Kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh lớn của hệ thống Kinh tạng Đại thừa Phật giáo, người trì tụng cảm được sự linh ứng của Kinh Pháp Hoa rất nhiều.
I. Cuống lưỡi không tan rã
1. Đồng Tử
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Vào đời nhà Tống, ông Thích Đạo Sanh ở xứ Bản Đường, thường tụng kinh Pháp Hoa. Có gã đồng tử theo ông xuất gia, cũng tụng kinh Pháp Hoa. Thời gian sau, đồng tử không bệnh hoạn chi, bổng chết đột ngột, ông mới đem chôn cạnh rừng. Ít lâu sau, một đêm kia, bỗng có tiếng kinh cạnh rừng ấy, người trong làng lấy làm lạ, đào lên xem, bèn gặp một cái lưỡi mọc hoa sen xanh. Nhân đó người làng mới dựng tháp phụng thờ, sau sửa sang thành một ngôi chùa đồ sộ.
2. Đầu lâu tụng kinh
(Trích từ bộ Tuyên Thất Chí)
Nhà Đường, niên hiệu Trinh Quán, có vị sư ở chùa Ngộ Chơn trên núi Vương Thuận. Ban đêm, đi qua đất Lam Khê, bỗng nghe tiếng người tụng kinh Pháp Hoa văng vẳng đằng xa. Lúc ấy trăng sao tỏ rạng, thầy mới trông ra bốn phía xa xa dài mấy mươi dặm. Vẫn im lìm vắng vẻ, không thấy ai cả. Trong lòng thấy nao nao dao động.
Về đến chùa, thầy thuật lại cho chúng tăng nghe. Qua đêm sau, chúng tăng đồng đến Lam Khê, thì nghe tiếng tụng kinh từ dưới đất phát lên, mới lấy cây cắm nêu làm dấu chổ ấy.
Rạng ngày, đào chỗ ấy lên, gặp được một bộ xương sọ (đầu lâu) trong gò đất. Xương ấy đã khô, duy còn cái môi trên môi dưới và cuống lưỡi hồng đỏ tươi thắm, các sư bèn đêm về chùa đựng trong hộp đá dể dưới hiên phía tây điện thiên Phật.
Từ đó về sau, mỗi đêm thường có tụng kinh Pháp Hoa từ trong hộp đá. Thiện nam tín nữ ở Trường An đến xem rất đông, số lượng có đến nghìn người.
Sau có vị sư ở nước Tân La đến ngụ trong chùa vừa hơn một năm. Ngày kia, chúng tăng trong chùa có việc xuống núi hết, chỉ còn vị sư ấy ở lại, ông bèn trộm lấy hộp đá mang đi. Chúng tăng theo tìm thì ông đã đem về miền Hải Đông rồi.
3. Thích Đạo Lục
(Trích từ bộ Pháp Uyển Châu Lâm)
Nhà Đường, ông Thích Đạo Tục, không biết quê quán ở nơi đâu, ở trên núi Lệ Tuyền, chuyên gồng tụng kinh Pháp Hoa đến vài nghìn biến. Niên hiệu Trinh Quán, nhân bệnh sắp chết ông dặn người bạn là Huệ Khoách thiền sư rằng:
“Tôi ở đây dù tụng kinh, nhưng ý trông mong có sự hiệu nghiệm. Vậy sau khi tôi chết, hẹn chừng mười năm thử đào mả lên xem, nếu cuống lưỡi tiêu ra, biết rằng tụng kinh không công hiệu; nếu lưỡi còn nguyên, xin dựng một cái tháp để cho người đời sanh lòng kính tin”. Sư nói rồi liền tịch.
Đến mười một năm sau, Thiền sư Huệ Khoách y lời mà đào mả lên xem, thấy thân xác đều tiêu rã chỉ còn cuống lưỡi nguyên vẹn, lại tươi thắm như của người sống. Bấy giờ, cả huyện ấy, kẻ nam người nữ đều khen ngợi, đem lưỡi đựng vào hộp đá, dựng tháp thờ ở trên gò Cam Cốc.
II. Trích lời giảng của Hòa Thượng Tuyên Hóa
Trước kia, có vị Hòa Thượng mỗi ngày đều tụng một bộ Kinh Pháp Hoa, từ trong Kinh, Ngài biết biên chép bộ Kinh này, công đức không thể nghĩ bàn, do đó, Ngài cung kính biên chép toàn bộ Kinh Pháp Hoa. Khi Ngài biên xong bộ Kinh này, thì đang lúc mùa đông, Ngài đem bút bỏ vào trong nước ngâm để rửa, thì trong nước hốt nhiên hiện ra một đóa hoa sen bằng băng đá. Đóa hoa sen bằng băng đá đó dần dần cao lớn. Do đó, Ngài tự cho mình một biệt hiệu là “Băng Liên Hòa Thượng” (Hoà Thượng hoa sen bằng băng đá), sự việc này lúc đó có rất nhiều người thấy được.
Còn có một câu chuyện, cũng chứng minh sự diệu của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Trước kia, có vị Hòa Thượng rất có địa vị tham chánh ở trong triều đình. Mỗi lần ông ta từ Chùa đến hoàng cung đều chẳng ngồi kiệu, ông ta cỡi ngựa. Mỗi lần ông ta ngồi trên lưng ngựa, thì đọc thuộc lòng quyển thứ nhất của Kinh Pháp Hoa, đến hoàng cung thì vừa tụng xong quyển thứ nhất. Ngày nào cũng thế, một ngày nọ, con ngựa đột nhiên chết, mà có nhà cư sĩ đối diện trước Chùa của ông ta, hạ sinh một bé trai. Trước khi hài nhi ra đời, thì mẹ của đứa bé mộng thấy, con ngựa của vị Hoà Thượng cỡi chui vào bụng bà ta, chẳng bao lâu thì hài nhi ra đời. Bà ta cảm thấy kỳ lạ, mới kêu người đến Chùa hỏi xem, mới biết con ngựa đó vừa mới chết. Bà ta biết đứa bé này là con ngựa đó đến đầu thai, cho nên đem đứa bé đó vào Chùa, song đứa bé đó rất ngu si, tối tăm, bất cứ dạy y đọc, hoặc viết chữ, y chẳng làm được, cho nên một chữ cũng chẳng biết. Song, có một vị Hòa Thượng dạy y đọc Kinh Pháp Hoa, thì y nhớ quyển thứ nhất rất nhanh chóng, còn những quyển còn lại y chẳng nhớ được. Vì khi y làm ngựa thì mỗi ngày vị Hoà Thượng cỡi, đều tụng thuộc lòng quyển thứ nhất, cho nên y nhớ được. Vì y nghe được Kinh Pháp Hoa, mà được đầu thai làm người, do đó đủ biết công đức của bộ Kinh Pháp Hoa này, thật là không thể nghĩ bàn.
Vào thời đại nhà Tấn, tại Vân Nam có vị cư sĩ tên là Trần Đông Viện, ông ta rất tin Bồ Tát Quán Thế Âm. Ông ta từng đến núi Phổ Đà, lễ bái đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm. Khi ông ta lạy xong, thì thấy một vị Hòa Thượng đang tụng Kinh Pháp Hoa, bèn thỉnh vị Hòa Thượng đó thế ông ta tụng Kinh siêu độ hồn của mẹ, khiến cho được lìa khỏi cảnh khổ, sớm sinh lên cõi Trời. Khi công đức viên mãn thì con bò của nhà ông ta đột nhiên chết đi. Đêm đó, con bò báo mộng cho ông ta nói :”Ta là mẹ của ngươi, vì khẩu nghiệp quá nặng, tội nghiệt quá sâu, cho nên đầu thai làm bò. Nay nhờ nhà ngươi thỉnh Pháp Sư tụng Kinh siêu độ ta, khiến cho ta lìa khỏi thân bò, nhưng vẫn chưa lìa khỏi khổ ở địa ngục, nhà ngươi hãy thỉnh vị Pháp Sư vì ta tụng Kinh siêu độ nữa” ! Trần Đông Viện lại đến núi Phổ Đà gặp vị Hòa Thượng đó, thỉnh Hòa Thượng siêu độ mẹ của ông ta nữa, vị Hòa Thượng đó tụng Kinh thì đương nhiên rất thành tâm, nhưng chứng nghiện rượu chưa bỏ được, đôi khi uống một hai ly rượu. Khi ông ta biết tình hình mẹ của Trần Đông Viện, thì rất thành tâm quỳ trước bàn Phật tụng Kinh Pháp Hoa, khi tụng đến quyển thứ tư, thì ông ta khát nước, muốn uống trà, nhưng bình trà chẳng có trà, song thấy trong ly rượu thường dùng hằng ngày lại có rượu, bèn uống hết ly rượu đó, rồi tiếp tục tụng hết bộ Kinh Pháp Hoa.
Trần Đông Viện lại nằm mộng thấy mẹ của ông ta nói :”Số là ta có thể thoát khỏi địa ngục, khi Pháp Sư tụng Kinh Pháp Hoa, từ quyển một đến quyển bốn thì trong địa ngục đầy khắp kim quang, còn có hoa sen bằng vàng sinh ra, chính lúc đó ta phải đi đầu thai, thì hốt nhiên có mùi rượu đầy khắp địa ngục, từ quyển thứ năm đến quyển thứ bảy, thì chẳng có công hiệu là bao, ngươi hãy thỉnh vị Hoà Thượng đó vì ta tụng nữa !” Trần Đông Viện lại đem tình hình trên nói với vị Hòa Thượng đó. Trước kia, vị Hòa Thượng đó cho rằng uống một hai ly rượu chẳng có quan hệ gì, khi trải qua sự việc này thì ông ta hoàn toàn bỏ rượu. Từ câu chuyện này nhìn lại thì sự diệu của Kinh Pháp Hoa không thể nghĩ bàn.
III. Khỏi nạn
1. Thích Huệ Khánh
(Trích từ bộ Pháp Uyển Châu Lâm)
Đời Tống, ông Thích Huệ Khánh, người xứ Quảng Lăng, xuất gia ở chùa Lô Sơn, học thông kinh luật, giới hạnh tinh nghiêm. Ông thường trì tụng kinh Pháp Hoa, kinh Thập Địa, kinh Tư Ích, kinh Duy Ma. Hằng đêm tụng kinh, ông thường nghe trên hư không có tiếng khảy móng tay khen ngợi.
Ngày nọ, ông đi thuyền, bỗng gặp trận giông to, mưa lớn sấm sét dữ dội, sóng dậy ba đào, thuyền lắc lư, chao đảo gần úp. Song, ông Khánh cứ mãi tụng kinh. Chợt nghe giữa dòng sông dường như có người kéo dắt, nâng đỡ, phút chốc thuyền đến bờ an toàn. Từ đó, ông Khánh lại càng gắng tinh cần hơn nữa.
2. Thích Pháp Lẩm
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Đời Lương, Thầy Thích Pháp Lẩm, họ Nghiêm, người huyện Chi Gian, xuất gia ở chùa Ngọc Tuyền, thường tụng kinh Pháp Hoa hằng ngày chỉ dùng ngọ trai, thường ngồi, không nằm. Thầy thích đi du phương, thường quảy gậy dạo khắp các miền núi non như Lô Sơn, Thai Đảnh, Hoành Lãnh, La Phủ v.v… không chỗ xa nào mà thầy không rảo bước đến; chỉ nương nơi hang sâu vực thẳm, một bề chuyên tu thiền định.
Thầy lại thường đến non Đại, phải đi ngang qua Châu Từ. Có quan huyện xét hỏi để coi thật giả, thấy Thầy chỉ đem theo có một bộ kinh Pháp Hoa, quan huyện không tin, nổi giận bắt thầy giam lại. Bảy ngày thầy không ăn, tụng kinh không ngớt. Quan huyện ngủ thấy ác mộng, bèn đảnh lễ thầy cầu xin sám hối.
Sau, thầy về ở ẩn chốn u tịch, chuyên bề thiền tụng. Đến khi mất, có mùi hương lạ ngào ngạt, phảng phất cả mười ngày mới tan.
IV. Lành bệnh
1. Người bệnh hủi
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Đời Đường, ở Bồ Châu, ông Thích Pháp Triệt tuổi trẻ mà tánh siêng năng chịu khó tụng kinh Pháp Hoa, thường đem kinh này dẫn dắt giáo hoá cho mọi người.
Trong ấp có ngài Cô Sơn, ông Pháp Triệt đến y chỉ với Ngài tu hành, sáng lập cảnh Lan Nhã. Ông từng đi các nơi, trên đường gặp một người bệnh hủi, dẫn về trong núi, đục một cái hang cho ở và nuôi dưỡng. Ông bảo người bệnh hủi tụng kinh Pháp Hoa, nhưng người ấy không biết chữ, lại thêm đần độn. Ông bèn dạy cho người ấy học từng câu, từng chữ không nệ mệt mỏi. Khi học đến quyển thứ sáu, bệnh hủi dần lành. Học đủ bộ rồi thì lông mày và tóc mọc lại, da cũng liền như xưa.
2. Bà Phí Thị
(Trích từ bộ Dị Ký)
Đời nhà Tống, có bà họ Phí, vợ của ông La Dự, người ở đất Thục Ninh. Cha tên Duyệt, làm quan Thứ sử châu Ninh. Bà Phí thuở nhỏ kính tin Tam Bảo, tụng kinh Pháp Hoa được vài năm, siêng năng không biết mỏi mệt.
Sau, bỗng mắc bệnh đau tim. Bà đóng cửa buồn rầu lo sợ, dặn dò người nhà sắm sửa đồ tẩn liệm để đợi thời. Bà Phí nghĩ rằng: “Mình tụng kinh siêng năng chắc có phước lành, hoạ may khỏi chết”. Nghĩ thế rồi an tâm nằm ngủ, chốc lát thức dậy nhưng còn mơ màng, thấy Phật bên song cửa, đưa tay rờ chỗ tim bà, bệnh liền lành ngay lúc ấy. Cả nhà bà, trai gái, tôi tớ đều thấy hào quang sắc vàng chói sáng khắp nhà, lại cũng nghe mùi hương sực nức. Em gái ông La Dự đến thăm bệnh, đang ở trước giường cũng thấy rõ rệt. Từ bấy giờ, bà Phí càng sanh tín tâm, tự răn sẽ gắng trọn đời thường đem điều đó để sách tấn dạy dỗ con cháu.
Tâm Hướng Phật/St!