Người chân thật tu hành, hiểu rõ được chân tướng sự thật rồi, thảy đều buông bỏ. Thân tâm thế giới tất cả buông bỏ thì không bệnh, gốc bệnh đã trừ bỏ rồi, đã nhổ được gốc, đó mới là chân thật khỏe mạnh.
Thế gian hiện tại này, toàn thế giới mọi người đều biết động loạn bất an, người người tự thấy nguy cơ, không có cảm giác an toàn, chân thật là tâm cuồng ý loạn, đau khổ không nói ra lời. Chúng ta xem thấy hiện tượng này thật đáng thương. Có phương pháp gì để giải quyết hay không? Có! Thế nhưng bạn không tin tưởng. Phương pháp gì vậy? Đọc qua Phật Kinh thì liền biết được. Thân tâm của bạn không an là vì việc gì? Mong muốn bảo hộ thân thể này, bảo hộ hoàn cảnh sống của bạn, bạn mong cầu những thứ này, bạn ở ngay đó phân biệt, bạn ở ngay nơi đó khởi vọng tưởng, bạn ở ngay nơi đó chấp trước.
Nếu như bạn có thể đem nó xả bỏ hết, như trên “Kinh Kim Cang” đã nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng, làm gì mà không bình an chứ? Nơi nơi đều bình an, bom nguyên tử nổ trên không trung cũng như xem đốt pháo bông vậy, sẽ rất bình an, không việc gì. Cho nên tất cả không được bình an đều là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chấp trước quá đáng thân thể này của chính mình, chấp trước quá đáng đời sống của chính mình, không biết được những thứ này cũng là giả.
Trên “Kinh Kim Cang” nói rất hay: “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bào ảnh”, không có thứ nào là thật. Thân này là giả, thế giới cũng là giả, ngay đến Phật pháp cũng là giả, bạn cũng không nên chấp trước Phật pháp. Phật nói rất rõ ràng: “Pháp còn nên xả, huống là phi pháp”. Chữ pháp này là Phật pháp, Phật pháp còn không được chấp trước, chữ xả này chính là không chấp trước, không vọng tưởng, không phân biệt, không chấp trước, huống hồ tất cả pháp của thế gian. Đó là Phật dạy cho chúng ta phương pháp được tự tại. Lìa khỏi tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì liền được đại tự tại. Bạn thấy chúng ta xem thấy rất nhiều người tất cả vì cái gì? Vì để thân thể khỏe mạnh, sáng sớm đi tập thể dục, ra bên ngoài chạy bộ, hoặc là múa quyền, làm rất nhiều loại vận động, mệt đến cả thân toát mồ hôi, họ cho rằng thân thể được khỏe mạnh.
Người học Phật mỗi ngày ngồi tĩnh tọa, như như bất động, gần như không có chút vận động nào mà rất trường thọ, cũng không bị bệnh. Nếu bạn muốn hỏi vì sao được vậy? Những chấp trước của thân thể, hy vọng thân thể khỏe mạnh, ngày ngày vận động, ngày ngày tẩm bổ là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, trái lại còn bổ ra nhiều rắc rối. Trong vận động lại co, lại uốn, uốn bị bong gân thì phiền phức to, phải bỏ ra nhiều thứ để bù lại. Người chân thật tu hành, hiểu rõ được chân tướng sự thật rồi, thảy đều buông bỏ.
Thân tâm thế giới tất cả buông bỏ thì không bệnh, gốc bệnh đã trừ bỏ rồi, đã nhổ được gốc, đó mới là chân thật khỏe mạnh. Bạn xem thấy Phật ở trên Kinh luận, có bộ Kinh luận nào nói Phật, Bồ Tát, A La Hán mỗi ngày phải đi vận động không? Không hề xem thấy qua. Có xem thấy Phật Bồ Tát mỗi ngày lo đi tẩm bổ hay không? Cũng không hề có. Ngay chỗ này chúng ta đọc Kinh học tập quyết định không thể lơ là, mà phải chú ý. Xem thấy Phật Bồ Tát các Ngài trải qua đời sống như thế nào? Trải qua đời sống khỏe mạnh, đời sống tự tại, đời sống hạnh phúc, đời sống an vui, chính là vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng.
Các vị phải nhớ rõ ràng, vô tướng tuyệt nhiên không phải không có cái tướng này, vậy thì bạn lại hiểu sai đi ý nghĩa. “Vô tứ tướng” là gì vậy? Là trong lòng không có bốn cái tướng này, không phải cảnh giới bên ngoài không có bốn tướng, mà trong lòng không có bốn tướng. Phật dạy chúng ta đoạn hoặc chứng chân, đó là đoạn dứt đi bốn tướng ở trong lòng, trên hình thức vẫn là có ta, có bạn, có chúng sanh, có thọ giả, mọi thứ đều có, không hề thiếu đi một thứ nào, nhưng trong lòng thì không thể có, trên tướng có thì không ngại gì.
Trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói với bạn: “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, chính là ngay chỗ này đã nói. Với tất cả pháp có được tối thắng tự tại chính là sự sự vô ngại. Do đây có thể biết, chướng ngại sanh ra ở chỗ nào vậy? Chướng ngại sanh ra ở vọng niệm. Vọng tưởng là vọng niệm, phân biệt cũng là vọng niệm, chấp trước vẫn là vọng niệm, cái niệm đó của bạn sai rồi. Buông bỏ vọng niệm, Phật liền nói với bạn chánh niệm. Chánh niệm và vọng niệm từ chỗ nào mà phân biệt? Sự việc này thì phiền phức rồi. Bạn khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, nếu như tương ưng với bốn tướng, “có ngã tướng, có nhân tướng, có chúng sanh tướng, có thọ giả tướng” thì thảy đều là vọng niệm, học Phật vẫn là vọng niệm. Khi bạn lạy Phật, ta có thể lạy, Phật là người được ta lạy, ta cung kính đối với Ngài, vậy thì bạn lạy Phật là vọng niệm, thì bạn làm sao có được thành tựu? Bước vào niệm Phật đường niệm Phật, ta niệm Phật, ta niệm A Di Đà Phật Thế giới Tây Phương Cực Lạc là vọng niệm, cho nên bạn niệm Phật công phu không có lực. Câu Phật hiệu này bạn niệm đã rất lâu, niệm được rất nhiều nhưng không niệm được tốt.
Làm sao biết được không niệm được tốt? Vẫn là có phiền não, ở ngay trong cuộc sống thường ngày đối nhân xử thế tiếp xúc mọi vật vẫn là có tham-sân-si-mạn, đây chính là công phu của bạn không có lực, phiền não ngày ngày thêm lớn, không nhìn thấy trí tuệ. Nếu như công phu của bạn có lực, thì phiền não nhẹ, trí tuệ thêm lớn, ở ngay trong quá trình tu học của bạn pháp hỉ tràn đầy.
Trong Kinh Đại Thừa thường hay nói: “Thường sanh tâm hoan hỉ”, một ngày từ sớm đến tối bạn sống trong hoan hỉ, ngay trong pháp hỉ. Các vị phải nên biết, loại pháp hỉ này nếu dùng cái nhìn của người thế tục mà nói, đó là thứ bổ dưỡng tốt nhất, không có thứ bổ dưỡng nào có thể sánh được với nó. Nghiên cứu của khoa học thế gian này vẫn chưa thể nghiên cứu ra được, bạn thấy hiện tại nghiên cứu ra bao nhiêu thứ dinh dưỡng nhưng vẫn chưa thể nghiên cứu ra được pháp hỉ, chỉ có trong Phật pháp mới có. Người xưa cũng đã từng nói qua: “Người gặp việc vui tinh thần thoải mái”. Khi con người hoan hỉ thì tinh thần lên cao, có thể không cần ăn cơm, có thể không cần ngủ nghỉ.
Hoan hỉ ở trên Kinh Phật nói với chúng ta, từ Trời Sơ Thiền trở lên thì không cần phải ăn uống, cũng không cần phải ngủ nghỉ, xả bỏ năm dục. Năm dục là tài, sắc, danh, thực, thùy. Thực là ăn cơm, ăn thức ăn; thùy là ngủ nghỉ. Năm thứ này họ đều không có, đều xả bỏ hết, đó là sơ thiền. Sơ thiền dùng thứ gì để nuôi dưỡng thân thể của chính mình? Thiền duyệt vi thực. Thiền duyệt là trong định huệ có một phần an lạc. An lạc chính là phần bổ dưỡng của họ, năm dục họ hoàn toàn không cần đến.
Trời Tứ Thiền như vậy, đời sống ở nhân gian chúng ta cũng như vậy, chỉ cần bạn đối với việc đó sanh ra hứng thú, sanh tâm ưa thích thì bạn liền có được phần bổ dưỡng đầy đủ, hiện tại cũng có người gọi là “năng lượng”, đều có thể có được. Danh từ thì khác nhau nhưng cái muốn nói chỉ là một sự việc. Cho nên, Phật dạy chúng ta đời sống phải ở trong hoan hỉ. Thế nhưng chúng ta một ngày từ sớm đến tối âu sầu, một ngày từ sớm đến tối khổ não. Phật dạy chúng ta hoan hỉ, chúng ta làm thế nào hoan hỉ lên được? Đó là sự thật. Tại vì sao Phật hoan hỉ đến như vậy? Tại vì sao Bồ Tát hoan hỉ đến như vậy?
Khi bước vào cửa Phật, bạn nhìn thấy vị thứ nhất là Bồ Tát Di Lặc. Xây dựng của đạo tràng Phật giáo chánh quy thì cái thứ nhất là Điện Thiên Vương. Bạn bước vào cửa lớn của Điện Thiên Vương, vị ngồi ngay trong đó là Bồ Tát Di Lặc, một ngày từ sớm đến tối cười thật tươi. Ngài dạy bạn điều gì? Dạy bạn thường sanh tâm hoan hỉ. Đem tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông bỏ thì hoan hỉ. Bạn xem thấy sơn hà đại địa, vô số chúng sanh, những hiện tượng này thì ra đều là chư Phật Bồ Tát biến hóa tạo tác ra. Đó là thật, không phải là giả. Bạn xem người này thì ưa thích họ, còn người kia thì bạn chán ghét họ, bạn không hề xem thấy chân tướng sự thật, bạn xem thấy đều là vọng tướng. Từ trong những vọng tướng này sanh khởi vọng tâm, trong Kinh Luận của Tướng Tông đã nói là “trùng trùng tâm sanh”.
Trùng trùng tâm là tâm phân biệt, tâm chấp trước. Trùng trùng tâm sanh thì liền đem hiện tượng bên ngoài chuyển biến, cảnh tùy tâm chuyển, tướng là tùy tâm chuyển. Đó là cạn mà dễ thấy, rất đáng tiếc là bình thường chúng ta lơ là qua loa. Bạn thấy người hoan hỉ thì khuôn mặt của họ có tướng hoan hỉ, họ đang nổi giận phẫn nộ thì bạn cũng xem thấy cái tướng phẫn nộ đó, vậy thì tướng không phải là tùy theo tâm bạn chuyển hay sao? Tâm bạn thanh tịnh thì hiện ra cái tướng thanh tịnh, tâm địa của bạn ô nhiễm thì hiện ra cái tướng ô nhiễm, rõ ràng dễ thấy. Cho nên, Phật nói: “Tâm sanh pháp, pháp sanh tâm”.
Tâm sanh pháp, cái tâm đó là chân tâm; pháp sanh tâm, cái tâm đó là vọng tâm. Phật Bồ Tát cùng chúng sanh khác nhau chính ngay chỗ này. Các Ngài ở trong tất cả cảnh giới có thể làm chủ được, không bị cảnh giới mê hoặc, vậy mới gọi là giác ngộ. Người giác ngộ mới được tự tại, mới có thể trải qua đời sống bình thường. Đời sống bình thường chính là đời sống của Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát là ai vậy? Chính mỗi chúng ta. Cho nên, chúng ta học Phật thì phải học từ đời sống của Phật Bồ Tát.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 57
Tâm Hướng Phật/St!