Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Niệm A Di Đà Phật chính là niệm mười phương Phật

Thích Ca Mâu Ni Phật nói với chúng ta, mười phương tất cả chư Phật Như Lai đều niệm A Di Đà Phật, vậy chúng ta niệm A Di Đà Phật chẳng phải là niệm mười phương Phật hay sao?

Thứ chín, Phật dạy chúng ta niệm Phật ở trong “nghịch thuận thập tâm”, không hề dạy chúng ta phải niệm một vị Phật nào, nhưng Ngài dạy chúng ta “niệm mười phương Phật”. Cách niệm mười phương Phật như thế nào? Chư vị đồng tu cần phải biết, mười phương Phật chính là Phật A Di Đà. Tôi không hề nói sai.

Vì sao vậy? Thích Ca Mâu Ni Phật nói với chúng ta, mười phương tất cả chư Phật Như Lai đều niệm A Di Đà Phật, vậy chúng ta niệm A Di Đà Phật chẳng phải là niệm mười phương Phật hay sao? Nếu bạn không tin tưởng, nếu bạn ngày ngày đi lạy “Vạn Phật Danh Kinh”, mỗi ngày đem ra đọc một lần mười hai ngàn danh hiệu Phật, đọc đến mệt chết người, nhưng có niệm được mười phương Phật hay không? Không hề niệm được. Mười phương chư Phật là vô lượng vô biên, bạn mới niệm có mười hai ngàn danh hiệu, vậy thì còn sót quá nhiều. Bạn niệm một câu A Di Đà Phật thì không sót một vị Phật nào. Vì sao vậy? Phật nói rất rõ ràng, mười phương ba đời tất cả chư Phật đều niệm A Di Đà Phật. Cho nên, bạn tụng “Kinh Vô Lượng Thọ” thì bạn đã tụng hết tất cả Kinh mà chư Phật đã giảng. Vì sao vậy? Mười phương ba đời tất cả chư Phật, không một vị Phật nào mà không giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, các Kinh khác không nhất định sẽ giảng, nhưng “Kinh Vô Lượng Thọ” thì nhất định phải giảng, câu “A Di Đà Phật” nhất định phải niệm. Niệm mười phương Phật chính là niệm A Di Đà Phật, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Bộ kinh này chính là giới thiệu Thế giới Tây Phương Cực Lạc cho chúng ta, chính là khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chúng ta phải ở ngay chỗ này xây dựng tín tâm kiên cố.

Thứ mười, Phật dạy chúng ta “quán tội tánh không”. Đây là trí tuệ chân thật. Trong Kinh thường hay nói “vạn pháp giai không”, xin nói với các vị, tội nghiệp cũng là một trong vạn pháp, tội báo cũng là một trong vạn pháp, nó có phải là “không” hay không vậy? Là không. Một không thì tất cả không, vậy tội của bạn chân thật là được diệt. Việc này phía trước đã nói qua sám hối với các vị. Sám hối thông thường nói có ba loại là phục nghiệp chướng, chuyển nghiệp chướng, diệt nghiệp sám. Quán tội tánh không là thuộc về diệt nghiệp sám. Ngay chỗ này, chúng ta phải rất tỉ mỉ mà thể hội, sợ hiểu sai đi ý nghĩa thì phiền phức sẽ rất lớn. Phật nói quán tội tánh không, nếu bạn nghĩ không cần lo, làm tội nhiều một chút cũng không hề gì, vậy thì bạn hỏng rồi. Ngày nay bạn có “quán không” được hay không? Nếu như quán không, việc đầu tiên là ngã không, nhân không, vạn pháp đều không thì mới được. Nếu như có pháp nào không không thì tội nghiệp liền có, quả báo liền hiện tiền. Bạn phải hiểu rõ đạo lý này, vạn nhất không nên hiểu sai ý này. Cho nên Phật đem câu nói này xếp vào ở điều sau cùng. Ở vào điều sau cùng, chân thật là bạn có thể niệm Phật đạt đến lý nhất tâm bất loạn, bạn lại quán tội tánh không, vậy thì được. Sự nhất tâm bất loạn đều không được, phải đến được lý nhất tâm bất loạn, hay nói cách khác, bạn đã đoạn kiến tư phiền não, đoạn trần sa phiền não, phá một phần vô minh thì bạn siêu việt mười pháp giới, vãng sanh Tây Phương là sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm, cõi Thường Tịch Quang, vậy bạn mới có thể tu diệt nghiệp sám, mới có thể tiêu diệt tội nghiệp. Thực tế mà nói, ở hiện tiền chúng ta, chuyển nghiệp sám là thù thắng nhất, cao minh nhất, chúng ta có thể chuyển nghiệp được thì tốt.

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên chính là chuyển nghiệp sám, ông bị bệnh này là do nghiệp báo, ông có thể chuyển. Ta phải nên biết, ông có thể chuyển thì ta cũng có thể chuyển. Tôi nhớ lại ngày trước khi ở Singapore giảng kinh, tôi đã từng nói qua với các vị là tôi cũng đoản mạng, rất nhiều người xem tướng đoán mạng cho tôi đều nói tôi không thể sống được qua 45 tuổi. Thế nhưng tôi cũng là chuyển nghiệp, cả đời này học Phật thì ngay đời này chuyển, đích thực là có thể chuyển, không phải không thể chuyển. Tôi chuyển còn nhẹ nhàng hơn Lý Mộc Nguyên, ông còn mang một chút bệnh, tôi chỉ bệnh qua một tháng. Vào năm 45 tuổi, tôi đã bị bệnh hết một tháng. Tuy là không có người nào nói với tôi, nhưng tôi biết được tuổi thọ của tôi đến rồi, cho nên tôi cũng không đi tìm bác sĩ, cũng không uống thuốc, mỗi ngày ăn một ít cháo lỏng với một ít rau, niệm A Di Đà Phật chờ vãng sanh. Tôi niệm qua được một tháng thì hết bệnh, không việc gì. Đó là chuyển nghiệp.

Chúng ta đích thực là có thể chuyển, chỉ cần chân thật chịu phát tâm. Vì thế Thế Tôn nói với chúng ta, một người y theo răn dạy của Phật tu “mười tâm nghịch thuận”, mười loại tâm thuận theo sanh tử (chúng ta thường gọi là tâm luân hồi, nghiệp luân hồi) chúng ta nhất định phải đoạn, sau đó mới tu mười loại tâm nghịch theo sanh tử này, đó chính là siêu việt ba cõi sáu đường. Phương pháp tu hành này chúng ta nhất định phải rất chăm chỉ, rất nỗ lực mà tu học. Tất cả tội nghiệp của chúng ta đã tạo trong đời quá khứ hay tội nghiệp đã tạo ngay trong đời này đều có thể sám trừ. Thực tế mà nói, ở trong sáu đường, mỗi một người, mỗi một chúng sanh, ngay trong đời quá khứ (đời quá khứ không phải là đời này, đời quá khứ còn có đời quá khứ nữa, quá khứ trong vô lượng kiếp) chân thật là không có ác nào mà không làm. Chúng ta tạo tác ra tội nghiệp quá nhiều, quá lớn. Nếu như không tạo tội nghiệp thì làm sao có cái thân này? Làm sao có thể chịu loại quả báo này? Ngày nay chúng ta được thân này, thân này thường hay sanh bệnh, thường hay đau bệnh, chỗ nào vừa bị đau nhức là nghiệp báo hiện tiền. Chính mình phải rõ ràng, phải thông suốt, đó đều là nghiệp báo hiện tiền. Nghiệp báo này có nhân, không phải cái nhân đời này tạo, mà chính là cái nhân đời quá khứ đã tạo. Hiểu rõ rồi, đã tường tận rồi thì từ này về sau, chúng ta dùng ba nghiệp thân-ngữ-ý y theo răn dạy của Phật Đà mà sám hối.

Nếu như không nhớ được rõ ràng lời dạy của Phật, bạn thấy chúng ta không hề nói quá nhiều, hai ngày nay, bao gồm cả tuần trước, tổng cộng có sáu giờ đồng hồ giảng cho các vị hai mươi điều. Hai mươi điều này không nhớ được thì phải làm sao? Nghe ra thì dường như không tệ, gật đầu, ra khỏi cửa thì quên hết. Làm thế nào mới có thể tu pháp sám hối có hiệu quả? Tôi lại nói với các vị một phương pháp rất đơn giản (hai mươi điều này thảy đều bao gồm trong đó), đó là “niệm Phật”, miệng niệm A Di Đà Phật, tâm tưởng A Di Đà Phật, thân lạy A Di Đà Phật, ba nghiệp của chúng ta đều cung kính A Di Đà Phật, vậy thì được rồi. Sáu giờ đồng hồ đã giảng toàn bộ thảy đều bao gồm trong đó, rất có hiệu quả. Cho nên, trong nhà chúng ta cúng một tượng A Di Đà Phật, thường hay tưởng một vị Phật này, trong lòng của bạn liền thật có Phật. Cúng tượng Phật, chúng ta chỉ nên cúng một vị, không nên thường hay đổi, vì nếu thường hay đổi thì khi thì bạn tưởng vị này, khi thì tưởng vị kia, vấn đề phiền phức liền đến, đến khi lâm chung rốt cuộc thì A Di Đà Phật hiện ra tướng gì để tiếp dẫn ta? Cho nên, tốt nhất cả đời chỉ cúng một tôn tượng của A Di Đà Phật.

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 20

Bài viết cùng chuyên mục

Chúng sanh càng khổ, càng ngu si thì càng phải thương xót họ

Định Tuệ

Thiếu nợ thì nhất định phải trả

Định Tuệ

Bốn Cõi Tịnh Độ

Định Tuệ

Tại sao nơi A Di Đà Phật trụ được gọi là thế giới Cực Lạc?

Định Tuệ

Niệm Phật là gì? Ý nghĩa và lợi ích của việc niệm Phật

Định Tuệ

Muốn liễu sanh tử thoát luân hồi phải hiểu luân hồi từ đâu mà có?

Định Tuệ

Tu tịnh khẩu là tu như thế nào? Tu sao để không mắc khẩu nghiệp?

Định Tuệ

Ma cảnh là gì? Làm sao để phân biệt cảnh ma hay cảnh thật?

Định Tuệ

Người học Phật phải kết thiện duyên rộng rãi với tất cả chúng sanh

Định Tuệ

Viết Bình Luận