Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Tiêu hủy vọng tưởng điên đảo, phá trừ mê lầm nhỏ nhiệm vi tế

Quý vị phải nên chấm dứt sạch mọi điên đảo vọng tưởng và tiêu trừ sạch mọi mê mờ vi tế thì quý vị mới mau chứng ngộ Phật tánh.

Vọng tưởng điên đảo là những tâm niệm không chân chính. Thực ra, mọi người đều bị vướng trong vòng điên đảo. Hãy xem suy nghĩ của họ thì rõ, khi A-nan và con gái của Ma-đăng-già trở về đảnh lễ Đức Phật, A-nan cầu thỉnh Đức Phật xin được chỉ dạy phương pháp tu tập định lực. Sau khi nghe Đức Phật dạy bảo rồi, A-nan trình bày bài kệ, mở đầu là:

Diệu trạm, tổng trì, bất động tôn
Thủ-lăng-nghiêm vương thế hy hữu

Bất động tôn là Thủ-lăng-nghiêm đại định, toàn câu này xưng tán Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là hy hữu, hiếm có. Như ý trong câu thứ ba của bài kệ:

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng
(Làm tiêu tan vọng tưởng điên đảo từ ức kiếp của con).

Từ đời này sang đời khác, từ vô lượng vô biên kiếp, A-nan đã sống với vọng tưởng điên đảo, suy nghĩ về những việc không chân chính. Vọng tưởng điên đảo này là vô số vọng tưởng mà hàng phàm phu chúng ta thường khởi dậy. Yếu chỉ của kinh Thủ-lăng-nghiêm là phá hủy và làm tiêu tan những vọng tưởng điên đảo này và phá trừ những mê lầm rất vi tế nhỏ nhiệm từ tâm thức.

Những mê lầm vi tế này rất nhỏ nhiệm vì không thể nhìn thấy được. Tai không thể nghe được, tâm ý không thể hình dung được. Ngay khi ta vừa khởi dậy một niệm tưởng vô minh, thì ba món vi tế hoặc liền phát sinh theo, cho dù khoảnh khắc một niệm rất nhanh và ngắn ngủi. Vi tế hoặc được ví như bụi trần. Nếu trong một căn phòng có đặt một tấm kính, ta sẽ thấy các hạt bụi nhỏ li ti bay khắp căn phòng, tấm kính tức thời dính ngay các hạt bụi lăng xăng ấy. Những hạt bụi trần này sẽ bám vào kính một cách vô tình cho đến khi dày như một đám mây. Những mê lầm vi tế của chúng ta cũng giống như những hạt vi trần bám trên kính vậy.

Căn bản, tự tánh của ta giống như một tấm kính vi diệu là Đại viên cảnh trí. Vì tâm ta luôn khởi dậy những niệm mê mờ vi tế (vi tế hoặc), nên tấm gương trở nên bị nhuốm bụi và càng ngày càng mờ đi. Đại sư Thần Tú có bài kệ:

Thân thị bồ-đề thọ
Tâm như minh kính dài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai.

Tạm dịch:

Thân như cây bồ-đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau phủi
Chớ để nhuốm bụi trần

Có người cho rằng bài kệ này không đúng. Tôi cho rằng bài kệ này rất hay. Tại sao? Đại sư Thần Tú dạy chúng ta phải thường siêng năng tu tập, thường lau chùi đài gương tâm cho thật sáng, đừng để đài gương tâm bị bám bụi trần. Phải siêng lau chùi vào buổi sáng rồi buổi tối. Vì khi quý vị lau chùi sạch những bụi trần vi tế nhỏ nhiệm thì đài gương sáng từ tự tánh sẽ chiếu diệu. Trước khi được giác ngộ, quý vị phải tôn trọng và phải nên tu tập theo tinh thần này.

Lục Tổ Đại sư Huệ Năng lại có bài kệ:

Bồ-đề bổn vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai

Tạm dịch:

Tánh giác chẳng gốc ngọn
Gương sáng cần chi đài
Xưa nay thể vắng lặng
Đâu có gì trần ai.

Lời kệ này lưu xuất từ một bậc đã hoàn toàn chứng ngộ. Người khai ngộ bản tâm mới có thể nhận ra và tu tập theo tinh thần của bài kệ này.

Nên nói:

“Nhất niệm bất sinh toàn thể hiện
Lục căn hốt động bị vân già”

(Khi một niệm không sinh, thì định lực và Phật tánh liền hiển hiện. Khi mắt tai, mũi, lưỡi, thân, ý bỗng dưng khởi dậy đòi làm chủ, khi ấy cũng giống như bầu trời bỗng dưng bị mây che.)

Vậy nên quý vị phải nên chấm dứt sạch mọi điên đảo vọng tưởng và tiêu trừ sạch mọi mê mờ vi tế thì quý vị mới mau chứng ngộ Phật tánh. Vậy mà, bất hạnh thay, không mấy ai muốn chứng ngộ Phật tánh. Người ta thích trôi nổi trong vòng ngũ trược, trôi lăn trong sinh tử và quên mất đường về. Họ lấy sự đau khổ làm niềm vui, quay lưng lại với giác ngộ, kết dính với trần lao phiền não. Dù họ chưa chấm dứt được vòng luân hồi sinh tử, nhưng họ cứ nghĩ một cách vô lý rằng họ tốt đẹp. Họ tự cho rằng: “Hãy xem, tôi rất thông minh và đẹp trai, ai nhìn tôi cũng yêu thích và tôi biết rằng mọi người không được như tôi”

Thực ra, những người như vậy cũng giống như tấm gương bị bụi bám. Bụi bám càng nhiều, gương càng mờ cho đến khi không còn sáng trong nữa. Họ có thể nghĩ rằng họ thông minh lanh lợi trong đời này, nhưng hãy chờ mà xem, có khi mười đời sau, tính thông minh ấy sẽ không còn nữa và họ sẽ ngu đần như loài heo.

Thế nên trong đời này, chúng ta phải quyết định chúng ta sẽ hướng về đâu. Chúng ta phải nhận định rõ ràng nơi đâu ta sẽ đến, đường nào ta phải đi. Đó là niềm tin tưởng, hy vọng.

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển 1, phần Tiêu hủy vọng tưởng điên đảo, phá trừ mê lầm nhỏ nhiệm vi tế

Bài viết cùng chuyên mục

Người thường niệm Phật tự tâm sẽ thanh tịnh

Định Tuệ

Quỷ thần cũng muốn nghe giảng kinh, đặc biệt là Kinh Địa Tạng

Định Tuệ

Người có thể dạy bạn niệm A Di Đà Phật, đó là chân thiện tri thức

Định Tuệ

Đại Sư Liên Trì phổ khuyến Giới sát Phóng sanh

Định Tuệ

Lý do Kinh Phật thuyết bắt đầu với bốn chữ Như thị ngã văn

Định Tuệ

3 việc trọng yếu lúc sanh tiền của người niệm Phật

Định Tuệ

Niệm Phật thành Phật là thật, còn lại đều là giả

Định Tuệ

Thế giới này quá nhiều khổ nạn, Tây Phương Cực Lạc là ao thanh lương

Định Tuệ

Nghĩa của chữ Phật là gì? Đức Phật giác ngộ điều gì?

Định Tuệ

Viết Bình Luận