Muốn diệt khổ ta phải diệt ngũ uẩn, tức là không còn ngũ uẩn, ngũ uẩn đều không, không ngũ uẩn gọi là giác chơn, vì có ngũ uẩn vốn là mê vọng.
Sống trong cõi đời hiện tại chung quanh ta, mọi vật dường như quyến rũ ta sa vào vòng ham muốn mãi mãi không thôi. Kìa như dinh thự lầu đài nguy nga tráng lệ, gấm vóc tố sa đẹp tốt mịn màng, cao lương mỹ vị bỉ bàng ngon quí…
Tất cả ngần ấy như thúc giục, như cuốn lôi con người vào vòng bận rộn, vì thức ăn, sự mặc cùng chỗ ở, mà thiết tưởng mỗi người trong thế gian khó bề tránh cưỡng được ba điều ấy, một khi đã có sắc thân.
Huống chi với kết quả của văn minh vật chất, cơ khí đã rực rỡ kỳ công, khiến cho ngày nay khắp nơi dẫy đầy vật chất, cung phụng cho lòng khao khát, muốn ham, không hạn lượng của loài người.
Với bao vật SẮC hữu hình ấy, một khi nó đã quá thạnh hành, ta phát sanh ý muốn thích ưa, THỌ cảm vui chịu, TƯỞNG tượng tư lương, tính sao chiếm lấy cho kỳ được, sanh ra HÀNH vi, bởi nơi vọng THỨC. Thế rồi quanh quẩn bao nhiêu đó mãi, khi chưa được cũng khổ, khi đang có cũng khổ và khi đã mất lại càng khổ.
Ngũ uẩn này là nguồn gốc phát sanh ra sự khổ, lại có hai pháp: khách quan và chủ quan. Như đoạn trên, chỉ về ngũ uẩn làm khách quan bên ngoài, xâm nhập vào ta mà sanh rối khổ, nhưng bên trong cũng có chủ quan tiếp nhận khách quan kia.
Bởi ta có sắc thân, mới có thọ cảm, tư tưởng, hành vi và thức trí (vọng) mà tiếp nhận hình sắc thể chất bên ngoài, rồi mới sanh ra thọ cảm, tư tưởng, hành vi và thức trí (vọng).
Lại cũng vì vọng thức ta mới có hành vi, bởi có hành vi mới có tư tưởng, bởi có tư tưởng mới có thọ cảm, bởi có thọ cảm mới có sắc thân. Như thế là ta đã mắc vào trong guồng máy của ngũ uẩn, đang lăn xoay quay cuồng rối rít mà chịu khổ.
Muốn diệt khổ ta phải diệt ngũ uẩn, tức là không còn ngũ uẩn, ngũ uẩn đều không, không ngũ uẩn gọi là giác chơn, vì có ngũ uẩn vốn là mê vọng.
Pháp diệt ngũ uẩn
Bởi có sắc thân, lâu ngày mới sanh thọ cảm.
Bởi có thọ cảm, lâu ngày mới sanh tư tưởng.
Bởi có tư tưởng, lâu ngày mới sanh hành vi.
Bởi có hành vi, lâu ngày mới sanh thức trí.
Bởi có thức trí, lâu ngày mới sanh giác chơn.
Hễ giác chơn thì không còn thức trí, hành vi, tư tưởng, thọ cảm, sắc thân nữa.
Không sắc thân có đâu thọ cảm.
Không thọ cảm có đâu tư tưởng.
Không tư tưởng có đâu hành vi.
Không hành vi có đâu thức trí.
Không thức trí có đâu giác chơn!
Giác chơn tức là lý không, hay cũng nói được là không thức trí mới gọi là giác chơn. Đến đây không còn mê lầm trong vọng cảnh nữa, thì ý chí, khổ tình đâu có ở tại chỗ nào?
Muốn giác chơn thì phải diệt trừ thức trí.
Muốn không thức trí phải bỏ hành vi.
Muốn không hành vi phải đừng tư tưởng.
Muốn không tư tưởng phải dứt thọ cảm.
Muốn không thọ cảm phải không sắc thân.
Nghĩa là hãy coi sắc thân như không có, hay là chết rồi, hết mê tríu, dứt luân hồi, không còn nhập thai trở lại. Giác chơn là trọn yên vui, không khổ não, cảnh cao viễn nhứt của chúng sanh, cũng là bậc không còn trở lại.
Ngũ uẩn cũng là nấc thang hay trình độ, lớp học tiến hóa của chúng sanh, mà trong ấy cái khổ là gió làm duyên để đưa lên. Lên đến cái tột vui là Phật, Niết-bàn, hay mục đích của chúng sanh. Thế nên, khổ là tiến hóa, là bài học đưa từ vật chất lên đến tinh thần.
Trích: Chơn Lý – Tổ Sư Minh Đăng Quang – Chơn Lý 2 – Ngũ Uẩn!