Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Đại Sư Ấn Quang khai thị về Pháp môn niệm Phật

Pháp môn niệm Phật lớn lao không gì ra ngoài phạm vi của nó được, chí viên, chí đốn, đơn giản nhất, dễ dàng nhất, nhưng cần phải hiểu rõ ràng nguyên do.

Hễ hiểu rõ lý thì sanh lòng tin phát nguyện không ai chẳng được lợi ích. Nếu không, sẽ bị các thứ cảnh giới khác xoay chuyển, chẳng thể sanh lòng tin chân thật, phát nguyện thiết tha. Dù có công phu niệm Phật cũng chẳng thể đạt được lợi ích nơi Phật.

Các pháp môn do Đức Phật nói đều phải cậy vào tự lực để Vãng Sanh, cần phải nghiệp tận tình không. Nếu không, sợ rằng sẽ vất vả gian nan lắm đấy.

Nếu đã có thể nghiệp tận tình không, lại còn có thêm công phu niệm Phật, ắt sẽ Thượng Phẩm Thượng Sanh, sẽ có cùng một khả năng như Quán Âm Đại Sĩ nên dùng thân nào để độ bèn hiện thân ấy để thuyết pháp.

Nếu chưa đạt đến mức nghiệp tận tình không, chẳng thà cứ chất phác niệm Phật, chẳng ôm lòng khinh mạn, chẳng suy đoán bằng ý thức thì khi lâm chung mới mong được cảm ứng đạo giao. Ấy là vì pháp môn niệm Phật hoàn toàn cậy vào Phật lực, chẳng như những môn khác đều là tự lực.

So sánh giữa Phật lực và tự lực thì có khác gì sự cách biệt giữa bầu Trời và mặt đất. Do vậy, từ xa xưa ngu phu ngu phụ thật thà niệm Phật đa số Vãng Sanh, nhưng bậc thông Tông thông Giáo phần nhiều chẳng thể khoác tay họ ngao du trong cõi Cực Lạc được.

Thật đáng tiếc thay. Người tu hành cần phải biết Ta Bà khổ, Cực Lạc vui, phải nguyện lìa Ta Bà khổ, nguyện được Cực Lạc vui, chớ nên cầu phước báo Trời người. Ví như đang ở trong tù ngục mong được về quê hương. Nhưng Thế Giới Ta Bà chính là một nhà tù lớn, Thế Giới Cực Lạc mới là quê nhà tốt lành.

Cổ Nhân có thơ như sau:

Tự thị bất quy, quy tiện đắc,
Cố hương phong nguyệt hữu thùy tranh?
Tự chẳng muốn về, về liền được.
Gió trăng quê cũ, há ai giành?

Các vị nếu nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì có ai tranh giành Tây Phương với mình đâu nhỉ? Muốn trở về quê nhà, chớ nên do dự bảo hãy đợi mấy năm nữa thì sẽ chẳng thể tương ứng với Phật được đâu. Chí thành khẩn thiết tới mức lòng tin chân thành, nguyện thiết tha thì chính là chủng tử Tây phương, bởi lẽ một môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín nguyện hạnh làm tông, như ba chân của cái đỉnh, thiếu một chẳng thể được.

Nếu chuyên đề cao hành trì chẳng coi trọng tín nguyện thì sẽ chấp sự, phế lý, vẫn thuộc vào pháp môn tự lực, mắc cùng một khuyết điểm giống như kẻ chấp lý phế sự, chuyên cậy vào tự tánh duy tâm, chẳng cậy vào Phật lực.

Do vậy, Đại Sư Ngẫu Ích nói: Được Vãng Sanh hay không hoàn toàn do có tín nguyện hay không? Phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn là do trì danh sâu hay cạn.

Lời luận định ấy sát sao thay. Chẳng thể không biết vậy. Trong những lời thuyết pháp của Cổ Nhân, giảng giải tới mức cùng tận không bờ mé thì chỉ có bài Tứ Liệu Giản của Ngài Vĩnh Minh quả thật đã chỉ ra một con đường thênh thang cho chúng sanh đời Mạt trở về quê nhà.

Xin trình bày đại lược:

Có Thiền có Tịnh Độ,
Ví như cọp đội sừng,
Đời này làm Thầy người,
Đời sau làm Phật, Tổ.

Hai chữ Thiền Tịnh ở đây cần phải phân biệt cho minh bạch. Cần nhất là phải biết thế nào là có Thiền, thế nào là có Tịnh Độ. Người đời thường tưởng khán thoại đầu, tham cứu câu Người niệm Phật là ai là có Thiền, còn chấp trì danh hiệu là có Tịnh.

Sai rồi. Thiền tức là chân như Phật Tánh sẵn có, tức tâm thể thuần chân của chúng ta, tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, vừa tịch, vừa chiếu, không năng, không sở, đấy chính là cái được Tông Môn gọi là bản lai diện mục trước khi được cha mẹ sanh ra.

Tịnh là tín nguyện trì danh, cầu sanh Tây Phương, chứ không phải chỉ là duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà. Có Thiền là phải đổ công tận lực tham cứu sâu xa tới mức sơn cùng, thủy tận, niệm cực, tình vong.

Một mai thấy thấu suốt bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra, hãm mình vào nơi đất chết tìm ra lẽ sống thì mới đáng gọi là có Thiền. Có Tịnh là phải thật sự vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, thượng hoằng, hạ hóa, tự lợi, lợi tha không hề phải hổ thẹn.

Đại Sư Ấn Quang khai thị về Pháp môn niệm Phật

Nếu người ấy Triệt Ngộ Thiền Tông, minh tâm kiến tánh, biết trọn đủ các pháp môn Quyền, Thật của Như Lai, nhưng chỉ lấy tín nguyện niệm Phật làm đường lối chung cho chánh hạnh thì tà đạo sẽ bặt dấu, Ma Vương, ngoại đạo vỡ mật, như hổ mọc sừng, oai mãnh không gì địch lại được, thượng trung hạ căn đều được lợi ích, chẳng phải là bậc Đạo Sư của Trời người hay sao? Trong tương lai Thượng Phẩm Thượng Sanh, chứng tới bậc Đẳng Giác trong Viên Giáo, há chẳng phải là đời sau sẽ làm Phật, làm Tổ ư?

Không Thiền, có Tịnh Độ
Vạn tu, vạn người về
Nếu được thấy Di Đà
Lo chi không khai ngộ.

Người ấy tuy chưa Minh Tâm Kiến Tánh, nhưng do quyết chí cầu sanh Tây Phương nên dũng mãnh tinh tấn, cũng được Phật tiếp dẫn, chứng các quả vị. Trong số những người đạt đến quả vị, không ai chẳng Đại Triệt Đại Ngộ.

Do vậy nói: Nếu được thấy Di Đà, lo chi không khai ngộ. A Di Đà Phật Đại Từ Đại Bi có bốn mươi tám nguyện, nguyện nào cũng độ sanh. Không chỉ bậc thượng thiện xưng danh liền có thể Vãng Sanh, ngay cả ngũ nghịch, thập ác nếu khởi lòng hổ thẹn lớn lao, phơi bày sám hối, bất luận một niệm hay mười niệm, ắt Phật cũng nhiếp thọ.

Mưa đúng thời thấm đẫm các vật. Muôn vật không vật nào chẳng được thấm ướt, lợi ích. Biển cả dung nạp các sông, dẫu trăm sông đổ vào biển, biển cũng đều dung nạp trọn. Vạn người tu, vạn người về, quả là sự thật không sai.

Có Thiền, không Tịnh Độ
Mười kẻ, chín chần chừ
Ấm cảnh nếu hiện tiền
Chớp mắt đi theo nó.

Đây là nói về kẻ tham thiền nhưng chẳng niệm Phật. Thiền ở đây là tuy đã minh tâm kiến tánh, nhưng nếu kiến tư phiền não còn có chút nào chưa trừ thì vẫn luân hồi trong lục đạo y như cũ, không thoát ra được. Biển sanh tử sâu thẳm, đường Bồ Đề xa vời, chùng chình giữa đường, chần chừ, dây dưa.

Vì thế nói: Thập nhân, cửu tha lộ, mười kẻ, chín chần chừ. Tha là Tha Đà, nói theo cách thông thường là chần chừ. Ấm cảnh chính là cảnh trung ấm thân khi mạng chung mới hiện ra, đều tùy theo nghiệp lực thiện hay ác chi phối mà thọ sanh trong đường lành hay nẻo ác. Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh, Chân Như Triết đều là những vết xe đổ trước đây.

Sở ngộ và kiến địa của ba vị ấy cao siêu như thế mà vẫn chẳng khỏi mê mờ, cần chi phải bàn tới lũ phàm phu chúng ta nữa đây. Chữ miết nhĩ trong câu miết nhĩ tùy tha khứ, chớp mắt đi theo nó là một cái chớp mắt, ví cho sự nhanh chóng. Có người hiểu chữ ấm cảnh chỉ cho cảnh Ngũ Ấm Ma. Có kẻ giải thích chữ tha lộ là lầm đường, đều sai hết.

Há có ai triệt ngộ Thiền Tông, hiểu sâu giáo lý lại chẳng hiểu cảnh giới ngũ ấm để rồi lạc đường hay chăng? Điều này quan hệ rất lớn, chẳng thể không biết.

Không Thiền, không Tịnh Độ
Giường sắt với cột đồng
Vạn kiếp lẫn ngàn đời
Không có người nương tựa.

Người đời hờ hững, hời hợt, chẳng thật sự nỗ lực tham cứu, chẳng có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, hoặc lại còn kiêm tu các môn khác đều đáng gọi là không Thiền, không Tịnh Độ. Tuy cảm được phước báo trong đời sau, nhưng do phước tạo nghiệp, do nghiệp đọa địa ngục. Giường sắt, cột đồng, không người nương tựa, tuy có Phật lực cũng chẳng làm sao được.

Triệt Lưu Đại Sư nói: Người tu hành chẳng liễu sanh tử là sự oán trong đời thứ ba, đáng sợ thay. Vĩnh Minh Thiền Sư chính là hóa thân của A Di Đà Phật. Tất cả những câu kệ đề xướng niệm Phật của Ngài đều là khế cơ lẫn khế lý. Bốn bài Liệu Giản này đúng là bài cảnh sách vô thượng cho người Tham Thiền lẫn Tu Tịnh.

Tuy hạn cuộc trong âm vận của lời kệ, lời lẽ ngắn gọn, ý châu đáo, lại càng chẳng thể thêm vào hay bớt đi một chữ nào được. Người học hãy nên nghiên cứu cặn kẽ.

Tịnh Độ chính là pháp môn đặc biệt, những pháp môn khác đều là pháp môn thông thường. Tách rời hai pháp này thì đôi đằng đều có ích, hợp lại thì đôi bên đều bị hại.

Đối với pháp tắc tu trì thì hãy nên nói lời tốt lành, làm chuyện tốt lành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng xướng, vợ theo, ai nấy giữ vẹn luân thường, chẳng trái nghịch pháp thế gian thì mới đáng gọi là đệ tử chân thật của Đức Phật. Nếu không, danh giáo còn chẳng dung, sẽ là tội nhân đối với Như Lai. Niệm Phật quý tại nhiếp tâm.

Ngài Đại Thế Chí nói: Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, nhập tam ma địa, ấy là bậc nhất. Đủ biết khi niệm hãy nên buông xuống vạn duyên, nhiếp trọn sáu căn, miên miên mật mật, thẳng thừng mà niệm, sẽ có lúc đắc tam ma.

Tam ma cõi này dịch là Chánh Tu, Chánh Kiến, hoặc dịch là Chánh Định. Trong Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phổ Hiền dùng Mười Đại Nguyện Vương khuyên dạy Hoa Tạng hải chúng quay về Cực Lạc.

Hoa Nghiêm Hải Chúng đều thuộc địa vị Đại Bồ Tát mà vẫn còn phải quy hướng Vãng Sanh. Đủ biết pháp môn Tịnh Độ như Trời che khắp, như đất chở đều, Đại Địa, núi, sông, Vũ Trụ, vạn hữu, có gì vượt ra ngoài Trời Đất được chăng?

Pháp môn Tịnh Độ nhiếp trọn các pháp môn khác, cũng chẳng khác gì. Cõi đời thay đổi, vận số suy vi, người đời mạt pháp căn tánh kém hèn, muốn cầu hoát nhiên phá vô minh, đoạn hoặc, chứng chân, rất ư là khó.

Tự mình chưa độ được mà muốn độ người ta thì có khác gì kẻ chết đuối trong biển lại toan cứu người. Kính khuyên các vị Hiền Nhân chớ nên ngã mạn, ngạo nghễ, hãy cứ nên tin chân thành, nguyện thiết tha, nương theo từ lực niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì mới nên.

Giảng giải: Đại Sư Ấn Quang!

Bài viết cùng chuyên mục

Tu thế nào để sớm được vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc?

Định Tuệ

Gặp người ăn xin có nên bố thí hay không?

Định Tuệ

Cách hóa giải duyên âm bằng Phật Pháp

Định Tuệ

10 Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ Tát – Nguyện thứ nhất: Lễ kính chư Phật

Định Tuệ

Chánh tín: Tin nhân quả, tin nhân duyên

Định Tuệ

Ý nghĩa của Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương

Định Tuệ

Bố thí một chút tiền cũng có thể tiêu trừ tội lỗi ngàn kiếp

Định Tuệ

Tại sao chúng ta phải niệm Phật?

Định Tuệ

Nghiệp sát nặng nhiều bệnh tật, không sát sanh được trường thọ

Định Tuệ

Viết Bình Luận