Pháp môn Niệm Phật này cũng chính là hóa nghi sẵn có của chúng sanh. Đây là phương thức giáo hóa, phương thức này do đâu mà có? Chúng sanh có sẵn, cho nên nó thuộc về Tánh Đức.
“Thả thử niệm Phật pháp môn, diệc tức chúng sanh bổn cụ chi hóa nghi” (Hơn nữa, pháp môn Niệm Phật này cũng chính là hóa nghi sẵn có của chúng sanh). Trong phần trước, chúng tôi đã từng nói: “Hóa” (化) là giáo hóa, “nghi” (儀) là nghi thức. Đây là phương thức giáo hóa, phương thức này do đâu mà có? Chúng sanh có sẵn, cho nên nó thuộc về Tánh Đức. Chúng ta mê mất, Phật, Bồ Tát lấy ra [dùng điều này để giáo hóa chúng sanh], nó là cái bản thân chúng ta vốn sẵn có. Nghi thức này giống như cách chúng ta học tập trong các trường học hiện thời, Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, nghiên cứu sinh, chúng ta tu học cũng giống như vậy. Thời gian mê trong lục đạo quá lâu, mê quá sâu, chẳng thể quay lại ngay được, phải làm từ từ! Trước hết là buông xuống phiền não nghiêm trọng nhất, buông xuống chấp trước nghiêm trọng nhất, chẳng hề chấp trước hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian, thưa quý vị, lục đạo sẽ chẳng còn nữa, chúng đều là giả. Trong kinh Kim Cang, đức Phật nói: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, do quý vị có chấp trước, nên bèn hiện tướng này, đấy là mộng cảnh. Khi tỉnh khỏi chấp trước, tỉnh rồi, lục đạo không còn nữa, quý vị sẽ tìm không ra lục đạo! Tỉnh lại, sẽ là cảnh giới nào? Là tứ thánh pháp giới, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, cảnh giới này xuất hiện. Cảnh giới này vẫn là một mộng cảnh; vì thế, lục đạo là “mộng trong mộng”. Tứ thánh do đâu có? Tứ thánh do phân biệt và vọng tưởng mà có. Có vọng tưởng, có phân biệt, sẽ có tứ thánh pháp giới. Trong tứ thánh pháp giới, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát là phân biệt, sau khi đoạn sạch [phân biệt] bèn thành Phật. Phật [trong tứ thánh pháp giới] chưa đoạn vọng tưởng, có khởi tâm động niệm, tức là Vô Minh phiền não chưa đoạn. Nếu đối với pháp thế gian và xuất thế gian chẳng khởi tâm, không động niệm, thật sự tỉnh, mười pháp giới sẽ không có! Do vậy, thưa với quý vị: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, là thật, chẳng giả. Đây là sau khi tỉnh lại, bèn thoát khỏi mười pháp giới, cảnh giới ấy sẽ gọi là Nhất Chân pháp giới. “Chân” là gì? “Chân” là vĩnh hằng không thay đổi! Quý vị thấy trong thế gian này, động vật có sanh, lão, bệnh, tử, thực vật có sanh, trụ, dị, diệt, khoáng vật như núi, sông, đại địa, kể cả tinh cầu, có thành, trụ, hoại, không, biến đổi trong từng sát-na, vô thường. Người trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai đều chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, cho nên thế giới ấy không biến hóa. Quý vị sanh vào thế giới ấy là hóa sanh, chẳng sanh bằng bào thai, đều là thân kim cang bất hoại, thân tướng sẽ không già yếu, sẽ không sanh bệnh, trên thân sạch sẽ, không cần phải tắm táp, rửa ráy, không cần thiết, hóa sanh mà! Cây cối, hoa cỏ vĩnh viễn như trong mùa Xuân, chẳng biến đổi, không có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông biến hóa. Do vậy, gọi là Nhất Chân.
Tu gì trong cảnh giới ấy? Phải đoạn trừ tập khí vô thỉ vô minh. Đoạn tập khí bằng cách nào? Không có cách nào hết! Không để ý tới nữa, nó sẽ đoạn, tự nhiên đoạn. Cổ nhân dùng tỷ dụ bình rượu để nói về tập khí, phương pháp này rất hay! Bình rượu chứa rượu, đổ sạch sành sanh rượu, chùi sạch bong, quả thật là một giọt cũng chẳng còn, nhưng vẫn ngửi thấy mùi, đó là “tập khí”, không có cách nào diệt trừ! Không thể làm gì khác hơn là mở toang nắp bình, bỏ ở đó, để một năm hay nửa năm, ngửi thử sẽ không thấy mùi nữa! Do vậy, sự tu hành của người ấy trong cõi ấy được gọi là “vô công dụng đạo”, căn bản là không màng tới, mặc cho nó biến mất. Nhưng ở trong ấy, Pháp Thân Bồ Tát thần thông quảng đại, chúng sanh trong mười phương thế giới có cảm, Ngài lập tức có ứng, sẽ làm những chuyện ấy. Có cảm bèn có ứng, cảm ứng hết sức rất nhanh. Đấy là như sách Hoàn Nguyên Quán đã nói, một niệm vừa động, bèn trọn khắp pháp giới, bất luận quý vị động niệm nào! Vì thế, sau khi đọc bộ luận này, chính mình phải hiểu: Chúng ta khởi tâm động niệm, dấy lên thiện niệm, những người tâm địa thanh tịnh trọn khắp pháp giới hư không giới đều thu được, đều nhận được tin tức ấy. Giống như chúng ta đang ở trên màn hình TV, toàn bộ hoạt động của quý vị họ thấy hết. Quý vị có thể gạt gẫm được người nào hay chăng? Quý vị khởi lên ác niệm, họ cũng biết hết, chẳng thể giấu giếm mảy may nào! Đừng tưởng người ta không biết, biết toàn bộ! Quý vị chỉ có thể giấu giếm chúng sanh mê hoặc, điên đảo, họ không biết; chứ không gạt được người giác ngộ! Đây là chân tướng sự thật. Một niệm trọn khắp pháp giới, một niệm sanh ra vô tận, đó tức là nói: Nó biến huyễn vô cùng, chứa đựng cả Không lẫn Có. Trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” (tâm bao trùm hư không, lượng trọn khắp các cõi nhiều như cát), thật đấy! Một niệm là như vậy, một hạt vi trần cũng là như vậy, bất luận là hiện tượng vật chất hay tinh thần, toàn bộ đều là như vậy. Hơn nữa, vật chất và tinh thần là một, không hai. Nếu quý vị đã học ba tế tướng của A Lại Da Thức, quý vị sẽ biết. Trong Đại Thừa Phật giáo dùng ba tế tướng của A Lại Da Thức để giải thích duyên khởi của vũ trụ, vũ trụ do đâu mà có? Vạn vật do đâu mà có? Sanh mạng do đâu mà có? Ta từ đâu đến? Giải thích hết sức rõ ràng. Vì sao có thể hiểu rõ như thế? Đó là cảnh giới do chính những người đó giác ngộ, chứng đắc, chẳng phải do nghiên cứu, quan sát, suy đoán như trong khoa học, chẳng phải, mà do họ đích thân thấy. Họ trở về tự tánh, thật sự hiểu rõ toàn bộ Tánh, Tướng, Sự, Lý, nhân quả trong tự tánh.
Vì sao địa cầu ngày nay biến thành tình trạng như vậy? Vì sao nhiệt độ địa cầu tăng lên? Vì sao băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan chảy? Vì sao các nơi bị động đất nhiều như thế? Kinh Phật giảng rõ ràng! Mà cũng có [biện pháp] để giải quyết vấn đề này ra sao, chỉ cần quý vị tin tưởng, địa cầu sẽ có thể lập tức khôi phục bình thường. Không chỉ hữu dụng đối với địa cầu, ngay cả các tinh cầu, tinh hệ trong vũ trụ cũng sẽ vận hành theo đúng quỹ đạo bình thường, chẳng đến nỗi rối loạn, chúng ta đều có thể làm được, chứ các khoa học gia chẳng có cách nào. Vì sao có thể làm được? Vì hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng, Thái Dương Hệ sanh từ tâm tưởng, Ngân Hà Hệ sanh từ tâm tưởng, chỉ cần quý vị chẳng có quan niệm sai lầm, chúng bèn bình thường. Nếu quý vị muốn thay đổi chúng, chúng sẽ biến thành dị thường. Các nhà khoa học làm chuyện dị thường, muốn nhân định thắng thiên, muốn sửa đổi hoàn cảnh thiên nhiên, vấn đề sẽ nẩy sanh. Vì sao có những hiện tượng này? Vì chúng từ tâm tưởng của quý vị sanh ra. Hiện thời, quý vị có tâm tưởng chẳng bình thường, chúng liền biến thành bất thường, chuyện là như vậy đó! Vì sao trước kia bình thường như vậy? Không ai nghĩ đến chuyện thay đổi hoàn cảnh tự nhiên, không ai có ý niệm này, cho nên địa cầu rất bình thường. Hiện tại, các khoa học gia mỗi ngày động niệm, phá hoại môi trường sống và hoàn cảnh tự nhiên, phiền phức dấy lên. Sau khi vấn đề nẩy sanh, bèn bó tay, không có cách nào, đáng thương quá!
Sách Hoàn Nguyên Quán đúng là tuyệt diệu! Thầy Hồ Tiểu Lâm xem từ đầu đến cuối ba lần, gọi điện thoại cho tôi biết, hoan hỷ khôn sánh. Khi xem, thầy quên cả ăn cơm, uống nước, đi vệ sinh, hễ xem là xem mười mấy tiếng. Ông ta gọi điện thoại, hỏi tôi: “Có phải là con đang mê hay không? Có vấn đề gì hay không?” Tôi bảo ông ta: “Ông chẳng có vấn đề gì, bình thường! Pháp hỷ sung mãn đấy mà! Quên ăn cơm, lại chẳng cảm thấy đói, Thiền duyệt làm thức ăn. Tuy ông chưa chứng đắc cảnh giới này, ông đã có chút mon men hưởng thụ”. Lần này [ông ta] sang đây, vốn định báo cáo chuyện này, sau khi đã tới đây, vẫn cảm thấy chưa đủ, vẫn phải thâm nhập một tầng nữa rồi mới báo cáo, tôi nói “được!” Bài luận văn này của quốc sư Hiền Thủ chẳng dài, nhưng thật là phi phàm. Toàn bộ những lý luận và phương pháp tu hành trong kinh Hoa Nghiêm đều được viết ra trong bài văn ngắn ngủi này! Chúng ta học Hoa Nghiêm mười năm, dùng hơn bốn ngàn giờ, mà phần sau [của kinh Hoa Nghiêm chưa được giảng] còn rất dài, do vậy, đem bài luận văn này của quốc sư Hiền Thủ ghép vào học tập giữa chừng, học tập hai lượt. Sau đấy, học tiếp kinh Hoa Nghiêm sẽ có ý vị khác hẳn, cảnh giới khác hẳn. Nay chúng ta coi lại kinh Vô Lượng Thọ, sẽ lại khác hẳn! Lẽ nào ông ta chẳng vui mừng! Pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm vui vẻ. Do vậy, đây là hóa nghi sẵn có trong tự tánh của chúng sanh.
Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 4
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang