Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Bịa đặt, vu khống thêu dệt và hậu quả phải gánh chịu nặng nề

Tục ngữ có câu “họa từ miệng ra”, nói năng bịa đặt, vu khống thêu dệt làm tổn thương người khác để lại vết thương lòng còn khó lành hơn cả vết thương do dao cắt.

Phật giáo có nói đến “vọng ngữ”, lời nói ngon ngọt, ton hót nịnh bợ người khác, điểm tô câu chữ hay nói lời kích bác, nhục mạ, châm chọc cho đến việc xui khiến người khác phạm tội đều gọi chung là tội vọng ngữ. Nói chung mọi lời nói khiến mình phiền não, tổn thương người khác đều là vọng ngữ.

Phạm vi ý nghĩa của “vọng ngữ” rất rộng, tuy nhiên có thể chia thành bốn loại gồm: vọng ngôn (nói lời không thực), ỷ ngữ (nói lời thêu dệt, ngôn từ hoa lệ, không đúng sự thật), lưỡng thiệt (nói hai lưỡi), và ác khẩu (nói lời thô ác).

Vọng ngôn nghĩa là nói dối, rắp tâm hại người. Ỷ ngữ là nói lời thêu dệt, thêm hoa thêm lá; lưỡng thiệt là cách nói gây li gián, đến người này nói người nọ, đến người nọ nói người này khiến họ trở thành thù địch; ác khẩu là nói lời thô thiển, xấu ác mắng chửi, làm tổn thương người khác.

Thực ra chỉ có bậc thánh mới hoàn toàn không phạm phải lỗi này, còn lại ai cũng đã phạm, từng phạm không ít thì nhiều, thậm chí là trẻ nhỏ hồn nhiên ngây thơ cũng không tránh được. Ví dụ khi bố hỏi con “con yêu ai nhất?” nếu đứa bé nhanh nhẹn, thông minh liền trả lời “con yêu bố nhất”. Khi mẹ cậu bé hỏi, cậu cũng sẽ nói “con yêu mẹ nhất”. Để lấy lòng bố mẹ, cậu bé biết cách trả lời theo cũng xem là tội vọng ngữ.

Có lúc bạn bè thân thuộc hỏi “cậu yêu ai” thì cậu sẽ trả lời cho trọn vẹn cả đôi đường là “tôi yêu bố và mẹ”. Nhưng nếu tiếp tục hỏi “trong hai người cậu yêu ai nhất?” sẽ trở thành câu hỏi khó cho cậu bé. Chúng ta không nên hỏi các em như thế, không những bất công mà còn làm cho trẻ hiểu lầm. Từ đó chúng ta thấy, từ nhỏ mọi người đã bị tiêm nhiễm thói nói không thật lòng. Tuy vô hại nhưng khi lớn lên, nó kết hợp với tham muốn tư lợi rất có thể thói quen xấu đó sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho người đó phạm tội.

Trong việc làm ăn kinh doanh, nhiều người cho rằng nếu không biết nói phô trương, khoe khoang về sản phẩm của mình thì sẽ khó bán nên họ thường giới thiệu như: “Sản phẩm của công ty tôi đặt chất lượng lên hàng đầu, có thể bán lỗ hoặc ngang vốn để lấy chữ tín của khách hàng, nếu không mua nhất định bạn sẽ hối hận” nhưng thực tế là họ thu lợi rất lớn. Đây là một trong những cách nói thiếu thành thực, bất chính và đấy chính là vọng ngữ.

Thực ra chỉ cần tiền ứng với hàng hóa là được, làm ăn buôn bán không nhất thiết phải nói dối.

Tôi có người bạn làm kinh doanh đã nhiều năm, ông tiết lộ bí mật thành công là, khi nói chuyện với bất kì khách hàng nào ông đều thành tâm thành ý, nói lời chân thực, cho đối phương biết rõ lập trường của mình.

Ông nói, ngoài chi phí nguyên vật liệu và các khoản cần chi khác để hoàn thành sản phẩm, ông nhất định cần thu thêm một khoản tiền lãi hợp lí. Ông cho rằng, chỉ cần đảm bảo doanh thu cần thiết của người bỏ vốn kinh doanh, ông không thích kiếm lời bằng cách nâng cao giá thành sản phẩm, kiếm lời bằng bất kỳ giá nào. Thế cho nên làm ăn kinh doanh cũng không nhất định phải nói dối. Bí quyết thành công lâu dài là “tiền nào của nấy” để tùy ý khách hàng chọn sản phẩm theo túi tiền, cần giữ chữ tín, đó là đạo đức nghề nghiệp, đạo đức trên thương trường.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không những cần thực hiện “không nói dối”, “không nói lời thêu dệt”, “không nói hai lưỡi”, “không nói lời thô ác” mà còn phải tập nói lời chân thật, nói lời tôn trọng, nói lời khuyến khích khen ngợi, nói lời an ủi người khác. Nếu bạn tịnh hóa lời nói của mình, nhất định cuộc sống của bạn sẽ tránh được lời đồn đại, thị phi.

Bịa đặt, thêu dệt và hậu quả phải gánh chịu

Thời Đức Phật còn tại thế, có một ông trưởng giả rất giàu có, tiền muôn bạc triệu, tài sản dùng suốt đời không hết, lại có người vợ vừa xinh đẹp vừa hiền đức, nên đã hạnh phúc lại càng hạnh phúc hơn. Nhưng niềm vui của ông ngắn ngủi, ông lập gia đình thời gian lâu sau mới sinh được một đứa con trai, ngày đứa bé ra đời ông vui mừng không kể xiết. Nhưng bất hạnh thay, đứa con ông chỉ mới khóc oe oe chào đời đã vướng phải bệnh nặng.

Theo lời thầy thuốc chuẩn bệnh thì đó là những mụn nhọt độc hại mọc trên da đứa bé khiến nó khóc cả ngày, thế nhưng danh y nào mời đến cũng đều lắc đầu chịu thua. Tội nghiệp đứa bé, rất nhiều thầy thuốc đã bó tay rồi, mà nó vẫn cứ đêm ngày khóc la vì đau đớn, cuộc sống thật là khổ sở.

Tiếng khóc gào rên rỉ của nó làm náo động tới bà con làng xóm, nên người ta đặt tên cho nó là thằng “Khóc Gào”. Gần nhà cậu có một ông hàng xóm già, nghe tiếng rên la đau đớn của Khóc Gào, trong lòng thấy bất nhẫn, bèn tìm đến nhà cậu thăm hỏi và nói với cậu rằng:

– Tôi nghe rất nhiều người về khen ngợi tán thán rằng tại Tinh xá Kỳ Viên có một vị Đại Y Vương, bệnh trên thân hoặc bệnh trong tâm của chúng ta Ngài đều có thể chữa trị được hết. Ngài có phương tiện thần thông nhiệm mầu, bệnh của cậu bé có trầm trọng đến đâu cũng sẽ tức khắc lành, cậu nên mau mau tìm đến Ngài cầu xin chữa bệnh.

Khóc Gào nghe nói thế, vui mừng vô kể, vội mang tấm thân bệnh hoạn tìm đến Tịnh xá Kỳ Viên xin được gặp đức Phật. Khi Khóc Gào nhìn thấy 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trên thân uy nghi sáng chói của Phật, cậu hân hoan tán thán ngay. Những đau đớn khổ não của cậu giảm thiểu đi rất nhiều, lập tức gieo cả năm vóc xuống đất lễ bái đức Phật.

Đức Phật từ bi chưa từng bỏ rơi bất cứ chúng sinh bệnh khổ nào, nên khi thấy Khóc Gào tới, Ngài rất hoan hỉ, bèn tuyên thuyết cho cậu những pháp môn thù thắng có năng lực diệt trừ tất cả mọi khổ não. Khóc Gào nghe Đức Phật thuyết pháp xong bèn sám hối tội lỗi. Lúc ấy nhọt độc đã hành hạ cậu trên mười năm qua lập tức tan biến, bệnh khổ của cậu hoàn toàn được tiêu trừ, nên tâm cậu sinh khởi niềm cung kính hoan hỉ chân thành, cậu bèn cầu xin đức Phật cho phép cậu được xuất gia làm tỳ kheo. Cậu tu hành tinh tiến, chẳng bao lâu đắc quả A la hán.

Các vị tỳ-kheo khác thấy tình cảnh của Khóc Gào như thế, thấy đó là điều rất hy hữu, bèn thỉnh Thế Tôn nói về nhân duyên khiến cho cậu phải chịu quả báo lúc trước. Đức Phật giảng cho các đệ tử nghe rằng:

“Vô lượng kiếp về trước, ở thành Ba La Nại có hai vị phú ông nọ. Bình thường hai người đã không ưa nhau và đố kỵ nhau, nên một trong hai người đem rất nhiều vàng bạc châu báu lên dâng tặng nhà vua. Khi nhà vua nhận những vật cống hiến của ông này rồi thì rất quý trọng ông. Vì thế khi ông này gièm siểm ông kia trước mặt nhà vua rằng:

– Người ấy vô cùng hiểm ác, thường dùng mưu độc ám hại tôi, xin Đại vương hãy nghiêm trị người ác để bảo vệ dân lành.

Nhà vua vốn đã nhận vật cống phẩm nên không còn sáng suốt nhận định, nhất nhất tin lời ông này và ra lệnh bắt giam, không đếm xỉa tới những lời biện hộ của người kia, còn đem ra tra tấn tàn khốc. Người này phải chịu tất cả những hình phạt đau đớn nhất, thương tích đầy thân như vẩy cá, phải nhờ gia đình xuất tiền chuộc tội mới được thả về nhà. Về tới nhà ông suy nghĩ không ngừng, thấy rằng con người vì có thân cho nên mới có khổ, mới bị lắm tai nhiều họa. Mình và người kia không hề có oán thù chi mà họ lại có thể hại mình đến mức thân tàn ma dại như thế này. Không lâu sau, ông bỏ gia đình vào núi tu hành và thành Bích Chi Phật.

Vị Bích Chi Phật phát tâm đại từ bi, sợ rằng người kia kiếp sau sẽ chịu quả báo đau khổ nên tới nhà người ấy thị hiện đủ loại thần thông, khiến người kia thấy những biến hóa bất khả tư nghì như thế, sinh tâm kính ngưỡng, lập tức thỉnh Bích Chi Phật lên tòa ngồi và chuẩn bị đủ loại thực phẩm đặc biệt để cúng dường và sám hối tội cũ của mình đối với Ngài.

Đức Phật nói đến đây, ngừng một lúc rồi nói tiếp:

– Các ông phải biết, người sàm tấu với vua chính là tỳ kheo Khóc Gào đã chịu khổ trong kiếp này. Sau, nhờ ân huệ của Bích Chi Phật, sám hối tội lỗi cũ, và nhờ công đức thành kính quy y Tam Bảo nên ngày nay được Như Lai cứu độ, mau đắc quả thánh. Đừng nghĩ rằng những lời sàm tấu nói ra mà không ai biết. Nghiệp tội không trốn được, dẫu trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng đã phạm tội như thế rồi mà biết sám hối thì có thể được cứu độ.

Cincà Mànavikà – Người đàn bà mắc tội vu khống đức Phật từ nhiều tiền kiếp

Sau khi Phật thành đạo, vô số chư thiên và loài người quy y theo đấng Thập Lực, cõi trời, cõi người tăng trưởng. Ðức hạnh Ngài lan xa, danh dự và lợi dưỡng càng đổ dồn về Ngài. Về phía các ngoại đạo, họ bị mất dần danh dự, lợi dưỡng, như con đom đóm mất ánh sáng dưới ánh mặt trời. Họ tập trung trên đường, kêu gọi:

– Chỉ có Cồ-đàm là Phật thôi sao? Chúng tôi cũng là Phật. Chỉ có cúng dường ông ấy mới đem lại nhiều phước báo thôi sao? Cúng dường chúng tôi cũng đem lại nhiều phước báo vậy. Nên cúng dường chúng tôi nhiều phẩm vật như thế. Nên cúng dường chúng tôi, nên xưng tán chúng tôi.

Nhưng mặc tình họ kêu gọi, cũng chẳng được danh dự và lợi dưỡng.

Họ bèn bí mật nhóm họp và bàn định “Chúng ta tìm cách bêu xấu Cồ Ðàm trước mọi người, để chấm dứt sự cúng dường, tôn vinh y”.

Lúc ấy, tại Xá-vệ có một du sĩ ni tên Cincà. Nàng rất đẹp, dễ thương, như một tiên nương, toàn thân sáng chói. Một người trong bọn ngoại đạo, bèn đưa kế hoạch “Với Cincà, chúng ta có thể bêu xấu Sa-môn Cồ-Ðàm, và chấm dứt mọi sự cúng dường cung kính đối với ông ấy”.

“Kế hoạch ấy được lắm”, cả bọn tán đồng.

Cincà đi vào tu viện ngoại đạo, chào hỏi và đứng chờ, nhưng các thầy không nói gì với cô. Cô hỏi:

– Các thầy thấy tôi có lỗi gì?

Cô hỏi ba lần, và lặp lại:

– Các Tôn Trưởng, tôi chỉ hỏi một câu. Thưa các Tôn trưởng, tôi có lỗi gì? Sao các vị không nói với tôi?

Các ngoại đạo trả lời:

– Này chị, chị có biết Sa-môn Cồ-Ðàm? Người đã làm tổn hại chúng ta, đoạt mất danh dự và lợi dưỡng của chúng ta?

– Không, thưa các Tôn trưởng, tôi không biết ông ấy. Nhưng tôi có thể giúp được gì trong việc này?

– Nếu chị muốn chúng ta thắng lợi, hãy tìm cách bêu xấu Sa-môn Cồ-Ðàm, và làm chấm dứt danh dự, lợi dưỡng của ông ấy.

– Ðược thôi, tôi sẽ làm mọi cách có thể được, đừng lo gì về việc này.

Cincà mànavikà nói xong bèn khởi sự. Cô vận dụng mọi khéo léo của một người đàn bà để đạt mục đích. Khi dân chúng thành Xá-vệ nghe pháp ở Kỳ Viên trở về, cô mặc một chiếc áo choàng màu cánh gián, mang hương hoa đi về phía tinh xá Kỳ Viên. Một người hỏi:

– Cô đi đâu vào giờ này?

Cincà đáp:

– Tôi đi đâu thì có can dự gì đến các người.

Cô trú đêm tại một tu viện ngoại đạo gần tinh xá, và sáng sớm, khi mọi người chuẩn bị đi đến tinh xá thăm Phật buổi sáng, cô sẽ trở lui ngược chiều, vào thành phố. Mọi người hỏi:

– Ban đêm cô ở đâu?

– Tôi ở đâu thì có can dự gì đến các người?

Khoảng một tháng rưỡi, khi có ai hỏi, cô đều đáp:

– Ban đêm tôi ở trong hương thất Cô-Ðàm, chỉ một mình.

Bằng cách ấy, cô gái khêu gợi sự nghi ngờ trong lòng những người dễ tin, và họ bàn tán với nhau “Ðiều đó đúng hay không?”

Khoảng ba bốn tháng, cô thắt ngay lưng một sợi dây nịt, tạo cảm tưởng rằng mình đang mang thai, cô mặc một chiếc áo đỏ, đi đâu cũng nói “Tôi sắp có con với Sa-môn Cồ-Ðàm”. Bằng cách ấy, cô lừa những kẻ ngu.

Tám, chín tháng trôi qua, cô cột một cái dĩa gỗ trước bụng, mặc áo choàng phủ lên, làm cả người có vẻ mập mạp xồ xề bằng cách lấy xương đập lên tay, chân, lưng, và ra vẻ mệt mỏi.

Chiều nọ, cô đến Pháp đường đứng trước đức Như Lai. Ở đấy trong vầng hào quang chói ngời, Ngài đang thuyết pháp.

Cincà đứng đó, mở miệng tố giác đức Thế Tôn.

– Này Sa-môn vĩ đại, quanh pháp tòa đám đông tụ tập nghe ông thuyết pháp cũng thật là vĩ đại, âm thanh ngọt ngào, miệng lưỡi ông mềm dẻo. Tuy nhiên, ông chính là người làm tôi mang thai và ngày sanh sắp đến. Ông không cố gắng tìm một chỗ cho tôi nằm, không cung cấp mật, dầu và những thứ tôi cần. Ông không làm tròn bổn phận, cũng không nói với những người hằng cúng dường ông như vua Ba-tư-nặc, hay Cấp Cô Ðộc hay bà Tỳ-xá-khư nữ thí chủ vĩ đại của ông, rằng “Hãy làm cho thiếu phụ này những gì cần cho cô ấy”. Ông biết rất rõ cách hưởng dục lạc, nhưng không biết cách chăm sóc đứa con sắp sanh.

Cô chửi mắng Thế Tôn giữa hội chúng như một người đàn bà cầm phấn trên tay tìm cách bôi bẩn mặt trăng. Ðức Thế Tôn ngừng giảng dải, khuôn mặt ngài vẫn điềm nhiên, bình thản, ngài nói:

– Này chị, những gì chị nói đúng hay sai, chỉ có tôi và chị biết thôi.

– Ðúng vậy Sa-môn cao cả kia, nhưng ai có thể quyết định giữa điều đúng và sai về chuyện mà chỉ có tôi và ông biết?

Lúc ấy, tòa ngồi của Ðế Thích nóng lên, Ðế Thích quán sát nguyên do, được biết Cincà vu khống Như Lai. Ðế Thích nghĩ “Ta sẽ làm sáng tỏ vấn đề”, và bay xuống với bốn thiên thần. Các thiên thần hóa thành chuột nhắt cắn sợi dây cột cái dĩa trước bụng Cincà, và một cơn gió thổi tung tấm áo choàng, cái dĩa rơi xuống, tiện đứt mấy ngón chân của cô.

Ðám đông la ó mắng nhiếc người đàn bà đã vu oan cho đức Phật.

Họ đánh đập nàng, ném đá, cầm gậy đuổi ra khỏi Kỳ Viên. Khi cô đi khỏi tầm nhìn của Thế Tôn, đất nứt ra một hố sâu ngay dưới chân cô, và lửa bốc lên từ địa ngục A-tỳ, cuốn cô như tấm vải đỏ úp chụp lấy thân, và cô rơi trong địa ngục A-tỳ. Từ đó, tiếng tốt và lợi lộc của ngoại đạo giảm đi, còn phẩm vật dâng đến đấng Thập Lực càng lúc càng nhiều.

Ngày hôm sau, các thầy Tỳ-kheo bàn tán ở Pháp đường.

– Chư hiền! Cincà vu khống đấng Như Lai, Ứng Cúng, đấng Thế Tôn, nên đã bị hủy diệt.

Ðức Phật đi đến và hỏi:

– Các Tỳ-kheo! Các ông tụ họp ở đây bàn tán chuyện gì?

Các thầy thuật lại, Phật dạy:

– Ðây không phải là lần đầu Cincà vu khống Ta và bị hủy diệt, trong quá khứ cô ấy cũng đã làm như vậy.

Ngài nói tiếp:

– Một vị vua không thể phạt ai khi chưa nhận thức vấn đề cho rõ, khi chưa nghiên cứu cẩn thận mọi mặt dù lớn hay nhỏ. Ngài kể lại tiền thân Ðại Liên Hoa (Mahà Paduma).

Chuyện tiền kiếp của nàng Cincà Mànavikà

Thuở xưa, Cincà Mànavikà là kế mẫu của Bồ-tát, hoàng tử Ðại Liên Hoa. Bà muốn hoàng tử gian dâm với mình, nhưng bị từ chối. Sau đó bà tự đánh đập mình, làm ra vẻ đau đớn, đến nói với vua cha:

– Hoàng tử hành hạ tôi ra thế này vì tôi không chịu gian dâm với y.

Vua nghe chuyện, hết sức giận dữ, lập tức đày hoàng tử xuống vực chết. Thiên thần đục xuyên qua núi, mang hoàng tử lên và báo cáo với long vương. Long vương mang chàng về long cung, và nhường cho một nửa vương quốc rồng. Ở đấy một năm, hoàng tử muốn xuất gia tu đạo, người lên núi Hy-mã, sống đời tu sĩ, và phát triển đại định thần thông.

Một người gác rừng thấy hoàng tử về thuật lại với nhà vua. Nhà vua đến nơi, chào hỏi và sau khi nghe kể đã đề nghị nhường ngôi cho chàng. Hoàng tử từ chối, khuyên nhà vua rằng:

– Về phần tôi, tôi không có tham vọng trị vì. Nhưng về phần đại vương, nên giữ mười điều lành, tránh xa đường xấu ác, và cai trị quốc gia mình trung chánh.

Nhà vua đứng dậy, rơi lệ và trở về hoàng cung. Vua hỏi đại thần:

– Ai đã ly gián ta với người trung trực như thế?

– Tâu đại vương! Hoàng hậu đã gây nên chuyện này.

Nhà vua bèn bắt hoàng hậu, treo cổ xuống vực chết, và cai trị vương quốc mình một cách trung chánh. Thuở đó, hoàng tử Ðại Liên Hoa chính là Bồ Tát, và kế mẫu của chàng chính là Cincà.

Nói xong chuyện tiền thân Phật dạy:

– Này các Tỳ-kheo! Những người đã phá hủy một giới, những người ấy sẽ nói dối, những người củng cố điều sai lầm, người không tin vào đời sau thì không từ bỏ điều ác nào mà không làm.

Ngài nói kệ:

“Ai vi phạm một pháp,
Ai nói lời vọng ngữ,
Ai bác bỏ đời sau,
Không ác nào không làm”

Ác báo của vu khống thêu dệt

Trích: Báo ứng hiện đời tập 5: Nhân quả giải theo Phật Giáo

Một anh bạn của tôi thuở giờ hay tạo khẩu nghiệp xấu, ưa nói dệt thêu, tung tin đồn thất thiệt, điều này càng gây nguy hại hơn khi anh làm ở lãnh vực truyền thông.

Ngày nọ, đột nhiên anh chạy đến xin lỗi tôi, vì hai năm trước đã viết bài tung lên mạng nhằm gây tai tiêng (scandal tình dục vô căn cứ) gieo hại cho tôi và khách hàng; tạo thành quấy nhiêu vô cùng khốn đốn, khiến bạn bề không dám hợp tác với chúng tôi.

Tôi rất muốn biết lý do nào đã khiến anh chịu tu sửa và thay đổi cực lớn như vậy?

Anh thành thật kể tôi nghe: Sáu tuần trước anh về miền nam tham dự tang lễ vợ bác cả là bác Thơm và sau khi biết rõ chuyện của bác Thơm anh vô cùng chấn động!

Bác Thơm có hai trai: Cậu cả giỏi giang ưu tú, mấy tháng trước trên đường lái xe về nhà thì bị tai nạn vong thân. Còn cậu út vừa tốt nghiệp đại học, không biết buồn chuyện tỉnh cảm chi đó, mà tự thiêu, chết rất thảm.

Riêng bác Thơm do bị bệnh ung bướu, phải mổ nơi cổ và lưỡi, không thể nói năng, nằm trên giường lăn lộn đau đớn, chịu đủ mài luyện. Khi bác bệnh đến thời kỳ cuối, mỗi khi há miệng ra, thối tới người người đều muốn nôn, không ai dám đến gần. Hai con trai đã chết hết, giờ tới người mẹ… Trong tang lễ, chỉ còn mỗi mình ông chồng (là bác cả) làm chủ sự, hoàn cảnh thật đáng thương.

Sau đó bác hai là em trai bác cả (bỏ quê ra đi đã mười mấy năm) bây giờ dẫn các con trở về, đến giao cho anh cả một tờ di thư (là bút tích của vợ bác hai), trong có hai hàng chữ viết bằng máu như thế này:

“Miệng hồng răng trắng, đặt chuyện xằng bậy hủy danh tiết người
Ắt phải đoạn tử tuyệt tôn, chết rồi đọa địa ngục cắt lưỡi”…

Bác cả xem thư xong, liền té quỵ xuống và bật khóc to, sau đó hướng em trai dập đầu xin lỗi, hai anh em ôm nhau cùng khóc…

Anh bạn tôi liền hỏi mẹ mình, mới biết rõ nguồn cơn:

Hồi xưa vợ bác cả vì tranh giành lòng thương của cha mẹ chồng (thầm lo ông bà gia sẽ chia nhiều tài sản cho nhà bác hai vốn ưu tú, giỏi giang) nên đã bịa chuyện phao tin đồn ác là: “Vợ bác hai tư thông với đồng nghiệp”… làm cho ba mẹ chồng hiểu lầm vợ bác hai, giữa phu thê cũng xảy ra lục đục…

Vợ bác hai bị hàm oan nên tức giận căm phẫn cực cùng, bà cắt máu tay viết di thư rồi uống thuốc rầy tự sát. Bác hai quá đau lòng, nhưng lúc đó thế lực chị dâu cả quá mạnh, khiến chuyện khó thể phân rõ trắng đen, vì vậy bác hai chưa thể công khai di thư, đành gạt lệ dẫn hai con trai còn nhỏ đi miền đông lập nghiệp, nhiều năm không trở về.

Mẹ của anh bạn tôi hồi đó cũng hùa theo phát tán tin đồn ác này, phụ họa rêu rao bêu xấu khắp thôn. Sau khi thấy quả báo giáng xuống nhà bác Thơm quá thảm, bà rất hãi hùng, lại thêm chứng kiến các con trai mình nhiều năm nay bị viêm thận, bệnh hành khổ sở, vô phương làm việc bình thường, mẫu thân bạn tôi lúc này vô cùng chấn động, bèn dẫn hết người nhà đến trước bài vị vợ bác hai, khấu đầu như tế sao, cầu xin tha thứ tội ngày xưa…

Anh bạn tôi sau khi biết rõ chuyện này rồi, tâm tư cũng bị chấn động chưa từng có. Anh nghĩ mình nhiều năm nay cũng tạo nhiều nghiệp ác khẩu không lành, còn hay viết bài trên mạng gieo rắc tai tiếng, đâm thọc, ly gián hại người… lòng rất ăn năn kinh sợ, hối hận… cho nên quyết định đến thỉnh cầu những người bị hại (trong số đó có tôi) xin tha thứ, thề từ đây quyết tâm sửa đổi”…

Mẹ tôi nghe chuyện này rồi, liền cảnh báo tôi: “Khi chọn bạn trăm năm phải hết sức cẩn thận, vì lỡ như cưới nhằm vợ không hiền, độc mồm xấu bụng, phóng túng khẩu nghiệp, ăn nói quàng xiên thì sẽ di họa đến con cháu”… Mẹ còn nhắc tôi phải luôn nhớ lời sư Chứng Nghiêm dạy: “Hãy nói như hoa thơm, đừng nói như rắn độc!”.

Những ai loạn tạo khẩu nghiệp… xin hãy xem chuyện vợ bác cả mà cảnh giác. Hiện nay bà là tấm gương kinh hoàng cho cả làng. Tôi kề ra câu chuyện này là mong bạn đọc cẩn thận giữ gìn khẩu nghiệp, tránh được sai lầm.

Tâm Hướng Phật!

Bài viết cùng chuyên mục

Giữ gìn 5 giới là gì? Lợi ích của việc giữ giới cấm trong đạo Phật

Định Tuệ

Tất cả lợi ích thế gian này không sánh bằng lợi ích do niệm Phật

Định Tuệ

Bồ tát giới là gì, có bao nhiêu giới? Thọ giới Bồ tát như thế nào?

Định Tuệ

Ta mỗi ngày tưởng A Di Đà Phật, tai nạn xảy đến cũng chẳng sợ

Định Tuệ

Pháp thập niệm ký số, niệm lâu dần sẽ được nhất tâm bất loạn

Định Tuệ

Cái gì gọi là Đại Thiện? Thế nào là Đại Ác?

Định Tuệ

Trì danh niệm Phật, không có người nào là chẳng vãng sanh

Định Tuệ

Chánh niệm lúc lâm chung, một niệm sau cùng rất quan trọng

Định Tuệ

Tuyệt đối không phải là nói một khi đã chết là hết

Định Tuệ