đâu biết rằng chỉ vì cầu chút hư danh, mà khiến cho người chết phải đọa tam đồ, chịu vô lượng sự khổ!

* Lúc bịnh nhơn sắp mãn phần, sự trợ niệm là điều rất cần thiết. Bởi khi ấy, người bịnh từ tinh thần đến thể chất đều yếu kém mê mờ, khó bề tự chủ. Đừng nói kẻ bình nhựt chưa tu không giữ nỗi câu niệm Phật được lâu bền; mà người bình nhựt lấy câu niệm Phật làm thường khóa, nếu không nhờ sức trợ niệm cũng khó mong đắc lực. Cách thức trợ niệm phải y theo những điều kiện như ở dưới đây:

1. Thỉnh tượng Phật Di Đà tiếp dẫn để trước bịnh nhơn khiến cho họ trông thấy. Cắm một bình hoa tươi và đốt lò hương nhẹ, khói thơm vừa thoảng để dẫn khởi chánh niệm cho bịnh nhơn. Nên nhớ khói chỉ nhẹ thôi, đừng để nhiều vì e ngột ngạt khó thở.

2. Người trợ niệm tùy theo nhiều ít nên luân phiên mà niệm. Ít thì mỗi lần một hoặc hai người, chia thành ba phiên. Nhiều thì mỗi phiên có thể độ sáu hay tám người. Nên nhớ lúc ấy bịnh nhơn sức yếu rất cần thanh khí, nếu để cho người ta vào đông, hoặc kẻ trợ niệm quá nhiều, tất làm cho người bịnh ngột ngạt xao động, có hại hơn là có lợi. Lại, các phiên phải canh theo đồng hồ mà im lặng luân chuyển nhau, để cho câu niệm Phật tiếp tục không gián đoạn, đừng kêu gọi. Mỗi phiên niệm lâu ước độ một giờ.

3. Theo ngài Ấn Quang, nên niệm bốn chữ để cho bịnh nhơn dễ thâu nhận trong khi tinh thần thể chất quá suy yếu. Nhưng ý kiến của Hoằng Nhứt đại sư, thì muốn niệm bốn chữ hay sáu chữ, tốt hơn nên hỏi bịnh nhơn, để thuận với tập quán ưa thích thuở bình nhựt của người bịnh, khiến cho họ có thể niệm thầm theo. Nếu trái với tập quán ưa thích, tức là phá hoại chánh niệm của người bịnh, tất mình cũng có tội. Lại cách trợ niệm, không nên niệm to tiếng quá, vì mình sẽ tổn hơi khó bền; không nên niệm nhỏ quá, vì e người bịnh tinh thần lờ lạc khó thâu nhận. Cũng chẳng nên niệm quá mau, bởi làm cho bịnh nhơn đã không nghe nhận được rõ ràng, lại không thể theo kịp; chẳng nên niệm quá chậm, bởi có lỗi tiếng niệm rời rạc khiến người bịnh khó liên tục nhiếp tâm. Đại khái tiếng niệm phải không cao không thấp, chẳng chậm chẳng mau, mỗi chữ mỗi câu đều rành rẽ rõ ràng, khiến cho câu niệm trải qua tai đi sâu vào tâm thức của người bịnh, như thế mới đắc lực. Lại có điều nên chú ý, khi bịnh nhơn tâm thức quá hôn trầm, niệm ở ngoài tất họ nghe không rõ. Trong trường hợp ấy, phải kê miệng sát vào tai họ mà niệm, mới có thể khiến cho người bịnh được minh tâm.

4. Về pháp khí để dùng trong khi trợ niệm, thông thường nên đánh khánh. Bởi tiếng mõ âm thanh đục, không bằng tiếng khánh trong trẻo, dễ khiến cho bịnh nhơn tâm thần thanh tỉnh. Nhưng vấn đề đó cũng tùy, vì theo kinh nghiệm riêng, Hoằng Nhứt đại sư đã dạy: “Những kẻ suy yếu thần kinh, rất sợ nghe tiếng khánh và mõ nhỏ. Bởi âm thanh của mấy thứ này chát chúa đinh tai, kích thích thần kinh khiến cho người bịnh tâm thần không an. Theo thiển ý, chỉ nên niệm suông là thỏa đáng hơn hết. Hoặc nếu có, thì chỉ nên đánh thứ chuông mõ lớn. Những món này âm thanh hùng tráng, khiến cho người bịnh sanh niệm nghiêm kính, thật hơn đánh khánh và mõ nhỏ nhiều. Thứ mõ âm thanh đục cũng không nên đánh, vì làm cho bịnh nhơn tâm thần hôn trược. Tuy nhiên, sở thích của mỗi người không đồng, tốt hơn là nên hỏi trước bịnh nhơn. Nếu có chỗ nào không hợp, phải tùy cơ cải biến, chớ nên cố chấp.”

Trên đây là mấy điểm nên lưu ý về cách thức trợ niệm.

Trích: Niệm Phật Thập Yếu – Sự Khẩn Yếu Lúc Lâm Chung!

Bài viết cùng chuyên mục

Ý hòa đồng duyệt có ý nghĩa như thế nào?

Định Tuệ

Xây nhà mới có bị tổn phước báu hay không?

Định Tuệ

Pháp môn Niệm Phật hợp với trình độ căn cơ chúng sanh đời nay

Định Tuệ

Chỉ rõ chân tâm, hiển bày căn tánh

Định Tuệ

Chú Lăng Nghiêm tiếng việt và lợi ích khi hành trì chú

Định Tuệ

Niệm Phật nhất định phải nghe kinh, nhất định phải rõ đạo lý

Định Tuệ

Mỗi ngày nên đọc bao nhiêu biến Chú Đại Bi?

Định Tuệ

Cử chỉ lời nói hành vi nào có lợi, có hại đối với chúng ta?

Định Tuệ

Niệm Phật là việc của đời sau, đời hiện tại có lợi ích không?

Định Tuệ

Viết Bình Luận