Hiện tại Phật không còn ở thế gian, cho nên chúng ta chỉ có thể đắp nắn tượng Phật để cúng dường, tượng trưng cho Phật pháp thường trụ ở thế gian.
Nguyện thứ bảy: Thỉnh Phật trụ thế
Điều này cũng vô cùng quan trọng. Hiện tại Phật không còn ở thế gian, cho nên chúng ta chỉ có thể đắp nắn tượng Phật để cúng dường, tượng trưng cho Phật pháp thường trụ ở thế gian. Những vị pháp sư đại đức thay Phật nói pháp, chúng ta phải nên mời họ lưu lại nơi này, giảng kinh nói pháp thời gian dài cho chúng ta thì chúng ta mới có thể nhận được lợi ích chân thật. Vì sao vậy? Các vị thử nghĩ xem, có mấy người nghe một bộ Kinh thì liền khai ngộ, liền chứng quả? Không hề có. Không có thì phải làm sao? Ngày ngày phải nghe Kinh. Phước báo của chúng ta ngày nay không bằng người xưa. Vào thời xưa, ở trong Tòng Lâm tự viện của Trung Quốc, mỗi ngày giảng Kinh không hề gián đoạn. Trong Tự viện có giảng đường. Trong lịch sử có ghi chép, Đại Sư Thanh Lương năm xưa ở đời giảng “Kinh Hoa Nghiêm”, có thể nói là người trước đó cũng như người đời sau đó, tôi thấy không có người nào có được cơ hội này. Cả đời Đại Sư Ngài giảng qua năm mươi lần. Những người thân cận với Đại Sư Thanh Lương nếu như có lòng nhẫn nại, ở dưới hội của Ngài nghe qua năm mươi lần thì có lý nào mà không thành tựu chứ? Một biến giảng qua chí ít là một năm. Nghe năm mươi biến thì phải nghe năm mươi năm. Năm mươi năm ngày ngày huân tập thì có lý nào mà bạn không khai ngộ? Chúng ta ngày nay nghe Kinh khó khăn là do đâu vậy? Một ngày nóng, đến mười ngày lạnh. Mỗi ngày ở nơi đây giảng Kinh, mỗi ngày huân tập cũng không quá hai giờ đồng hồ. Một ngày có hai mươi bốn giờ, chúng ta nghe Kinh chỉ có hai giờ, còn hai mươi hai giờ khởi vọng tưởng, bạn nói xem, làm gì có thành tựu chứ? Pháp sư ở Tòng Lâm vào thời xưa, mỗi ngày giảng Kinh tám giờ đồng hồ. Một bộ “Kinh Hoa Nghiêm” mỗi ngày giảng tám giờ đồng hồ, một năm giảng viên mãn. Vậy chúng ta một ngày giảng hai giờ đồng hồ thì phải giảng bốn năm, tiêu chuẩn thời gian bốn năm thì mới giảng viên mãn. Nếu một ngày giảng tám giờ thì một năm mới giảng viên mãn. Ngài Thanh Lương quả thật hơn người. Ngài sống hơn 100 tuổi, người thời đó gọi Ngài là Bồ Tát “Hoa Nghiêm”, thật không thể nghĩ bàn. Mỗi ngày giảng Kinh tám giờ đồng, ngoài ra ở niệm Phật đường niệm Phật tám giờ đồng hồ, họ làm gì còn thời gian để khởi vọng tưởng, chỉ còn có đi ngủ, không có thời gian để khởi vọng tưởng. Loại đạo tràng này ở trong đó ba năm có hiệu quả hơn chúng ta ngày nay tu hành ba mươi năm. Chúng ta tu hành ba mươi năm cũng không bằng người ta ở đạo trang đó một năm. Đây gọi là gì vậy? Trường kỳ huân tu, sức huân tập quá lớn.
Vào đầu năm dân quốc, đạo tràng Trung Quốc đại khái chỉ còn lại một nơi, đó là đạo tràng niệm Phật của Đại Sư Ấn Quang ở Chùa Linh Nham Sơn, Tô Châu. Điểm đặc sắc của đạo tràng Ngài là không có giảng Kinh, không có pháp hội, không có Kinh sám pháp sự, chỉ có Phật thất suốt năm, một câu Phật hiệu niệm đến cùng. Một ngày dùng sáu cây hương, một cây hương là một tiếng rưỡi đồng hồ, sáu cây hương là chín giờ đồng hồ. Mỗi ngày niệm Phật chín tiếng đồng hồ. Niệm ngày đêm không gián đoạn, buổi tối là thay phiên. Suốt năm làm tinh tấn Phật thất. Tinh tấn Phật thất của Ngài là bảy lần bảy liên kết lại với nhau, mười cái bảy liên kết lại, thêm chín cây hương niệm Phật. Cho nên, phàm hễ ai ở trong niệm Phật đường của Ấn Tổ niệm Phật vài năm, không luận tại gia hay xuất gia, cuối cùng vãng sanh đều có tướng tốt lạ. Ở qua Niệm Phật Đường của Ngài mấy năm thì thật là không uổng phí. Sau khi Ấn Tổ vãng sanh, những lão pháp sư như Pháp sư Diệu Chân, Pháp sư Đức Sâm kế thừa quy củ của Ấn Tổ, duy trì được một khoảng thời gian. Sau năm kháng chiến, đạo tràng suy vi. Hiện tại nếu chúng ta muốn xây dựng một đạo tràng mới đều không đủ cơ duyên. Chỉ có đạo tràng như vậy mới có thể rèn luyện được chúng sanh, mới chân thật có thể thành tựu chúng sanh. Cho nên xây dựng đạo tràng công đức vô lượng vô biên. Phải xây dựng một đạo tràng chân thật tu học, chân thật có người ở đó vãng sanh bất thoái thành Phật, thì công đức của đạo tràng đó sẽ lớn. Nơi đây đã từng có mấy người đi làm Phật rồi. Vì vậy, đối với việc tu học của chúng ta, thiện tri thức sẽ đặc biệt quan trọng. Chúng ta làm thế nào mời thiện tri thức lưu lại ở nơi đây? Người chân thật học Phật tu hành thì không có tình riêng, không nói nhân tình, dù cách tiếp đãi rất tốt, đãi ngộ rất tốt cũng không thể giữ họ lại. Chúng ta dùng phương pháp gì để giữ họ? Y giáo phụng hành. Chúng ta thật muốn học, thật muốn tu, mọi người cũng phát thật tâm, cho dù không tìm được thiện hữu thì Phật Bồ Tát cũng sẽ hóa thân đến nơi đây. Vì sao vậy? Nhà Phật thường nói: “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân”. Vậy người đó là người thế nào? Chân thật muốn học, chân thật muốn tu, chân thật muốn ngay trong một đời này thành Phật. Đây chính là đại tâm phàm phu mà “Hoa Nghiêm” đã nói. Đại tâm phàm phu thì làm gì có chuyện chư Phật Như Lai không chiếu cố chứ? Nhất định chiếu cố. Vấn đề là chúng ta ngày nay có phát ra chân tâm không. Chỉ có phát ra chân tâm thì mới có thể cảm động thiện tri thức thường trụ ở khu vực này, để chúng ta có cơ duyên huân tu lâu dài, như vậy mới có thể được lợi ích chân thật.
Hiện tại khoa học phát triển, thực tế mà nói, người chân thật hiểu được hộ pháp thì quá ít. Người chân thật biết hộ pháp đó là Bồ Tát, không phải người thông thường, họ có trí tuệ lớn, có phước báo lớn. Hiện tại, người chân thật có đại trí tuệ, đại phước báo không cần xây đạo tràng, vì xây đạo tràng không khởi được tác dụng lớn, mà phải nên xây đài truyền hình vệ tinh. Đài truyền hình vệ tinh này có thể giảng kinh hai mươi bốn giờ không ngừng nghỉ, để cho người trên toàn thế giới đều có thể xem được. Họ không cần phải đến đạo tràng mà ở trong nhà mở máy truyền hình. Nếu họ chân thật muốn học Phật, một ngày nghe kinh tám giờ đồng hồ thì không có vấn đề, họ chỉ cần ấn vào máy truyền hình thì có thể nghe. Chúng ta đem Phật pháp trực tiếp đưa đến nhà. Bình thường bồi dưỡng một số pháp sư cũng giống như tổ chức một đoàn hoằng pháp vậy, chỉ cần có mười mấy, hai mươi người là đủ. Những vị pháp sư này ngày ngày ở trong phòng thu âm giảng Kinh để ghi hình lại. Sau đó đem những băng ghi hình này đến đài truyền hình vệ tinh phát sóng. Đó là đại đạo tràng khoa học kỹ thuật cao. Chúng ta phải xây dựng như vậy, không nên tốn nhiều tiền xây chùa, đem tiền chôn xuống đất thật đáng tiếc, không có tác dụng lớn. Chúng ta phải đem những số tiền đó dùng vào nơi hữu dụng.
Việc thứ nhất chính là bồi dưỡng giảng sư, ở trong phòng thu âm giảng Kinh ghi hình. Thiết bị trong phòng thu âm phải tốt hơn nhiều so với ở nơi đây của chúng ta, vì họ chuyên nghiệp. Chúng ta miễn cưỡng đạt đến mức độ yêu cầu của họ, thế nhưng luôn luôn không thể sánh được với sự chuyên nghiệp của họ. Bình thường chúng ta phải cúng dường những vị pháp sư này, để những vị pháp sư này ở trên đời sống vật chất không hề có lo lắng, tâm có thể an định nghiên cứu Phật pháp Đại thừa, giảng từng bộ, từng bộ đều có ghi hình thu âm lại, tương lai chính là một bộ “Đại Tạng Kinh” sống. Bạn nói xem, ý nghĩa đến dường nào! Bất cứ nơi nào chúng sanh thích nghe Kinh gì thì chúng ta liền cho phát ra Kinh luận đó. Ngoài giảng Kinh nói pháp ra, chúng ta cũng giúp người niệm Phật. Hai mươi bốn giờ Phật hiệu không gián đoạn, tượng Phật trang nghiêm nhất hiển thị trên màn hình tivi. Khán giả xem thấy hình tượng A Di Đà Phật, nghe được Phật hiệu A Di Đà Phật liền theo đó mà niệm. Ở trong nhà cũng có thể tu Phật thất, cũng có thể một ngày nghe Kinh tám giờ, niệm Phật một ngày tám giờ đồng hồ. Bạn thấy, phước báo của chúng ta cũng sẽ không hề khác biệt gì người xưa. Người xưa phải tốn nhiều sức lực để xây dựng đạo tràng thì mới có thể phổ độ chúng sanh, còn ngày nay chúng ta dùng một đài truyền hình vệ tinh thì đủ. Đài truyền hình này là chuyên nghiệp, không phải mua kênh của người khác để bị người ta khống chế thời gian, rất phiền phức. Nếu như các vị chân thật có tài lực, có loại trí tuệ này thì phải nên chính mình làm một kênh chuyên nghiệp, hoàn toàn là truyền thanh truyền hình vệ tinh của Phật giáo, phát sóng trên toàn thế giới.
Hôm nay là ngày Phật đản sanh. Ngày nay chúng ta chưa đủ sức thì cũng đem cách nghĩ cấu tưởng này truyền đạt cho mỗi vị đồng tu. Mọi người đều có ý niệm này, mỗi người thường hay nghĩ thì sự việc này sẽ nghĩ thành công, vì tâm tưởng sự thành. Nếu chỉ có một người nghĩ thì sức mạnh sẽ rất yếu kém. Chúng ta có nhiều người đến như vậy, mỗi ngày đều nghĩ đến, tôi nghĩ không đến một năm hay hai năm, sự việc này liền thành công. Vì sao vậy? Vì mọi người đều nghĩ thì Phật liền sẽ đến giúp. Lý cư sĩ thường hay nói, chúng ta không có phước báo, nhưng A Di Đà Phật có phước báo. Nếu như nghĩ xây dựng một đạo tràng lớn như vậy cần phải tốn bao nhiêu tài lực? Nghĩ đến tài lực thì chúng ta không dám, nhưng vẫn là tiếp tục nghĩ, A Di Đà Phật sẽ đưa tiền đến, cần đến bao nhiêu Ngài sẽ đưa đến bấy nhiêu, nhất định sẽ có thành tựu.
Trên đây là chúng ta nói đến “Thỉnh Phật trụ thế”, đó là việc vô cùng quan trọng. Thế giới hiện tại giao thông thuận tiện, các mặt đời sống đều mở rộng, mỗi một khu vực đều cần phải có Phật pháp, chúng ta làm gì có nhiều giảng sư đến như vậy để đến các nơi giảng Kinh nói pháp? Đó là việc vô cùng khó khăn. Cho nên chúng ta nhờ vào khoa học kỹ thuật cao, một ít giảng sư cũng có thể đem Phật pháp phổ biến đến toàn thế giới. Nếu có cơ duyên nữa, chúng ta có thể đem Hoa ngữ phiên dịch thành mấy loại ngôn ngữ cần thiết để hoằng pháp đến trên toàn cầu, để mọi người đều có được lợi ích thù thắng của Phật pháp. Đây là công đức chân thật, giá trị ý nghĩa này sẽ càng sâu, càng rộng. Hiện tại nhờ vào khoa học nên thuận tiện hơn so với ngày trước rất nhiều. Ngày nay điều chúng ta thiếu kém chính là hộ pháp, không có người phát tâm hộ trì. Nếu không có người phát tâm hộ trì thì việc này sẽ rất khó làm, công trình phiên dịch tương đối gian nan. Phải đem sự việc dịch Kinh này làm cho tốt, phải giữ qui củ xưa của người trước, nhất định không thể một hai người độc lập dịch một bộ Kinh.
Ngày trước Trung Quốc dịch Kinh đều là tập thể cùng nhau làm công việc này. Phàm hễ tham gia dịch Kinh, đó là một pháp hội. Thỉnh giảng sư đến giảng bộ Kinh này, người dịch Kinh thảy đều tham gia nghe giảng, chân thật nghe hiểu, nghe tường tận rồi mới khởi bản thảo. Nếu có nghi hoặc lập tức liền phải hỏi. Sau khi dịch xong cảo bản thì phải đọc cho mọi người nghe, xem đại chúng có ý kiến gì không, có từ hay ý gì hay hơn không để nhuận văn, tu đính, làm cho bản dịch được tận thiện tận mỹ, để cho mọi người tiếp xúc được với quyển Kinh này đều có thể sanh tâm hoan hỉ. Cho nên, bản dịch không phải một người làm mà là sáng tác của tập thể. Chúng ta xem thấy Kinh Phật đều có tên người phiên dịch trên đề Kinh. Người trên đề Kinh là chủ biên trong đạo tràng dịch Kinh đó, không nhất định là do ông ấy dịch. Vì sao phải dùng tên tuổi của ông ấy? Ông ấy là người chịu trách nhiệm đối với bản dịch này, cũng chính là chứng minh bản dịch này không sai, có thể lưu thông. Cho nên, ông ấy là chủ tịch của đạo tràng phiên dịch đó. Bạn thấy trong lịch sử đã ghi chép, dịch trường của Đại Sư La Thập hơn bốn trăm người, dịch trường của Đại Sư Huyền Trang là rất lớn, hơn sáu trăm người, bên trong đều là chuyên chức.
Ngày trước có cư sĩ Thẩm Gia Trinh ở Hoa Kỳ, ông là một người có tâm. Ông đã mời không ít người đem Kinh điển tiếng Hoa dịch thành tiếng Anh, tốn rất nhiều tiền, số lượng dịch ra cũng tương đối khả quan. Khi tôi đến New York, ông dẫn tôi đến tham quan thư viện của Đại học New York, ông mượn mấy căn phòng trong thư viện làm thành Thư viện Phật giáo. Cho nên Thư viện Phật giáo của ông là đặt ở Đại học New York. Khi tôi đến tham quan, ông nói với tôi: “Nhiều năm nay tôi đã mời người đến phiên dịch Kinh Phật sang tiếng Anh, được một đống lớn bản cảo, chất thành một đống lớn, nhưng đều không thể dùng”. Tôi nghe lời nói này gật đầu, đích thực là không thể dùng. Vì sao vậy? Chỉ tìm một số người biết Trung văn, biết Anh văn rồi phiên dịch. Người phiên dịch không hiểu Phật pháp, chỉ dịch ý nghĩa, cũng giống như cuốn “Anh Văn Phật Học Từ Điển” của người nước ngoài phiên dịch. Đây là câu chuyện mà tôi nghe lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói với tôi, có một người Mỹ học Phật đến Đài Loan tham quan du lịch. Nghe nói Đài Trung có lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là Đại đức Phật học, liền đến đó để thỉnh giáo với lão cư sĩ, đưa ra một số câu hỏi. Lão sư Lý giải thích cho ông ấy, ông ấy rất không hài lòng, lắc đầu, không vừa ý. Lão sư Lý liền thỉnh giáo với ông ấy: “Vậy ông nói thử xem” (thầy nói là thông qua phiên dịch). Lão sư Lý nghe rồi cũng lắc đầu, không đồng ý. Cuộc trao đổi rất khó khăn, cũng may là trên người của ông ấy cũng mang theo một quyển sách. Lão sư Lý liền hỏi ông ấy: “Ông mang theo sách gì?”. Ông mang theo là “Phật Học Từ Điển” dịch ra tiếng Anh. Lão sư Lý nghe qua cũng thấy thắc mắc: “Vậy thì rất tốt, ông tra thử “nhị túc tôn” xem”. Chúng ta biết, quy y Phật nhị túc tôn. Ông tra thử xem cách giải thích nhị túc tôn thế nào? Ông ấy tìm được, liền dịch lại: “Nhị túc tôn là hai cái chân tôn quý nhất!”. Không hề sai mà! Nhị là hai, túc là chân, tôn là tôn quý, hai cái chân tôn quý nhất! Lão sư Lý nghe rồi liền cười, không nói nữa. Ngài nói: “Ông đi được rồi, Phật pháp nước ngoài của các ông, tôi hiểu rồi”. Vậy thì còn cách nào chăng? Đó chính là biết Hoa ngữ, biết Anh ngữ nhưng không biết Phật pháp, hoàn toàn dựa trên mặt chữ để dịch. Thật đúng như Phật đã nói: “Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan”, ba đời chư Phật đều bị hàm oan. Trong kệ khai Kinh đã giảng: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, thật không dễ dàng.
Ngay lúc đó tôi liền kiến nghị với cư sĩ Thẩm Gia Trinh rằng ông đã làm sai rồi, phiên dịch rất là quan trọng. Phải nên dịch như thế nào vậy? Muốn dịch một bộ Kinh nào thì phải tìm một đại đức đối với bộ Kinh đó, chân thật có tu có học, mời ông ấy đến giảng; đồng thời mời người tham gia công tác dịch Kinh đến nghe. Trước tiên phải nghe qua một cách tường tận, nghe thông suốt, có bất cứ nghi vấn nào phải hỏi, sau đó mới có thể hạ bút viết, mới có thể khởi bản thảo. Sau khi bản thảo thành tựu vẫn phải tiếp tục thảo luận tu đính lại. Tốt nhất là in bản thảo ra, phát tặng cho những đại đức có nghiên cứu, có tu, có học, mời họ xem, mời họ đến đính chính, sau đó mới làm thành một quyển hoàn thiện, vậy thì lưu hành quyển này sẽ không gặp vấn đề. Dịch Kinh rất khó và rất quan trọng, dịch “Kinh Hoa Nghiêm” thì càng khó hơn. Trong mỗi câu, mỗi chữ của “Hoa Nghiêm” đều mang ý nghĩa biểu pháp rất sâu. Nếu như bạn không hiểu nó thì toàn văn biến thành “hai chân cao” thì thành ra thứ gì chứ?
Chúng ta nên biết, phiên dịch Kinh vô cùng quan trọng, quyết không phải vài người ngồi trong phòng nhỏ của mình mà có thể làm ra được. Nhất định phải như Trung Quốc ngày trước, công khai tổ chức thành viện dịch Kinh, chuyên môn bồi dưỡng những nhân tài dịch Kinh, mời cao tăng đại đức đến giảng Kinh. Một vị chuyên giảng bộ Kinh nào thì mời họ đến giảng bộ Kinh đó, mọi người cùng đến nghe, cùng đến học tập, sau đó mới có thể hạ bút viết bản cảo. Không thể khinh xuất, tốn một ít tiền mời người đến phiên dịch thì được, rất khó. Tôi không biết tiếng Anh, quyển Kinh mà chúng ta dịch sang tiếng Anh, tôi rất khó mà tin tưởng, luôn là phân vân chọn lựa. Thế nhưng những người dịch giảng ký, đại khái luôn không phải là một vấn đề quá lớn. Tôi liền đề nghị cư sĩ Thẩm Gia Trinh, một thiên “Niệm Phật Luận” của Đàm Hư Pháp sư đã được họ dịch (đây là khai thị của Lão pháp sư Đàm Hư), tôi nghĩ trên đại thể không đến nỗi có vấn đề gì lớn, đó không phải là Kinh. Thiên khai thị do Pháp sư Ấn Quang ghi chép lại, chép được rất tốt, rất là dễ hiểu. Bên Thẩm cư sĩ có bản tiếng Anh, tôi liền lấy quyển này. Năm đầu in “Kinh Vô Lượng Thọ” số lượng không nhiều, rất mỏng, tôi đem “Niệm Phật Luận” bản Trung – Anh để vào phía sau “Kinh Vô Lượng Thọ” cùng lưu thông một lúc. Tôi đã in mười ngàn cuốn, truyền đến Canada. Tôi giảng Kinh ở Vancouver, có một bác sĩ Canada đến nói với tôi: “Pháp sư! Phần sách mà ông in phía sau, về sau không nên in ra nữa”. Tôi hỏi: “Vì sao vậy?”. Ông ấy nói: “Phần tiếng Anh này người nước Anh xem không hiểu, người Trung Quốc xem cũng không hiểu”. Sau khi tôi nghe rồi thật rất đau lòng, về sau thật tôi không dám in ra những bản dịch tiếng Anh nữa. Tôi nói, để những người ngoại quốc tự đi lưu thông, tôi không dám in. Chỗ này chính là nói rõ nhân tài dịch Kinh chúng ta phải bồi dưỡng, họ phải chân thật ở trong Phật pháp có tu có học, có thể thông đạt hai loại ngôn ngữ, thì mới có thể đảm nhiệm công tác này. Nếu như họ đối với Phật pháp, đối với Kinh luận không thông đạt thì không được, cho dù văn học của họ có tốt đến đâu đều không thể đảm nhiệm công tác này. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói: “Phật pháp không người nói, tuy có trí cũng không thể hiểu”. Người thế gian có thông minh trí tuệ cỡ nào cũng không cách gì hiểu được Phật pháp, bởi vì Kinh điển của Phật luôn luôn là ý ở ngoài lời, chỉ một chữ trong một câu nói cũng bao hàm rất nhiều ý nghĩa trong đó.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 22