Hết thảy chư Phật đều là niệm A Di Đà Phật mà thành Phật, không có ngoại lệ! Quý vị tin được không?
Mấy câu tiếp theo có thể nói là rất trọng yếu đối với Tịnh Tông! “Kim dĩ thử quả giác toàn thể thọ dữ trược ác chúng sanh” (nay đem toàn thể quả giác này trao cho chúng sanh trược ác). “Trược” là ngũ trược ác thế. Lúc tôi mới học Phật, vào sáu mươi năm trước, thấy kinh nói đến ngũ trược ác thế, chúng tôi thường cảm thấy Thích Ca Mâu Ni Phật nói hơi quá lố! Thế giới này dù trược ác, vẫn chưa trược ác đến mức ấy. Nhưng nay nhìn lại chữ này, Ngài nói đúng quá, chẳng quá lố tí nào! Sở dĩ thế giới hiện tại có tai nạn, tai nạn vì sao mà có? Do dính dáng đến trược ác. “Trược” (濁) là hỗn trược (dơ bẩn, đục ngầu), “ác” (惡) là Thập Ác. Quý vị thấy chúng sanh trong thế gian này khởi tâm động niệm tương ứng với Thập Ác, chẳng có Thập Thiện. Tương ứng với Thập Ác, đúng là đại tai nạn sẽ xảy ra! Nay chúng ta suy nghĩ: Thật sự có tai nạn hay không? Có rất nhiều người hỏi tôi, tôi nói “hãy nên biết là thật đấy”, vì sao? Chúng ta nhìn từ nhân quả, thiện nhân cảm thiện quả, ác nhân cảm thọ ác quả. Trước hết, hãy nhìn từ tướng hảo của chính mình, tướng chuyển theo tâm. Tâm địa thiện lương, tướng mạo sẽ thiện lương; tâm địa thiện lương, thân sẽ khỏe mạnh. Thầy lang Bành Hâm nói rất hay: “Bất thiện, quý vị sẽ nhiễm bệnh”. Trong bản báo cáo, ông ta đã nói như thế. Bất nhân, “nhân” (仁) là thương yêu con người. Kẻ bất nhân dễ bị bệnh gan. Kẻ bất nghĩa, dễ mắc bệnh phổi, nó có cảm ứng với phổi. Vô lễ, dễ mắc bệnh tim. Vô trí là hồ đồ, thiếu trí huệ, dễ mắc bệnh thận. Bất tín, thiếu tín nhiệm, thường mong lừa gạt kẻ khác, dễ mắc bệnh tỳ vị (lá lách và bao tử). Phải làm như thế nào để thân thể khỏe mạnh? Phải thực hiện Ngũ Thường, tức là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, quý vị đều làm được. Ngũ Thường chính là Ngũ Giới trong Phật pháp. Chẳng sát sanh là nhân, không trộm cắp là nghĩa, chẳng tà dâm là lễ, chẳng uống rượu là trí, chẳng nói dối là tín; nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Quý vị có thể giữ vẹn Ngũ Giới, nội tạng sẽ chẳng sanh bệnh. Chỗ nào bị bệnh, nhất định quý vị thiếu đạo đức, Ngũ Thường là năm đức, [do thiếu đức nào] nên quý vị mới bị bệnh ấy. Bị bệnh mà quý vị hiểu đạo lý này, ta khéo tu đức, khiến cho ngũ tạng lục phủ khôi phục bình thường, chẳng còn bệnh nữa! Trung Y dùng thuốc men để chữa bệnh, hiệu quả chỉ được ba phần, sửa đổi tâm tư thái độ chiếm mất bảy phần! Nếu biết thay đổi tâm tư, thái độ, lại dùng một chút thuốc men để phụ trợ, sẽ trị bệnh hết sức hữu hiệu.
Do Phật đã chứng đắc viên mãn quả giác, tức là đã trở về tự tánh viên mãn, đem điều này giáo hóa chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh. Đấy là “chư Phật sở hành cảnh giới”. Ở đây, câu này bảo rõ với chúng ta: Hết thảy chư Phật đều là niệm A Di Đà Phật mà thành Phật, không có ngoại lệ! Quý vị tin được không? Tôi đọc kinh Hoa Nghiêm, trong lần tham học thứ nhất của phần năm mươi ba lần tham học, tỳ-kheo Cát Tường Vân dạy Thiện Tài đồng tử hai mươi mốt pháp môn Niệm Phật, tôi đã giảng rồi, nhưng suy nghĩ vẫn chưa thấu triệt, vì sao? Lúc ấy, chưa đạt tới cảnh giới như hiện thời, nhưng tôi nói hai mươi mốt pháp môn Niệm Phật bao quát tất cả các pháp môn do thập phương tam thế hết thảy chư Phật, Bồ Tát đã nói, hễ triển khai thì môn nào cũng đều là pháp môn Niệm Phật. Cổ đại đức nói: Đúng thế, mỗi pháp môn đều là pháp môn Niệm Phật; nhưng pháp môn niệm A Di Đà Phật là pháp môn nói thẳng thừng, ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng, dễ dàng, thành công cao, là quả giác rốt ráo viên mãn, “duy Phật dữ Phật năng cứu tận” (chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu hiểu tột cùng), “cứu tận” là hiểu rõ triệt để. Tánh, Tướng, Sự, Lý, nhân quả, tới khi thành Phật quý vị mới hiểu rõ. Bồ Tát chưa được, đối với chuyện này, Bồ Tát có thể liễu giải, nhưng trong kinh, đức Phật có nêu một tỷ dụ, tức là “ngắm trăng qua một lớp the”. “The” là gì? The là lượt là, rất mịn, the, sa, nhiễu, đoạn, rất mịn, trong suốt, giống như sa, nhưng trong suốt, còn mịn hơn sa nữa! Quý vị có thể nhìn thấy bên ngoài qua lớp the, ngắm trăng qua sự ngăn cách này. Bồ Tát đối với pháp này có thể lý giải [nhưng vẫn chưa hoàn toàn thấy tường tận]; cho nên nói: “Phi cửu giới tự lực” (chẳng phải do chính sức lực của chúng sanh trong chín pháp giới). Chín pháp giới đặc biệt dùng sức của chính mình, nếu được Phật gia trì, quý vị sẽ có thể tin, có thể hiểu. Chẳng có Phật lực gia trì, dựa vào sức của chính mình, chắc chắn quý vị chẳng có cách nào cả! Tại đây cũng là hé lộ một tin tức: Nay chúng ta có thể tin, có thể hiểu pháp môn này, lại còn muốn thật sự hành; quý vị phải nghĩ chính mình đã được Phật lực gia trì. Không có Phật lực gia trì, sẽ làm không được! Nay chúng ta gặp pháp môn này là có duyên với Phật, là có cảm. Chúng ta muốn học, Phật sẽ có ứng, Phật sẽ gia trì chúng ta, giúp chúng ta có tín tâm, giúp chúng ta có thể lý giải, giúp chúng ta tu hành chứng quả. Tới lúc lâm chung, Phật đến tiếp dẫn, đó chính là Chứng. Hoàn thành “tín, giải, hành, chứng” trong một đời.
“Hựu viết” (lại nói), đây vẫn là điều được viết trong Di Đà Yếu Giải, “cử thử Thể” (toàn bộ cái Thể này), Thể là gì? Thể là pháp giới Thể, là tự tánh. Trong sách Hoàn Nguyên Quán có câu: “Tự tánh thanh tịnh viên minh thể” chính là nói về điều này. Câu nói này của quốc sư Hiền Thủ và câu “tất cả chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai” trong kinh [Hoa Nghiêm] là cùng một câu nói, có cùng một ý nghĩa. “Tự tánh, thanh tịnh, viên minh”, nói thành ba chuyện, nhưng ba chuyện này là Pháp Thân, Bát Nhã, và Giải Thoát. Minh là trí huệ, thanh tịnh là đức hạnh, viên mãn là tướng hảo. Tự tánh thanh tịnh viên minh thể. Toàn bộ Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát được bao gồm trong Tánh Đức. “Tác Di Đà thân độ” (làm thân và cõi nước của Di Đà), thân Di Đà được gọi là Pháp Thân, cõi nước Phật Di Đà ngự được gọi là Tịnh Độ. Pháp giới Thể là tự tánh, thân và cõi nước đều do Tánh Đức tự nhiên lưu lộ. Kinh Phật dạy: “Pháp nhĩ như thị” (pháp vốn là như thế). Đó là “cử thử Thể tác Di Đà danh hiệu” (dùng toàn bộ cái Thể này để làm danh hiệu Di Đà). Danh hiệu của cái Thể ấy là A Di Đà Phật. “Thị cố, Di Đà danh hiệu tức chúng sanh Bổn Giác lý tánh” (vì thế, danh hiệu Di Đà là lý tánh Bổn Giác của chúng sanh). Bổn Giác là trí huệ Bát Nhã sẵn có trong tự tánh. Lý là lý tánh, tác dụng của Lý là Sự, tác dụng của Tánh là Tướng. Tánh, Tướng, Sự, Lý sẵn có trong tự tánh của chúng sanh, chẳng phải do bên ngoài mà có! Đây là nói rõ mối quan hệ giữa danh hiệu A Di Đà Phật và hết thảy chúng sanh: A Di Đà Phật chẳng phải là ai khác, mà thật sự là chính mình, chớ nên hiểu lầm! Chính mình vốn là Phật! Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật nói [chuyện này] bao nhiêu lần. Chính mình vốn là Phật, nay niệm A Di Đà Phật tức là muốn thành Phật. Quý vị suy nghĩ coi: Có thể nào chẳng thành Phật ư? Chính mình vốn là Phật, nay lại muốn làm Phật, niệm Phật chính là muốn làm Phật, chúng ta chẳng còn hoài nghi nữa. Đây là hai đoạn trích dẫn từ sách Di Đà Yếu Giải.
Tiếp theo đó, Hoàng lão cư sĩ nói: “Khả kiến thử kinh thật thị đại bi từ phụ Như Lai Thế Tôn xứng tánh cực đàm” (Có thể thấy kinh này thật là lời bàn luận xứng tánh đến tột bậc của đức đại bi từ phụ Như Lai Thế Tôn). Kinh này quả thật là như vậy, đại từ bi phụ là A Di Đà Phật, tức vị Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Như Lai Thế Tôn là [nêu đại lược hai thứ trong] mười thứ đức hiệu của Phật. Như Lai có nghĩa là gì? Kinh Kim Cang giảng rất khéo: “Như Lai giả, chư pháp Như nghĩa” (Như Lai là nghĩa Như của các pháp). Câu này giảng khéo lắm! Hết thảy các pháp đều do tự tánh biến, hết thảy các Pháp Tướng giống như Pháp Tánh. Hoặc là chúng ta nói như thế này: Hết thảy Pháp Tướng đều là tự tánh, quý vị càng dễ hiểu hơn! Tự tánh của chúng ta ở chỗ nào? Bất luận pháp nào cũng đều là tự tánh. Do vậy, đối với người đại triệt đại ngộ trong Tông Môn, tổ sư bèn khảo nghiệm, trắc nghiệm kẻ ấy: [Tự tánh] ở đâu? Tùy tiện lấy một pháp đều là [tự tánh], pháp nào cũng đều Như, chẳng có một pháp nào chẳng Như. Phàm và thánh sai khác ở chỗ mê hay ngộ. Người ngộ rồi sẽ được gọi là Phật hay Bồ Tát; kẻ mê bất giác, chẳng biết hết thảy các pháp đều là tự tánh, cho nên gọi kẻ ấy là phàm phu. Trong pháp môn Bất Nhị, phàm và thánh chẳng hai, thật đấy. Nói thật với quý vị: “Sanh Phật bất nhị”, [nghĩa là] chúng sanh và Phật là một, không hai, đều là nói thật, nhưng quý vị chẳng thừa nhận. Quý vị chẳng dám nhận, đó là gì? Quý vị mê rồi! Khi nào quý vị giác ngộ, tự tánh vốn ở ngay đây, vấn đề gì cũng đều được giải quyết! Vì thế, kinh này là đức Thế Tôn xứng tánh cực đàm. Cực là tột cùng, nay chúng ta gọi là “đỉnh cao nhất” không có gì cao hơn được, viên mãn đến rốt ráo, không còn gì viên mãn hơn. Bộ kinh này đúng là như vậy, chẳng giả. “Chư Phật bí tạng”, chữ “bí” (祕) này chẳng phải là bí mật, quý vị phải hiểu: Trong Phật pháp không có bí mật. Có bí mật, sẽ chẳng thể nói với người khác, trong Phật pháp không có [điều ấy]. “Bí” trong Phật pháp là nói đến sự sâu xa, kín nhiệm, Sự lẫn Lý đều quá sâu, chẳng dễ liễu giải, ẩn kín. Đây là nói thập phương tam thế hết thảy chư Phật Như Lai trong không ngằn mé thế giới, trong mười pháp giới của các thế giới chư Phật, giáo hóa chúng sanh trong lục đạo, giảng kinh, thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh. Bốn chữ “chư Phật bí tạng” có ý nghĩa này.
Lại nói là “hòa bàn thác xuất” (和盤托出: giãi bày trọn hết), chẳng giữ lại! Giống như chúng ta đãi khách, dọn thức ăn đầy mâm, toàn bộ dọn ra hết. Cái mâm (bàn tử: 盤子) ấy chính là bộ kinh này, trong bộ kinh này có nội dung gì? Bí tạng của thập phương tam thế hết thảy chư Phật đều ở trong đây, tuyệt diệu thay! Vì thế, cổ đại đức nói: Mọi người tán thán hai bộ kinh lớn là Hoa Nghiêm và Pháp Hoa khôn cùng, đại kinh Nhất Thừa mà! Cổ đại đức bảo [hai kinh ấy] đều nhằm dẫn đường cho kinh Vô Lượng Thọ. Nếu tôi chấp nhận cách nói này, tôi tin tưởng Tịnh Độ. Quý vị thấy thầy Lý khuyên tôi như vậy, nhưng tôi chẳng tiếp nhận. Tôi tiếp nhận Tịnh Độ là do giảng kinh Hoa Nghiêm, phải biết cũng là giảng được bảy, tám năm rồi, có một hôm, bỗng nhiên dấy lên ý niệm: Nghĩ coi Văn Thù, Phổ Hiền tu pháp môn gì? Thiện Tài đồng tử tu pháp môn gì? Giảng kinh chưa đến phần sau, lật phần sau ra. Giở phần sau ra [mới thấy] khi kinh này sắp giảng xong, hình như là trong quyển ba mươi chín, quyển bốn mươi là chấm dứt kinh. Trong quyển thứ ba mươi chín, Văn Thù Bồ Tát, trong sách Chú Giải này, cụ Hoàng cũng trích dẫn, trong phần sau sẽ nói đến, Văn Thù Bồ Tát phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ, Phổ Hiền Bồ Tát cũng phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ. Lại xem kỹ, năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử chứng tỏ, [giống như] người Hoa nói “tiên nhập vi chủ” (điều gì tiếp xúc đầu tiên sẽ là chánh yếu), Thiện Tài đồng tử tham phỏng vị [thiện hữu] thứ nhất là tỳ-kheo Cát Tường Vân, Ngài niệm A Di Đà Phật, tu Ban Châu tam-muội, chuyên tu niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Ngài giảng cho Thiện Tài hai mươi mốt pháp môn Niệm Phật. Tôi vừa mới nói với quý vị, hai mươi mốt môn này triển khai thành vô lượng vô biên pháp môn, chẳng có một pháp môn nào chẳng phải là pháp môn Niệm Phật, tương ứng với “chư Phật bí tạng, hòa bàn thác xuất”.
Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 4
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang