Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Khuyến tấn hướng thượng – Khuyến tu giải thoát

Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, duy có Tịnh Độ là pháp dễ tu, dễ chứng nhờ tha lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà vãng sanh Cực Lạc, một đời thành Phật. Còn lại những pháp môn khác là pháp môn tự lực.

1. KHUYẾN TU GIẢI THOÁT

Đức Phật dạy: “Thân người khó được” với hai thí dụ sau đây:

– Đất dính trên đầu ngón tay và đất ngoài đại địa. Đức Phật dạy: “Thân người chết đi, được tái sanh làm người ít như đất dính ở đầu ngón tay, mà số bị đọa trong ba đường ác nhiều như đất ngoài đại địa”. Tại sao vậy? Vì chúng sanh khi hiện tiền tạo quá nhiều ác nghiệp.

– Như con rùa mù ở dưới đáy biển, trăm năm trồi lên mặt biển một lần để mong chui vào bọng cây. Cái khó thứ nhất là bọng cây nổi trên mặt biển một trăm năm, cứ bị sóng gió đẩy đưa cùng trời cuối đất biết tận đâu mà tìm.

Cái khó thứ hai, dù cho gặp được bọng cây, con rùa mù, không thấy đường làm sao chui vào bọng cây được. Trăm ngàn vạn lần khó. Thế mà Đức Thế Tôn nói còn dễ hơn được lại thân người.

Người xưa nói:

“Thân này chẳng tính đời nay độ
Còn đợi bao giờ mới độ thân”.

Tứ Liệu Giản của Tổ Vĩnh Minh đại sư nói:

“Không thiền, không tịnh độ
Giường sắt, cột đồng lửa
Muôn kiếp lại ngàn đời
Chẳng có nơi nương tựa”.

Ý nói, người không tu muôn ngàn đời bị đọa vào địa ngục. Người tin, hiểu lời Đức Phật, Tổ dạy như thế mà không tu giải thoát là điều hy hữu.

2. KHUYẾN TU TỊNH ĐỘ

Tượng Pháp Quyết Nghi Kinh dạy: “Sau khi Phật diệt độ,v.v… thời mạt pháp một muôn năm là Niệm Phật kiên cố”. Kiên cố có nghĩa là thành tựu.

Kinh Đại Tập nói: “Thời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có người đắc đạo. Duy có niệm Phật mà được giải thoát sanh tử”.

Liên tông thập tam Tổ Ấn Quang đại sư nói: “Chín giới chúng sanh lìa khỏi pháp môn Tịnh Độ này, thì trên chẳng thể viên thành Phật đạo. Mười phương chư Phật bỏ pháp môn Tịnh Độ này thì dưới chẳng thể lợi khắp quần sanh”.

Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, duy có Tịnh Độ là pháp dễ tu, dễ chứng (dị hành đạo) nhờ tha lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà vãng sanh Cực Lạc, một đời thành Phật. Còn lại những pháp môn khác là pháp môn tự lực.

Thời mạt pháp, căn tánh chúng sanh hạ liệt, nên rất khó tu (nan hành đạo), khó thành tựu.

Tứ Liệu Giản của Tổ Vĩnh Minh đại sư nói:

“Có Thiền, không Tịnh Độ,
Mười người, chín ngại đường,
Khi âm cảnh hiện ra,
Chớp mắt đi theo nghiệp.
Không Thiền, có Tịnh Độ,
Muôn tu, muôn người sanh,
Khi được thấy Di Đà,
Lo gì không tỏ ngộ!
Có Thiền, có Tịnh Độ,
Cũng như cọp mọc sừng,
Đời này làm thầy người,
Đời sau làm Phật, Tổ”.

Nhị Tổ Thiện Đạo đại sư cũng dạy: “Hành giả chuyên tu Tịnh Độ, vạn người tu, vạn người vãng sanh”.

Trong Thất giác chi, cũng gọi là Thất bồ đề Phần là bảy pháp có công năng giúp trí huệ Bồ Đề phát triển, thứ nhất là Trạch pháp giác chi, là pháp biết chọn lựa chân pháp mà hành trì. Phần đông Phật tử chúng ta đi chùa mười mấy, hai chục năm rồi mà chưa chọn chân pháp, chỉ đến chùa để tụng kinh, niệm Phật, sám hối, công quả, tạp tu thôi. Do vậy mà chưa cảm nhận được sự an lạc giải thoát, có chăng chỉ là gieo duyên với Tam Bảo, hưởng phước báo Nhơn Thiên mà thôi. Muốn thật sự giải thoát sanh tử, Phật tử phải tự chọn cho mình một chân pháp để hành trì.

Như trên đã nói, thời mạt pháp này, Tịnh Độ là pháp môn thù thắng, hợp thời cơ, dễ tu, dễ chứng nhất, là con đường tắt trong các pháp môn. Trong Tịnh Độ xưng danh lại là con đường tắt. Vậy thì, trì danh niệm Phật là con đường tắt nhất trong con đường tắt.

Những ai tin, hiểu lời Đức Thế Tôn và chư Tổ dạy mà không niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc, liễu sanh thoát tử, lại cam chịu vĩnh viễn trôi lăn trong lục đạo luân hồi, thì oan uổng biết mấy, thật là đáng thương!

3. KHUYẾN VÃNG SANH Ở PHẨM VỊ CAO

Người xưa nói: “Một niệm lành, niệm mãi trong tâm, tâm sẽ trọn lành”. Kinh nói: “Niệm Phật một câu phước đức vô lượng”. Nay ngày đêm chúng ta niệm ba ngàn, năm ngàn, một vạn, mười vạn, ba mươi vạn câu, vậy thì phước đức biết bao nhiêu mà kể cho hết.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Tâm làm Phật, Tâm là Phật”.

Liên tông cửu Tổ Ngẫu Ích đại sư nói: “Mỗi tiếng niệm Phật của mình, tiếng nào mình cũng đã là Phật rồi”. Vậy thì, tâm ta đang làm Phật, quyết định tâm ta phải là Phật.

Nam mô A Di Đà Phật
Nguyện Vãng Sanh Cực Lạc Thành Phật Độ Chúng Sanh.

4. THỜI GIAN
a. Hoa nở

1- Hạ Phẩm

Quán Kinh nói: “Sanh Hạ phẩm Hạ sanh, mười hai đại kiếp hoa sen mới nở, ta gặp hai Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí để nghe pháp”. Một đại kiếp là một tỷ ba trăm bốn mươi bốn triệu (1.344.000.000) năm. Vậy mười hai đại kiếp sẽ là mười sáu tỷ một trăm hai mươi tám triệu năm (1.344.000.000 x 12 = 16.128.000.000) hoa sen mới nở. Trái đất chúng ta đang ở, từ khi không có gì, rồi qua bốn giai đoạn thành, trụ, hoại, không là một đại kiếp, mà mười hai lần như vậy hoa sen mới nở, gặp Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí để nghe pháp.

Quán kinh nói: “Sanh Hạ phẩm Thượng sanh, bốn mươi chín ngày hoa sen nở, ta gặp hai Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí để nghe Pháp”.

Cùng là Hạ phẩm mà Hạ phẩm Thượng sanh và Hạ phẩm Hạ sanh thời gian hoa nở cách biệt quá xa (16.128.000.000 năm so với 49 ngày), mười sáu tỷ một trăm hai mươi tám triệu năm so với bốn mươi chín ngày.

2- Trung phẩm

Quán Kinh nói: “Trung phẩm Hạ sanh và Trung sanh, sau bảy ngày hoa sen nở. Thượng sanh hoa sen nở liền, chứng quả A La Hán.

3- Thượng phẩm

Hạ sanh qua một ngày một đêm hoa sen mới nở. Trung sanh qua một đêm hoa sen mới nở. Thượng sanh hoa sen nở liền.

b. Thăng cấp

1- Trung phẩm

– Hạ sanh thăng Trung sanh phải qua nửa tiểu kiếp.
– Trung sanh thăng Thượng sanh cũng phải qua nửa tiểu kiếp.

Mỗi tiểu kiếp là mười sáu triệu tám trăm ngàn (16.800.000) năm.

2- Thượng phẩm

– Hạ sanh thăng Trung sanh phải qua ba tiểu kiếp.
– Trung sanh thăng Thượng sanh phải qua một tiểu kiếp.

* Hạ phẩm Thượng sanh thăng Trung phẩm Hạ sanh phải qua ba tiểu kiếp.
* Trung phẩm Thượng sanh thăng Thượng phẩm Hạ sanh phải qua ba tiểu kiếp.
* Hạ phẩm Thượng sanh thăng Thượng phẩm Hạ sanh phải qua bảy tiểu kiếp.
* Hạ phẩm Thượng sanh thăng Thượng phẩm Thượng sanh phải qua mười một (11) tiểu kiếp.

Tóm lược:

– Từ bậc Hạ lên bậc Trung phải qua ba (3) tiểu kiếp.
– Từ bậc Trung lên bậc Thượng phải qua ba (3) tiểu kiếp.
– Từ Trung phẩm Hạ sanh lên Trung phẩm Trung sanh phải qua nửa tiểu kiếp.
– Từ Trung phẩm Trung sanh lên Trung phẩm Thượng sanh phải qua nửa tiểu kiếp.
– Từ Thượng phẩm Trung sanh lên Thượng phẩm Thượng sanh phải qua một (1) tiểu kiếp.
– Từ Hạ phẩm Thượng sanh lên Thượng phẩm Thượng sanh phải qua mười một (11) tiểu kiếp, thời gian quá dài.

Hiểu được lý lẽ này, Minh Tuệ tôi tin rằng quý vị sẽ:

– Trân quý thời gian, tranh thủ từng phút, từng giây để niệm Phật, hầu vãng sanh tối thiểu phải là Hạ phẩm Thượng sanh, bốn mươi chín ngày sau hoa sen nở. Còn vãng sanh Hạ phẩm Hạ sanh phải chờ mười sáu tỷ một trăm hai mươi tám triệu (16.128.000.000) năm hoa sen mới nở, thời gian quá dài.

– Không quá khiêm nhường ở Hạ phẩm Thượng sanh mà phải là Thượng phẩm Thượng sanh. Tại sao? Quán Kinh nói: “Khi đã sanh về cõi kia, lại thấy kim thân của Phật đầy đủ các tướng, chư Bồ Tát sắc tướng cũng cụ túc trang nghiêm, các ánh sáng và rừng báu đều diễn thuyết pháp mầu. Hành giả nghe xong, liền ngộ Vô sanh pháp nhẫn, trong giây phút thừa sự chư Phật, rồi trở về bản quốc, chứng vô lượng trăm ngàn đà la ni. Đây gọi là Thượng phẩm Thượng sanh”.

Hạnh phúc biết bao, vãng sanh Thượng phẩm Thượng sanh, hoa sen nở liền, gặp Phật A Di Đà ngay, chứng liền Vô sanh pháp nhẫn, được thọ ký ngày thành Phật, liền trở về Ta Bà độ sanh ngay, không một ngày nào ở Cực Lạc. Độ sanh sớm một ngày là chúng sanh đỡ khổ một ngày, còn gì hơn chứ? Muốn được vậy thì phải chí tử hạ thủ công phu.

5. CÔNG PHU

Quán Niệm Pháp Môn nói: “Mỗi ngày niệm danh hiệu Phật một vạn câu, lại cần phải tùy thời lễ bái, tán thán sự trang nghiêm Tịnh Độ. Cần phải rất tinh tiến, hoặc niệm ba vạn, sáu vạn, mười vạn câu, đây đều là bậc Thượng phẩm Thượng sanh”. Nên biết niệm từ ba vạn câu trở lên là hành nghiệp của bậc Thượng phẩm Thượng sanh, niệm ba vạn câu trở xuống là hành nghiệp của bậc thượng trung trở xuống.

Muốn niệm Phật từ ba vạn câu trở lên phải đạt Bất Niệm Tự Niệm. Kinh nghiệm cho biết nếu đạt Bất Niệm Tự Niệm sâu chẳng những ba vạn câu mà mười vạn câu cũng chẳng phải là khó. Nam mô A Di Đà Phật!

Trích: Niệm Phật đạt bất niệm tự niệm bảo đảm Vãng Sanh – Phần VI: Khuyến tấn hướng thượng!

Bài viết cùng chuyên mục

Tứ chủng thanh tịnh minh hối là kính chiếu yêu ma quỷ quái

Định Tuệ

Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu tại nơi tâm

Định Tuệ

Chúng ta học Phật quan trọng nhất là phải tu tâm thanh tịnh

Định Tuệ

Chúng ta có thể đem công đức của A Di Đà Phật chuyển biến thành công đức của chính mình

Định Tuệ

Tâm địa thanh tịnh, ma sẽ không thể phạm

Định Tuệ

Giải thích các điều nghi về Tịnh độ

Định Tuệ

Sự cầu nguyện là chánh tín hay mê tín?

Định Tuệ

Thực hiện Mười thiện nghiệp đời sống được hạnh phúc an lạc

Định Tuệ

Sự và Lý – Sự trì, Lý trì – Sự nhất tâm, Lý nhất tâm

Định Tuệ

Viết Bình Luận