Giúp đỡ người khác nên lấy điều gì làm chủ? Giúp họ khai trí tuệ, nên lấy điều này làm chủ. Đây mới là từ bi cứu giúp chân thật, thật sự giúp họ lìa khổ được vui, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi…
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Chúng tôi vì mọi người giới thiệu Cảm Ứng Thiên. Toàn bài văn này không dài, chỉ có hơn một ngàn chữ. Về phần phân đoạn, chúng tôi căn cứ theo Cảm Ứng Thiên Vựng Biên để giới thiệu. Hầu như mỗi câu đều có chú giải, dẫn chứng rất tường tận. Đây là một bộ sách hay, rất hiếm có. Số thứ tự mà mỗi lần tôi báo cáo với quí vị chính là thứ tự đã được sắp xếp trong Vựng Biên.
Kinh văn đoạn thứ 22: “Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu”. Tám chữ này trước đây khi tôi giới thiệu, đã từng sắp xếp thành một phân đoạn. Phần trước nói “Chánh kỷ hóa nhân”, đây là hóa tha. “Chánh kỷ hóa nhân” là câu đầu tiên trong hóa tha, là nói tổng quát. Trở về sau thì liệt kê các khoa mục cặn kẽ hơn. Đoạn thứ hai mươi hai này là nói về hành nhân, cũng chính là nói làm sao thực hiện nhân từ, nhân ái. Ở đây trích dẫn việc thi hành biện pháp chính trị của người xưa: “Sự cai trị của Văn Vương cũng chẳng ngoài xót thương những người cô quạnh.”. Ngôn ngữ rất đơn giản, thật sự phù hợp với yêu cầu của thời xưa là giản – yếu – tường – minh. Bốn chữ này đã hoàn toàn nói ra đường lối, mục đích trị quốc của Chu Văn Vương rồi. Thương xót những người già, trẻ em và người cô quả, khiến họ có thể tránh được một số lo buồn khổ nạn, được an dưỡng tuổi già, đây là nền chính trị nhân từ. Làm người lãnh đạo của một quốc gia mà có thể thi hành nền chính trị nhân từ, đây chính là Thánh vương. Từ đó suy ra, quan chức địa phương cũng phải biết đạo lý này, thúc đẩy nền chính trị nhân từ.
Ở trong nhà Phật chúng ta, Thế Tôn dạy nhân sĩ tham gia công tác chính sự. Trong Kinh Phật có một bộ Kinh Nhân Vương Hộ Quốc, Kinh này ở trong bộ Bát Nhã. Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật, trước đây chúng tôi cũng đã từng giảng qua. Quản lý đất nước, lãnh đạo quần chúng, việc cần phải làm là những việc nào? Phật cũng đem lòng thương xót, cứu tế những cô nhi quả phụ già yếu, tàn tật, không có người chăm sóc, phải đặc biệt thương yêu họ hơn nữa, đặc biệt quan tâm đến họ, hiện nay chúng ta gọi là sự nghiệp phúc lợi xã hội, sự nghiệp phúc lợi người già. Mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều đang tiến hành rất nghiêm túc. Những điều này đều được nói đến ở trong đoạn này.
Tiếp theo nói: “Chí của Phu Tử cũng chẳng ngoài yêu già, quan tâm trẻ”. Khổng Phu Tử là nhà giáo dục lớn của phương Đông chúng ta, Ngài cũng dạy chúng ta mỗi một việc này. Từ đó cho thấy, đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian đều dạy chúng ta sự việc này, nhất là ở trong Phật pháp dạy nhân quả. Chúng ta không tôn kính người già, không yêu thương người già, không chăm sóc người già, vậy thì thử hỏi xem, bản thân chúng ta có bị già không? Bản thân chúng ta khi già rất mong có người trẻ chăm sóc, được hầu hết mọi người tôn trọng. Phật ở trong Kinh thường dạy chúng ta “tin sâu nhân quả”. Ý nghĩa của lời nói này rất sâu xa, chúng ta cần nên thể hội thật sâu. Tôn trọng người khác chính là tôn trọng chính mình, yêu thương người khác chính là yêu thương chính mình, chăm sóc người khác chính là chăm sóc chính mình. Ở đây điều quan trọng nhất là tâm chân thành, đây chính là Bồ-tát đạo.
Phật ở trong Kinh luận dạy Bồ-tát sáu cương lĩnh tu học. Sáu nguyên tắc này, danh từ trong Kinh Phật gọi là “sáu Ba La Mật”. Thông thường trong lúc giảng Kinh chỉ đem sáu danh tướng này mô tả sơ qua một chút là xong rồi, để người nghe thấy tưởng đúng mà lại sai, giống như hiểu rồi, nhưng thực ra một chút cũng không hiểu. Sáu cương lĩnh này, Thích-ca Mâu-ni Phật thuyết pháp 49 năm, ngày ngày đều giảng. Từ đó cho thấy, ý nghĩa của nó rất sâu rộng. Điều quan trọng nhất là phải thực hiện sáu cương lĩnh này.
Thứ nhất là “Bố thí”. Đối với những người già không có người chăm sóc, chúng ta phải đặc biệt quan tâm họ. Quan tâm là bố thí, bố thí tâm thương yêu, bố thí tâm từ bi. Bố thí tâm thương yêu, bố thí tâm từ bi, bố thí tâm chân thành, bố thí tâm thanh tịnh, những loại bố thí này rất ít người nói đến. Chúng ta chỉ biết nhìn thấy họ không có quần áo mặc thì đi mua mấy bộ quần áo tặng họ, họ không có gì để ăn thì chúng ta tặng họ một ít lương thực, chứ chúng ta không có cho tâm yêu thương chân thành, cho nên công đức này làm sẽ không viên mãn. Không những là không viên mãn, nói thực ra là không có công đức. Những việc mà chúng ta làm là thuộc về phước đức, phước đức này vẫn không phải phước đức viên mãn, vì ở trong phước đức viên mãn là có tâm yêu thương chân thành. Bố thí chăm sóc, từ bi cứu tế chân thật.
Vì sao họ phải chịu những khổ nạn này? Người học Phật chúng ta rõ ràng, sáng tỏ, con người đến thế gian này là do hai loại nghiệp lực. Một loại là dẫn nghiệp, dẫn dắt chúng ta đến cõi người để đầu thai. Đây là do trong đời quá khứ giữ ngũ giới rất tốt, chúng ta nương vào điều này mà được thân người. Tuy được thân người nhưng quả báo cả đời của mỗi người không giống nhau. Quả báo là thuộc về mãn nghiệp (chữ mãn của viên mãn). Mãn nghiệp là nghiệp thiện ác mà trong đời quá khứ đã tạo. Dung mạo đời này của chúng ta, tình trạng sức khỏe cơ thể, đời sống vật chất, đời sống tinh thần, các loại điều kiện khác nhau là thuộc về mãn nghiệp. Dẫn nghiệp của những cô nhi, quả phụ này giống với chúng ta là đều được thân người, nhưng mãn nghiệp thì không như nhau. Điều này ở trong Kinh luận Phật nói rất nhiều rồi. Họ bần cùng không có của cải, nguyên nhân là không tu bố thí tài, tham lam, keo kiệt cho nên chịu quả báo bần cùng. Họ không có trí huệ, không có năng lực mưu sinh độc lập là do đời trước không có tu bố thí pháp. Cơ thể không khỏe mạnh, nhiều bệnh là do không tu bố thí vô úy. Từ quả, chúng ta phải nhìn thấy nhân. Từ tư tưởng, ngôn hạnh, tạo tác hiện nay của họ (hiện nay là đang tạo nhân), chúng ta sẽ biết quả báo tương lai của họ. Đạo lý này nói sâu thì rất sâu, nói cạn thì cũng rất cạn. Đạo lý và sự thật cạn cợt thì chúng ta có năng lực cảm nhận được; những đạo lý và sự thật sâu hơn nữa, người sơ học chúng ta không thể thể hội được. Tóm lại, sáu cõi, mười pháp giới, thậm chí là Phật pháp nói Nhất Chân Pháp Giới cũng không lìa nhân quả. Cho nên nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”, không thể xa lìa định luật nhân quả. Nếu chúng ta muốn sống thật khỏe mạnh, thật mỹ mãn thì phải tu nhân. Giúp đỡ người khác nên lấy điều gì làm chủ? Giúp họ khai trí tuệ, nên lấy điều này làm chủ. Đây mới là từ bi cứu giúp chân thật, thật sự giúp họ lìa khổ được vui, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, không tạo ra những phiền phức sanh tử này nữa, đây là bạn thật sự cứu giúp họ. Không phải thiếu quần áo thì tặng quần áo cho họ mặc, thiếu ăn thì tặng thức ăn cho họ, vậy thì bạn cứu họ chỉ nhất thời, chứ không thể cứu nổi vĩnh viễn. Bạn giúp họ đời này, đời sau thì họ làm thế nào? Phật Bồ-tát giúp tất cả chúng sanh khổ nạn này so với điều mà chúng ta tưởng tượng là hoàn toàn khác nhau. Nền giáo dục của nhà Phật là dạy người hiểu rõ nhân duyên quả báo, biết tình cảnh của chúng ta hiện nay là do nhân duyên gì tạo thành, dạy chúng ta phải dùng phương pháp như thế nào để điều chỉnh, để cải thiện. Đây mới là cứu giúp đích thực. Nếu không hiểu rõ lý luận và sự thật về nhân duyên quả báo thì việc đoạn ác tu thiện rất khó làm được. Không nên nói chúng ta cứ đi khuyên người khác, người ta không dễ dàng làm theo được, bản thân chúng ta cũng phát tâm xuất gia rồi, mặc vào bộ đồ của người xuất gia, hằng ngày chúng ta có đang cần mẫn đoạn ác tu thiện hay không? Không có! Tập khí ác vẫn từng ngày đang tăng trưởng, không hề giảm bớt. Nguyên nhân gì vậy? Chưa thấu triệt đạo lý về nhân quả. Cho nên, học Phật không phải là việc dễ dàng.
Tôi học Phật, so với người bình thường rất là may mắn, gặp được duyên tốt, rất thù thắng. Khi còn trẻ, tôi gặp được một vị trưởng lão cao niên là lão cư sĩ Chu Kính Trụ. Lúc đó tôi 26 tuổi, còn ông khoảng chừng 70-71 tuổi, cùng tuổi với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Ông tặng tôi một cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn. Tôi học Phật, bộ sách đầu tiên chính là Liễu Phàm Tứ Huấn, tôi bắt tay làm từ nhân quả. Tôi đã đọc mấy chục lần, tin sâu không nghi, bắt rễ từ trên tin sâu nhân quả. Sau đó mới biết tập khí tật xấu phải điều chỉnh, phải đoạn. Thuận theo tập khí phiền não của mình thì hậu quả không thể tưởng tượng. Có thể đem những tập khí tật xấu này sửa đổi lại triệt để thì tiền đồ là một vùng sáng lạn.
Ứng dụng của Liễu Phàm Tứ Huấn chính là Cảm Ứng Thiên. Thiền sư Vân Cốc đã tặng cho tiên sinh Liễu Phàm quyển Công Quá Cách. Công Quá Cách là dựa vào Cảm Ứng Thiên để lập ra, cho nên Cảm Ứng Thiên là sự ứng dụng nhân duyên quả báo nói ở trong Liễu Phàm Tứ Huấn. Chúng ta nhìn thấy ở trong Liễu Phàm Tứ Huấn, khi ông làm huyện trưởng ở Bảo Để, ông thúc đẩy nền chính trị nhân từ, chính là điều mà chỗ này nói. Bản thân ông sống đặc biệt tiết kiệm, dùng bổng lộc của mình để giúp đỡ những người cô quả bần cùng, nhận nuôi những cô nhi, những đứa trẻ có tố chất thông minh thì mời thầy đến chỉ dạy chúng, những đứa trẻ có bẩm tính chậm chạp thì giúp chúng học một số kỹ năng, để khi chúng lớn lên tinh thông được một nghề, có thể mưu sinh, có thể sống tự lập. Đây mới là cứu giúp thật sự. Cho nên, bố thí mà Thánh nhân thế xuất thế gian làm thuần túy là bố thí pháp. “Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện” quí vị đều đọc qua, Kinh Kim Cang mọi người cũng đọc rất thuộc, trong đó Phật nói bố thí mà có thể tính đếm, bố thí tài, bố thí bảy báu trong đại thiên thế giới thì công đức cũng không lớn bằng bố thí bốn câu kệ ở trong Kinh. Đây là đạo lý gì vậy? Bố thí cúng dường bảy báu trong đại thiên thế giới chẳng qua chỉ là nuôi thân mạng mà thôi, không liên quan gì với huệ mạng. Bố thí tài thì chỉ nuôi thân mạng của bạn được một đời cơm no áo ấm, bạn chỉ có thể có được sự hưởng thụ về vật chất, không thể liễu sinh tử, không thể xuất tam giới. Còn bố thí bốn câu kệ trong Kinh Phật, nếu bạn thật sự sáng tỏ, thật sự thông đạt rồi thì quả thật có thể chuyển cảnh giới, thật sự đúng là có thể giúp bạn siêu phàm nhập Thánh, vĩnh viễn thoát khỏi sinh tử luân hồi. Đây là đại bố thí, sao có thể sánh bằng?
Hiện nay quí vị đồng tu đều biết thế gian này có tai nạn. Hôm qua còn có người hỏi tôi tai nạn này là có thật không? Có phương pháp nào tránh khỏi không? Phương pháp thì có rất nhiều, có thể hoàn toàn không bị tai nạn này. Phương pháp gì vậy? Nâng cao cảnh giới của chính mình thì sẽ tránh được thôi. Hiện nay bạn ở nhân gian phải chịu tai nạn, nếu như cảnh giới của bạn vừa nâng lên đến thiên giới thì tai nạn này sẽ không liên quan gì với bạn. Nếu như nâng cao lên thêm đến cảnh giới A-la-hán, cảnh giới Bích-chi Phật, cảnh giới Bồ-tát thì bạn liền có năng lực cứu khổ cứu nạn, bạn làm sao bị tai nạn này được? Cho nên tôi nói, chúng ta sinh ra ở thế gian này, đối với người tu hành chúng ta mà nói, đó chưa chắc là việc xấu. Khi không gặp phải những tai nạn này, chúng ta vẫn chần chừ do dự, vẫn nghĩ rằng ngày nay qua rồi còn có ngày mai, năm nay qua rồi còn có năm sau, nên cứ từ từ. Hiện nay gặp phải sự việc này, biết không tích cực nghiêm túc nỗ lực thì không được, cái này thuộc về nghịch tăng thượng duyên, có thể đem cảnh giới của chúng ta nâng cao lên với tốc độ nhanh trong thời gian ngắn, đây là sự việc tốt.
Chúng ta muốn nâng cao cảnh giới, nhưng không thể nâng lên được, nguyên nhân vì sao vậy? Chấp trước không buông xả; thị phi, nhân ngã, tham-sân-si-mạn là những trở ngại. Nếu như có thể đem những thứ này buông xả thì nâng cao không khó. Khó ở chỗ là bạn không chịu buông xả tự tư tự lợi, không chịu buông xả chấp ngã kiên cố. Loại chấp trước kiên cố này giống như nước đóng băng vậy. Chúng ta thường nói: “Băng đóng ba thước không phải do cái lạnh của một ngày”. Chấp trước kiên cố của chúng ta là đóng băng từ vô lượng kiếp đến nay. Chúng ta biết, đóng băng không phải là thật, gặp phải hơi ấm thì nó liền tan chảy ngay. Hơi ấm là gì vậy? Trí huệ. Trí huệ vừa khai, liền tan chảy. Ngày nay chúng ta chấp trước kiên cố là trí huệ của chúng ta chưa mở. Đại Sư Chương Gia dạy tôi, nhìn thấu là trí huệ, buông xả là công phu. Chưa có trí huệ, bạn chắc chắn không thể buông xả. Buông xả giúp bạn khai trí huệ, trí huệ lại giúp bạn buông xả; nhìn thấu thì buông xả, buông xả thì nhìn thấu. Trong Bồ-tát đạo, từ sơ phát tâm mãi cho đến Như Lai địa, các Ngài dùng phương pháp gì vậy? Chính là phương pháp này. Từ đó cho thấy, chúng ta học Phật, điều quan trọng nhất là thật làm. Ta biết được bao nhiêu thì ta làm bấy nhiêu. Khi bạn làm được thì trí huệ bạn khai mở. Trí huệ mở rồi thì có thể làm được nhiều thêm một phần. Hai phương pháp này mãi mãi đang luân chuyển, đang bổ sung cho nhau, đem cảnh giới của chúng ta nâng cao lên. Không chịu buông xả là việc tồi tệ nhất. Dù có trí huệ, trí huệ của bạn dừng ở chỗ này rồi, không còn nâng cao thêm nữa. Vì vậy không ngừng buông xả, bạn cũng sẽ không ngừng tăng thêm trí huệ. Đạo lý này nhất định phải biết, nhất định phải cần mẫn nỗ lực mà làm.
Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 30