Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Pháp ngữ của Sư Bà Hải Triều Âm

Đạo Phật chủ trương Lý Nhân Quả. Hôm nay cử động cái miệng tưởng xong rồi thôi, nhưng mỗi lời nói có quả báo sang kiếp sau…

Luật Sadi nói: Muốn xây nhà lầu 7 – 8 tầng thì tầng cuối cùng cần phải gia cố chắc chắn. Càng muốn cao bao nhiêu thì nền móng càng phải vững, càng phải cẩn thận bấy nhiêu. Cho nên dù tới địa vị Thánh nhưng vẫn phải nghiêm giữ Giới Luật Thanh Tịnh để thay Phật thắp đèn cho thế gian.

Thầy trông mong chị em không được coi thường GIỚI LUẬT trong bất cứ trường hợp nào. Bởi vì học Giới Luật không phải bắt chúng ta vào khuôn mẫu cho đẹp mắt, để thiên hạ khen đạo Phật đẹp quá, hay quá.

Đạo Phật chủ trương Lý Nhân Quả. Hôm nay cử động cái miệng tưởng xong rồi thôi, nhưng mỗi lời nói có quả báo sang kiếp sau. Chúng ta chắp tay xá các bậc lớn, chỉ một cái xá ấy kiếp sau được hưởng quả báo lành.

Kiếp này bố thí 10 đồng, kiếp sau sẽ có 100 đồng, kiếp sau nữa có 1.000 đồng. Từ ngàn đồng ấy mình có ngàn nắm xôi cho ngàn người nghèo. Từ phúc đức chia ngàn nắm xôi ấy, lại có bao nhiêu ngàn phúc đức khác để kiếp sau nảy nở công đức, tỏa đi cho tất cả mọi người đều chung hưởng.

Trong kinh nói: “Ác nhân thị Sư”, dùng con mắt ác nhìn ông Thầy thì người ấy 80 ức kiếp ở trong địa ngục. Nếu kiếp này đã cắt phước đức của mình rồi, đã vào địa ngục thì bao nhiêu chí hướng, bao nhiêu hứa hẹn với mười phương chúng sanh làm sao thực hiện?

==> Nên ngay bây giờ oai nghi phải đầy đủ, đi đứng phải đúng pháp, chứ không phải tôi thích làm sao làm vậy.

Mở miệng ra, chân cất bước phải ở trong kỷ luật. Mỗi cử chỉ, mỗi lời nói phải nghĩ đến quả báo ngày mai. Ai hay ai dở kệ họ, việc người ta đã có Trời, có Phật soi xét, còn mình phải ăn ở cho đúng pháp. Thầy ân cần khuyên các con như thế, chớ các con chào Thầy, Thầy có béo mập lên tí nào đâu. Nhưng Thầy muốn dạy các con ăn ở nhân nghĩa để sau này cái nhân nghĩa ấy kết thành những quả ngọt, để trên đền bốn ân, dưới tỏa ra cho muôn loài chung hưởng.

Hằng ngày sống trong chúng được mọi người nhắc nhở, dù lời nói ngọt ngào hay thô tháo cũng đều giúp chúng ta quay trở lại nhìn về mình. Thế nên người thật lòng tu hành phải vui mừng đón nhận. Dù sai hay không sai cũng biết mình đã có chỗ không vừa ý chị em, không vừa lòng mọi người; tức là mình còn gai góc, còn thiếu sót.

Vì thế Luật Sadi nói: “Hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn”. Hổ rời núi rừng sẽ mất mạng. Tăng rời chúng thì không phải là Tăng nữa. Vì ở trong chúng, chị em mỗi người hai con mắt, hai cái tai; người ta thấy, người ta nghe. Nhờ hàng trăm cái gương ấy soi mình, nên mỗi khi có việc gì, mọi người sẽ có sự phản ứng khiến mình tỉnh ra quay về sửa cái sai. Nếu rời chúng, không có người thành thật nói thẳng những cái sai, làm sao sửa được mình để thành vị Tăng đúng pháp.

Khi bị la rầy, người thế gian ngã ái, ngã chấp cho là không may, là vô phước nên người ta buồn. Người tu phải đổi tầm nhìn, nghe tiếng la rầy phải biết là có phước đức mới được thiện tri thức nhắc nhở chỗ sai quấy, đưa mình vào khuôn khổ, đúng pháp đúng luật. Có giác chiếu giác tuệ, biết đây là cái may mắn của mình. Như thế mới giữ được tâm sáng suốt bình tĩnh an vui.

Khi nghe lời nói trái ý liền thọ khổ, tâm bực bội ác cảm khởi lên, ác cảm tiếng nói, ác cảm luôn người nói. Một khi có ác cảm thì dù muốn dù không trong cách đối xử với người ấy, cũng có chút chất độc thấm vào lời nói việc làm. Cái độc đối với người ta chưa thấy đâu mà mình bị tẩm độc trước, như vậy mình có bình an không?

Tự mãn, tự kiêu, tự cho mình giá trị mà chưa chắc đã thật. Vì có thể mình hay điểm này mà hư hỏng nhiều điểm khác. Nhưng người tự mãn không thấy được khuyết điểm của mình nên hại lắm. Người không tự thấy giá trị thực sự của mình, cứ tự nâng cao mình lên thì trong việc đời cũng như việc đạo sẽ ít kết quả, tu hành ít đến nơi đến chốn.

Trích trong Lăng Nghiêm Giảng Giải của Tôn Sư Ni Trưởng Hải Triều Âm!
Đi đứng nằm ngồi xin hãy thường niệm Nam Mô A Di Đà Phật!

Chớ làm các điều ác
Vâng làm các điều lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đây lời chư Phật dạy.

Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Lục đạo luân hồi là do đâu mà có?

Định Tuệ

Giới Luật là gì? Tầm quan trọng của giới luật

Định Tuệ

Vì sao chúng ta không nhìn thấy cõi ngạ quỷ? Vong linh có làm hại ta?

Định Tuệ

Tịnh độ là gì? Nguồn gốc giáo lý Tịnh độ

Định Tuệ

Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật

Định Tuệ

Phật pháp thù thắng khôn sánh

Định Tuệ

Nguyện lực độ sanh của Địa Tạng Vương Bồ Tát

Định Tuệ

Làm sao có thể cứu vãn những chúng sanh khổ nạn?

Định Tuệ

Thế giới Cực lạc ai cũng có phần, niệm Phật thành Phật không khó

Định Tuệ

Viết Bình Luận