Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Âm đức là gì? Thế nào là làm việc thiện tích âm đức?

Âm đức chính là làm việc tốt mà không để cho người khác biết, làm việc tốt một cách lặng lẽ, âm thầm, không phải là để được nhiều người biết đến rồi khen ngợi, tán thưởng mà làm việc tốt vì cái tâm mình mách bảo.

1. Âm đức là gì?

“Âm” trong “âm đức” không phải là “âm phủ” mà là chỉ “âm” trong “âm công, âm đức, âm phúc”. “Âm” này có nghĩa là “ám”, tức chỉ việc thầm lặng, âm thầm, kín đáo, không công khai hiển lộ ra ngoài cho nhiều người biết.

Như vậy có thể hiểu âm đức chính là làm việc tốt mà không để cho người khác biết, làm việc tốt một cách lặng lẽ, âm thầm, không phải là để được nhiều người biết đến rồi khen ngợi, tán thưởng mà làm việc tốt vì cái tâm mình mách bảo.

Có nhiều người đi làm việc thiện chẳng bao giờ rầm rộ, thậm chí còn giấu tên, có những người âm thầm ủng hộ tiền bạc cho những công trình công cộng, vì lợi ích của người dân, hay có những người sẵn sàng xả thân cứu người nhưng sau đó chẳng chờ người trả ơn hay báo đáp mà lặng lẽ rút lui… Tất cả những việc đó được coi là hành thiện tích âm đức.

“Âm đức” là một điều rất thiêng liêng. Đó là tinh hoa của văn hóa truyền thống, thể hiện cái tâm thanh khiết, một lòng tín Phật hướng thiện, tin vào luật Nhân – Quả, “thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”.

Chính vì thế, nếu làm việc thiện mà cái tâm không hướng thiện, chỉ nhằm mục đích khoa trương, khoe khoang bản thân để có được danh lợi thì phần âm đức thực sự sẽ mất đi, cũng chẳng thể tích được “âm công”, không khởi được tác dụng chân chính của việc hành thiện.

Phàm khi ta làm việc thiện, lợi lạc cho người, những việc mà người đời thấy biết được, đó là tạo phước ở đời. Những việc mà người đời không hay biết, đó là tích âm đức. Tích âm đức thì được quỷ thần ủng hộ, trời báo đáp, còn tạo phước ở đời thì được hưởng tiếng tốt. Tiếng tốt đó cũng là phước báo vậy.

Nhưng danh tiếng vốn là chỗ đối kỵ với lẽ tự nhiên của tạo vật. Người nào được thọ hưởng danh tiếng tốt đẹp mà không thực xứng đáng thì đa phần đều phải chuốc lấy tai họa. Người nào không có lỗi lầm xấu ác gì mà phải oan ức nhận lấy tiếng xấu thì con cháu lại thường được nhanh chóng phát đạt. Sự khác biệt giữa tích âm đức với tạo phước ở đời thật hết sức tinh tế, nhỏ nhặt khó thấy.

2. Thế nào là làm việc thiện tích âm đức?

Chúng ta đa phần không phân biệt được thế nào là làm việc thiện, nên nhiều khi làm ác mà cứ tưởng là mình đang làm việc thiện. Do đây mà phước lành không đến, lâu ngày dễ sanh tâm thối thất mà buông lung làm ác, cho rằng ”làm việc thiện chẳng có lợi ích gì”.

Thế nào là làm thiện?

Xưa có một nhóm các nho sinh đến tham vấn hòa thượng Trung Phong, thưa hỏi rằng: “Nhà Phật đưa ra thuyết nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Nhưng nay thấy người kia làm việc thiện mà con cháu họ không được hưng thịnh. Lại thấy người nọ làm việc ác mà con cháu họ sung túc thịnh vượng. Như vậy, thuyết của nhà Phật thật chẳng lấy gì để làm bằng cứ cả.”

Hòa thượng Trung Phong đáp: “Khi cảm xúc trần tục chưa dứt sạch thì con mắt chân chánh chưa thể khai mở. Đối với việc thiện mà xem là ác, đối với việc ác lại xem là thiện. Những việc như thế rất thường gặp. Sao các ông không tự trách chỗ thấy biết điên đảo sai lầm của mình mà ngược lại oán trách sự báo ứng của đạo trời cho là sai lệch?”

Các nho sinh liền hỏi: “Thiện và ác là hai điều trái ngược nhau, sao có thể nhận biết điên đảo như thầy nói?” Hòa thượng liền bảo họ mỗi người hãy đưa ra sự mô tả để phân biệt thiện ác.

Một người nói: “Mắng nhiếc, nhục mạ người khác là ác; cung kính, lễ phép với người khác là thiện.” Hòa thượng Trung Phong nói: “Chưa hẳn đã là như vậy.”

Một người khác nói: “Tham muốn tiền của, làm bậy để lấy của người khác là ác; ngay thẳng thanh bạch không lừa gạt lấy của người khác là thiện.” Hòa thượng Trung Phong lại nói: “Chưa hẳn đã là như vậy.”

Mỗi người trong nhóm nho sinh đều nói ra cách hiểu của mình, hòa thượng Trung Phong đều bảo là chưa đúng. Cuối cùng, cả nhóm cùng thưa thỉnh ngài nói ra lý lẽ đúng thật.

Hòa thượng bảo họ: “Việc làm mang lại lợi ích cho người khác, đó gọi là thiện. Việc làm chỉ mưu lợi ích riêng cho bản thân mình, đó gọi là ác. Nếu có thể mang lại lợi ích cho người, thì việc mắng nhiếc, nhục mạ người cũng đều là thiện. Nếu chỉ vì lợi ích riêng tư cho bản thân mình thì việc cung kính, lễ phép với người khác cũng đều là ác.

“Vì thế, người làm việc thiện lấy sự lợi ích cho người khác làm việc chung, thì việc chung ấy là chân thật. Xem lợi ích của bản thân mình là việc riêng tư, việc mưu lợi riêng tư ấy ắt là giả dối”. Làm việc thiện xuất phát từ tâm chân thành là chân thật. Không xuất phát từ bản tâm, chỉ bắt chước làm theo là giả dối.

“Làm việc thiện mà hoàn toàn không vướng chấp vào hình tướng là chân thật. Vướng mắc nơi hình tướng phân biệt là giả dối.“ Đối với hết thảy những việc tương tự khác, các ông đều nên dựa theo các nguyên tắc nêu trên mà tự mình khảo xét phân biệt giữa thiện hay ác, chân thật hay giả dối.”

Hành thiện tích âm đức như thế nào mới đúng?

Nhân vô thập toàn, con người sinh ra chẳng ai là hoàn hảo. Cuộc sống này rất dài, cho dù bạn có cố gắng đến đâu thì cũng khó tránh khỏi có những lúc mắc sai lầm hay vô tình làm tổn thương người khác. Không xét đến những người ác tâm, chủ ý làm hại người khác thì việc làm tổn thương người là điều mà không ai trong chúng ta mong muốn cả.

Tuy nhiên, nếu xét đúng nghĩa về phúc đức thì theo luật nhân quả báo ứng, trên đời này có những người mà bạn nhất định không được làm hại họ, dù chỉ một mảy may. Hành thiện tích âm đức khi này chỉ đơn giản là ta không làm hại người khác, không làm người khác bị tổn thương vì những hành động hay lời nói của mình.

Với những người có cái tâm thánh thiện, dùng tấm lòng và tài năng của mình để không ngừng phát tâm làm việc thiện, chỉ đơn giản vì bản thân tâm lành thôi thúc họ muốn giúp đỡ mọi người chứ chẳng cầu danh lợi, vậy thì chắc chắn họ sẽ là những người tích được đại đức, phúc lộc song hành bởi đã biết hành thiện tích đức.

Tuy nhiên, xét ngược lại, nếu những người có tài song lại không có đức, dùng tài năng của mình để làm việc xấu, gây hại đến người khác thì bản thân họ sẽ phải trả giả bằng việc âm đức tổn hại, đoản mệnh, thậm chí còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến người thân của mình, khiến cho cả gia tộc bị diệt vong.

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người ta sinh ra ai cũng có phần thiện trong mình, nếu biết phát huy thì chắc chắn sẽ trở thành người tốt. Người ta vẫn nói con trẻ như tờ giấy trắng, ngoài bản thân tố chất con người thì những người xung quanh cũng có tác động đến tương lai đứa trẻ. Tất cả mọi người đều sống thiện lương, tâm an lành thì tất lẽ đứa trẻ cũng học theo mà sống thiện lương.

Hãy học cách sống thiện chứ đừng sống ác. Trước tiên hãy tự nhắc nhở bản thân mình sống thiện, chớ làm hại đến người. Tiếp sau đó khởi tâm làm việc thiện, nhớ rằng mọi sự phải xuất phát từ tâm lành chứ không nhằm mục đích danh lợi mưu cầu.

Tâm không thiện thì âm đức cũng chẳng còn, dù có vung tiền của làm việc thiện thì cũng chẳng bằng người có tâm lương thiện, luôn nở nụ cười chân thành khích lệ mọi người. Chỉ một hành động nhỏ nhoi thôi nhưng cũng đủ để bạn tích âm đức cho mình rồi đó.

3. Tổ tiên tích Âm đức con cháu hiển vinh

Thời nhà minh có Quan Thiếu sư họ Dương, tên Vinh, quê ở huyện Kiến Ninh. Tổ tiên nhiều đời làm nghề chèo thuyền đưa người sang sông để sinh sống. Gặp lúc trời mưa lâu, nước sông suối dâng cao. Dòng chảy rất xiết, cuốn trôi cả những vùng dân cư. Người chết đuối cứ theo dòng sông mà trôi xuống. Những thuyền khác đều tranh nhau vớt lấy tài sản quý giá trôi trên sông. Riêng ông cố và ông nội của Thiếu sư, hai người đều hết sức lo việc cứu người. Hoàn toàn không vớt lấy một chút tài vật nào. Người trong làng đều cười chê họ là ngu dại.

Đến khi cha của Thiếu sư sinh ra, gia đình dần dần khá giả lên. Bỗng có vị thần hóa hình thành một đạo nhân đến bảo người nhà rằng: “Tổ phụ các người có âm đức lớn, con cháu sẽ được giàu có vinh hiển. Nên cải táng mộ tổ phụ vào chỗ đất này…” Nói rồi chỉ cho một chỗ đất. Người nhà y theo chỉ dẫn của đạo nhân mà cải táng. Chỗ ấy sau này các thầy địa lý đều gọi là gò bạch thố.

Về sau sinh ra Thiếu sư, năm 20 tuổi đỗ tiến sĩ, làm quan tước vị lên đến Tam công. Ông cố và ông nội của Thiếu sư đều được triều đình truy tặng quan tước như vậy. Con cháu về sau đều được hưng thịnh, tốt đẹp. Cho đến nay vẫn còn nhiều người hiền đức.

Dòng họ Lâm ở Phúc Kiến

Thời nhà Minh, ở huyện Bồ Điền thuộc tỉnh Phúc Kiến có nhà họ Lâm. Đời trước có một lão bà ưa thích làm điều thiện, thường làm bánh bột gạo rồi đem bố thí cho người. Ai đến xin cũng cho, không chút phiền hà. Có một vị tiên hóa hình làm đạo nhân, sáng nào cũng đến xin đến 6, 7 cái bánh. Lão bà ngày nào cũng đưa cho, trải qua 3 năm đều đặn như vậy.

Vị tiên thấy được tấm lòng chân thành của bà rồi, liền nói: “Ta ăn bánh của bà đã 3 năm, biết làm sao đền đáp? Sau nhà bà có một chỗ đất, khi nào bà mất đi, dặn trước người nhà hãy chôn cất bà nơi ấy. Con cháu về sau sẽ được hưởng quan tước nhiều như số hạt mè trong một thăng mè.”

Người con trai theo lời mẹ dặn, chôn cất lão bà nơi chỗ đất ấy. Ngay đời sau đó đã có 9 người đỗ đạt. Trải qua nhiều đời sau nữa thì những người quyền quý quan tước trong họ ấy rất nhiều. Tỉnh Phúc Kiến có lưu truyền câu tục ngữ rằng: “Không có họ Lâm thì không lập được bảng vàng”. ( Ý nói không một khoa thi nào lại không có người họ Lâm đỗ đạt. Tích âm đức con cháu hiển vinh như thế đó).

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Phật pháp dạy người điều then chốt nhất là khiến người hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh

Định Tuệ

Lý giải về hiện tượng đồng bóng, Đồng cô bóng cậu

Định Tuệ

Tại sao chúng ta phải tụng Kinh? Ý nghĩa của việc tụng Kinh

Định Tuệ

Người điếc, người bị trúng gió được hộ niệm lúc lâm chung có tác dụng không?

Định Tuệ

Tiêu Tai Cát Tường Thần chú tiếng Phạn và tiếng Việt

Định Tuệ

Tu là tuyên chiến với ma quân, tu là dẹp bỏ thói hư tật xấu

Định Tuệ

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 1 – Pháp Sư Tịnh Không

Định Tuệ

Ngũ giới là gì? Lợi ích cho những ai giữ giới, sống theo giới luật

Định Tuệ

Tam nghiệp thân khẩu ý là gì? Làm thế nào để tịnh hóa nghiệp?

Định Tuệ

Viết Bình Luận