Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Một câu Nam Mô A Di Đà Phật là Lý tánh Bổn Giác của chúng sanh

Chúng ta phải chú tâm thấu hiểu: Câu Phật hiệu ấy là sáu chữ hồng danh “Nam-mô A Di Đà Phật”, nó chính là Lý tánh Bổn Giác của chúng sanh, Lý tánh là tự tánh.

“Thử nhất cú Phật hiệu, chánh như Yếu Giải sở thị, ký thị chúng sanh Bổn Giác Lý tánh, cố tri thử giới nhĩ năng niệm chi tâm tức thị Như Lai quả giác” (Một câu Phật hiệu này, đúng như sách Yếu Giải đã chỉ ra, đã là Lý tánh Bổn Giác của chúng sanh, cho nên biết cái tâm niệm Phật nhỏ nhoi này chính là quả giác của Như Lai). Chúng ta phải chú tâm thấu hiểu: Câu Phật hiệu ấy là sáu chữ hồng danh “Nam-mô A Di Đà Phật” như trong sách Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư đã giảng, nó chính là Lý tánh Bổn Giác của chúng sanh, Lý tánh là tự tánh. Nhằm dạy học thuận tiện, đức Phật lập ra sáu chữ để đại diện cho muôn sự muôn vật trong vũ trụ. Tánh Tướng: Tánh có thể sanh, có thể hiện; Tướng là cái được sanh, cái được hiện. Đây là tầng cao nhất, tức duyên khởi của vũ trụ. Tầng thứ hai là Lý, Sự; Lý Sự là A Lại Da Thức, Lý là chủ thể có thể biến, Sự là cái được biến (sở biến), y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là cái được biến. Trong “cái có thể biến” (năng biến) có nhân và quả; trong sở biến cũng có nhân và quả. Quý vị thấy: Dùng sáu chữ “Tánh, Tướng, Lý, Sự, nhân, quả” bao quát trọn hết toàn bộ. Ở đây, quan trọng nhất là phải biết: Tự tánh có thể sanh, có thể hiện, nhưng chẳng biến. Cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai là cảnh giới này. Do vậy, nó được gọi là Nhất Chân pháp giới. Đến tầng Lý Sự, Năng Biến biến thành A Lại Da Thức, hiện tướng vô lượng vô biên ở trong ấy, chẳng phải là bất biến, mà là biến hóa khôn lường, biến đổi trong từng sát-na. Khi chúng ta học những điều này, cũng không có cách nào để diễn tả, nói không được! Do vậy, tôi đã nghĩ tới thuở nhỏ, chơi ống kính vạn hoa, đơn giản như vậy đó. Quý vị thấy kết cấu của ống kính vạn hoa là ba mảnh gương, ở giữa bỏ mấy mảnh giấy màu khác nhau. Quý vị xoay nó, sẽ thấy những thứ biến hóa bên trong. Quý vị xoay cách nào cũng chẳng tìm được một mô thức (pattern) giống nhau. Có cùng một đạo lý như vậy, A Lại Da Thức khởi tác dụng, biến thành y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới giống như ống kính vạn hoa, kính vạn hoa chuyển động không ngừng. Niệm này khởi lên, niệm kia diệt mất, tiền niệm diệt, hậu niệm khởi. Vì thế, chúng ta thấy tướng được hiện là hiện tượng gì? Là một thứ gần như là tướng liên tục, chẳng phải là hai tướng giống nhau, chẳng có! Về căn bản, chẳng giống hệt nhau mà là tương tự.

Giống như chúng ta coi phim, dùng dụng cụ sau đây: Cuộn phim, tức là phim điện ảnh. Quý vị thấy phim bỏ vào máy chiếu phim, một giây chiếu được hai mươi bốn tấm, ống kính đóng hay mở, tức là đối với tấm phim dùng để rọi, hễ ống kính mở, tấm phim ấy bèn được chiếu lên màn bạc, [ống kính] đóng lại, đổi sang tấm kế tiếp. Tốc độ quá nhanh, trong một giây là hai mươi bốn tấm, chúng ta thấy dường như hình ảnh cử động trên màn bạc; thật ra, chúng bất động, đâu có động! Từng tấm khác nhau. Do vậy, quý vị biết, sau khi lật ngửa con bài, [mới biết] thế giới này là tướng liên tục tương tự. Quý vị thấy: Trong điện ảnh, hai mươi bốn tấm phim [trong một giây] đã gạt được mắt ta, chúng ta ngỡ là thật. Đức Phật nói hiện thời [sự tướng biến hóa trong thế gian] theo tốc độ nào? Trong một giây là một ngàn hai trăm tám mươi triệu tấm, tốc độ chuyển động như vậy, làm sao chúng ta biết nổi? Hai mươi bốn tấm đã gạt chúng ta được rồi! Nay tôi cho quý vị biết, trong một giây có bao nhiêu tấm? Một ngàn hai trăm tám mươi triệu! Nói với chúng ta chân tướng sự thật này. Vì thế, có những thứ ấy tồn tại hay không? Không có, vạn pháp đều là Không.

Chúng ta thường nói nhân quả chẳng không, “nhân quả chẳng không” là so với gì để nói? So với tương tục mà nói, nói đối với tướng tương tự liên tục, trong ấy có nhân quả, bảo quý vị phải dè chừng, cẩn thận. Lên cao hơn nữa thì sao? Lên cao hơn nữa thì nhân quả cũng không. Tới Thường Tịch Quang, nhân quả chẳng có, hoàn toàn trở về tự tánh, nhân quả do đâu mà còn nữa? Trong Thường Tịch Quang, ngay cả hiện tượng vật chất lẫn hiện tượng tinh thần đều không có, nhưng có kiến văn giác tri, bởi lẽ, kiến văn giác tri là Tánh Đức. Biến thành A Lại Da Thức là khi nhất niệm vọng động, bèn biến thành A Lại Da Thức, kiến văn giác tri trong A Lại Da biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức; khi mê sẽ là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Giống như tiến sĩ Giang Bổn Thắng dùng nước làm thí nghiệm. Nước có thể thấy, nghe, đó là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Cội nguồn của Thọ, Tưởng, Hành, Thức là gì? Cội nguồn là kiến văn giác tri. Kiến văn giác tri trong tự tánh là trí huệ và đức năng sẵn có trong tự tánh. Đức Phật nói rõ ràng như thế, nói minh bạch như thế, các nhà khoa học chẳng nói đến.

Chánh báo như tóc, lông của chúng ta, y báo như vi trần, đều là tướng được hiện. Chúng ta thường nói “sanh diệt trong từng sát-na”, thật sự quý vị không có cách nào hiểu được khái niệm này, hiểu lời Di Lặc Bồ Tát nói: “Trong một cái khảy ngón tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, từ đây chúng ta mới có khái niệm. Bất luận là đầu lông hay vi trần, đều thuộc về vật chất, trong hiện tượng vật chất có kiến văn giác tri. Nay chúng ta đã mê, nói cách khác, có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, trong một đầu lông đều có, hết thảy các sợi lông, hết thảy các vi trần thảy đều có. Trong Phật pháp nói vi trần, các nhà khoa học hiện thời dùng danh từ “nguyên tử, điện tử, hạt căn bản, khoa-khắc (quark)”, đều gọi là “vi trần”, là hiện tượng vật chất, có tinh thần hay không? Có! Có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Trong hạt cơ bản có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, nó biến hóa, nghe theo ai chỉ huy? Ai đang biến hóa nó? Ý niệm. Chúng ta khởi tâm động niệm, nó bèn thuận theo ý niệm của chúng ta mà biến hóa. Ý niệm của chúng ta là thiện, sẽ chẳng có thứ gì bất thiện; ý niệm của chúng ta là bất thiện, sẽ chẳng có gì là thiện.

Nếu chúng ta đều là thiện niệm, cho nên đức Phật mong chúng ta, mong các đệ tử Phật nêu gương tốt cho hết thảy chúng sanh, thực hiện từ nơi đâu? Thực hiện từ Lục Hòa Kính. Vì thế, đoàn thể trong Phật môn được gọi là Tăng đoàn. Quý vị thấy khi chúng tôi thuyết Tam Quy Y: “Quy y Tăng, chúng trung tôn”, “Chúng” là đoàn thể. Trong Phật pháp, Chúng là nói từ bốn người trở lên, ở cùng một chỗ chung sống, tu hành chung với nhau, một đoàn thể như vậy tu Lục Hòa Kính. “Kiến hòa đồng giải”: Cách nhìn, cách nghĩ của ta và cách nhìn của mọi người như nhau, gọi là kiến hòa đồng giải. “Giới hòa đồng tu”, mọi người ở cùng một chỗ tuân thủ quy củ. Chẳng tuân thủ quy củ sẽ loạn. Giới luật là quy củ. Sau đấy là “thân đồng trụ, khẩu vô tránh, ý đồng duyệt” (thân cùng ở, miệng chẳng tranh cãi, cùng vui vẻ chia sẻ ý kiến), đó là vui vẻ ở cùng một chỗ. “Lợi đồng quân”: Đây là nói bình đẳng hưởng thụ hết thảy các thứ cúng dường, không có đặc quyền. Đấy là Lục Hòa Kính. Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, mọi người khất thực, tôi đi khất thực, khất thực được cúng dường kha khá, cơm và thức ăn ngon lành, người kia khất thực, nhà người ta nghèo khổ, cúng thí khác hẳn. Ngày hôm nay chúng ta được món lợi này thì làm sao? Chẳng phải là xin xong bèn ăn ngay, không thể! Khất thực xong, quay về, trở về Tăng đoàn, đem cơm xin được trộn lẫn với nhau, rồi lại phân chia, ăn theo cách như vậy, cho nên nói “nhất bát thiên gia phạn” (một bát, cơm ngàn nhà). Đúng vậy, chẳng giả! Tăng đoàn một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, ra bên ngoài khất thực, chẳng phải là cơm ngàn nhà hay sao? Trộn lẫn lại để ăn, quý vị thấy đó: Lợi hòa đồng quân (chia sẻ lợi lạc bình đẳng). Quý vị ra ngoài khất thực, khất thực chẳng được, không sao cả! Biết về nhà sẽ được ăn, được mọi người chia phần, lợi hòa đồng quân.

Trong đây, quan trọng nhất là kiến hòa đồng giải, chúng ta làm sao để có thể có cách nghĩ và cách nhìn chung? Khi chúng ta mê, bất giác, chưa đại triệt đại ngộ, chúng ta phải nương theo Phật, nương tựa thầy, nương theo kinh giáo của thầy. Lấy những thứ ấy làm căn cứ cho tư tưởng, kiến giải, tương ứng với kinh giáo là chánh tri chánh kiến. Trái phạm kinh giáo là tà tri tà kiến. Chúng ta phải chuyển tà thành chánh. Chánh – tà có rất nhiều tiêu chuẩn, mỗi kinh điển khác nhau; vì vậy, các tông, các phái đều khác nhau, nhưng là đại đồng tiểu dị, đều là chánh tri chánh kiến. Thậm chí nay chúng ta mở rộng tầm mắt, thấy trên thế giới này có nhiều tôn giáo khác nhau, chỉ cần chính phủ công nhận tôn giáo ấy là tôn giáo chính đáng, chúng ta cũng tôn trọng và thừa nhận kiến giải của họ cũng là chánh tri chánh kiến. Như vậy thì chúng ta mới có thể chung sống hòa thuận, mới có thể đối đãi bình đẳng, mới mang lại hòa bình, yên ổn cho thế giới. Đó là trong nhân gian và trong lục đạo. Nếu là trong hàng Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ Tát, cảnh giới ấy được nâng cao hơn, tiêu chuẩn khác hẳn. Đến địa vị Bồ Tát, tiêu chuẩn là tự tánh: Tương ứng với Tánh Đức thì là chánh tri chánh kiến; trái nghịch Tánh Đức của tự tánh sẽ là tà tri tà kiến, khác hẳn [nhân gian và lục đạo]. Do vậy, tiêu chuẩn rốt ráo, tiêu chuẩn tuyệt đối là tự tánh; khi quý vị minh tâm kiến tánh, quý vị sẽ chứng đắc.

Khi chưa chứng đắc, quý vị học tập những người đã chứng đắc, người chứng đắc cho chúng ta biết: Đó là Tánh Đức. Đó là gì? Thưa quý vị, Thập Thiện Nghiệp Đạo là Tánh Đức, Tam Quy Ngũ Giới là Tánh Đức, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Đạo gia là Tánh Đức, Âm Chất Văn của Văn Xương Đế Quân cũng là Tánh Đức, Đệ Tử Quy của Nho gia cũng là Tánh Đức, giảng ngũ luân, ngũ thường, tứ duy bát đức[3] là Tánh Đức, là chứng đắc của chư Phật, Bồ Tát. Chúng ta chưa chứng đắc, phải nương theo giáo huấn của các Ngài để hành, tùy thuận Tánh Đức, kiến lập chánh tri chánh kiến và kiến hòa đồng giải. Tu Lục Hòa Kính như thế nào? Thực hiện ba thứ căn bản của Nho, Thích, Đạo là thật sự tu Lục Hòa Kính, Lục Hòa Kính sẽ được thực hiện! Thật sự làm! Bắt đầu làm từ đâu? Làm từ chính mình, đừng đòi hỏi người khác, quý vị sẽ là đệ tử thật sự của đức Phật. Chỉ đòi hỏi chính mình, đừng đòi hỏi ai khác, kiến lập hòa hợp tăng đoàn như thế đó! Tuyệt đối chớ nên đem ni tấc của chính mình xét đoán người khác, đến mọi nơi phê bình người ta. [Làm như vậy] quý vị sẽ phạm lỗi to lớn quá đỗi! Phải hiểu đạo lý này! Chính quý vị làm được thì sẽ thành tựu. Quý vị thành tựu, chắc chắn sẽ cảm hóa người khác. Một người chịu làm, có thể cảm hóa cả nhà; một nhà đều làm, chắc chắn cảm hóa xóm giềng, cảm hóa thân thích, bằng hữu. Vì thế, sách Đệ Tử Quy có nói: “Thế phục nhân” (dùng uy thế khuất phục người khác), chưa chắc người ta đã tiếp nhận, “Lý phục nhân” (dùng lý khuất phục người khác), người ta tự nhiên bị cảm hóa. Phải làm từ chính bản thân mình mới là đúng.

Đã là Lý tánh trong Bổn Giác của chúng sanh thì là chính mình, chính mình là chúng sanh. Hai chữ “chúng sanh” có nghĩa là các duyên hòa hợp sanh ra hiện tượng thì gọi là chúng sanh. Con người chúng ta, thân thể này do các duyên hòa hợp; cái thân vật chất là Tứ Đại, đất, nước, lửa, gió, Tứ Đại, Tứ Đại là gì? Nói theo danh từ khoa học hiện thời, Tứ Đại là nguyên tử hay điện tử. Các nhà khoa học cho biết: Một nguyên tử, một điện tử, hoặc một hạt cơ bản đều có bốn đặc tánh. Thứ nhất là vật chất, nhìn bằng kính hiển vi cao cấp, quý vị có thể thấy được, nó là vật thể quá nhỏ, quý vị chẳng thể đụng tới, nhưng có thể thấy nó. Nhà Phật gọi tánh chất này là Địa Đại, Địa tượng trưng cho vật chất. Một vật thể bé như thế có mang điện tích, chứa âm điện hay dương điện. Dương điện được gọi là Hỏa Đại, âm điện là Thủy Đại. Nó có độ ẩm và nhiệt độ, độ ẩm là Thủy Đại, nhiệt độ là Hỏa Đại. Nó chuyển động, chứ không tĩnh lặng, [chuyển động với] tốc độ rất nhanh, sự chuyển động ấy gọi là Phong, dùng Phong để tượng trưng, nên gọi là Phong Đại. “Địa, thủy, hỏa, phong” là nói về vật chất cơ bản hay hạt căn bản. Di Lặc Bồ Tát dạy chúng ta: “Niệm niệm thành hình”, thì “hình” là Tứ Đại, chúng có bốn hiện tượng này. “Hình giai hữu thức” (hình đều có thức), câu này quan trọng. Thức là gì? Thức là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Chỉ cần là vật chất, chắc chắn có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Nước là vật chất, tiến sĩ Giang Bổn Thắng đã làm thí nghiệm với nước, chứng minh vật chất có Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Tôi bốn lần sang Nhật Bản tham dự hội nghị quốc tế, có hai lần đi phỏng vấn, tôi sang Nhật Bản sáu lần. Trong sáu lần này, tôi đã hai lần tới thăm phòng thí nghiệm của tiến sĩ Giang Bổn Thắng, tôi tới thăm, ông ta đã giảng giải cặn kẽ. Ông ta làm thí nghiệm mấy chục vạn lần, chứng minh nước thật sự có kiến văn giác tri. Tôi bảo ông ta: “Vẫn chẳng phải chỉ có hiện tượng này, nay quý vị đã thấy nó có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Đối với những thí nghiệm này, nước bộc lộ sắc tướng cho quý vị thấy, nhưng trong kinh Phật nói Sắc, Thanh, Hương, Vị, có bốn loại hiện tượng, quý vị chỉ mới thấy Sắc, vẫn chưa phát hiện Thanh, Hương, Vị”. Tôi nói: “Quý vị phải tiếp tục nỗ lực, tôi mong quý vị dùng phương pháp khoa học, nước có âm thanh, có hương, vị, quý vị có thể làm thí nghiệm để xem xét, công đức vô lượng. Đấy là như kinh Phật đã nói: Bất luận vật chất gì cũng đều có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, đều có Sắc, Thanh, Hương, Vị. Hãy dùng một phương pháp trắc nghiệm khác, chẳng dùng nước nữa”. Quý vị thấy hôm qua, mấy người bọn họ báo cáo ở nơi đây: Họ dùng cơm, lấy ba chén cơm. Một nồi cơm nấu xong, xới ra ba chén, để hai mươi ngày. Một chén thì mỗi ngày tán thán, ca ngợi nó. Chén khác, chán ghét, oán hận nó. Còn một chén nữa, về căn bản là mặc kệ, không màng tới. Hai mươi ngày sau, chén được tán thán mỗi ngày, cơm biến thành màu vàng, có mùi thơm, chén bị oán hận trở nên hết sức khó ngửi, biến thành đen thui; chén không được để ý cũng bị hư, nó thật sự hiểu được ý nghĩ của con người. Đó là gì? Đó là thị hiện có Sắc, Hương, Vị, còn âm thanh chưa có cách để làm thí nghiệm. Đối với lời đức Phật dạy, hoàn toàn làm thí nghiệm [sẽ thấy] hết thảy vật chất đều có Sắc, Thanh, Hương, Vị, đều có bốn hiện tượng này xuất hiện. Phật pháp kỳ diệu khiến cho các nhà khoa học phải gắng công chứng thực.

Vì thế, ý niệm của chúng ta có mối quan hệ với tướng mạo. Muốn đẹp đẽ, ngàn muôn phần đừng tới thẩm mỹ viện. Theo như họ đã tường trình trong ngày hôm qua, thẩm mỹ viện khổ lắm! Tốn cả đống tiền để đày đọa bản thân, chịu bao nhiêu đày đọa, gần như mất mạng, lầm lạc quá! Chỉ cần quý vị có tâm tốt, tướng mạo sẽ đẹp đẽ, tướng chuyển theo tâm. Vì sao quý vị không tin chuyện này? Tâm tốt, tướng sẽ tốt đẹp; tâm tánh tốt, thân sẽ khỏe khoắn, thân lẫn tâm khỏe mạnh. Đừng bị kẻ khác lừa gạt! Phật, Bồ Tát chẳng lừa ai, luôn nói lời chân thật, mà quý vị chẳng nghe! Quý vị nghe lời chuyên viên thẩm mỹ, chẳng phải là tự chuốc khổ đó sao? Chúng ta muốn thân lẫn tâm khỏe mạnh, phải tin vào chính mình, tâm niệm phải lành, tư tưởng phải lành. Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đức Phật bảo long vương: “Bồ Tát hữu nhất pháp, năng ly nhất thiết thế gian khổ” (Bồ Tát có một pháp có thể lìa hết thảy nỗi khổ trong thế gian), pháp gì vậy? Là thiện pháp, tức là Thập Thiện nghiệp đạo. Tư tưởng của quý vị tương ứng với Thập Thiện nghiệp, kiến giải của quý vị tương ứng với Thập Thiện nghiệp, ngôn ngữ, hành vi của quý vị tương ứng với Thập Thiện nghiệp, chẳng có điều gì bất thiện, thân và tâm khỏe mạnh, hạnh phúc mỹ mãn sẽ thật sự đạt được! Do vậy, đừng nên cầu bên ngoài.

Tiếp theo đó, sách viết: “Cố tri thử giới nhĩ năng niệm chi tâm tức thị Như Lai quả giác” (cho nên biết cái tâm năng niệm nhỏ nhoi chính là quả giác của Như Lai). Như Lai quả giác là tự tánh, quả giác nơi tự tánh. Chữ “giới nhĩ” thường thấy trong kinh Phật, nhằm hình dung một niệm vô cùng vi tế. Nói thật ra, vi tế đến cùng cực là như Di Lặc Bồ Tát đã nói: “Trong một cái khảy ngón tay, có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, đó là “giới nhĩ”, tức một niệm tâm, chúng ta không có cách nào phát hiện điều này. Nay chúng ta chỉ nhận biết một cái khảy ngón tay là một phần tư giây. Chúng ta có thể cảm nhận được, đó là nhất niệm của bọn phàm phu chúng ta; còn một niệm tâm ở đây thuộc về quả giác của Như Lai, là Tánh Đức, là tự tánh giác. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng ta học tới chỗ này. Cảm ơn mọi người!

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Hàng thứ nhất, trang thứ ba của sách Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, xem từ hàng thứ nhất.

“Thử nhất cú Phật hiệu, chánh như Yếu Giải sở thị, tức thị chúng sanh Bổn Giác Lý tánh, cố tri: Thử giới nhĩ năng niệm chi tâm tức thị Như Lai quả giác” (một câu Phật hiệu này, đúng như sách Yếu Giải đã dạy, chính là Lý tánh trong Bổn Giác của chúng sanh. Cho nên biết: Cái tâm niệm Phật nhỏ nhoi này chính là quả giác của Như Lai). Trong lần trước, chúng ta đã đọc tới chỗ này. Câu này vẫn phải nói rõ cặn kẽ hơn một chút, nó có quan hệ rất lớn đối với sự niệm Phật của chúng ta. Cái “giới nhĩ năng niệm chi tâm” này là chân tâm, mà cũng là vọng tâm; trong các thứ vọng tâm, nó gần với chân tâm nhất. Vì sao? Chẳng khởi tâm, chẳng động niệm nó là chân tâm. Hễ khởi tâm động niệm, nó là vọng tâm, chỉ là cái tâm bé nhỏ này vừa mới dấy lên [ý niệm]. Nhìn từ phía chân và vọng, cái tâm này khó có; dùng cái tâm này để niệm Phật thì cái tâm ấy chính là “Như Lai quả giác” được nói đến ở đây. Người ấy chẳng mê, chẳng có Hoặc (phiền não), [tức là] chẳng mê hoặc. Khi một niệm tâm khởi lên, bèn A Di Đà Phật; niệm Phật phải niệm theo cách như vậy. Nay chúng ta là phàm phu, là lục đạo phàm phu chính cống; nếu trong kinh Đại Thừa, đức Phật không nói ra, chúng ta sẽ vĩnh viễn không nhận biết một niệm tâm này. Nó quá vi tế, “giới nhĩ” có nghĩa là “vi tế” (nhỏ nhiệm), cực kỳ vi tế, chúng ta không có cách nào nghĩ tưởng được!

Chúng ta vừa mới dấy lên một niệm suy tưởng, Di Lặc Bồ Tát đã bảo: Trong một niệm tưởng, có “ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, đấy là “giới nhĩ năng niệm chi tâm” (cái tâm có thể niệm nhỏ nhoi này). Chúng ta vừa mới tưởng, trong cái ý niệm vừa dấy động ấy, bèn có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm. Di Lặc Bồ Tát đã cho chúng ta biết: [Ba mươi hai ức trăm ngàn niệm chỉ là] trong khoảng khảy ngón tay, cho nên không có cách nào thấu hiểu điều này được! Trong kinh, đức Phật cũng nói rất rõ khi nào quý vị mới có thể quan sát, nhận biết những niệm vi tế này tồn tại: [Phải là khi đã đạt đến] Bát Địa Bồ Tát, tức Bát Địa Bồ Tát [trong Viên Giáo] như kinh Hoa Nghiêm [đã nói]. Từ Thất Địa trở về trước, đều không có cách nào cảm nhận được! Bát Địa Bồ Tát có công phu định lực như vậy, chúng ta gọi [công phu ấy] là “thanh tịnh tâm”. Cái tâm thanh tịnh ấy đạt đến mức độ tinh thuần như vậy, nên Ngài mới cảm nhận được. Cao hơn nữa là Cửu Địa, Thập Địa, Thập Nhất Địa (Đẳng Giác), trên nữa là Diệu Giác, đó chính là viên mãn, tức quả Phật rốt ráo viên mãn! Nay chúng ta nên học như thế nào? Phải rèn luyện trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta có thể học theo bí quyết về phương pháp huấn luyện trong cuộc sống thường ngày của Ấn Quang đại sư, bí quyết gì vậy? [Chính là] chữ Tử trong “sanh tử”, thường nghĩ đến lúc phải đối diện cái chết. Đừng sợ chết! Quý vị phải biết: Chết là thân có sanh tử, chứ linh hồn (thần thức) không có sanh tử! Nếu sau khi chết, cái gì cũng đều không có, linh hồn cũng chẳng có; nói chung, chúng ta cũng chẳng cần phải học Phật, cũng chẳng cần phải tu hành, giống như phàm nhân thường nói “người chết như ngọn đèn đã tắt”. Chết rồi, cái gì cũng đều chẳng có! Không phải vậy! Thân chết, linh hồn không chết; linh hồn lại đi đầu thai, tức là nói “luân hồi trong lục đạo”, chuyện này phiền phức lắm! Chúng ta phải thật sự hiểu rõ, minh bạch chân tướng sự thật này: [Thần thức] chẳng thể chết được! Trong quá khứ, khi giảng kinh, tôi đã nói rất nhiều lần, chết là phiền lắm! Phiền phức quá lớn! Nhất định phải vãng sanh Tịnh Độ trong một đời này, vãng sanh Tịnh Độ là thành Phật!

Có thể làm được hay không? Ai cũng có thể làm được! Chỉ cần quý vị hiểu lời khải thị này của pháp sư Ấn Quang, thường nghĩ thọ mạng của mình chỉ là một ngày hôm nay, đừng nghĩ sẽ có ngày mai, [chỉ có ngày] hôm nay thôi, quý vị còn có gì mà không buông xuống được? Chỉ có một ngày hôm nay, ngày hôm nay là ngày cuối cùng, ta phải nên làm chuyện gì? Thật thà niệm Phật, chẳng phải là đã thành công rồi hay sao? Cách niệm như thế nào? Mỗi tế bào trên thân thể ta đều là A Di Đà Phật, mỗi sợi lông đều là A Di Đà Phật. Ta lại mở banh mắt nhìn ra thế giới bên ngoài, nghe âm thanh bên ngoài, những điều mà sáu căn tiếp xúc, chẳng có điều nào không phải là A Di Đà Phật. A Di Đà Phật trọn khắp pháp giới; đấy là niệm Phật. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật đã giảng rất hay: Hết thảy chúng sanh, “chúng sanh” ở đây hiểu theo nghĩa rộng, không theo nghĩa hẹp, do các duyên hòa hợp sanh ra hiện tượng [thì gọi] là chúng sanh, có hiện tượng nào chẳng phải do các duyên hòa hợp? Cái thân động vật của chúng ta do các duyên hòa hợp, [gọi theo] danh từ Phật học là Tứ Đại, Ngũ Uẩn. Tứ Đại là vật chất, Ngũ Uẩn là tinh thần, tức Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Tứ Đại và Ngũ Uẩn hợp thành thân thể này. Hoa, cỏ, cây cối thì sao? Hoa, cỏ, cây cối cũng vậy, cũng do các duyên hòa hợp mà sanh. Chúng ta thấy thân tướng của chúng là hiện tượng vật chất; chúng có Thọ, Tưởng, Hành, Thức hay không? Có chứ! Không rõ ràng như động vật, trì độn hơn động vật nhiều lắm, nhưng chúng có [Thọ, Tưởng, Hành, Thức]. Nếu không có, làm sao chúng ta có thể khởi cảm ứng đạo giao với chúng?

Mười năm gần đây nhất, tôi di dân sang Úc, lập một đạo tràng tại Úc. Đất ở Úc rẻ, tiền xây cất đạo tràng rất thấp, đất đai đặc biệt rẻ. Hoàn cảnh sống của tôi ở Úc là ở vùng nông thôn, cách thành phố mười hai cây số, lái xe [vào thành phố mất] mười lăm phút. Phía ngoài căn nhà tôi ở là sân, sân to chừng nào? Cỡ một trăm bảy mươi mẫu Trung Quốc[1], sân to như vậy đó! Phía ngoài dùng dây kẽm rào lại, đi vòng quanh hàng rào ấy phải mất một giờ. Vì thế, tôi trồng rất nhiều rau, rất nhiều cây cối, hoa cỏ. Cây cối, hoa, cỏ có linh khí, rau có linh khí, thực vật có linh tánh, chúng có [khả năng] thấy nghe, hay, biết. Chúng ta dùng thiện tâm chăm sóc, đối đãi chúng, chúng sẽ báo đáp tốt đẹp: Hoa nở đặc biệt thơm, kết quả đặc biệt ngọt, chúng đền đáp đấy! Chúng tôi không dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học. Thuốc trừ sâu và phân hóa học sẽ tổn hại chúng, chúng chẳng muốn tiếp nhận. Chúng giống như chúng ta, có một phần tinh thần. Phật pháp nói đến tâm, thực vật có tâm pháp. Chăm sóc vườn rau, vườn rau rất lớn, chúng tôi tổ chức các hoạt động, rau trong vườn có thể đủ cung cấp cho một ngàn người ăn. Tổ chức các hoạt động suốt bảy ngày có thể chẳng cần phải mua rau ở bên ngoài. Vườn rau của chúng tôi có thể đủ cho một ngàn người ăn mỗi ngày. Vườn rau to ngần ấy, trồng rất nhiều loại. Pháp sư Ngộ Khiêm cho tôi biết: Cô ta trông nom vườn rau, một hôm nằm mộng, thấy có một trái dưa leo báo mộng: “Tôi đã già khằng rồi mà các cô không hái”. Quý vị thấy nó báo mộng cho cô ta vì cô trông nom vườn rau. Hôm sau, [thức dậy], cô ta cảm thấy lạ lắm, băn khoăn: “Mỗi ngày mình đều vào vườn, cớ sao chẳng thấy?” Tìm đúng vị trí [trái dưa] đã chỉ [trong giấc mộng], quả nhiên có một trái dưa; nó khuất sau mớ dây leo nên chẳng thấy. Cô ta thấy nó đúng là quá già, chẳng thể nào ăn được. Thôi! Để dành làm giống vậy! Quý vị thấy đó: Dưa có thể báo mộng cho quý vị; cho nên nó có linh tánh, quý vị đừng coi rẻ, xem thường nó! Quý vị phải tôn trọng nó. Không chỉ cây cối, hoa, cỏ có linh tánh, mà núi, sông, đại địa cũng có linh tánh, cũng tức là nói “khoáng vật có linh tánh”. Tiến sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật Bổn làm thí nghiệm với nước, nhà khoa học này thừa nhận, ông ta chẳng bịa chuyện. Ông ta làm thí nghiệm mười hai năm, nước là khoáng vật, nó có thể thấy và nghe, hiểu ý nghĩ của con người. Sau khi tin tức này được công bố, nói theo Phật pháp, [sở dĩ nước có thể thấy, nghe, hiểu ý là vì] tất cả hết thảy khoáng vật, núi, sông, đại địa đều có linh tánh, cũng có thể nói là chúng đều có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Thân thể của động vật là Ngũ Uẩn, nhưng thực vật và khoáng vật cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, chẳng lìa Ngũ Uẩn, chỉ là mức độ mẫn cảm khác nhau. Động vật mẫn cảm nhất, rõ ràng nhất, thực vật kém hơn, khoáng vật kém hơn nữa, nhưng vẫn có linh tánh. Do điều này, chúng ta mới thật sự hiểu một hạt vi trần có là A Di Đà Phật hay không? Đúng vậy! Một sợi lông có phải là A Di Đà Phật hay không? Phải! A Di Đà Phật ở đâu? Khắp pháp giới hư không giới, không chỗ nào chẳng phải là A Di Đà Phật! A Di Đà Phật là tự tánh, là Tánh Đức của chúng ta. Một niệm của chúng ta vừa dấy lên, bèn tương ứng viên mãn với Tánh Đức, đó gọi là niệm Phật. “Giới nhĩ năng niệm chi tâm” chính là quả giác của Như Lai, chẳng giả tí nào!

Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 4-5
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

Bài viết cùng chuyên mục

Vọng tưởng, vọng niệm là gì? Làm sao để trị vọng tưởng?

Định Tuệ

Tự tánh của chính chúng ta vốn đầy đủ trí huệ, đức năng

Định Tuệ

Tu đại cúng dường là gì? Phải tu cúng dường như thế nào?

Định Tuệ

Một câu A Di Đà Phật phải thường niệm mọi lúc mọi nơi

Định Tuệ

Sự bất đồng giữa Phật với Ma – Sao gọi là Phật? Sao gọi là Ma?

Định Tuệ

7 cách lạy Phật – Lễ Phật phải xuất phát từ lòng kính

Định Tuệ

Thế giới này quá nhiều khổ nạn, Tây Phương Cực Lạc là ao thanh lương

Định Tuệ

Một câu A Di Đà Phật là trả hết tất cả, nợ mạng nợ tiền cũng trả xong

Định Tuệ

Sát sanh cúng tế khi người thân chết chính là hại người đã mất

Định Tuệ

Viết Bình Luận