Những lời huyền ký dưới đây cho chúng ta thấy pháp môn Niệm Phật rất hợp với nhân duyên thời tiết, và trình độ căn cơ chúng sanh đời nay.
Trong Kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni có lời huyền ký: “Đời tương lai kinh đạo diệt hết, ta dùng lòng từ bi thương xót, riêng lưu trụ kinh này (Vô Lượng Thọ Kinh) trong khoảng một trăm năm. Nếu chúng sanh nào gặp kinh này, tùy ý sở nguyện, đều được đắc độ”. Đương lai chi thế, kinh đạo diệt tận, ngã dĩ từ bi ai mẫn, đặc lưu thử kinh chỉ trụ bá tuế. Kỳ hữu chúng sanh trị tư kinh giả, tùy ý sở nguyện, giai khả đắc độ. – Vô Lượng Thọ Kinh.
Nơi Kinh Đại Tập, đức Thế Tôn đã bảo: “Trong đời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương theo pháp môn Niệm Phật mà thoát luân hồi”. (Mạt pháp ức ức nhơn tu hành, hãn nhứt đắc đạo, chỉ y Niệm Phật pháp môn, đắc liễu sanh tử. – Đại Tập Kinh).
Ngài Thiên Như thiền sư, sau khi đắc đạo cũng đã khuyên dạy: “Mạt pháp về sau, các kinh diệt hết, chỉ còn lưu bốn chữ A Di Đà Phật để cứu độ chúng sanh. Nếu kẻ nào không tin, tất sẽ bị đọa địa ngục”. (Mạt pháp chi hậu, chư kinh diệt tận, chỉ lưu A Di Đà Phật tứ tự cứu độ chúng sanh. Kỳ bất tín giả, ưng đọa địa ngục. Thiên Như ký ngữ).
Bởi đời mạt pháp về sau khi các kinh đều ẩn diệt, chúng sanh căn cơ đã yếu kém, ngoài câu niệm Phật, lại không biết pháp môn nào khác để tu trì. Nếu không tin câu niệm Phật mà tu hành, tất phải bị luân hồi. Và trong nẻo luân hồi, việc lành khó tạo, điều ác dễ làm, nên sớm muộn gì cũng sẽ bị đọa địa ngục.
Ấn Quang Pháp Sư, một bậc cao tăng cận đại ở Trung Hoa, cũng đã bảo: “Thời mạt pháp đời nay, chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp. Nếu ngoài môn Niệm Phật mà tu các pháp khác, nơi phần gieo trí huệ phước đức căn lành thì có, nơi phần liễu thoát luân hồi trong hiện thế thì không.
Tuy có một vài vị cao đức hiện những kỳ tích phi thường, song đó đều là những bậc Bồ Tát nương theo bản nguyện mà làm mô phạm để dẫn dắt chúng sanh đời mạt pháp, như trong Kinh Lăng Nghiêm đã nói. Nhưng các vị ấy cũng chỉ vừa theo trình độ chúng sanh mà thị hiện ngộ đạo chớ không phải chứng đạo.
Chỉ riêng pháp môn Tịnh Độ, tuy ít người tu chứng được Niệm Phật Tam Muội như khi xưa, nhưng có thể nương theo nguyện lực của mình và bản nguyện của Phật A Di Đà, mà đới nghiệp vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Khi về cõi ấy rồi thì không còn Luân Hồi, không bị thối chuyển, lần lần tu tập cho đến lúc chứng quả Vô Sanh”.
Những lời huyền ký như trên cho chúng ta thấy pháp môn Niệm Phật rất hợp với nhân duyên thời tiết, và trình độ căn cơ chúng sanh đời nay. Vì thế đức Như Lai mới dùng nguyện lực bi mẫn lưu trụ Kinh Vô Lượng Thọ để khuyến hóa về môn Niệm Phật.
Lại, chư Bồ Tát, Tổ Sư cũng khởi lòng hoằng nguyện thương xót, tùy theo thời cơ, chỉ dạy pháp môn Tịnh Độ để cứu vớt chúng sanh. Do những sức nguyện ấy, mà Pháp Môn Tịnh Độ được phổ cập trong phần đông quần chúng.
Trích Sách: Niệm Phật Thập Yếu!
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm!