Tin sâu nhân quả, nhân quả này là nhân quả gì? Niệm Phật thành Phật. Chân thật mà nói là rất nhiều Bồ Tát không biết được nhân quả này.
Trong Quán Kinh đã nói, tam phước tổng cộng có ba điều, mười một câu. Điều thứ nhất là phước trời người, hay nói cách khác, bạn ở trong sáu cõi chân thật làm đến được thì bạn sẽ không mất thân người, bạn sẽ không đọa vào ba đường ác, bạn sẽ đời đời kiếp kiếp ở trời người để hưởng phước.
Câu thứ nhất là “hiếu dưỡng cha mẹ”, bạn đã làm được chưa? Câu thứ hai là “phụng sự sư trưởng”, câu thứ ba là “từ tâm bất sát”, câu thứ tư là “tu thập thiện nghiệp”. Bốn câu này ý nghĩa rất sâu, chúng ta đã từng làm qua chuyên đề diễn giảng. Bốn câu này phải ghi nhớ. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm có tương ưng với mấy điều này không? Nếu như không tương ưng thì sai. Phải thường tập tương ưng chi hạnh.
Phước thứ hai là phước hàng Nhị thừa Thanh Văn, Duyên Giác. Các vị phải nên biết, phước thứ nhất là phàm phu, phước thứ hai mới là Phật pháp, mới là học Phật. Phật pháp là xây dựng trên nền tảng của phước thế gian. Không có phước đức thế gian thì học Phật làm sao có được thành tựu? Hay nói cách khác, bạn làm người còn chưa làm được tốt thì làm sao có thể học Phật? Bốn câu này là dạy bạn làm người. Nếu như trái ngược với bốn câu này thì bạn không phải là một con người. Không phải là con người thì là súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Trong Tả truyện, sách xưa có câu nói: “Nhân khí thường tất yêu hưng”. Ý nghĩa câu nói này là gì vậy? Thường là ngũ thường “nhân-lễ-nghĩa-trí-tín”. Năm chữ này là thường đạo, làm người đều phải nên tuân thủ. Nếu như làm người mà không tuân thủ năm chữ này, đem nhân – lễ – nghĩa – trí – tín bỏ đi, làm những việc bất nhân bất nghĩa, thì người xưa nói đó là yêu ma quỷ quái, không phải là người. Cho nên, trời người đều có tiêu chuẩn đạo đức. Các vị thử nghĩ xem, bốn câu trong phước thứ nhất này, ý nghĩa của ngũ thường đều bao gồm ngay trong đó. Lấy cái này làm nền tảng để bước vào Phật pháp, lại học Phật. Cho nên, phước trời người được xếp ở bên trên phước Nhị thừa.
Phước Nhị thừa vừa mở đầu là “thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”. Ngày nay chúng ta thọ Tam quy là quy y trên hình thức, không phải thực chất. Ngày nay chúng ta thọ giới cũng là thọ giới trên hình thức, cũng không phải là chân thật. Vì sao vậy? Bởi vì bên dưới không có gốc. Nếu như nền móng xây được tốt, tam quy ngũ giới liền phát sinh tác dụng, có thể thành tựu đức hạnh. Các vị phải nên biết, Phật pháp là sư đạo, mà sư đạo là xây dựng ở trên nền tảng của hiếu đạo. Phước thứ nhất là hiếu đạo, phước thứ hai là sư đạo. Hiếu đạo không có thì sư đạo cũng không còn. Ngày nay chúng ta học Phật đặc biệt đề xướng hiếu đạo. Bạn từ nơi đó học, trở về nhà hiếu thuận cha mẹ. Bạn phải làm ra tấm gương con cái chân thật hiếu thuận cha mẹ để cho xã hội đại chúng xem, vì người diễn nói. Học vi nhân sư, hành vi thế phạm, bạn phải làm đến được, chỉ nói miệng thì không được.
Phước Nhị thừa tiếp tục nâng lên trên cao thì chính là Bồ Tát. Bồ Tát có bốn câu đều là cương lĩnh nguyên tắc: “Phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại thừa, khuyến tấn hành giả”. Bạn làm đến được bốn câu này thì bạn mới chân thật là Bồ Tát. Đó gọi là tam phước.
Thế nào là phát tâm Bồ Đề? Đại Sư Ngẫu Ích trong A Di Đà Kinh Yếu Giải nói rất hay, chân thật phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, tâm nguyện này quyết định không thay đổi, quyết định không nghi hoặc, quyết định cầu sanh thì bạn nhất định được sanh. Tâm như vậy chính là tâm vô thượng Bồ Đề. Đại Sư Ngẫu Ích nói rất hay. Trong Quán Kinh, Thế Tôn giải thích với chúng ta tâm Bồ Đề là tâm chí thành, chân tâm phát nguyện (chân tâm chính là tâm chí thành), một lòng cầu sanh Tịnh Độ (đó chính là thâm tâm, chính là hồi hướng phát nguyện tâm), một niệm liền đầy đủ, không có niệm thứ hai. Hôm nay chúng ta phải phát cái tâm này.
Tin sâu nhân quả, nhân quả này là nhân quả gì? Ngày trước tôi đã từng nói qua với các vị, tôi vì không hiểu được ý của câu này mà trong hai – ba năm, tâm tôi không được an. Chúng ta bình thường nói nhân quả báo ứng, thiện nhân – thiện quả, ác nhân – ác quả, nhân duyên quả báo không lọt mảy trần, điều này thì chúng ta biết được, chúng ta tin tưởng, không hoài nghi, chúng ta là thân phận của trời người, ngay đến Nhị thừa chúng ta cũng không thể so sánh. Chỗ hoài nghi của tôi là chúng ta đều biết được, nhưng tại sao Bồ Tát lại không biết? Cho nên, nhân quả này tuyệt đối không phải là nhân quả mà chúng ta nói. Nhân duyên quả báo mà chúng ta đã nói làm gì Bồ Tát không biết? Họ tin sâu nhân quả, đây nhất định là nhân quả đặc biệt. Vậy thì làm cho tôi hồ đồ, phải mất nhiều năm, cũng xem như được Tam bảo gia trì mới hiểu ra được. Nhân quả gì vậy? Niệm Phật thành Phật. Chân thật mà nói là rất nhiều Bồ Tát không biết được nhân quả này. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả, không cần ba A Tăng Kỳ kiếp, một đời thì thành tựu. Tận hư không khắp pháp giới trong các cõi nước chư Phật, không biết là có bao nhiêu Bồ Tát không biết được nhân quả này. Tôi mới biết được nhân quả ở chỗ này là nói cái này, không phải nói cái khác. Vậy chúng ta quay đầu xem lại, ngay trong hoàn cảnh sống hiện tại, ngay trong đồng tu chúng ta có rất nhiều người học Phật, có tham thiền, có học giáo, có trì chú, có trì giới, có rất nhiều pháp môn, nhưng bạn bảo họ niệm Phật thì họ không tin, họ không tin tưởng nhân quả này. Họ học pháp môn của họ rất chuyên cần, rất dõng mãnh tinh tấn, nhưng không chịu niệm Phật. Cho nên, người phát tâm Bồ Đề, tin sâu nhân quả thì thật là cừ khôi. Nếu họ tương ưng với hai câu nói này, đó chính là trong pháp môn Tịnh Độ đã nói, thiện căn phước đức nhân duyên ngay trong một đời này đầy đủ, cũng chính là trong Kinh đã nói là chúng sanh căn tánh chín muồi, phía sau nói “thành thục Bồ Tát vô biên thiện căn”, chín muồi rồi. Chín muồi thì ngay đời này làm Phật. Cái thân hiện nay ở trong sáu cõi là cái thân sau cùng, về sau không còn phải luân hồi ở trong sáu cõi nữa, ra khỏi rồi. Lần sau trở lại nơi đây là Bồ Tát hóa thân đến, ứng hóa đến, thừa nguyện tái lai, không phải phàm phu, làm gì như nhau chứ!
Trong phước Bồ Tát, câu thứ ba là “đọc tụng Đại thừa”. Phía trước đã nói qua với các vị, đọc tụng Đại thừa chính là đọc Kinh Vô Lượng Thọ, đọc Kinh A Di Đà. Đọc qua một biến, chư Phật Bồ Tát quán đảnh cho bạn một lần. Sau khi bạn đọc rồi thì nhất định phải y giáo phụng hành.
Câu sau cùng là “khuyến tấn hành giả”. Phải đem pháp môn thù thắng này giới thiệu cho mọi người, giới thiệu cho quần chúng rộng lớn, giới thiệu cho tất cả chúng sanh, đó là lợi tha. Cho nên, trong mười một câu này, mười câu trước là tự lợi, câu sau cùng là lợi tha. Tự độ, độ người, đó là nói bạn khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm phải tương ưng với tam phước. Đó là thường tập tương ưng chi hạnh, đó là chân thật tu Tịnh Độ.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 38
Tâm Hướng Phật/St!