Hỏi: “Chư tổ dạy: “Pháp môn tịnh độ là pháp môn tha lực”. Vậy việc Vãng sanh hoàn toàn do Đức Phật quyết định phải không thầy?
71- Hỏi: “Chư tổ dạy: “Pháp môn tịnh độ là pháp môn tha lực”. Vậy việc Vãng sanh hoàn toàn do Đức Phật quyết định phải không thầy?
Đáp: Đúng pháp môn Tịnh độ là pháp môn tha lực có nghĩa là nhờ (dựa vào) sự tiếp dẫn của Phật. Nói việc vãng sanh hoàn toàn do đức Phật quyết định là không đúng. Có cảm (tự lực) mới có ứng (tha lực) chứ? Đúng nghĩa hữu cầu tất ứng, có cầu (tự lực) mới có ứng (tha lực) chứ? Vậy thì có tự lực mới có tha lực phải không?
Đành rằng Pháp Nhiên Thượng nhân dạy: “Vãng sanh là việc của Phật làm (tha lực)”. Vì đây là bổn nguyện của Phật, nhưng Ngài cũng dạy tiếp “Niệm Phật là chuyện của mình phải làm (tự lực)”. Mình có niệm Phật (tự lực), Phật mới tiếp dẫn (tha lực) chứ! Trong ba kinh Tịnh độ (Kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ) đã nói rõ đức Phật tiếp dẫn vãng sanh (tha lực) có điều kiện là phải niệm Phật (tự lực). (Xin hãy đọc kỹ Phần III, điều kiện vãng sanh và lý do không vãng sanh).
Đành rằng tự lực không chưa đủ phải nhờ thêm tha lực, nhưng không có tự lực thì làm gì có tha lực!
Niệm Phật là nhân, vãng sanh thành Phật là quả, không có nhân làm sao có được quả? Để tránh hiểu lầm (thiên kiến) chư Tổ cũng dạy; “Pháp Môn Tịnh độ là Pháp môn Nhị lực (Tự lực + tha lực)”.
72- Hỏi: Niệm Phật lai rai Như Lai cũng độ, niệm Phật tà tà Di Đà cũng rước, đúng không thầy?
Đáp: Quan niệm này hết sức tiêu cực. Nên nhớ nhân nào quả nấy, nhân chắc quả mới thật, hình thẳng bóng mới ngay. Hình cong vạy mà muốn bóng ngay thẳng, thật vô lý, không bao giờ có.
Kiếp (đời) sau của con người, do một niệm sau cùng trước giờ lâm chung quyết định (cận tử nghiệp). Muốn được vãng sanh Cực Lạc, phải đạt một trong ba điều kiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
1- Niệm Phật đạt Nhất Tâm Bất Loạn (Kinh A Di Đà).
2- Niệm Phật đạt Bất Niệm Tự Niệm (Kệ Niệm Phật).
3- Niệm Phật thuần thục (hạt giống lớn mạnh đủ khả năng khởi hiện hành trong sát na cuối cùng cuộc đời) (Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ).
Còn việc niệm Phật tà tà Di Đà cũng rước, không hẳn tuyệt đối là không, nếu nhân Tịnh nghiệp nhiều đời nhiều kiếp đến lúc chín mùi, hành giả phát khởi được câu Phật hiệu thì vẫn được vãng sanh, nhưng trường hợp nầy muôn ức ức người chưa có một, chớ có ảo tưởng phiêu lưu!
Bằng như không đạt được một trong bốn điều kiện trên, sát na cuối cùng chủng tử ác nghiệp phát khởi, liền theo nghiệp về cảnh giới tương ứng như sân (địa ngục), tham (ngạ quỷ), si (súc sanh). Hết sức hiểm nguy!!!
73- Hỏi: Người hấp hối vào nhà vãng sanh ở để được Ban hộ niệm, hộ niệm cho, như vậy có chắc chắn vãng sanh không?
Đáp:
– Nhà vãng sanh là nơi có đầy đủ phương tiện để giúp bệnh nhân đạt được điều kiện vãng sanh chứ không phải vào đó ở rồi được vãng sanh, đây chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh, chớ nên hiểu lầm.
– Ban hộ niệm, hộ niệm hay trợ niệm cũng chỉ tạo cơ hội, tạo duyên nhắc nhở giúp bệnh nhân niệm Phật để được vãng sanh. Đây chỉ là tạo duyên mà thôi.
– Bệnh nhân không chịu niệm Phật giả như Đức Phật có hiện ra cũng chịu thua (không vãng sanh) huống hồ gì phàm phu hộ niệm.
– Nên biết bệnh nhân chịu niệm Phật theo Ban hộ niệm phải là người đã trải qua quá trình công phu dù chưa nhập tâm nhưng cũng khá lắm rồi.
Niệm Phật là nhân, vãng sanh là quả. Nhà vãng sanh, Ban hộ niệm chỉ là phương tiện, là duyên không phải là nhân nên không thể nào thành quả được.
Nhiều người vì quá nhiệt thành trong việc muốn giúp người được vãng sanh mà lầm hiểu, lại khiến nhiều người khác mê lầm theo, nhận phương tiện làm cứu cánh, bỏ qua cơ hội vãng sanh, thật đáng tiếc, tội này không phải là nhỏ, nên thận trọng!
Trong hai mươi điều khó làm, đức Thế Tôn dạy người tu phải vượt qua, điều thứ hai mươi là “Khéo biết phương tiện”. Vậy hành giả phải sáng suốt, không chấp thủ, nhận rõ gì là phương tiện để vượt qua hầu đạt tới cứu cánh.
Đức Thế Tôn dạy: “Kia đó trượng phu, ta đây cũng vậy”, không tự ty, mặc cảm. Hành giả Tịnh nghiệp chuyên tu phải dõng mãnh tinh tấn niệm Phật theo đúng lời chỉ dạy của chư Tổ để đạt Nhất Tâm Bất Loạn hay ít nhất Niệm lực được tương tục (Bất niệm tự niệm) hầu tự bảo đảm vãng sanh, là chánh, là tốt nhất. Còn việc vào ở nhà vãng sanh, để được trợ niệm là phụ, là thứ yếu, vạn bất đắc dĩ, vớt vát mà thôi.
74- Hỏi: Xin thầy nói rõ hơn sự phân biệt giữa ba cách trì danh: Kim cang trì, mặc trì và ý trì, và sự lợi ích của ý trì.
Đáp:
– Kim cang trì và mặc trì đều là niệm thầm (không ra tiếng), niệm bằng miệng (gọi là khẩu trì), nhưng kim cang trì còn nhép môi, còn mặc trì thì không nhép môi.
– Ý trì cũng niệm thầm (không ra tiếng), nhưng niệm bằng ý (không phải niệm bằng miệng như kim cang trì hay mặc trì). Ý trì ban đầu còn yếu không nghe tiếng, sau lớn mạnh thì có tiếng, lúc bấy giờ nghe tiếng không phải nghe bằng lổ tai, nhĩ căn, nhĩ thức mà nghe bằng tánh nghe (thường gọi là tánh trong căn).
Trong Tuyết Hư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập Ngài Lý Bỉnh Nam nói: “Ý trì vẫn có tiếng”. (Hãy đọc kỹ Phần IV, Cách trì danh).
– Lợi ích của ý trì:
a. Trong suốt thời gian ý trì nhất định không có vọng niệm. Vì ý bận niệm Phật làm sao có niệm gì khác được (Tâm vô nhị dụng nghĩa là tâm một lúc không thể làm hai việc), như vậy là tu chỉ của Thiền. Lắng lòng nghe rành rẽ rõ ràng danh hiệu Phật là tu quán rồi. Ý trì là chỉ quán song tu của Thiền. Do vậy Kinh Đại Tập dạy: “Pháp môn Tịnh độ (niệm Phật) là Vô thượng thâm diệu Thiền” (là Thiền thâm sâu, vi diệu, cao nhất).
b. Ý căn và nhĩ căn xoay vào trong (hướng nội) để niệm Phật và nghe danh hiệu Phật không để chúng rong ruổi (hướng ngoại) theo ngũ dục lục trần, là nhiếp được hai căn chủ tể nhạy bén nhất của sáu căn. Sáu căn dung thông nhau, viên thông được một là viên thông cả sáu (nhất tu nhất thiết tu, thành tựu một là thành tựu tất cả).
Quán Thế Âm Bồ Tát chỉ tu nhĩ căn được viên thông mà thành tựu quả vị Đẳng Giác Bồ Tát. Hành giả ý trì (niệm Phật bằng Ý) là hành đúng phương cách Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm nối tiếp đắc Tam Ma Địa (đắc định, Nhất Tâm Bất Loạn) bậc nhất, chẳng cần phương tiện gì khác tự được khai tâm (khai mở trí tuệ).
75- Hỏi: Ý trì có phải trụ tâm ở đâu không? Có nhiều Thầy dạy trụ ở nhiều nơi khác nhau trên thân, hoặc trên hình tượng Phật. Kính xin Thầy minh xác việc này.
Đáp:
1- Không trụ mà trụ, trụ mà không trụ, như sau:
a. Kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” nghĩa là không trụ vào đâu cả mà sanh tâm (làm các việc). Kinh Bát Nhã dạy: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không…”. Nghĩa là thấy năm uẩn đều không, đã là không thì lấy gì, lấy chỗ nào để mà trụ (không trụ). Hành giả dùng ý niệm Phật một cách nghiêm túc (không đùa giỡn), bình thường (không vội vã, hấp tấp), thanh thản (không mong cầu), nhàn nhã (buông xả vạn duyên, không bân rộn dính mắc gi cả, tâm không, tâm vô sự). Đó là không trụ (vô trụ). Mà “Trụ” là sao? Dùng ý niệm Phật nghĩa là cột ý vào danh hiệu Phật, có nghĩa là trụ trên danh hiệu Phật. Hai ý trên là nghĩa câu thứ nhất “Không trụ mà trụ”.
b. Trụ mà không chấp tướng, không trở ngại đường tu, trái lại đem lại nhiều lợi ích, là hoà nhập ý (tâm) với danh hiệu Phật (theo Kinh Niệm Phật Ba La Mật danh hiệu Phật là biểu tượng Pháp thân Phật) làm một, đúng nghĩa kinh Quán Vô Lượng dạy: “Tâm làm Phật, Tâm là Phật”. Tông Cảnh Lục cũng nói: “Nhất niệm tương ưng, nhất niệm Phật”. Trong kinh A Di Đà Yếu giải Liên Tông cửu Tổ Ngẫu Ích đại sư cũng nói: “Ngay khi niệm Phật mình đã là Phật rồi”. Đây là nghĩa câu thứ hai “Trụ mà không trụ”.
2- Trụ nhiều nơi khác nhau trên thân.
a. Theo cơ thể học, tập trung ý nghĩ (trụ) ở đâu máu sẽ tụ hội về nơi đó. Nếu trụ ở đầu thì thì dễ bị nhức đầu, (lên máu).
b. Ý đang niệm Phật lại phải nghĩ trụ ở nhiều nơi nhất định nào đó, là bị phân tâm làm sao tiến tới Nhất Tâm được. Bởi vậy chư Tổ dạy niệm Phật phải chuyên tâm nhất ý là vậy.
c. Minh Tuệ tôi chưa thấy Kinh Phật hay chư Tổ nào dạy như vậy. Thành thật mà nói là tôi không rõ việc này.
3- Nếu đặt danh hiệu Phật ở nhiều nơi trên hình tượng Phật, rồi tưởng tượng danh hiệu ấy nổi lên mà niệm, thiết nghĩ đây là pháp quán tưởng trì danh, Minh Tuệ hành trì pháp nhiếp tâm trì danh, không có kinh nghiệm về pháp quán tưởng, nên xin phép không có ý kiến.
76- Hỏi: Phật tử có bị bắt buộc phải tham dự tất cả các buổi giảng pháp của pháp sư không?
Đáp: Không bắt buộc. Trước tiên hành giả phải biết Pháp sư giảng đề tài gì, thuộc tông phái nào: Thiền, Tịnh, Mật…!
1- Nếu đề tài Tịnh độ thì hành giả Tịnh độ nên cố gắng tối đa đến tham dự để học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm hành trì.
2- Nếu đề tài không phải Tịnh độ mà Thiền, Mật thì:
a. Nếu hành giả đã công phu đắc lực, có định lực, vững đủ niềm tin Tịnh độ (tối thiểu cũng đã đạt Bất Niệm Tự Niệm sâu nghĩa là không gì lay chuyển nổi) thì nên tham dự để trang nghiêm đạo tràng (giúp đạo tràng càng đông người, tạo thêm niềm tin cho thính giả). Bồ Tát hạnh đấy.
b. Nếu là hành giả sơ cơ, chưa đạt được trình độ trên (Bất Niệm Tự Niệm sâu) thì không được tham dự. Tại sao?
Chư Tổ Tịnh độ dạy: “Người tu Tịnh độ không nên nghe lời khai thị của các thiền sư”. Vì sao? Vì tuy rằng mục đích chung cuộc là một: Giác ngộ, giải thoát, nhưng lý luận, phương cách hành trì ban đầu trái khác nhau.
Thiền Tông là Pháp Tánh Tông (lý), còn Tịnh độ Tông là Pháp Tướng Tông (sự). Thiền Tông từ cửa KHÔNG (vô môn) mà vào.Tịnh độ Tông từ cửa CÓ (hữu môn) mà vào đạo. Vì trái ngược nhau như vậy, tham dự vô ích, lại mất đi thời khóa công phu của mình, không khéo sẽ bị lung lạc, nghi ngờ, thối thất Bồ đề tâm, mất đi cơ hội Vãng sanh Cực Lạc thành Phật độ chúng sanh. Nên hết sức thận trọng!!! Như vậy ngồi nhà niệm Phật hữu ích hơn.
77- Hỏi: Thầy nói vậy thì hạnh “Hằng thuận chúng sanh” thì sao?
Đáp: “Hằng thuận chúng sanh” là hạnh thứ chín trong Mười Nguyện Phổ Hiền, đây là cách nói với Pháp thân đại sĩ. Phàm phu chúng ta cũng nên học theo. Buông bỏ vọng tưởng phân biệt và chấp trước, tất cả đều tùy thuận người khác. Trước khi tùy thuận, nhất định phải quan sát kỹ lưỡng, nếu là thiện pháp, như lý, như pháp thì mình tùy thuận, nếu là ác pháp, không như lý, không như pháp thì tuyệt đối không tùy thuận. Tùy thuận phải dùng lý trí xét đoán, không thể riêng dùng tình cảm. Đáp án ghi trên là tùy thuận rồi đó.
78- Hỏi: Ba má con nay trên bảy mươi tuổi rồi, không tin Phật, con khuyên niệm Phật chẳng những không làm mà còn bị mắng. Vậy con phải làm sao?
Đáp: Đức Phật dạy: “Tùy duyên chứ đừng phan duyên”. Tùy duyên mới được tự tại. Bậc cha mẹ thường nghĩ là mình bao giờ cũng giỏi hơn con cháu, nên ít khi chịu nghe lời khuyên (khẩu giáo) của con cháu. Việc này không dễ, phải nhẫn nhục, kiên trì nổ lực không ngừng.
Bạn nên cố gắng miên mật (không gián đoạn) hành trì đúng lời chỉ dẫn trong sách này, công phu đắc lực đạt Bất Niệm Tự Niệm từ đó có những điểm lợi sau đây:
a. Tự tạo được từ trường tốt chuyển hóa dần dần tâm của song thân.
b. Nhờ công đức danh hiệu Phật thân tâm bạn chuyển đổi tốt, có thể làm gương mẫu cho mọi người (thân giáo), nhờ đây song thân bạn sẽ nhận ra lợi ích của sự niệm Phật, tự động nghe lời khuyên của bạn.
c. Bạn đã có công đức, hồi hướng công đức tu hành cho song thân.
d. Nếu đủ phước và ý chí bạn tiến tu đạt Niệm Phật Thành một khối (một phiến, một mãng). Pháp sư Tịnh Không nói: “Đây là tiểu chứng, dùng công đức tu hành này hồi hướng cho cửu huyền thất tổ mình đều được siêu thăng”. Vậy là độ cha mẹ là quá dễ.
e. Bằng không, thì vãng sanh Cực Lạc rồi trở về Ta Bà báo hiếu, cứu độ song thân sau.
79- Hỏi: Hai vợ chồng con và mấy đứa con của con đều niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc, duy có một đứa làm ăn khá giả, nó không chịu niệm Phật cầu vãng sanh. Con khuyên không được vậy phải làm sao thầy?
Đáp: Đức Phật dạy: “Người tu phải vượt qua hai mươi điều khó”. Điều khó thứ nhì:
Giàu sang học đạo là khó. Vì họ cảm thấy họ đang ăn ngon, mặc đẹp, ở sang muốn gì được nấy họ cảm thấy thỏa mãn, hạnh phúc quá rồi đâu cần gì nữa. Họ nào có biết đâu ngày nay giàu sang, học giỏi là nhờ kiếp trước khéo tu bố thí tài và bố thí pháp. Người có phước hưởng hết phước liền bị đoạ. Phước cõi người đâu bằng phước cõi Trời, Tiên hưởng hết phước vẫn bị đọa.
Họ lại lầm nghĩ rằng, kiếp này họ chẳng làm ác, kiếp sau sẽ sanh trở lại làm người. Họ đâu biết rằng trong lúc làm giàu không cố ý thì là vô tình họ đã tạo nhiều ác nghiệp. Mặc khác, kiếp này được làm người là nhờ giờ phút cuối cùng của kiếp trước nhân thiện đến lúc chín mùi. Trong lúc đó còn có rất nhiều ác nghiệp còn tiềm phục trong tạng thức. Biết đâu những hạt giống ác nghiệp kiếp trước và kiếp này chín mùi ngay trước giờ phút lâm chung thì tức khắc bị đọa vào ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
Bởi vậy Đức Phật dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Đức Phật đưa ra hai thí dụ:
1- Người chết được lại thân người như đất dính ở đầu ngón tay (quá ít), còn mất thân người (bị đọa ba đường ác, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh) như đất ngoài đại địa (thật quá nhiều, không biết bao nhiêu lần mà kể).
2- Rùa mù chui vào bọng cây. Con rùa mù ở dưới đáy biển cứ một trăm năm trồi lên mặt biển một lần để chui vào bọng cây trên mặt biển. Bọng cây nổi lềnh bềnh trên mặt biển một trăm năm bị sóng gió thổi trôi giạt biết đến phương trời nào mà tìm. Dù cho có tìm được, đui mù thấy đường đâu mà chui vào, trăm ngàn vạn lần khó khăn như thế mà Đức Phật bảo rằng còn dễ hơn được lại thân người.
Mỗi người có phước phần riêng. Hãy tùy duyên để được tự tại, phan duyên làm chi cho thêm phiền não.
Hai đạo hữu hãy tinh tấn hành trì, công phu đắc lực đạt Bất Niệm Tự Niệm sẽ được nhiều lợi ích như đã nêu ở câu đáp 78 ghi trên.
80- Hỏi: Thế nào là Lão Thật niệm Phật?
Đáp: Lão thật niệm Phật thường gọi là Thật thà niệm Phật. Thực hành bằng cách sau:
1- Chuyên tâm nhất ý niệm Phật, ngoài danh hiệu Phật, không còn sự, việc gì khác nữa.
2- Miệng niệm Phật, tâm cũng phải niệm Phật.
3- Miệng và Tâm niệm Phật không xen tạp không gián đoạn cho đến giờ phút cuối cùng cuộc đời, nghĩa là lấy danh hiệu Phật làm bổn mạng của mình.
a. Tâm không hoài nghi, tuyệt đối tin tưởng vào lời giáo hóa của Phật Thích Ca và Đại nguyện của Phật A Di Đà.
b. Tâm không mong cầu bất cứ gì khác như, chứng đắc, vãng sanh, thành Phật…
c. Tâm buông xả vạn duyên, nghĩa là tâm không nhớ nghĩ gì khác, kể cả ăn, uống, mặc, ngủ nghĩ, ngủ dục lục trần, danh văn lợi dưỡng, thị phi, được mất, hơn thua, thành bại…
d. Tâm không còn chấp ngã.
4. Toàn thân tâm đều niệm Phật. Ban đầu dùng nhĩ căn niệm Phật nghĩa là nghe bất cứ tiếng gì cũng là tiếng niệm Phật, như tiếng chim kêu, gió thổi, nuớc chảy, xe chạy thậm chí tiếng mắng chửi mình cũng là tiếng niệm Phật. Sau đó các căn khác cũng đều như vậy.
5. Hòa nhập năng sở là một, nghĩa là ta người niệm Phật (năng) và danh hiệu Phật được niệm (sở) là một.
Tóm lại: Buông xả vạn duyên, không mong cầu, suốt đời chuyên tâm nhất ý toàn thân tâm Niệm Phật không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Cuối cùng không còn chấp ngã, hoà nhập năng sở làm một.
Thực hiện được những điều nói trên, tùy theo mức độ sâu cạn, sẽ lần lượt chứng nhập Bất niệm tự niệm, Thành một khối, Nhất tâm Bất loạn (Niệm Phật Tam Muội).
Hành giả nên cố gắng, kiên trì thực tập từng bước hầu sớm thành tựu Tịnh nghiệp, bảo đảm vãng sanh Cực Lạc, thành Phật độ chúng sanh.
Trích: Niệm Phật đạt bất niệm tự niệm bảo đảm Vãng Sanh – Phần VII: Tổng Kết!