Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

7 chướng ngại vãng sanh cõi Cực Lạc của người tu Tịnh độ

Bảy điều chướng ngại vãng sanh Cực lạc dưới đây gọi là thuyết Tam Nghi Tứ Quan, bậc trí huệ có thể suy nghĩ tìm phương pháp giải quyết.

1. Cõi Tây Phương cực lạc có thật không?

Tịnh Độ là một cõi nước, nhờ nguyện lực và công đức tu tập nhiều đời của Phật A Di Đà mà có ra một thế giới thù thắng vào bậc nhất “mười phương cõi Phật cảnh nào cũng thua” – Sám Di Đà.

Nhưng nhiều người cho rằng Tịnh Độ không có thật, nó chỉ là viễn tưởng hay một sự khéo léo của người truyền giáo, muốn mê hoặc quần chúng yếu vía, không có tinh thần tự lực. Có những người lý luận rằng: khoa học đã tiến bộ, người ta tìm đến sao Hỏa, cung trăng… nhưng đâu thấy cõi nước nào là Tịnh Độ?

Đây là những lập luận hết sức nông nỗi của một số người chưa nghiên cứu kỹ về Tịnh Độ, không có niềm tin vào lời dạy từ ngàn xưa của Phật, của Tổ.

Cõi Tây Phương và góc nhìn của khoa học

Để làm sáng tỏ vấn đề đang được tranh luận, trước hết người viết trình bày một vài sự kiện căn bản trong đạo Phật.

Nếu khoa học lý giải được tất cả thì chúng ta cần gì phải tu học theo Phật pháp. Hơn nữa, hành giả nào tu Phật mà việc gì cũng lấy khoa học làm luận cứ thì chúng ta trở thành công cụ của khoa học, nô lệ theo khoa học, chứ không còn là một người chuyên tu Phật nữa. Khi khoa học không tìm thấy không có nghĩa là không có mà chúng ta phải nhìn nhận sự rất giới hạn của khoa học.

Xưa kia khi chưa có kính hiển vi người ta có tin lời Phật nói trong một bát nước có tám muôn bốn ngàn con vi trùng không? Hay khi chưa có viễn vọng kính, khoa học có tin lời Phật nói hằng hà sa số thế giới không? Mặc dù không ai tin, nhưng với tuệ giác thấy biết như thật, đức Phật đã nói. Đến hơn hai mươi thế kỷ sau người ta mơí công nhận lời Phật dạy.

Cách nay khoảng mười lăm năm, báo chí đăng về sự kiện người ngoài hành tinh đi vào trái đất của chúng ta. Do sự cố đĩa bay, người ngoài hành tinh bị rơi xuống tại Philipin (Phi luật tân). Nhà chức trách Phi luật Tân đã bắt được một người với da dẻ kích thước, thể trọng, màu da… được báo chí diễn tả lại rất chi tiết. Những nhà bác học của Liên xô cũ bị mất tích. Giới khoa học và những nhà chuyên trách căn cứ vào một vài sự kiện và kết luận rằng: những người này do những người ngoài hành tinh bắt đi để nghiên cứu về con người trong trái đất. Kể từ đó các nhà khoa học cố tìm cho ra thế giới xa xăm của những người ngoài hành tinh, nhưng cho đến nay họ có tìm thấy tí gì về dấu vết của những con người đó chưa? Như vậy chúng ta dám khẳng định rằng không có không? Nếu không có thì tại sao họ xuất hiện trên trái đất của chúng ta? Một thế giới như vậy mà còn tìm không thấy thì làm sao thấy được cõi Cực Lạc.

Quan điểm siêu hình của Phật giáo về cõi Tây Phương

Trong thế giới siêu hình gồm có cõi chư thiên, Thế giới A tu la, địa ngục và ngạ quỉ. Đây là những thế giới mà trong kinh thường đề cập tới. Trong kinh Tam Di Đề, Tạp A Hàm…. nói về giai thoại giữa tiên nữ và tỳ kheo Tam di đề như sau: “Khi thấy tỳ kheo Tam Di Đề tắm trên một dòng sông vào buổi sớm, tiên nữ nói với tỳ kheo ấy rằng, tại sao lại bỏ hạnh phúc thực mà lại đi tìm hạnh phúc ảo”. Qua đó dẫn đến cuộc đối đáp giữa tỳ kheo và tiên nữ. Sau cùng tỳ kheo ấy dẫn tiên nữ đến gặp Phật và được đức Phật giáo hoá. Tiên nữ phát tâm quy y và làm đệ tử của đức thế tôn. Trong kinh Bát nhã kể lại câu chuyện Ngài Tu Bồ Đề ngồi nhập định không tánh, được chư thiên khen ngợi tung hoa cúng dường. Khi xả định, Ngài thấy xung quanh mình đầy hoa. Ngạc nhiên ngài hỏi: ai rải hoa xung quanh ta nhiều quá vậy? Chư thiên đáp rằng: “Ngài thuyết kinh Bát Nhã hay quá, chúng con tung hoa cúng dường”. Ngài tu bồ đề hỏi lại: “ta có nói gì đâu mà cho rằng thuyết kinh Bát Nhã ?” Chư thiên đáp: “Ngài không nói, con không nghe, đó chính là Chơn Bát Nhã”. Những việc đối đáp giữa chư thiên và đức Phật hay các thánh đệ tử trong kinh điển còn rất nhiều. Như vậy, trong các kinh, hệ tư tưởng Nguyên Thuỷ cũng như Đại Thừa, đều thừa nhận có sự hiện hữu của chư Thiên. Chính trong lịch sử của đức Phật có đoạn: sau khi thành đạo, vì nhớ đến ân sinh dưỡng của mẫu thân, hoàng hậu Ma da, Đức Phật hiện thân về cõi trời Đao lợi, thuyết pháp cho mẹ nghe. Sau khi nghe pháp xong, hoàng hậu Ma Da chứng được thánh quả.

Bên cạnh đó cũng có những cõi nước của các loài chúng sanh thấp kém hơn loài người, đó là cảnh giới của các loài sống trong địa ngục và ngạ quỉ. Chúng là những loài bị tội khổ nên mới chiêu cảm quả báo xấu. Đối với những loài như thế, mắt thường của phàm phu hay viễn vọng kính của các nhà khoa học không thể thấy được.

Như vậy, chư Thiên hay cảnh giới của Địa ngục, Ngạ quỉ là cảnh giới siêu hình nhưng không phải là không có. Muốn thấy được cảnh giới này, chỉ có huệ nhãn của Phật hay của chư thánh đệ tử chứng được thiên nhãn thông hoặc những bậc tu hành đắc đạo mới nhìn thấy được.

Thế thì, những cảnh giới, cho dù mắt thường hay viễn vọng kính của các nhà khoa học không thể thấy, nhưng dựa vào lời Phật dạy chúng ta tin là có. Trong khi cảnh giới Tịnh Độ cũng là lời Phật nói nhưng tại sao chúng ta cho là không có? Có phải vì mâu thuẫn tông phái, mặc dù thấy kết quả tốt, nhưng chúng ta lại cực kỳ bài xích về pháp môn tu cũng như cảnh giới của tịnh độ?

Lại nữa, cái gì nó cũng có nhân quả. Tu năm giới thì sinh cõi người, tu thập thiện về cõi trời. Làm nhiều điều tội ác thì rơi xuống tam đồ… thì tại sao tu niệm Phật lại không được về cõi tịnh? Đây là những điều chúng ta tự mâu thuẫn với giáo lý của Phật. Nếu theo suy lý điều này không thể có thì các điều khác cũng tương tự. Nếu không nhất quán với nhau, mai này khuyên tu năm giới thập thiện… thì ai tin tưởng để quy hướng về. Đó là một vài minh chứng về sự thật hiển nhiên cho tông Tịnh Độ.

… Tịnh Độ là một pháp môn rất thù diệu, dễ tu dễ chứng và phù hợp với mọi trình độ căn cơ chúng sanh. Chỉ cần người có lòng tin vào nguyện lực của Phật A di đà và chuyên tâm trì niệm danh hiệu Ngài thì nhất định sẽ được vãng sanh. Khi về nước Cực lạc, dù là đới nghiệp vãng sanh hay sanh vào nơi biên địa của Tịnh độ, thì điều tiên quyết nhất là chúng ta không còn rơi đoạ trong tam đồ khổ nữa, một sớm một chiều rồi cũng được hoa sen thuần hoá, hoàn toàn thanh tịnh, hội nhập trong hàng thánh chúng nơi Cực lạc tây phương.

Những điều này đã được các bậc thầy Tịnh độ tiên phong tu tập chứng đắc làm niềm tin, khích lệ cho tất cả chúng sanh đồng phát tâm tu tập, đồng được vãng sanh. Tổ Tuệ Viễn được xem là sơ tổ của Tông Tịnh độ. Người đã vì sự giải thoát an lành cho chúng sanh mà lập nên nhiều phương tiện. Lô sơn là một minh chứng, đã ghi dấu cho một bậc Tổ đức đã vì chúng sanh mà từ một viễn cảnh Tịnh độ, Ngài đã hình thành nên mật Tịnh độ hiện thực nơi chùa Đông lâm, tứ chúng đông không tả xiết đã qui kết trong tinh thần tịnh tu của bạch liên xã.

Những biện minh về thật hư của Tịnh độ nhằm xác định cho cõi Tịnh độ phương Tây trang nghiêm thanh tịnh vào bậc nhất trong mười phuơng. Học thuyết về “duy tâm tịnh độ” là một Tịnh độ triết lý, mặc dù nó là tinh hoa chuyển tải ý nghĩa thực dụng trong đạo Phật nhưng không thể khế hợp với đa dạng căn tánh chúng sanh, làm cho người bình dân phải ngán ngẫm cho đường lối hành trì đơn độc đi vào biển tâm mênh mang sâu thẳm không chỗ nương nhờ. Đó là một vách ngăn lớn, làm hụt hẫng cho những người bước chân vào cửa thiền muốn tìm một nơi nương tựa trên lộ trình giải thoát. Cho nên Tịnh độ tín ngưỡng, mặc dù là pháp môn phương tiện, nhưng đó là phương tiện thù thắng trong tất cả mọi phương tiện, nhằm đưa mọi chúng sanh đều có thể tiếp cận được với con đường giải thoát hầu đem lại lợi ích cho mình và tha nhân. “Trích Ý nghĩa vía Phật và Bồ Tát trong năm – Thích Phước Tiến”.

7 chướng ngại vãng sanh cõi Cực Lạc của người tu Tịnh độ

2. Bảy chướng Ngại vãng sanh Cực lạc

Sự cứu độ của đức Phật A Di Đà hoàn toàn vô điều kiện. Chỉ cần ta tin chắc rằng: “Mình niệm Phật nhất định được vãng sanh” là được vãng sanh. Người niệm Phật cầu vãng sanh nếu chẳng tin sâu nguyện thiết, ắt thường tự chướng ngại vãng sanh Cực lạc của mình.

Từ Chiếu đại sư nói: “Người tu Tịnh Độ khi lâm chung thường có ba điều nghi, bốn cửa ải, hay làm chướng ngại vãng sanh cực lạc, phải dự bị suy nghĩ trước để phá trừ. Bảy chướng ngại vãng sanh cực lạc gồm:

Ba điều nghi

  1. Nghi mình túc nghiệp sâu nặng, thời gian công phu tu hành ít, e không được vãng sanh.
  2. Nghi mình bản nguyện chưa trả xong, tham sân si chưa dứt, e không được vãng sanh.
  3. Nghi mình niệm Phật, Phật không đến rước, e không được vãng sanh.

Bốn của ải

  1. Hoặc nhân bị bịnh khổ mà trở lại hủy báng Phật không linh.
  2. Hoặc nhân tham sống mà giết vật mạng cúng tế.
  3. Hoặc nhân uống thuốc mà dùng rượu cùng chất máu tanh hôi.
  4. Hoặc nhân ái luyến mà tự ràng buộc với gia đình.

Bảy điều chướng ngại vãng sanh cực lạc trên đây gọi là thuyết Tam Nghi Tứ Quan, bậc trí huệ có thể suy nghĩ tìm phương pháp giải quyết. Nay bút giả xin mạn phép nói lược qua cách phá trừ để góp ý; trên cơ sở đó các bạn đồng tu với sự hiểu biết của mình, có thể suy diễn hiểu rộng thêm ra.

3. Chướng ngại vãng sanh Cực lạc: Cách phá trừ ba điều nghi

a. Phá mối nghi túc nghiệp nặng mà công tu ít

Phật A Di Đà từng có lời thệ nguyện: “Chúng sanh nào chí tâm muốn về Cực Lạc, niệm danh hiệu Ngài cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh, Ngài thề không thành Phật.” Phật không khi nào hư dối, vậy hành giả phải tin nơi đức Thế Tôn.

Mười niệm là thời gian công phu tu hành rất ít mà còn được vãng sanh, huống chi ta niệm nhiều hơn số đó. Lại dù kẻ nghiệp nặng đến đâu, như phạm trai phá giới, tạo đủ nghiệp ác, nếu chí tâm sám hối nương về Phật A Di Đà, Ngài đều tiếp dẫn.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ đã chẳng nói kẻ tạo tội nặng ngũ nghịch thập ác, khi lâm chung chí tâm niệm mười niệm đều được vãng sanh đó ư? Trong truyện Vãng Sanh, như Trương Thiện Hòa, Hùng Tuấn, Duy Cung, trọn đời giết trâu bò, phá giới, làm ác, khi lâm chung tướng địa ngục hiện, sợ hãi niệm Phật, liền thấy Phật đến rước. Cho đến loài chim sáo, két niệm Phật , còn được vãng sanh, huống chi ta chưa phải là tệ đến mức đó?

b. Phá mối nghi bản nguyện chưa trả, tham sân si chưa dứt

Bản nguyện của hành giả đại khái có hai: đạo và đời.

Về đạo, có người nguyện cất chùa bố thí hay nguyện tụng số kinh chú bao nhiêu, làm chưa tròn đã đến giờ chết. Phải nghĩ rằng: chỉ tín tâm niệm Phật, khi được vãng sanh sẽ làm vô lượng vô biên công đức, còn bản nguyện chỉ là việc nhỏ, làm xong hay chưa không mấy quan hệ, và chẳng có hại chi cả.

Về đời, hoặc có người vì nhiệm vụ gia đình chưa tròn, như cha mẹ suy già không ai săn sóc, vợ con thơ dại thiếu chỗ tựa nương, hoặc có kẻ thiếu nợ người chưa kịp trả, tâm nguyện chưa vẹn nên lòng chẳng yên. Phải nghĩ rằng: lúc ta sắp chết, dù có lo hay không cũng chẳng làm sao được. Chi bằng chuyên tâm niệm Phật, khi đã được vãng sanh Tây Phương chứng đạo quả, thì tất cả bản nguyện trái duyên đều có thể trả xong, tất cả kẻ oán người thân đều có thể cứu độ.

Lại Kinh Na Tiên nói: “Ví như hột cát nhẹ, bỏ xuống nước liền chìm. Trái lại tảng đá dù nặng to, nếu được thuyền chở, có thể đem từ chỗ này sang chỗ khác. Người niệm Phật cũng thế, nghiệp tuy nhẹ nếu không được Phật cứu độ, tất bị luân hồi, tội chướng dù nặng bao nhiêu, được Phật tiếp dẫn sẽ sanh về Cực Lạc.”

Theo đoạn kinh đây, ta thấy môn Niệm Phật là pháp có thể đới nghiệp vãng sanh, vì nhờ tha lực. Tảng đá lớn ví cho sức nghiệp nặng to, thuyền chở ví cho nguyện lực của Phật. Vậy người tu đừng nghĩ rằng mình còn tham, sân, si, e không được vãng sanh. Thí dụ trên có thể phá luôn điểm nghi về nghiệp nặng ở điều thứ nhứt.

c. Phá mối nghi niệm Phật, e Phật không đến rước

Người niệm Phật tùy theo công đức mình, khi lâm chung thấy Phật, hoặc Bồ Tát, hay Thánh chúng đến rước. Có khi không thấy chi, mà nhờ sức nguyện của mình và Phật lực thầm nhiếp thọ, thần thức tự bay về Tây Phương.

Đây là bởi công hạnh của mình có cao thấp, sâu cạn. Chỉ cần yếu lúc ấy ta phải chí tâm niệm Phật, đừng nghĩ chi sai khác. Nếu nghi ngờ sẽ tự sanh ra chướng ngại.

Tóm lại, khi lâm chung dù thấy tướng tốt hay không cũng đừng quản đến, chỉ hết lòng niệm Phật cho đến giây phút cuối cùng mà thôi.

4. Chướng Ngại vãng sanh Cực Lạc: Cách phá bốn ải

Phá chung bốn cửa ải: – nhân bịnh khổ hủy báng Phật – tham sống sát sanh cúng tế – cầu lành bịnh uống ruợu, hoặc dùng thuốc có chất huyết tanh – vì ái luyến nên tâm niệm ràng buộc với gia đình.

Người niệm Phật mà bị tai nạn bịnh khổ, đó là do nhờ công đức tu hành, nên chuyển quả nặng thành quả nhẹ, chuyển hậu báo thành hiện báo, trả cho hết để được sanh về Tây Phương. Nếu trở lại nghi ngờ hủy báng, là người kém tin hiểu, phụ ơn Phật, tự gây tội chướng cho mình. Trong sự tích Tịnh Độ có thuật chuyện ông Ngô Mao cùng rất nhiều Phật tử khác, nhờ dồn nghiệp mà sớm được vãng sanh. Vậy khi gặp cảnh này, người niệm Phật nên ý thức để hiểu rõ.

Lại thân này giả tạm, tùy theo tội nghiệp mà kiếp sống có vui khổ lâu mau. Nếu giết sanh mạng để nuôi dưỡng sanh mạng, hoặc cúng tế, thì tội khổ càng thêm nặng; phải triệt để nương theo Phật và tin chắc lý nhân quả.

Khi đau yếu chỉ cầu Phật, không nên cầu phù phép tà sư; hoặc nghe lời kẻ chưa hiểu đạo, trở lại ăn mặn, uống rượu; hay dùng thuốc bằng chất máu huyết tanh hôi. Thân này nhơ nhớp, được về cõi Phật sớm chừng nào hay chừng ấy; như bỏ chiếc áo hôi rách mặc sắc phục đẹp thơm, đáng chi phải bận lòng?

Đến như mối hại về ái luyến khi lâm chung, thì như đoạn trên đã nói. Phải nghĩ: trong gia đình từ cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái…Hết thảy đều do đời trước có nợ nần ân oán, nên mới tạm hội ngộ nhau. Khi nhân duyên đã hết thì mỗi người đi mỗi ngả. Nếu có lòng thương, tốt hơn ta nên gác bỏ tình trần cầu sanh Tây Phương, để độ tất cả kẻ oan thân.

Khi cái chết sắp đến, dù có quyến luyến cũng không thể đem theo, không làm chi được. Bởi chính sắc thân của ta còn phải tan về cát bụi. Nếu ái luyến thì đã không được vãng sanh, lại bị khổ luân hồi vô cùng vô tận.

Những điểm về Tam Nghi Tứ Quan trên đây, hành giả phải suy nghiệm ghi nhớ kỹ, để dự bị trước cho tinh thần được yên ổn trong lúc lâm chung.

Bảy chướng Ngại vãng sanh Cực lạc – Theo Niệm Phật Thập Yếu!

Bài viết cùng chuyên mục

Gặp người ăn xin có nên bố thí hay không?

Định Tuệ

Bốn Pháp bảo: Sám hối, phóng sinh, ăn chay, niệm Phật

Định Tuệ

Phê bình người xuất gia là bạn đã tạo nghiệp phỉ báng

Định Tuệ

Tu pháp môn Tịnh Độ không chỉ ra khỏi Lục Đạo mà còn thoát khỏi Mười Pháp Giới

Định Tuệ

Cách đối trị các bệnh dễ gặp khi niệm Phật

Định Tuệ

Phải biết quý tiếc phước báo của chính mình

Định Tuệ

Tập đế trong Tứ Diệu Đế: Nguyên nhân của sự khổ đau

Định Tuệ

Chúng ta phải biết học Phật là học cái gì

Định Tuệ

Mối quan hệ giữa con người và quỷ thần

Định Tuệ

Viết Bình Luận