Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, chúng ta thấy, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc, Hoa Nghiêm quy vào Vô Lượng Thọ.
Lại xem đoạn kế tiếp: “Xứng tánh cực đàm, Như Lai chánh thuyết”. Ở đây, chia thành mấy đoạn nhỏ; đây là đoạn thứ nhất, dùng Giáp, Ất, Bính, Đinh[2] để đánh số theo thứ tự. “Hoa Nghiêm, Pháp Hoa quân viên đốn xứng tánh chi giáo, đản kỳ quy thú khước tại bổn kinh” (Hoa Nghiêm và Pháp Hoa đều là giáo pháp Viên Ðốn xứng tánh, nhưng chỗ quy thú của chúng lại thuộc trong kinh này). Hai bộ kinh này từ xưa tới nay, vào thời đại Tùy – Đường đã được các vị tổ sư đại đức nhất trí công nhận, khẳng định là kinh Nhất Thừa. Trong giáo pháp suốt một đời của đức Thế Tôn, có tổng cộng ba bộ kinh Nhất Thừa, ngoài Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, còn có một bộ nữa là Phạm Võng. Kinh Phạm Võng ngoại trừ một phẩm Phạm Võng Bồ Tát Giới được dịch sang tiếng Hán, những phẩm khác chưa truyền tới Trung Quốc. Bộ kinh này cũng là một kinh lớn, phân lượng rất lớn, nhưng chỉ truyền sang Trung Hoa một phẩm, tức là Bồ Tát Tâm Địa Giới Phẩm. Những kinh này đều là Viên Giáo viên mãn, Đốn Giáo thành tựu nhanh chóng, thành tựu trong một đời, xứng tánh, trong ấy không có phương tiện quyền xảo, mà là thẳng chóng, thỏa đáng. Chỗ quy thú của chúng là ở trong kinh này (kinh Vô Lượng Thọ). Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, chúng ta thấy, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc, Hoa Nghiêm quy vào Vô Lượng Thọ, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong Hoa Nghiêm hải hội quy vào Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đấy là thật, chẳng giả tí nào, trong kinh đã nói rõ ràng.
“Ngẫu Ích đại sư tán bổn kinh vân: Tuyệt đãi viên dung, bất khả tư nghị” (Ngẫu Ích đại sư khen ngợi kinh này như sau: “Dứt bặt đối đãi một cách viên dung chẳng thể nghĩ bàn”). Ngẫu Ích đại sư tán thán kinh Vô Lượng Thọ viên dung đến tột bực, “Hoa Nghiêm áo tạng, Pháp Hoa bí tủy”, “áo tạng, bí tủy” (kho sâu thẳm, cốt lõi kín nhiệm) là những từ ngữ hình dung sự cao thâm, áo diệu. Đây là nói với ai? Nói với những người từ Quyền Giáo Bồ Tát trở xuống, họ không hiểu, chưa đại triệt đại ngộ, sẽ chẳng thể nhập cảnh giới này. Cảnh giới Hoa Nghiêm, cảnh giới Pháp Hoa phải là người triệt ngộ, minh tâm kiến tánh mới có thể lãnh ngộ; kẻ chưa kiến tánh còn cách một tầng! Tinh tủy sâu kín của Pháp Hoa (Pháp Hoa bí tủy) là nói về Lý trong kinh ấy. “Nhất thiết chư Phật chi tâm yếu, Bồ Tát vạn hạnh chi tư nam, giai bất xuất ư thử hỹ” (tâm yếu của hết thảy chư Phật, kim chỉ nam cho muôn hạnh Bồ Tát đều chẳng ra khỏi kinh này), chữ “thử” chỉ kinh Vô Lượng Thọ. Bồ Tát vạn hạnh là nguyên tắc chỉ đạo sự tu hành tối cao của Bồ Tát, [nguyên tắc ấy] ở trong kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ trực tiếp dạy mọi người niệm Phật sanh về Tịnh Độ, trực tiếp dẫn dắt người vãng sanh Tịnh Độ trong một thời gian rất ngắn sẽ đạt tới mục tiêu triệt ngộ tâm tánh. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đức Phật đã nói: Một người niệm Phật sanh sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, tu trong thế giới Cực Lạc đến khi minh tâm kiến tánh, tu đến mức khế nhập cõi Thật Báo Trang Nghiêm, sẽ cần thời gian bao lâu? Đức Thế Tôn bảo là mười hai kiếp. Chúng ta thấy mười hai kiếp rất dài, nhưng tại Tây Phương Cực Lạc thế giới, mười hai kiếp cũng rất ngắn, chẳng dài! Tu hành trong thế giới này, muốn tu chứng đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, quý vị thấy kinh thường nói phải mất thời gian bao lâu? Phải mất vô lượng kiếp, chẳng phải mười hai kiếp, mà là vô lượng kiếp! Tu hành trong các cõi Phật khác cần tới vô lượng kiếp, trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là mười hai kiếp, quý vị thấy thời gian đã rút ngắn bao nhiêu!
Hơn nữa, vừa đến nơi ấy, trí huệ, thần thông, và đạo lực đều giống như Thất Địa Bồ Tát. Lời này có nghĩa là gì? Ý nghĩa rất sâu, có nghĩa là nói quý vị vừa đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ có năng lực giống như Pháp Thân Bồ Tát, ngàn xứ khẩn cầu, bèn ứng hiện trong ngàn xứ. Chúng sanh nơi nào có cảm, quý vị bèn có thể tới đó giáo hóa họ, nên dùng thân gì để độ được, quý vị liền hiện thân ấy, giống như ba mươi hai ứng thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, có đại bản lãnh và thần thông to dường ấy! Quý vị phải hiểu: Những điều đó chẳng phải do chính quý vị tu được, mà do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, khiến cho quý vị khởi ra tác dụng ấy, chẳng thể nghĩ bàn! Đây chẳng phải là nói đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, chờ khi ta tu thành tựu rồi mới có thể độ chúng sanh, quý vị cứ tới đó là [sẽ độ chúng sanh] được. Trong thế giới của thập phương chư Phật không hề có [chuyện này]. “Thị cố bổn kinh xưng vi xứng tánh chi cực đàm dã” (Do vậy, kinh này được xưng tụng là lời bàn luận xứng tánh đến mức cùng cực), đây cũng là nói từ trong tự tánh của chư Phật Như Lai và A Di Đà Phật viên mãn lưu lộ. Giảng đến chỗ cùng cực, “cực” (極) là viên mãn.
Ở đây, cụ Hoàng đã trích dẫn rất nhiều. “Hựu Nhật”, “Nhật” là Nhật Bản. Cao tăng Đạo Ẩn trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Chân Giải, trong Vạn Tục Tạng có cuốn này, chúng ta có thể đọc từ Vạn Tục Tạng; trong đó có một đoạn như sau: “Ngũ Trược chi thế, tạo ác chi thời, thánh đạo nhất chủng kim thời nan tu, kỳ nạn phi nhất” (Hiện tại nay là đời Ngũ Trược, lúc tạo ác; cho nên khó tu một thứ thánh đạo vì sẽ gặp nhiều chướng nạn). Quý vị thấy trong hiện thời, đặc biệt là trong xã hội hiện tiền, đúng là Ngũ Trược đã ô nhiễm đến mức cùng cực. Ngay cả bầu trời trong xanh cũng chẳng nhìn thấy nữa! Chúng ta thấy bầu trời khói đen mù mịt, ô nhiễm đến tột cùng! Vì sao? Chúng sanh tạo ác. Hãy suy nghĩ xem có điều nào trong Thập Ác chẳng làm? Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói đôi chiều, ác khẩu, nói thêu dệt, tham, sân, si, chúng ta hãy lắng lòng suy nghĩ, quan sát cẩn thận một phen, hiện thời có người nào sống trên địa cầu chẳng tạo? Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác thảy đều tương ứng [với Thập Ác], ai nấy đều gây tạo. Quay trở lại suy nghĩ, ta có tạo hay không? Hữu ý hay vô ý cũng đều tạo, biết làm sao được nữa? Có cách nào chẳng tạo? Thưa quý vị, niệm Phật sẽ chẳng tạo nữa! Ta niệm Phật một giờ, trong một giờ ấy sẽ không tạo; niệm Phật hai giờ, trong hai giờ ấy sẽ chẳng tạo. Chẳng niệm Phật, chắc chắn sẽ hữu ý hay vô ý tạo, tập khí quá nặng mà! Do vậy, chẳng đọc kinh, chẳng niệm Phật thì làm sao được nữa? Khi đọc có thể chẳng tạo, phải biết rằng: Thời thời khắc khắc phải phản tỉnh, thời thời khắc khắc phải kiểm điểm.
“Thánh đạo nhất chủng kim thời nan tu” (hiện thời khó tu một thứ thánh đạo), thánh đạo là Phật, Bồ Tát đạo. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, tu tập bất luận pháp môn nào trong hiện tại đều khó lắm, thật là khó! Trì giới có thể không tạo nghiệp hay chăng? Thời thượng cổ thì được! Đức Thế Tôn đã nói: “Thời kỳ Chánh Pháp, giới luật thành tựu”. Người trì giới tâm địa thanh tịnh sẽ chẳng tạo nghiệp. Nay chúng ta hãy suy nghĩ: Chúng ta trì giới là tạo hay chẳng tạo nghiệp? Thưa quý vị, đại khái là chẳng tạo ác nghiệp, nhưng tạo thiện nghiệp, vẫn là tạo nghiệp! Nói cách khác, tâm quý vị vẫn chưa thanh tịnh, không thoát khỏi lục đạo luân hồi; bất quá quý vị chẳng đọa tam ác đạo, đời sau sẽ hưởng quả báo trong cõi nhân thiên. Đấy chẳng phải là ý Phật! Ý Phật là dạy chúng ta không chỉ vượt thoát lục đạo, mà còn vượt thoát mười pháp giới; đấy là niềm kỳ vọng của đức Phật đối với chúng ta. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là vượt thoát mười pháp giới, hạ hạ phẩm trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng đã vượt thoát mười pháp giới. Đấy là niềm kỳ vọng của chư Phật đối với chúng ta, chẳng thể không biết. “Kỳ nạn phi nhất” (chẳng phải chỉ là một nạn), câu này nói rất hay, đặc biệt là trong thời đại chúng ta, chúng ta mới hiểu sâu sắc, chướng nạn quá nhiều!
“Đặc thử nhất môn, chí viên cực đốn, nhi thả do kỳ giản dị trực tiệp” (chỉ riêng pháp môn này chí viên, cực đốn, lại còn đơn giản, dễ dàng, thẳng chóng). Pháp môn này tốt đẹp; trong thời đại như vậy, nếu chưa thể khiến cho cả thiên hạ đều thiện, phải làm sao cho [ít nhất] bản thân ta là thiện, đóng cửa niệm Phật tại nhà. Trước đây, tôi từng dạy người ta, người bình thường mỗi ngày kiếm tiền không nhiều lắm. Trong quá khứ, tôi giảng kinh tại Đài Bắc, người thường xuyên đến nghe kinh, gần như chẳng thiếu buổi nào, có tới mười mấy người lái taxi. Tôi từng nói đùa với bọn họ, nhưng cũng là lời chân thật, tôi nói: Các ông mỗi ngày kiếm tiền, kiếm một ngày, ăn ba ngày hay năm ngày chẳng có vấn đề gì, có thể nghỉ ngơi năm ba ngày. Một ngày kiếm tiền có thể sống đủ năm ba ngày. Tôi nói: Quý vị hãy gắng kiếm tiền một năm, có thể nghỉ ba năm, dùng thời gian ba năm để gắng công niệm Phật. Vì sao? Vấn đề ăn uống đã được giải quyết rồi! Ba năm thành công, sang thế giới Cực Lạc; nếu không thành công, quay về lái taxi tiếp, lái một năm, lại có thể nghỉ ngơi ba năm. “Đặc thử nhất môn, chí viên, cực đốn”: Ăn, mặc, đi, ở, càng đơn giản càng hay! Phật, Bồ Tát chẳng phải cầu cạnh ai trong bất cứ phương diện nào! Chẳng có! Trong Tăng đoàn nguyên thủy, Thích Ca Mâu Ni Phật chọn cách sống là khất thực, ăn Ngọ một bữa, ngủ dưới gốc cây. Người Trung Quốc thường nói: “Nhân đáo vô cầu, phẩm tự cao” (người đạt đến mức chẳng cầu mong gì, phẩm hạnh tự cao trỗi). Ngài thật sự vô cầu. Chẳng cầu cạnh thế gian, nói toàn những câu chân thật, chẳng lừa gạt người khác. Đúng là đơn giản, dễ dàng, thẳng chóng!
“Tắc xuất thế chi chánh thuyết thiên tại tư kinh, nhất đại sở thuyết quy thử kinh, như chúng thủy quy ư đại hải” (Chánh thuyết xuất thế riêng thuộc trong kinh này. Cả một đời thuyết pháp quy về kinh này, như các dòng nước xuôi về bể cả), câu sau là tỷ dụ. Chánh thuyết xuất thế thuộc riêng trong kinh này, tôi nghĩ câu nói của Thiện Đạo đại sư, chắc là đã căn cứ trên câu kinh văn này để nói. Câu danh ngôn của Thiện Đạo đại sư là: “Chư Phật sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải” (sở dĩ chư Phật xuất thế chỉ là để nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà). Mười phương ba đời hết thảy chư Phật, dùng thân Phật xuất hiện trong thế gian, nên dùng thân Phật để độ, bèn dùng thân Phật giáo hóa. Hết thảy chư Phật thị hiện thân Phật đến thế gian này để làm gì? Chỉ để nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà! Có nghĩa là gì? Nói kinh Vô Lượng Thọ. “Nhất đại sở thuyết quy thử kinh” (Cả một đời thuyết pháp quy về kinh này), trong một đời, suốt bốn mươi chín năm, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói hết thảy các kinh nhằm nói lên điều gì? Nói kinh Vô Lượng Thọ, ngàn kinh muôn luận chỗ nào cũng chỉ về. Có người chẳng ưa thích pháp môn này, không hợp khẩu vị! Đức Phật bèn tùy thuận khẩu vị của người ấy mà giảng cho kẻ ấy nghe [pháp môn thích hợp], giảng đến cuối lại quẹo trở về, quay về Vô Lượng Thọ, đấy là phương tiện thiện xảo của đức Phật. Thật vậy, lời Thiện Đạo đại sư nói chẳng sai, “chỉ để nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà”, kinh Hoa Nghiêm nói nhiều ngần ấy, đến cuối cùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Tỷ dụ [trong đoạn này] dễ hiểu, “như chúng thủy” (như các dòng nước), sông ngòi, Trường Giang và Hoàng Hà cuối cùng đều đổ vào biển cả.
“Do thử ngôn chi, bách vạn A-tăng-kỳ nhân duyên dĩ khởi Hoa Nghiêm chi điển, nhất đại sự nhân duyên dĩ thành Pháp Hoa chi giáo, diệc duy vi thử pháp chi do tự” (Do vậy, nói: Trăm vạn A-tăng-kỳ nhân duyên phát khởi kinh Hoa Nghiêm, một đại sự nhân duyên để thành kinh Pháp Hoa cũng chỉ là nguồn gốc của pháp này), nói rất hay! Vào đời Đường, các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đều phái nhiều tăng nhân (người xuất gia) sang Trung Quốc du học. Khi ấy, Thiên Thai Trí Giả đại sư và Thiện Đạo đại sư của Tịnh Tông chúng ta đều là những bậc thầy nổi tiếng. Đối với những nước nhỏ ấy, rất nhiều người sau khi trở về nước đã trở thành tổ sư đại đức, đều là học trò của Thiện Đạo đại sư hay Trí Giả đại sư. Nay chúng ta sang Nhật Bản, gần như trong mỗi ngôi chùa, quý vị đến viếng Tổ Đường, đều thấy họ tạc tượng thờ Tổ Sư là ngài Thiện Đạo hay Thiên Thai đại sư, ở Trung Quốc không có. Họ còn vẽ hình các Ngài, treo trên xà nhà. Quý vị ngẩng đầu nhìn sẽ thấy tượng vẽ hay tượng đắp [của các Ngài]. Họ vô cùng tôn trọng tổ sư, đặc biệt là Thiện Đạo đại sư đã truyền dạy Tịnh Độ Tông. Chùa miếu Nhật Bản dùng [tên hiệu của] Thiện Đạo đại sư để đặt tên chùa, gần như đến nơi nào quý vị cũng đều thấy Thiện Đạo Tự. Quý vị thấy [tên chùa] là Thiện Đạo Tự, chắc chắn là đạo tràng tu Tịnh Độ. Đối với chuyện này, trong bài tựa của lão cư sĩ Mai Quang Hy, chúng ta đọc thấy: Những vị đại đức Tăng thời Tùy – Đường đã rất nghiêm túc suy tìm trong giáo pháp cả một đời đức Thích Ca Mâu Ni Phật: Trong một đời Ngài, hết thảy các kinh do đức Phật đã nói trong bốn mươi chín năm, bộ kinh nào trọng yếu nhất, có thể đại diện cho hết thảy các kinh giáo đã nói trong bốn mươi chín năm? Mọi người cùng suy cử kinh Hoa Nghiêm, xưng tụng kinh Hoa Nghiêm là căn bản pháp luân, hết thảy các kinh giáo khác là quyến thuộc của Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm là một cái cây to, nó là căn bản, những kinh khác là cành lá trên cây ấy; nhưng Hoa Nghiêm đến cuối cùng quy vào Tịnh Độ. Do vậy, kinh Vô Lượng Thọ biến thành căn bản của căn bản, cuối cùng, kinh ấy (Hoa Nghiêm) quy vào kinh này (Vô Lượng Thọ), căn bản của căn bản. Vì thế, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, những giáo pháp Đại Thừa đều biến thành gì? Biến thành pháp dẫn khởi của kinh Vô Lượng Thọ. Đối với cách nói này, tôi bội phục năm vóc sát đất, vì sao? Vì sao tôi tin tưởng Tịnh Độ? Do kinh Hoa Nghiêm mà tin tưởng, từ kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm mà tin tưởng.
Thầy tôi khuyên tôi nên tin tưởng, tôi bề ngoài vâng lời, nhưng trong lòng chẳng phục. Đương nhiên tôi rất tôn kính thầy, nhưng vẫn ngờ vực Tịnh Tông. Lúc ấy, tôi có cách nghĩ sai lầm rất lớn, sự hiểu lầm này rất nhiều người vướng phải, ngỡ Tịnh Độ là pháp phương tiện do Thích Ca Mâu Ni Phật dùng để tiếp dẫn những bà già thiếu hiểu biết, chẳng biết pháp môn này rốt ráo là như thế nào, không hiểu! Tôi đã kể với quý vị, tôi giảng kinh Hoa Nghiêm được phân nửa, [khi đó là] lần giảng thứ nhất, [giảng] lần này là lần thứ hai. Giảng lần đầu tiên cũng giảng không ít năm, mười bảy năm đã giảng được phân nửa. Có một hôm, bỗng nhiên nghĩ: “Rốt cuộc Văn Thù, Phổ Hiền học những gì? Thiện Tài đồng tử là môn sinh đắc ý của Văn Thù Bồ Tát, là pháp tử của Văn Thù Bồ Tát, Ngài tu gì vậy?” Lật đến phần sau của Tứ Thập Hoa Nghiêm, giở đến quyển thứ ba mươi chín, thấy Văn Thù và Phổ Hiền đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, điều này khiến tôi bị rúng động rất lớn. Văn Thù là thầy của bảy vị Phật, Phổ Hiền được tôn xưng là Nguyện Vương, [các Ngài] thật sự tu [Tịnh Độ]! Trong các vị Bồ Tát, hạnh môn triệt để nhất là Phổ Hiền, Ngài đại diện cho hạnh môn. Tôi nẩy sanh lòng tin đối với Tịnh Độ là nhờ Hoa Nghiêm. Ở đây, cụ Hoàng nói: “Hoa Nghiêm, Pháp Hoa lưỡng kinh chỉ thị bổn kinh chi đạo dẫn, bổn kinh giả chánh thị nhất Đại Tạng giáo chi chỉ quy” (Cả hai kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa chỉ là pháp dẫn đường cho kinh này. Kinh này đúng là chỗ chỉ quy của cả Ðại Tạng giáo), tức là Hoa Nghiêm và Pháp Hoa nhằm dẫn khởi pháp này, pháp này là Vô Lượng Thọ kinh. Quả thật là tôi đã được [kinh Hoa Nghiêm] hướng dẫn, nên mới thật sự phát tâm học tập [pháp môn Tịnh Độ]. Chúng ta thấy một câu nói của cư sĩ Bành Tế Thanh, trong sách này cũng được lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ trích dẫn rất nhiều; ông Bành nói kinh Vô Lượng Thọ là trung bổn Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm quá dài, tôi giảng lần đầu tiên, giảng được phân nửa, sau khi liễu giải vấn đề bèn buông kinh Hoa Nghiêm xuống, chẳng giảng [Hoa Nghiêm] nữa, mà giảng kinh Vô Lượng Thọ. Tôi giảng mười lần, trước sau tổng cộng giảng từng lần một thành mười lượt, lần này là lần thứ mười một. Kinh này là trung bổn Hoa Nghiêm, chẳng khác gì Hoa Nghiêm.
“Hoa Nghiêm kinh mạt, Phổ Hiền đại sĩ thập đại nguyện vương đạo quy Cực Lạc, thị kỳ minh chứng” (cuối kinh Hoa Nghiêm, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền đại sĩ dẫn về Cực Lạc là một chứng cớ rõ ràng), chẳng giả tí nào! “Thánh giáo như chiên đàn, phiến phiến giai hương. Pháp pháp viên đốn, bổn vô cao hạ” (thánh giáo như chiên đàn, miếng nào cũng thơm. Pháp nào cũng viên đốn, vốn chẳng cao thấp), là như kinh Kim Cang đã nói: “Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”, đúng vậy, chẳng giả tí nào! Pháp không có cao thấp, nhưng người có cao thấp, do căn tánh của mỗi người khác nhau. Tiếp theo là: “Duy dĩ chúng sanh cấu trọng chướng thâm, tâm thô, trí liệt” (chỉ vì chúng sanh cấu nặng, chướng sâu, tâm thô, trí hèn), đó là có cao thấp. Vì vậy, tổ sư đại đức phán giáo, tuyệt đối chẳng phân chia theo nội dung kinh, mà phân chia theo căn tánh của con người, căn tánh nào sẽ thích hợp học tập kinh điển nào! Nói thật ra, kinh đâu có Đại Thừa hay Tiểu Thừa, đều là bình đẳng. Do vậy, cổ đức Trung Quốc đã nói: “Viên nhân thuyết giáo, vô giáo bất viên” (người viên mãn bàn về giáo pháp, giáo pháp nào cũng là viên mãn), câu này hay lắm! “Viên nhân” là người khai ngộ, người kiến tánh, dù là giáo pháp Tiểu Thừa giáo cũng nói thành cảnh giới Hoa Nghiêm. Kinh A Di Đà là tiểu bổn, mọi người thường niệm, cũng chẳng cảm thấy hy hữu, lạ lùng chi hết, nhưng bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư đã nâng kinh ấy lên cảnh giới Hoa Nghiêm. Quý vị đọc Sớ Sao, chính là như cổ đức đã nói “viên nhân thuyết giáo, vô giáo bất viên”. Liên Trì đại sư dùng “thập môn khai khải” và giáo nghĩa kinh Hoa Nghiêm để giảng giải kinh A Di Đà, đề cao địa vị Tịnh Độ Tông. Vào thời ấy, người ta khinh thường Tịnh Độ, chẳng muốn học pháp môn này, mà thích học Giáo, hay học Thiền. Liên Trì đại sư thấy rất rõ ràng: Quý vị học Giáo chẳng khai ngộ, học Thiền chẳng đắc Thiền Định. Nói cách khác, quý vị đã phí uổng tinh lực và thời gian! Do tâm đại từ bi nên Ngài khuyên quý vị niệm Phật. Quý vị coi thường Tịnh Tông, nên Ngài dùng kinh Hoa Nghiêm để giải thích. Sau khi nghe, nhận thấy [cảnh giới trong kinh Di Đà] chẳng khác cảnh giới Hoa Nghiêm, quý vị mới có thể phát khởi tín tâm, mới có thể quay đầu. Lòng từ bi vô tận!
Kế tiếp, Ngẫu Ích đại sư viết Yếu Giải. Yếu Giải không dài, nhưng đúng là danh phù hợp thật, lời chú giải của Ngài đúng là đơn giản, nhưng trọng yếu. Lão pháp sư Ấn Quang tán thán: “Dù A Di Đà Phật tái lai, tự viết chú giải kinh Di Đà, cũng chẳng thể hay hơn được!” Tán thán đến tột bậc! Xưa kia, tôi ở Tân Gia Ba, pháp sư Diễn Bồi là bạn già, có lần Sư mời tôi dùng cơm, có nhắc tới vấn đề này, hỏi tôi: “Lời tán thán ấy của Ấn Quang đại sư có phải là hơi quá lố một chút hay không?” Sư hỏi tôi như vậy. Tôi thưa: “Chẳng quá lố tí nào! Câu nào cũng là lời thật!” Hơn hai mươi năm trước, gần như ba mươi năm, tôi ở Mỹ, có một cư sĩ hỏi tôi, ông ta cũng hết sức hiếu học. Ông ta nói: “Pháp sư Tịnh Không! Nếu chỉ cho phép thầy chọn lựa một bộ trong Đại Tạng Kinh, thầy sẽ chọn bộ nào?” Tôi chẳng do dự mảy may, bảo ông ta: “Tôi chọn lựa Di Đà Kinh Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư”. Quá hay! Tôi tán thành câu nói Ấn Quang đại sư cả hai tay. Tuy văn tự không nhiều lắm, nhưng có nhiều ý tưởng trong ấy từ trước đến nay các vị tổ sư đại đức chưa hề nói đến, mà Ngài có thể nói ra, nói rõ ràng dường ấy, nói thấu triệt ngần ấy, quả thật hết sức khó có! Trong bản chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn [sách Yếu Giải] rất nhiều, chúng ta có thể đọc thấy điều này.
Tiếp đó là nêu tỷ dụ: “Cơ ngộ vương thiện, nhi bất năng xan” (đói gặp cỗ vua mà chẳng dám ăn), nói lên điều gì? Đây là nói chúng sanh thiếu phước. Không chỉ riêng đối với Thích Ca Như Lai, đây là kinh bậc nhất và pháp môn bậc nhất để hết thảy chư Phật ứng hóa trong mười pháp giới, ứng hóa trong lục đạo, phổ độ chúng sanh, nhưng kẻ ấy chẳng tin, chẳng tiếp nhận, nghe không hiểu, đúng là nghe chẳng hiểu, chẳng giả! Tôi hiểu rất rõ đạo lý này, vì sao kẻ ấy nghe không hiểu? Đối với pháp môn này, kẻ ấy hoài nghi, đó là chướng ngại. Kẻ ấy ngạo mạn, xem thường bộ kinh nhỏ này, không thèm quan tâm tới. Thiếu phước báo mà! Đưa cho hắn kinh bậc nhất của chư Phật Như Lai, hắn chưa thể tiếp nhận. Đúng là tám chữ [trong lời nhận định của cụ Hoàng] đã nói rất hay: “Cấu trọng, chướng thâm, tâm thô, trí liệt” (cấu nặng, chướng sâu, tâm thô, trí kém), đúng là giống như gặp được thức ăn của quốc vương mà chẳng dám xơi!
Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 11
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang