Pháp môn Niệm Phật vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc này là pháp môn ngay đời này thành Phật, là pháp môn đệ nhất tất cả chư Phật tiếp dẫn chúng sanh…
Kinh văn: “Cúng dường chư Phật, khai đạo quần sanh”.
Họ khởi tác dụng, “thượng cúng chư Phật, hạ hóa chúng sanh”. Do đây có thể biết, nếu như chính mình không có giới-định-huệ tam học chân thật, thì bạn không thể cúng Phật, bạn cũng không thể lợi sanh. Do đây có thể biết, bốn chúng đồng tu chúng ta, không luận tại gia hay xuất gia, nhất định phải chân tu. Tu cái gì? Giới-định-huệ tam học. Giới-định-huệ vừa triển khai chính là từng việc nhỏ nhất ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Chúng ta tùy tiện nêu ra một thí dụ, thí dụ chúng ta ở trong nhà giặt quần áo, nấu cơm, đó là việc mà mỗi người phụ nữ chủ gia đình ngày ngày phải làm. Bạn có biết giặt quần áo là tu giới-định-huệ, nấu cơm cũng là tu giới-định-huệ không? Nếu như bạn thông đạt tường tận, bạn từ sớm đến tối khởi tâm động niệm không hề rời khỏi Bồ Tát hạnh, bạn đang tu Bồ Tát đạo. Nếu bạn không hiểu rõ, không thông đạt, thì tâm bạn là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi. Khác biệt này quá lớn. Truy cứu căn nguyên của sự khác biệt này là sai biệt ở ngay một niệm, một niệm giác, một niệm mê. Một niệm giác, chúng ta giặt quần áo có trình tự của giặt quần áo, có phương pháp giặt quần áo, y theo phương pháp thứ tự mà làm chính là trì giới. Giặt quần áo phải có một khoảng thời gian, phải có mấy mươi phút, mấy mươi phút phải có lòng nhẫn nại ở đó chờ, đó là tu định. Quần áo giặt được sạch sẽ, được ủi thẳng đẹp, đó là trí tuệ. Cho nên không luận việc lớn việc nhỏ, luôn là tương ưng với “Tam vô lậu học”. Tương ưng với “Tam vô lậu học” thì tương ưng với “Lục độ”, tương ưng với mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Nếu như triển khai ra liền viên mãn, tương ưng với Bồ Tát lục độ vạn hạnh. Cho nên Bồ Tát đạo tu ở nơi nào? Chính ngay trong cuộc sống thường ngày, mọi nơi mọi chỗ đều là viên mãn Bồ Tát hạnh. Chúng ta dùng loại tâm tình này để cúng dường chư Phật.
Ngày nay chúng ta phải thực tiễn ngay bổn phận của mình, thực tiễn vào ngay hiện tiền, làm thế nào “cúng dường chư Phật”? Niệm Phật chính là cúng dường chư Phật. Niệm Phật phải biết niệm, phải “phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Tám chữ này chính là cúng dường chư Phật. Cúng dường chư Phật là tự độ. Cho nên, phát nguyện vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật hoan hỉ tán thán, A Di Đà Phật hoan hỉ đến tiếp dẫn, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai đều khác miệng đồng âm đến khuyên bảo chúng ta, điều này chúng ta xem thấy ở trên Kinh A Di Đà. Chư Phật Như Lai vì sao phải tán thán? Chư Phật Như Lai chỉ có một tâm nguyện là “phổ độ chúng sanh sớm ngày thành Phật”. Phật Bồ Tát không hài lòng xem thấy chúng ta trễ một ngày thành Phật, luôn hy vọng nhìn thấy chúng ta mau chóng thành Phật. Đó là nguyện vọng của chư Phật Như Lai.
Pháp môn Niệm Phật vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc này là pháp môn ngay đời này thành Phật, là pháp môn đệ nhất tất cả chư Phật tiếp dẫn chúng sanh, không hề quanh co uyển chuyển, mà dạy cho bạn ngay trong một đời chứng được cứu cánh viên mãn. Bạn nói xem, pháp môn này thù thắng dường nào! Thế nhưng pháp môn như vậy nhất định phải độ chúng sanh căn tánh chín muồi. Làm sao biết chúng sanh căn tánh chín muồi? Họ sau khi nghe rồi có thể tin tưởng, không hoài nghi, liền có thể phát nguyện và không thoái chuyển, dõng mãnh tinh tấn thành thật niệm Phật. Họ thật đã làm được không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Người như vậy trong bổn tông gọi họ là chúng sanh căn tánh chín muồi, hay nói cách khác, duyên của họ làm Phật hiện tại đã chín muồi. Thật không dễ dàng. Không phải họ làm Bồ Tát, làm A La Hán, mà là làm Phật. Nhân duyên làm Phật đã chín muồi, hay nói cách khác, ngay trong đời này họ phải đi làm Phật. Việc này quá hi hữu.
Trên Kinh Di Đà nói: “Không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh nước kia”. Họ đồng thời có đầy đủ ba điều kiện chủ yếu là thiện căn, phước đức, nhân duyên, cho nên họ nhất định được sanh. Sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc liền bất thoái thành Phật. Thành thật mà nói, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc liền làm Phật, hạ hạ phẩm vãng sanh cũng làm Phật. Chúng ta xem thấy trong bốn mươi tám nguyện của Kinh này, đó là A Di Đà Phật chính mình nói: “Người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát”. A Duy Việt Trí chính là Phật, không phải Bồ Tát thông thường. Chư Phật Như Lai lại nói pháp môn này gọi là pháp khó tin. Đương nhiên khó tin, vì duyên làm Phật chưa chín muồi nên họ không tin tưởng. Vậy ai tin tưởng? Người làm Phật tin tưởng, không phải người làm Phật thì không tin tưởng. Đạo lý chính là như vậy. Người căn tánh Bồ Tát không tin tưởng. Người căn tánh Thanh Văn, Duyên Giác đương nhiên càng không tin tưởng. Chỉ có người căn tánh nhất Phật thừa thì họ tin sâu, không hoài nghi. Cho nên họ cúng dường chư Phật, cúng dường chư Phật chính là xưng niệm một câu danh hiệu này. “Một niệm tương ưng một niệm Phật”, cái niệm này không phải chỉ cúng dường một vị Phật, mà là cúng dường hết thảy hư không pháp giới mười phương ba đời tất cả chư Phật. Pháp môn này gọi là pháp môn bình đẳng, bình đẳng phổ cúng tất cả chư Phật Như Lai.
Ngày mai là Quốc khánh của Singapore. Tối nay là đêm trước của ngày Quốc khánh, các vị phát tâm ở tại đây niệm hai ngày hai đêm, 48 giờ đồng hồ. Phước báo cúng dường này không cần phải nói, chúng ta không cách gì tính được, tất cả chư Phật Như Lai đều nói không hết. Bạn cúng dường chư Phật như vậy có hiệu quả chân thật hay không? Phải xem bạn niệm Phật có thành tâm hay không, bạn niệm có được tương ưng hay không. Nếu dùng tâm chân thành mà tương ưng thì công đức đó không thể nghĩ bàn. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả.
“Khai đạo quần sanh” là độ người. Chúng ta hiện nay có thể đem pháp môn thù thắng này, dùng phương tiện khéo léo rộng vì tất cả đại chúng mà giới thiệu, đó chính là “khai đạo quần sanh”. “Khai” là khai mở bế tắc cho họ, đó là ngôn giáo. Trong “đạo” thì có thân giáo, chúng ta phải làm tấm gương cho họ xem. Thân giáo thù thắng hơn nhiều so với ngôn giáo. Chúng ta khuyên người niệm Phật, nói đến lở da miệng họ vẫn không thể hoàn toàn tin tưởng, họ vẫn rất khó tiếp nhận, bán tín bán nghi. Hôm nay niệm Phật đường được xây dựng, bảo họ đích thân đến nơi đây niệm Phật một ngày thì họ liền tường tận. Vì sao vậy? Họ chính mình thể nghiệm. Niệm Phật đường này hoàn toàn khác với các niệm Phật đường khác. Khác nhau ở chỗ nào vậy? Đạo tràng này là đạo tràng thanh tịnh trang nghiêm. Bạn thấy trong đó không có làm pháp hội, không làm Kinh sám Phật sự, không có làm những việc vụn vặt này. Ngoài điển tích của Tịnh Tông ra, không xen tạp bất cứ Kinh điển nào. Cho nên, đây là một đạo tràng thanh tịnh không gì bằng. Nhiều Pháp sư như vậy ở trong đạo tràng dẫn chúng, bạn đến đâu mà tìm được một nhóm Tỳ Kheo thanh tịnh? Ngày trước họ thanh tịnh hay không chúng ta không quản họ, họ đến Singapore hai tháng qua được thanh tịnh. Ngày hôm qua không thanh tịnh không liên quan, hôm nay thanh tịnh thì được rồi. Thanh tịnh Tỳ Kheo đến đâu để mà thỉnh? Không thỉnh được. Họ ở nơi đây không cần danh vọng lợi dưỡng, không cần bạn cung kính cúng dường, không cần đến thứ gì, họ đều là phát khởi được tâm thanh tịnh nhất. Mọi người cùng nhau đến niệm Phật, cảm ứng không thể nghĩ bàn. Cho nên, đạo tràng này tôi rất rõ ràng, tôi tin tưởng các vị đồng tu đầu óc được thanh tịnh một chút, bình lặng một chút có thể biết được đạo tràng này có Phật Bồ Tát đang niệm Phật. Mọi người chúng ta ở trong đạo tràng này cùng niệm Phật với Phật Bồ Tát, bạn nói xem thù thắng dường nào. Rốt cuộc ai là Phật Bồ Tát? Nếu như bạn đi tìm thì bạn nhất định không tìm ra được. Nếu bạn đi tìm thì Phật hiệu của bạn sẽ niệm không được tương ưng. Vì sao vậy? Bạn xen tạp, xen tạp thì công phu bị phá hư. Niệm Phật nhất định không được xen tạp.
Người xưa ghi chép ở trong tiểu thuyết những việc xen tạp rất nhiều. Như triều nhà Minh, Thích Kế Quang là một vị tướng quân, là Phật giáo đồ kiền thành. Bình thường ông tụng Kinh Kim Cang, tụng rất có lực. Có một hôm, ông nằm mộng thấy một binh sĩ trận vong, là thuộc hạ của ông, đến cầu xin ông đọc một quyển Kinh Kim Cang để siêu độ cho anh ấy. Sau khi ông tỉnh dậy, liền rất cung kính mà đọc Kinh và hồi hướng cho vị binh sĩ này. Đến tối ngày hôm sau, ông lại nằm mộng thấy binh sĩ này đến cảm tạ: “Cảm tạ Tướng quân, tôi chỉ nhận được có nửa bộ Kinh Kim Cang”. Ông hỏi: “Vì sao vậy?”. “Bởi vì khi Ngài đọc Kinh Kim Cang đến đoạn giữa thì xen tạp hai chữ “không dùng”, cho nên hiệu quả này chỉ có được phân nửa”. Ông lại nghĩ ông không có nói “không dùng”. Bỗng nhiên nghĩ ra, khi ông đọc Kinh, người hầu của ông bưng đến cho ông một tách trà, ông không có nói chỉ có phẩy phẩy tay, trong lòng khởi lên ý niệm “không dùng”. Bạn xem, như vậy liền mất đi hết phân nửa. Đây có thể thấy được, xen tạp là việc hư hại, cho nên không được xen tạp. Thích Tướng quân ngày hôm sau tụng lại một bộ nữa và tụng rất cung kính. Buổi tối lại nằm mộng thấy người binh sĩ này đến cảm tạ ông, anh ấy toàn bộ nhận được thọ dụng và được siêu sanh. Vì vậy, niệm Phật tụng Kinh không nên xen tạp. Nếu như bạn nghe tôi nói trong Phật đường này có Phật đang ở, bạn đi tìm xem ai là Phật là bạn xen tạp rồi, xem như toàn bộ công phu niệm Phật của bạn phá hư hết.
Phải nên quán tưởng như thế nào? Ngoài chính mình ra, mọi người đều là Phật, người người đều là chư Phật Như Lai hóa thân, như vậy công phu của bạn không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì tâm rất chân thành, cùng với nhiều Phật như vậy niệm Phật. Nếu dùng lời hiện tại mà nói, không khí này rất tốt, hai mươi bốn giờ nhất định bạn sẽ không mệt mỏi, càng niệm càng hoan hỉ. Vì sao vậy? Vì cùng ở chung với nhiều chư Phật Như Lai như vậy. “Người gặp việc vui, tinh thần thoải mái”. Cùng ở chung với một vị Phật thì đã cảm thấy rất vinh dự rồi, nay được cùng ở chung với nhiều Phật như vậy. Nhất định phải xem mỗi một người là Phật thật, nhất định không phải Phật giả, nhất định không phải là trong tưởng tượng của bạn họ là Phật, mà họ chính là Phật thật, những vị Phật này đến giúp ta niệm Phật, những vị Phật này đến hướng dẫn ta niệm Phật. Bạn nói xem, niệm Phật đường này thù thắng biết dường nào, công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn.
Ở đây còn có một tầng ý nghĩa rất sâu, chính là nói những vị Bồ Tát này đã chứng được “pháp tánh không”, đã chứng được “pháp tướng vô sở hữu”, tại vì sao phải cầu vãng sanh, vì sao còn phải khuyến hóa chúng sanh? Có phải là họ nhiều chuyện không? Không phải! Sau khi chứng được pháp không, tường tận thông đạt tất cả pháp thế xuất thế gian, sau khi chứng được “bất khả đắc, vô sở hữu”, lòng từ bi trong tự tánh tự nhiên liền sanh khởi. Phát tâm đó không phải miễn cưỡng, không phải người ta khuyên bạn, mà trong tự nhiên sanh khởi ra. Pháp vốn như vậy. Sanh khởi lòng đại bi này, như trên “Kinh Duy Ma” nói những vị Bồ Tát này là “tuy chí chư Phật quốc, tức chúng sanh không”. Chính là họ chân thật thông đạt tường tận tất cả pháp thế xuất thế gian, Pháp Giới Nhất Chân cùng mười pháp giới là “mộng huyễn bào ảnh”, “như lộ diệc như điện”. Họ chân thật biết được, chân thật tường tận, nhưng họ vẫn thường tu Tịnh Độ, giáo hóa chúng sanh và niệm Phật cầu sanh A Di Đà Phật quốc độ. Vì sao họ làm như vậy? Họ thị hiện tấm gương cho những người vẫn chưa được độ nhìn thấy, đó là từ bi chân thật. Vì sao phải độ những chúng sanh này? Vì mình và người không hai. Nếu chúng sanh chưa độ hết, xin nói với các vị, tự giác liền không thể viên mãn. Cũng giống như thân thể này của chúng ta, chúng ta biết được thân thể có rất nhiều tế bào, chỗ nào trên thân nổi lên một u nhọt thì bộ phận đó, tế bào ở chỗ đó có bệnh. Nếu ta không chữa hết cho nó thì thân thể của chúng ta không được khỏe mạnh tròn đầy, sẽ còn có một chút kém khuyết. Mười phương thế giới còn có những chúng sanh mê hoặc điên đảo, còn có những chúng sanh luân hồi nơi sáu cõi thì cũng giống như trên thân nổi lên u nhọt vậy. Chúng sanh mê hoặc điên đảo phân mình phân người, nhưng trong cái nhìn của chư Phật Bồ Tát thì tình dữ vô tình đồng một pháp thân, đồng một lý thể, đồng một tâm tánh, cho nên gọi là “đồng thể đại bi, vô duyên đại từ”.
Ngày nay chúng ta xem thấy thế giới thường xảy ra tai nạn, xem thấy người thông thường nhận lấy những thống khổ. Người chân thật thông đạt chân tướng sự thật sẽ biết được đó là một bộ phận của toàn thân thể chúng ta, chúng ta sẽ không ngần ngại giúp cho họ. Hiện tại nếu có cấp nạn thì trước phải cứu cấp. Cứu cấp đương nhiên là thuộc về tài bố thí. Trước lấy bố thí tài làm nhân duyên, cùng kết duyên với những chúng sanh này, có duyên với họ rồi, sau đó lại dùng pháp bố thí khuyến hóa những chúng sanh này vĩnh trừ ác nghiệp, đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức, liền có thể cải thiện hoàn cảnh đời sống và có thể vĩnh viễn không bị những tai hại này. Chỗ này nhất định dựa vào chỉ đạo của Phật pháp.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 40
Tâm Hướng Phật/St!