Từ bi nhất định phải có trí huệ thì từ bi của bạn mới có tác dụng ở mặt chánh. Nếu từ bi mà không có trí huệ, nếu làm việc bằng tình cảm thì phiền phức sẽ rất lớn.
Thông thường chúng ta cúng dường một vị Phật, hai vị Bồ-tát. Phật thì đại biểu cho tự tánh viên mãn, Bồ-tát là đại biểu từ thể khởi tác dụng. Giống như việc chúng ta cúng dường hình tượng Tây Phương Tam Thánh, Quan Thế Âm Bồ-tát đại biểu cho từ bi, Đại Thế Chí Bồ-tát đại biểu cho trí huệ, từ bi nhất định phải có trí huệ thì từ bi của bạn mới có tác dụng ở mặt chánh.
Nếu từ bi mà không có trí huệ, nếu làm việc bằng tình cảm thì phiền phức sẽ rất lớn. Nhà Phật thường nói “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, đồng thời cũng nói “từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”. Vì sao mà lại có họa hại hạ lưu vậy? Từ bi mà không có trí huệ thì họa hại hạ lưu liền theo đến, cho nên không thể nào không có Đại Thế Chí. Không có Đại Thế Chí thì Quan Âm Bồ-tát cũng sẽ hại người, việc này nhất định phải nên biết. Đại Thế Chí Bồ-tát đại biểu cho lý trí mà người chúng ta hiện nay nói, không phải tình cảm.
Từ bi là lòng yêu thương chân thật, lòng yêu thương phải có trí huệ, phải có lý tánh, không thể nào dùng tình cảm để làm việc. Bạn xem ba tôn tượng này cúng dường ở nơi đó, là thời thời khắc khắc nhắc nhở chính mình, nhất định phải áp dụng thực tiễn vào trong đời sống thường ngày. Bạn chân thật đã làm được rồi, vậy thì thân phận của chúng ta là như thế nào? Là sự dung hợp của Di Đà – Quan Âm – Thế Chí, thảy đều dung hợp vào trong bản thân mỗi một người chúng ta thì biểu hiện và hành vi trong cuộc sống thường ngày đối với người với việc với vật có gì là mê tín chứ?
Trong những đồ dùng để cúng Phật thì nước là quan trọng nhất. Nước đại biểu cho điều gì? Đại biểu cho thanh tịnh bình đẳng, là Bồ-đề tâm. Nhìn thấy ly nước thì tâm của ta phải thanh tịnh, tâm của ta phải bình đẳng, thanh tịnh bình đẳng là chân tâm, biểu thị cái ý này, không phải là Phật Bồ-tát cần nước để uống. Vì vậy không được cúng trà, nước trà thì có màu sắc, không thanh tịnh, nhất định phải cúng nước trong.
Cúng đèn, hiện nay rất nhiều người dùng đèn điện, ngày trước thì dùng đèn dầu, dùng đền cầy, đèn biểu thị điều gì? Biểu thị quang minh, trong quang minh còn có ý nghĩa rất sâu, “đốt cháy chính mình, soi sáng cho người”. Vì vậy đèn đại biểu cho việc chúng ta vì xã hội mà phục vụ, vì chúng sanh mà phục vụ, xả mình vì người. Dầu thì càng đốt càng hao, ánh sáng thì càng ngày càng mãnh liệt, bạn phải hiểu được cái ý này.
Nếu không thì việc đốt đèn của bạn cũng vô ích, thắp đèn thì có lợi ích gì chứ? Đèn cầy là rõ ràng nhất, đại biểu cho việc đốt cháy chính mình soi sáng cho người khác. Cúng hoa, hoa là đại biểu cho nhân, bạn xem thực vật trước là nở hoa sau mới kết thành quả, hoa tốt thì quả nhất định sẽ tốt. Hoa đại biểu cho điều gì? Cho thiện hạnh, bạn hành thiện trên thế gian này chính là hoa, hoa của bạn tốt thì tương lai sẽ có quả tốt, thiện nhân thì có thiện quả, ác nhân thì ắt có ác báo.
Cho nên hoa và quả đại biểu cho nhân quả, dạy bạn nhìn thấy cúng hoa cúng quả thì bạn liền nghĩ đến nhân quả, có nhân ắt có quả, có quả thì phải có nhân. Chúng ta trong cuộc sống thường ngày khởi tâm động niệm đối người đối việc đối vật phải nghĩ đến việc ta phải trồng nhân tốt thì ta mới có quả báo tốt. Nếu ta trồng nhân ác thì tương lai sẽ có ác báo, đạo lý là như vậy, không có cái gì mà không phải là biểu pháp. Ngay cả kiến trúc cũng đều như vậy, bạn nhìn xem đại điện nơi cúng Phật, bạn thấy bên ngoài có hai tầng, bên trong là một tầng.
Bởi vì sao có kiến trúc như vậy? Đại biểu Phật pháp là nhị đế viên dung, bên ngoài mà nhìn thì có chân tục nhị đế, chúng ta thì gọi là có thế gian pháp có xuất thế gian pháp; bên trong thì thế gian và xuất thế gian là một không phải hai. Bạn xem cái ý nghĩa này sâu biết bao, không có sự sắp xếp nào là tùy tiện cả, sự bài trí đều có ý nghĩa rất sâu của nó. Sau khi bạn chân thật biết được tự viện là viện bảo tàng giáo dục của Phật, bạn đi vào trong đó để tham quan, đi một vòng thì bạn liền giác ngộ, bạn không còn mê nữa.
Hiện tại thì rất ít người hiểu, thực tại mà nói rất ít người chăm chỉ đọc đại kinh, kinh Đại Thừa đều có nói đến. Đặc biệt là chú sớ của cổ Đại đức sợ chúng ta xem không hiểu, xem không rõ ràng, các Ngài đều làm chú giải tường tận. Trong Kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao của đại sư Thanh Lương, Kinh Hoa Nghiêm Hợp Luận của Lý Trưởng Giả, Kinh Địa Tạng thì chúng tôi thường trích dẫn chú giải của Pháp sư Thanh Liên, ý nghĩa sự biểu pháp này đều được nói rất rõ ràng.
Phật dạy chúng ta niệm niệm không quên, thời thời khắc khắc phải áp dụng thực tiễn giáo huấn của Phật Bồ-tát thành tư tưởng, kiến giải, ngôn ngữ hành vi của chúng ta, vậy thì chúng ta thật sự được thọ dụng, việc học Phật này không vô ích. Nếu bạn có thể y giáo phụng hành, cũng chính là Khổng Tử đã nói “học rồi thường luyện tập không phải vui lắm sao”. Bạn nhất định sẽ pháp hỷ sung mãn, cuộc đời này của bạn nhất định là hạnh phúc mỹ mãn, xa lìa ác nghiệp, xa lìa tai họa.
Con người bất luận là người ở địa phương nào, bất luận là dân tộc nào, bất luận là tôn giáo nào thì đều có ý nguyện tránh họa cầu phước. Tránh họa cầu phước đều nằm trong sự giáo dục của Thánh Hiền, chúng ta thật sự chịu học, thật sự có thể áp dụng thực tiễn thì cuộc đời này của bạn sẽ lìa xa được tai họa, thường gặp được sự tốt lành. Đây chính là vì sao phải phát Bồ-đề tâm, phải phát chân tâm.
Xã hội ngày nay có sự chướng ngại đối với người phát tâm, vả lại còn chướng ngại một cách nghiêm trọng, các loại ngoại duyên vô cùng nhiều. Mọi người thường nói, ta dùng tâm tốt đối với người, người ta lại không lấy tâm tốt hồi báo lại ta, ta vẫn phải dùng tâm tốt đối với người sao? Các vị nghĩ thử xem có cần hay không? Cần, vẫn là phải dùng tâm tốt để đối với người. Vì sao vậy? Tâm tốt về sau sẽ có quả báo tốt, người khác dùng tâm bất thiện đối với ta thì họ sẽ không có quả báo tốt, bạn lắng lòng mà suy nghĩ, họ sẽ không có quả báo tốt.
Vậy nếu ta cũng giống như họ, họ dùng tâm bất thiện đối với ta, ta cũng dùng tâm bất thiện đối với họ, vậy thì quả báo trong tương lai của chúng ta cũng sẽ giống như họ, vậy thì sai rồi. Chúng ta đối với chân tướng sự thật rõ ràng minh bạch, không thể giống như họ được. Bất luận là người nào, bất luận họ dùng tâm thái không tốt như thế nào đối với ta, chúng ta vẫn dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, bình đẳng đối với họ, lấy đại từ đại bi đối với họ, lâu ngày chầy tháng thì họ sẽ bị cảm động, họ sẽ quay đầu.
Việc này cần phải có thời gian, không thể nói hôm nay ta đối với họ tốt thì ngày mai họ liền quay đầu, không mau như vậy, đại đa số là phải 1-2 năm họ mới cảm động. Có một số người phiền não rất sâu nặng thì phải cần đến 10 năm, 20 năm họ mới hồi đầu, thậm chí sâu nhất là đến khi nào hồi đầu vậy?
Là đến lúc lâm chung. “Một người nào đó thật tốt, cả đời này tôi đều không tốt đối với họ”, đến lúc lâm chung mới giác ngộ, cũng không phải là trễ. Cho nên nhất định phải dùng thiện tâm đối với người, cảm hóa thời gian dài, vậy thì bạn đã thật sự độ được một người. Giúp đỡ một người phá mê khai ngộ, giúp một người lìa khổ được vui, đây là việc tốt, đây là việc làm của chư Phật Bồ-tát, chúng ta nhất định phải khéo học, học tập cho thật tốt.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 345
Tâm Hướng Phật/St!