Thâm thiền định là gì? Thế Tôn ở trong Kinh Đại Tập nói: “Một câu danh hiệu A Di Đà Phật chính là thâm diệu thiền”.
Kinh văn: “Trụ thâm thiền định, tất đỗ vô lượng chư Phật”.
Đoạn phía trước là nói “định huệ đẳng trì”. Đoạn kinh văn này cũng không dài, chỉ có hai câu, nói là “từ thể khởi dụng”. Chúng ta phải làm cách nào học tập? “Trụ thâm thiền định”. Thâm thiền định là gì? Thế Tôn ở trong Kinh Đại Tập nói: “Một câu danh hiệu A Di Đà Phật chính là thâm diệu thiền”. Cho nên các vị xem thấy câu này, không cần phải đi tham thiền nữa, vì như vậy là bạn làm sai hết rồi. Pháp môn niệm Phật là thâm diệu thiền, không phải là thiền thông thường. Ngay chỗ này “trụ thâm thiền định” chính là dạy bạn đem tâm trụ ngay trong danh hiệu A Di Đà Phật, như vậy là bạn đang trụ thâm thiền định. Vào mọi lúc, ở mọi nơi, trong lòng đều có A Di Đà Phật.
Trong “Kinh Kim Cang”, Tôn giả Tu Bồ Đề thỉnh giáo với Thích Ca Mâu Ni Phật, thực tế mà nói chính là hai vấn đề. Một là “làm thế nào hàng phục vọng tưởng? ”. “Vân hà hàng phục kỳ tâm? ”, cái tâm đó là vọng tưởng. Vọng niệm của ta quá nhiều, làm thế nào có thể tiêu trừ được vọng niệm? Đó là một vấn đề lớn. Vấn đề thứ hai là “Tâm phải trụ vào nơi đâu? Tâm phải an trụ vào chỗ nào? ”.
Thích Ca Mâu Ni Phật khai thị cho Ngài ấy, giảng giải cho Ngài ấy, giải thích hai vấn đề này, Phật liền giảng ra một bộ “Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật”. Chúng ta sau khi khế nhập vào pháp môn Tịnh Độ, xem thấy Thích Ca Mâu Ni Phật trả lời tôn giả Tu Bồ Đề hai vấn đề này cảm thấy rất rối rắm, nói ra nhiều lời đến như vậy. Các vị đọc qua “Kinh Kim Cang”, câu “vân hà ưng trụ”, “vân hà hàng phục kỳ tâm”, các vị đã biết hay chưa? Vẫn là chưa biết! Không biết thì chẳng phải là uổng phí hay sao? Chân thật không sai, đích thực là uổng phí. Thích Ca Mâu Ni Phật làm gì có nói lời thừa. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng nói với những người đó là ứng với căn cơ của chúng sanh có căn tánh đó. Những người đó nghe được cách nói này của Thích Ca Mâu Ni Phật thì giác ngộ, thấu hiểu. Ứng cơ nói pháp.
Chúng ta không phải là căn cơ trên hội Bát Nhã, cho nên chúng ta nghe rồi không hiểu, còn trách Thích Ca Mâu Ni Phật là nhiều lời. Vì sao trách Ngài là nhiều lời vậy? Nếu như loại căn tánh hiện tại này của chúng ta, chúng ta thỉnh giáo với Thích Ca Mâu Ni Phật là làm thế nào hàng phục vọng tâm thì Thích Ca Mâu Ni Phật nhất định sẽ rất đơn giản mà nói là “A Di Đà Phật”. Một câu A Di Đà Phật hết thảy vọng niệm đều diệt hết. Bạn xem, rất đơn giản, làm gì nói nhiều lời thừa như vậy?
Lại hỏi tâm này phải làm thế nào an trú? “A Di Đà Phật”, tâm an trú trên câu “A Di Đà Phật” thì tốt rồi. Bạn xem, một câu A Di Đà Phật cả thảy vấn đề đều giải quyết hết, viên mãn tròn đầy, cao minh hơn nhiều so với “Kinh Kim Cang”. Như vậy bạn mới thể hội được công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn, “Kinh Kim Cang Bát Nhã” không thể so sánh được. Tụng “Kinh Kim Cang” hết nửa ngày, bạn vẫn chưa hiểu được. Một câu “A Di Đà Phật” này thật có hiệu quả, liền có thể đánh bạt được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn, liền có thể làm cho tâm chúng ta an trụ ngay trong câu “A Di Đà Phật”. Đó gọi là “trụ thâm thiền định”.
Pháp môn này vì sao tất cả chư Phật Như Lai đều tán thán, vì sao tất cả chư Phật Như Lai đều cực lực đề xướng? Đối với tất cả chúng sanh chín pháp giới, các Ngài đều không ngừng đang giới thiệu, không ngừng đang thúc đẩy. Pháp môn này thật tốt, chân thật là đơn giản, dễ hiểu, ổn định, dễ dàng, thành tựu cao hơn rất nhiều so với các pháp môn khác. Bạn tu pháp môn Bát Nhã, tu Thiền Tông, minh tâm kiến tánh mới là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, tu đến thập hồi hướng tròn đầy thì phải dùng một A Tăng Kỳ kiếp, lại tu đến Thất Địa thì phải mất hai A Tăng Kỳ kiếp, tu đến Pháp Vân Địa thì phải mất ba A Tăng Kỳ kiếp, bạn mới biết được khó cỡ nào! Bạn từ thiền, từ trên hội Bát Nhã tu thật khó.
Từ một câu A Di Đà Phật sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, một phẩm phiền não chưa đoạn, nhưng trí tuệ đạo lực, thần thông, đức năng của họ, chúng ta giảng là tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp, năng lực của họ tương đương với Bồ Tát Bát Địa. Như vậy bạn mới biết các Phật pháp Đại Thừa khác làm sao có thể so sánh? Chúng ta nói những lời này tuyệt đối không phải vì chúng ta tu Tịnh Độ nên chính mình khoa trương chính mình, như “lão ông bán dưa tự bán tự khoe”, mà sự thật là như vậy. Quyết định không phải khoa trương chính mình mà chèn ép người khác. Đây hoàn toàn là chư Phật Như Lai đã nói, sự thật là như vậy.
Các pháp môn khác không phải không tốt, mà các pháp môn đó có căn cơ nhất định. Chỉ có pháp môn này là “ba căn trùm khắp, lợi độn gồm thâu”. Thượng thượng căn cũng tu pháp môn này. Văn Thù, Phổ Hiền là bậc thượng thượng căn, chúng ta xem thấy trên hội Hoa Nghiêm, các Ngài phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, phát nguyện thân cận A Di Đà Phật. Đó chân thật là thượng thượng căn, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc ở cõi Thật Báo Trang Nghiêm thượng thượng phẩm thượng sanh, sanh đến bên đó liền làm Phật rồi. Hạ hạ căn là phàm phu chúng ta, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc cõi Phàm Thánh Đồng Cư hạ hạ phẩm vãng sanh.
Thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp giới bình đẳng, chỗ này quá hi hữu. Cũng chính là nói phàm phu chúng ta sanh đến nơi đó ở chung với Văn Thù, Phổ Hiền. Mười phương thế giới không có tình huống này, bạn không phải đồng một giai tầng này thì không cách gì ở chung được. Như địa cầu này của chúng ta, địa cầu là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, trong đây có Phật, Bồ Tát tu hành ở nơi đây, có A La Hán tu hành ở nơi đây, nhưng phàm phu chúng ta không nhìn thấy được. Không đồng một giai tầng thì không cách gì thấy được, không gặp được. Thế giới Cực Lạc thì không như vậy, Văn Thù, Phổ Hiền, những vị Bồ Tát Đẳng Giác cùng ở chung với phàm phu, cùng ngồi nghe A Di Đà Phật giảng Kinh, xếp hàng mà ngồi. Đó là chỗ mà mười phương thế giới không có. Cho nên, Thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp giới bình đẳng. Vì sao vậy? Vì tất cả đều là niệm A Di Đà Phật vãng sanh, đó là nhân bình đẳng. Đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc là quả bình đẳng, thọ dụng bình đẳng, tất cả đều bình đẳng. Pháp môn này mới gọi là không thể nghĩ bàn.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 44
Tâm Hướng Phật/St!