Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Các ngày lễ Phật giáo trong năm 2023 Phật tử nên biết

Để nhân dân, Phật tử có cái nhìn tổng quan hơn về các ngày lễ Phật giáo trong năm, xin mời quý vị hãy cùng đón đọc bài viết dưới đây!

Phật giáo có tầm ảnh hưởng không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Chính vì thế mà có rất nhiều ngày lễ ý nghĩa và quan trọng trong đạo Phật được gìn giữ và tổ chức ở nhiều nơi. Để nhân dân, Phật tử có cái nhìn tổng quan hơn về các ngày lễ Phật giáo, xin mời quý vị hãy cùng đón đọc bài viết dưới đây!

(Các ngày lễ dưới đây theo ngày Âm lịch trong năm 2023)

Tháng 1

01/1: Ngày vía Đức Phật Di Lặc

Bồ tát Di Lặc theo sử ghi, thì Ngài là một nhân vật lịch sử có thật ở Ấn Ðộ thời Phật. Di Lặc là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Từ Thị. Thị nghĩa là họ của Ngài, còn Từ là chỉ cho từ bi. Về tên họ của Ngài có nhiều thuyết nói không giống nhau. Ngài cũng có tên là A Dật Ða (tiếng Phạn) Trung Hoa dịch là Vô Nan Thắng. Theo thói quen, chúng ta thường gọi Ngài là Phật Di Lặc, kỳ thật, thì Ngài chỉ là một vị Bồ tát nhất sanh bổ xứ, hiện ở nội viện thiên cung của cõi trời Ðâu Suất. Theo lời huyền ký của đức Phật Thích Ca, thì sau này, Ngài sẽ hạ sanh xuống cõi Ta bà tu hành thành Phật dưới cội cây Long Hoa. Bấy giờ, người ta mới tôn xưng Ngài là Phật Di Lặc.

Ngày nay, trong các chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc Tông đều tôn thờ hình tượng Ngài, với tư thế Ngài ngồi phạch ngực, mập mạp, bụng to và miệng cười toe toét. Có hình tượng trên thân hình Ngài còn có 6 đứa con nít bu chung quanh, đứa thì móc lỗ tai, móc mắt, móc miệng… Ai trông thấy cũng tưởng như là một trò đùa, nhưng đó là tượng trưng một ý nghĩa rất thâm sâu. Ý nói rằng, dù cho 6 giặc (6 trần: Sắc, thinh, hương, vị, xúc pháp) có quậy phá đến đâu, cũng không làm cho tâm Ngài phải bị dao động, Vì sáu căn (Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của Ngài đã hoàn toàn thanh tịnh.

Hình tượng này, người ta y cứ vào hóa thân của Ngài là một vị Bố Ðại Hòa Thượng (HT mang túi vải lớn) ở vào thời Ngũ Ðại khoảng thế kỷ thứ 10 bên Trung Hoa, mà người ta tạo tạc, đắp tượng tôn thờ. Thế nhưng, tại sao biết đó là hóa thân của Bồ tát Di Lặc? Vì trước khi viên tịch, Ngài có để lại bài kệ:

Di Lặc chơn Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhơn
Thời nhơn tự bất thức

Nghĩa là:

Di Lặc thật Di Lặc
Phân thân trong muôn ức
Thường thường chỉ dạy người đời
Người đời tự không biết.

Chính nhờ bài kệ này mà người ta mới biết Bố Ðại Hòa Thượng là hóa thân của đức Di Lặc.

Tại sao phải lấy ngày mùng một Tết làm ngày vía? Thường người ta hay lấy ngày sanh hoặc ngày tịch để làm ngày kỷ niệm gọi là ngày vía. Nhưng ở đây thì không nằm trong thông lệ đó. Mà đây là ý nghĩa thâm sâu trong nhà Thiền, do chư Tổ khéo bày chọn ngày nầy làm ngày vía của Ngài. Theo tục lệ của người Á Ðông nói chung, người Việt Nam nói riêng, phần đông người ta rất chú trọng đến việc kiêng cử ngày đầu năm. Vì ngày đầu năm, người ta cho rằng đó là ngày quyết định cho việc tốt xấu, hên xuôi, trọn một năm. Do đó, nên người Phật tử cúng rước vía Bồ Tát Di Lặc với thâm ý là để được trọn năm an vui hạnh phúc. Vì Bồ tát Di Lặc chuyên tu hạnh hỷ xả. Do đó, nên người ta tạc tạo tượng Ngài lúc nào cũng thấy Ngài ngồi an nhiên vui cười hỷ hạ.

Ðức Di Lặc ngồi trơ bụng đá
Bao bụi trần bám đã rồi rơi
Mặc cho thế sự đầy vơi
Dững dưng như một nụ cười an nhiên.

Niềm ước vọng cuối cùng của người tu là mong cầu thành Phật. Gần hơn là người ta mong được an vui hạnh phúc. Muốn thế, tất nhiên người Phật tử cần phải noi theo tấm gương hỷ xả của ngài. Từ, bi, hỷ xả, đó là tứ vô lượng tâm tức bốn tâm hành không lường của một vị Bồ tát. Mà Bồ tát Di Lặc là biểu trưng đầy đủ cụ thể cho bốn tâm hành nầy. Lúc nào trên gương mặt của Ngài cũng hỷ xả an vui hạnh phúc.

Có xả bỏ những ưu phiền nội kết trong tâm, thì con người mới thật sự có an vui hạnh phúc. Ðó mới thật là thứ hạnh phúc chơn thật. Cho nên, khi tưởng niệm lễ bái Ngài đầu năm, người Phật tử ước vọng tương lai đời mình sẽ được thành Phật như Ngài. Ðồng thời, cũng quyết tâm thật hành theo hạnh hỷ xả của Ngài. Có thế, thì trọn năm người Phật tử mới được nhiều lợi lạc vui tươi hạnh phúc. Bằng ngược lại, thì sẽ chuốc lấy nhiều đau khổ. Ðó là ý nghĩa và cũng là lý do chính yếu mà người Phật tử tưởng niệm lễ vía Ngài đầu năm vậy.

Tháng 2

08/2: Ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia

Vào ngày rằm tháng 4, năm 623 trước công nguyên tại vườn Lâm Tỳ Ni gần thành Ca Tỳ La Vệ, một nơi hiện nay là vùng biên giới giữa Nepal và Ấn Độ. Đức Phật Thích Ca đã giáng sinh có tên là Tất Đạt Đa, làm Thái tử con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da. Vua Tịnh Phạn trị vì một vương quốc nhỏ của bộ tộc Thích Ca.

Thế nhưng với thời gian, do suy tư sâu sắc và lòng thương người bẩm sinh, Thái tử không thể nào cam tâm một mình sống mãi trong nhung lụa, giữa một xã hội bất công, một thế giới đau khổ. Thái tử sớm giác ngộ về tính tạm thời, tầm thường của hạnh phúc vật chất thế gian và có ý chí xuất gia cầu đạo giải thoát, tìm ra con đường cứu vớt chúng sinh ra khỏi già, đau, chết và mọi nỗi bất hạnh khác của đời người.

Ngài thấy cảnh đời Ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc chân thật mà là giả dối, mê muội, chỉ làm cho kiếp sống thêm nặng nề đau khổ. Đặc biệt, qua trải nghiệm thực tế ở bên ngoài, Ngài đã nhận thấy mình dù là Thái tử con vua, cũng không thể thoát khỏi cảnh già, đau và chết.

Mặt khác, qua câu nói của vị Sa môn: “Tôi tu hành là quyết dứt bỏ mọi sự ràng buộc của cuộc đời, cầu thoát khổ, viên thành chính giác để phả độ chúng sinh đều được giải thoát” đã giúp Thái tử sớm thấy được con đường dẫn đến giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi khổ đau và bất hạnh của đời người, con đường dẫn tới cõi Niết bàn bất tử.

Từ đó, Thái tử nuôi dưỡng quyết tâm từ bỏ gia đình, xuất gia cầu đạo. Ngài thấy cần phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn. Lúc này, với Thái tử, lâu đài, cung điện không còn là nơi ở thích hợp nữa. Lòng Ngài nặng trĩu tình thương chúng sinh đang chìm đắm trong bể khổ. Ngài càng thêm quyết tâm xuất gia cầu đạo, đi tìm con đường cứu khổ cho muôn loài.

Nhằm đêm mồng 8 tháng 2 âm lịch, Thái tử từ bỏ tất cả, phụ vương, ngai vàng, vợ con, cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc của một hoàng tử, khoác trên mình bộ áo màu vàng đơn giản của người tu sĩ, từ nay bắt đầu cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Khi đó Ngài mới 19 tuổi.

Bước theo dấu chân Phật, để thể hiện ý nghĩa xuất gia, chúng ta tất yếu cũng phải sống theo Phật dạy, nhưng thực tế có mấy người làm theo. Nếu theo đúng thì được giải thoát, nhưng không theo đúng, lợi dụng thì phải đọa. Vì vậy, tu hành có người làm Tổ, nhưng có không ít người tu mà cuộc sống khổ chồng chất thêm khổ. Người xuất gia thực sự, dù ở hoàn cảnh nào cũng giải thoát. Người xuất gia vì tham vọng thì hết khổ này đến khổ khác, vì ham muốn của họ chẳng ai cho.

Thái Tử xuất gia buông bỏ hết. Vì những gì con người ham muốn không bao giờ tới, những gì chúng ta sợ sẽ tới; sợ khổ thì khổ tới, muốn an lạc thì an lạc tránh xa. Phải giác ngộ ý này. Thái Tử Đạt Ta bỏ cung điện đi tìm chân lý, cảm thấy cuộc sống từ đây sung sướng hơn, vì bỏ chuỗi anh lạc, quần áo sang trọng đổi áo rách của Sa-môn thì ở đâu cũng được an ổn.

15/2: Ngày Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn

Cứ vào ngày 15/2 âm lịch hàng năm, tăng ni Phật tử khắp nơi trên thế giới lại cùng nhau tổ chức lễ kỷ niệm ngày Phật nhập Niết bàn.

Có thể thấy cuộc đời của Đức Phật tuy ngắn ngủi nhưng danh tiếng của Ngài vẫn vang vọng mãi sau này, công đức của Ngài giúp con cháu nhiều đời sau được hưởng phúc. Phật nhập Niết bàn nhưng tấm gương của Ngài vẫn luôn soi chiếu cho con đường đi phía trước của chúng sinh Phật tử.

Trong suốt 49 năm hoằng pháp, Đức Phật chưa từng 1 ngày lơi là thiên chức của mình, cũng chưa bao giờ quên mục tiêu, ước vọng cứu giúp chúng sinh thoát khỏi bể khổ lầm than.

Đức Phật là người có thể không màng đến danh lợi xa hoa mà xuất gia, cũng chẳng để tâm đến địa vị cao quý của mình mà vất vả dong ruổi khắp nơi để truyền đạo cho chúng sinh tự tìm cách giải thoát mình khỏi bể trầm luân.

Đến tận trước khi nhập Niết bàn, Ngài vẫn không ngừng nhận cúng dường để độ chúng sinh, cũng cố sức giúp người xuất gia thành đạo, càng hết lòng căn dặn môn đồ tiếp tục con đường mình đang đi. Có thể nói, ân đức của Ngài là vô biên, tình thương của Phật là vô lượng.

Đức Phật nhập Niết bàn hoàn toàn thanh thản, không chút luyến tiếc chốn bụi trần, bởi việc cần làm, đáng làm thì Ngài đã làm, việc cần nói, đáng nói Ngài cũng đã nói.

Trong thường gọi đó là Hữu dư y Niết bàn, thể hiện cuộc sống thanh tịnh của Đức Phật và Thánh chúng khi Ngài tại thế.

Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã chỉ rõ Niết bàn chỉ là 1 phương tiện để giới thiệu sự sống thường trú vĩnh hằng của Ngài mà thôi. Phật nhập Niết bàn không có nghĩa là đạo Phật kết thúc mà còn được lưu truyền mãi về sau.

Từ khi du nhập vào đất Việt, tới nay Phật giáo Việt Nam đã có hơn 2000 năm lịch sử. Cùng với sự phồn hưng của dân tộc, Phật giáo luôn hướng người dân đi đến cảnh giới chân – thiện – mỹ, răn dạy con người thành tâm hướng thiện, biết làm những việc lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội.

19/2: Ngày vía Quan Thế Âm Bồ Tát đản sinh

Quán Thế Âm, tiếng Phạn gọi là Avalokitévara, Nghĩa là vị Bồ Tát quán sát âm thanh đau khổ của thế gian kêu cầu mà cứu độ một cách tự tại. Do Ngài quán sát âm thanh một cách tự tại mà chứng được bản thể chân thường của vũ trụ. Nơi nào, lúc nào trong vũ trụ có tiếng chúng sinh đau khổ, kêu cầu thì Ngài hiện thân cứu độ rất tự tại, cho nên Ngài cũng có tên là Quán Tự Tại, Quán Thế Tự Tại…

Bồ Tát, nói cho đủ là Bồ đề Tát Đỏa, tiếng Phạn là Bodhisattva, nghĩa là giác hữu tình hay hữu tình đã giác ngộ, trở lại giác ngộ hữu tình khác. Ví như có nhiều người đang ngủ mê, có một người tỉnh thức, người ấy đánh thức những người còn lại đang ngủ mê. Người tỉnh thức đó gọi là bậc giác ngộ như chư Phật, Bồ Tát, kẻ ngủ mê là chúng sinh. Bồ Tát Quán Thế Âm được ví như Người đánh thức những người đang ngủ mê trong ngôi nhà đó.

Vì Ngài đã giác ngộ, biết rõ chân lý của vũ trụ, chứng được phép “nhĩ căn viên thông”, nghe thông suốt hết thảy âm thanh của vũ trụ, như người đã thức dậy rồi trong ngôi nhà “vũ trụ” kia, nghe biết hết thảy chân tướng các sự vật, động tịnh trong ngoài.

Cho nên chúng sinh nào xưng niệm danh hiệu Ngài liền được Ngài “tầm thanh cứu khổ”, giải thoát khỏi tai ách, hoạn nạn. Ngài đã chứng được bản thể của âm thanh vốn dĩ là không, vô thường, vô ngã nên Ngài thường được tôn xưng là Quán Thế Âm.

Hằng năm Phật tử khắp nơi trên thế giới thường làm lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm thật trang nghiêm vào các ngày: 19/02, 19/06 và 19/09 đều theo âm lịch. Nhưng đa phần chỉ biết suông là lễ vía Quán thế Âm thế thôi! Thực ra trong Thiền môn nhật tụng cổ xưa đã ghi rõ:

Ngày 19/02 là vía Quán thế Âm Đản Sanh.
Ngày 19/06 là vía Quán thế Âm Thành Đạo.
Ngày 19/09 là vía Quán thế Âm Xuất Gia.

21/2: Ngày vía Phổ Hiền Bồ tát đản sinh

Tháng 3

06/3: Ngày vía tôn giả Ca Diếp

Trong giáo đoàn của Đức Phật, Tôn giả Ma Ha Ca Diếp là vị đại đệ tử đệ nhất đầu đà. Khi Đức Phật nhập diệt, Tôn giả đã cho mở đại hội tập kết kinh điển, lưu truyền lời Đức Phật dạy dưới nhiều hình thức cho thế hệ mai sau.

16/3: Ngày vía Phật Mẫu chuẩn đề

Đức Chuẩn Đề vốn là Thất Cu Chi Phật Mẫu. Ngài thường thuyết kinh Đà La Ni, nguyện cầu cho tất cả trong thế gian và xuất thế gian đều thành tựu những sự nghiệp tu tập. Vì tấm lòng từ bi vô hạn của ngài với quần sanh như mẹ thương yêu đám con khờ, nên kêu là Phật Mẫu.

Ngài thường diễn nói rằng: “Chân như thiệt và tánh chân thường của tất cả chúng sanh xưa nay đều sẵn có trong bản giác chư Phật vậy, nên trong đó gồm đủ các đức dụng khắp cõi hà sa. Nhưng ngặt vì cứ hủy báng chánh pháp, chẳng tin lời của Phật, tự mình tổn cho mình, nên phải trầm luân đoạ lạc, dẫu cho ngàn vị Phật ra đời cũng khó mà cứu chữa đặng.”

Ngài thấy vậy nên mới sanh lòng từ mẫn, lập pháp môn phương tiện mà điều phục các việc trần cấu của người sơ cơ nhập đạo, và muốn đồng với chư Phật một nguồn giác, để dứt chỗ vọng mà quy về nơi chân.

Tháng 4

04/4: Ngày vía Văn Thù Bồ tát đản sinh

08/4: Ngày Đức Phật Thích Ca đản sinh

Sự kiện Đức Phật đản sinh, đắc đạo và trở thành Đấng Giác Ngộ toàn năng đã trở thành một dấu son trong lịch sử nhân loại. Mặc dù cho đến nay, do hoàn cảnh lịch sử cũng như do nguồn tư liệu vô cùng đồ sộ và phong phú về Phật giáo mà những vấn đề liên quan đến lịch sử, sự kiện trong cuộc đời Đức Phật vẫn còn những tồn nghi. Tuy nhiên có một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật chứ không phải chỉ là một nhân vật huyền thoại được tín đồ và quần chúng nhân dân thần thánh hóa.

Nhắc đến cuộc đời Đức Phật người ta thường nhắc đến bốn sự kiện quan trọng, cũng là bốn mốc son trong quãng thời gian thị hiện nơi trần thế của Ngài, đó là ngày Đản sinh (Đức Phật ra đời); ngày thành đạo (tìm ra diệu lý); thời gian chuyển pháp luân (hoằng pháp) và Niết bàn (nhập diệt), trong đó, ngày Đức Phật đản sinh đã trở thành ngày lễ lớn nhất, quan trọng nhất và thiêng liêng nhất của Phật giáo đồ toàn thế giới.

15/4: Đại lễ Tam hợp (Vesak)

20/4: Ngày vía Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân

Hòa thượng Thích Quảng Đức biết rõ chỉ có giáo Pháp của Phật khi được truyền tải rộng rãi đến cho tất cả chúng sinh, chúng sinh thực hành giáo Pháp của Phật thì chúng sinh mới được bớt khổ, thoát khổ (trong tâm thư của Ngài có viết). Cho nên, khi thấy Phật Pháp có nguy cơ bị cấm diệt, Hòa thượng đã xả thân mạng để ngăn chặn sự việc đó. Việc làm “vị pháp thiêu thân” của Hòa thượng Thích Quảng Đức là việc làm xuất phát từ tâm quảng đại vì lợi ích chúng sinh, xuất phát từ hạnh của Bồ tát.

23/4: Ngày vía Phổ Hiền thành đạo

28/4: Ngày vía Đức Phật Dược Sư đản sinh

Tháng 5

13/5: Ngày vía Già Lam Thánh Chúng

Tháng 6

03/6: Ngày vía Đức Hộ Pháp

15/6: Ngày Đức Phật chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển

Sau khi thành tựu đạo quả Chính Đẳng Chính Giác, vì lòng bi mẫn, thương tưởng chúng sinh, Đức Phật đã chuyển bánh xe Pháp vi diệu đến tất thảy muôn loài. Nhờ tiếng trống Pháp bất tử ấy mà chúng sinh biết được con đường đưa đến hạnh phúc tối hậu, chấm dứt mọi khổ đau. Do vậy, sự kiện Đức Phật chuyển bánh xe Pháp là vô cùng thiêng liêng và trọng đại.

19/6: Ngày vía Quan Thế Âm Bồ tát thành đạo

Tháng 7

13/7: Ngày vía Đức Đại Thế Chí Bồ tát đản sinh

15/7: Ngày Vu Lan báo hiếu – ngày chư Tăng tự tứ

30/7: Ngày vía Đức Địa Tạng Vương Bồ tát thành đạo

Tháng 8

01/8: Ngày Huệ Viễn Tuệ Sư Sơ Tổ Tịnh Độ Tông

3/8: Ngày vía Đức Lục Tổ Huệ Năng

8/8: Ngày vía Tôn giả A Nan Đà

22/8: Ngày vía Đức Phật Nhiên Đăng đản sinh

Tháng 9

15/9: Ngày Tăng Bảo

19/9: Ngày vía Quan Âm Bồ Tát xuất gia

30/9: Ngày vía Đức Phật Dược Sư Lưu Ly thành đạo

Tháng 10

05/10: Ngày vía Đức Bồ Đề Đạt Ma (Sư tổ thiền tông)

Tháng 11

11/11: Ngày sinh Phật Hoàng Trần Nhân Tông

17/11: Ngày vía Đức Phật A Di Đà đản sinh

Tháng 12

08/12: Ngày vía Đức Phật Thích Ca Thành Đạo

Đối với mỗi người con Phật, sự kiện Đức Phật thành đạo có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nhờ có ngày này mà chúng sinh từ biển khổ nguồn mê được trở về với bến bờ giác ngộ, đạt chân hạnh phúc.

Trên đây là những sự kiện hết sức đặc biệt trong năm của Phật giáo. Mong rằng qua bài viết, các bạn sẽ có thêm những thông tin hữu hiệu cho bản thân, để không bỏ lỡ những nhân duyên thiện lành tham gia và đón chờ các chương trình vô cùng ý nghĩa!

Tâm Hướng Phật/Th!

Bài viết cùng chuyên mục

5 bộ Kinh Phật thường đọc tụng và ý nghĩa cơ bản bạn nên biết

Định Tuệ

Niệm Phật đúng cách sẽ được sự gia trì từ 10 phương Như Lai

Định Tuệ

Người có thể dạy bạn niệm A Di Đà Phật, đó là chân thiện tri thức

Định Tuệ

Thập đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta việc gì?

Định Tuệ

Người tu Tịnh Độ làm thế nào để niệm Phật được bền lâu?

Định Tuệ

Phật ở trong tâm hay Phật ở ngoài tâm?

Định Tuệ

Bí quyết được phước báo hiện tiền, mọi chuyện hanh thông

Định Tuệ

Lời trọng yếu về việc xem Tạng Kinh

Định Tuệ

Tan nhà nát cửa đều là vì tự tư tự lợi

Định Tuệ

Viết Bình Luận