Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Điên đảo mộng tưởng là gì? Tại sao chúng sanh lại điên đảo?

Hiện giờ quí vị có điên đảo không? Như tôi thường nói điên đảo là cái nhìn lộn ngược.

1. Điên đảo mộng tưởng là gì?

Hiện giờ quí vị có điên đảo không? Như tôi thường nói điên đảo là cái nhìn lộn ngược. Nhơ mà tưởng sạch là điên đảo, giả mà tưởng thật là điên đảo…

Giả sử như đầu năm mùng một Tết, có ai đến chùa chúc thầy, cô năm nay về Phật sớm, quí vị chịu không? Lời chúc đó tốt hay xấu?

Mình tu là mong được về Phật, mà nghe nói về Phật sớm thì bực mình rồi, như vậy có điên đảo không? Lẽ ra tu tới mười năm, hai chục năm mới được về Phật, bây giờ mới năm ba năm, người ta chúc mình về Phật sớm thì mừng, tại sao lại giận?

Tại mình còn ham sống dai, chưa chịu về Phật. Tuy nguyện được về Phật mà chờ chừng nào đuối mới chịu về, chớ bây giờ còn đi đứng được, còn vui vẻ thì khoan đã.

Quí vị tụng kinh luôn nguyện sau này được về cõi Phật, mà nghe nói về Phật sớm liền sợ, như vậy có điên đảo không? Rõ ràng chúng ta sống trong điên đảo mê lầm. Bởi vì chúng ta cứ tưởng mình sống lâu, nhưng vô thường tới giờ nào thì dẫn mình đi giờ đó, chớ nó đâu có đợi chờ.

Nếu chúng ta biết rằng thân này là tạm bợ giả dối thì chuyện ra đi là chuyện thường, không có gì phải sợ nữa cả. Tôi nêu thí dụ để quí vị thấy chúng ta sống trong điên đảo nhiều hơn là thực tế.

Chúng ta hôi nên dùng dầu thơm, nước hoa để khỏa lấp. Biết mình hôi mà ai chê hôi thì giận. Chúng sanh điên đảo như vậy, nên không thấy được lẽ thật.

Từ không thấy được lẽ thật nên sống trong mộng tưởng. Mộng tưởng là sao? Là tưởng tượng hư ảo như trong giấc mộng. Tất cả những gì chúng ta thấy trong mộng, có thể biến thành sự thật sau khi chúng ta thức dậy không? Không bao giờ có. Như vậy mộng là hư ảo, mà chúng ta lại sống với những tưởng tượng hư ảo đó nhiều hơn thực tế.

Có nhiều người khi vào chùa tu, thấy quí thầy Pháp sư, Giáo thọ đi giảng đi dạy, được mọi người hoan nghênh liền thích. Thích nên dù mới học được chút ít, mà tưởng tượng mai kia mình sẽ làm Pháp sư, Giáo thọ… Việc chưa tới mà tưởng tượng như vậy thì có mộng ảo không?

Hoặc nghe ai tán thán người xưa tu phải ở trong rừng sâu, núi thẳm mới đắc đạo, thế là đang ở trong chúng êm đềm, tu hành bình thường, liền xách gói vô núi vô rừng ở.

Vô rừng vô núi tưởng tượng ba tháng bảy tháng thì đắc đạo. Đến chừng khổ quá, thấy không được gì thì xách gói ra. Như vậy tưởng không có lẽ thật mà mình cứ tưởng.

Thế gian biết bao nhiêu mộng tưởng, nào tưởng danh, tưởng lợi, tưởng làm giàu… Cho nên người thấy tất cả pháp hư dối, do duyên hợp không thật, tự tánh nó là không, nên không có sở đắc.

Không có sở đắc gọi là Bồ-tát. Y theo trí tuệ Bát-nhã mà tu thì tâm không còn ngăn ngại, xa lìa các sợ sệt, điên đảo mộng tưởng. Khi xa lìa được sợ sệt, điên đảo mộng tưởng rồi thì sẽ đến cứu kính Niết-bàn, là chỗ an lạc giải thoát.

HT.Thích Thanh Từ!

2. Tại sao chúng sanh lại điên đảo?

Vì nhận lầm vô minh là ông chủ nhà, tống khứ trí huệ đi mất. Vô minh đưa ra mệnh lệnh: “Cho việc đúng là sai, cho việc sai là đúng”. Từ trong Thiền-định, gạn lọc tâm tư, trừ bớt tham dục, khiến trí huệ nảy sinh. Người thường thích khởi tâm nóng giận đa số là người ngu si, vô minh nặng nề, không một chút công phu hàm dưỡng.

Tu đạo là cần phải Quay Trở Lại. Nghĩa là gì? Tức là phải nhường cho người việc tốt lành, còn mình thì nhận phần hư xấu. Xả Tiểu Ngã để thành tựu Đại Ngã.

Đối với ma đừng khởi tâm thù nghịch. Hãy xem chúng như các bậc Thiện Tri Thức trợ Đạo cho mình. Từ vô lượng kiếp đến nay, hết đời này sang đời khác, mỗi người tạo bao nghiệp khác nhau, nên vọng tưởng cũng không đồng. Nghiệp nặng thì vọng tưởng nhiều, còn nghiệp nhẹ thì vọng tưởng ít.

Người tu hành phải vì cắt đứt dòng sanh tử luân hồi, vì hóa độ chúng sanh, chứ không vì cầu cảm ứng mà tu Đạo. Người tu Đạo phải luôn luôn hồi quang phản chiếu, chứ không nên hướng ngoại truy cầu. Không thể chạy tìm cầu chân tâm ở bên ngoài được, mà phải quay về tự tánh thì tự nhiên đầy đủ cả.

Đối với người mới phát tâm tu hành, điều chướng ngại trọng yếu nhất khi dụng công là tâm tham luyến sắc dục giữa nam và nữ. Đây là vấn đề căn bản nhất.

Người tu Đạo nên chú ý! Chớ gieo duyên nhiễm ô với người khác. Sợi dây trói buộc bất tịnh này sẽ làm chúng ta đọa lạc.

Hiện tại, chúng ta may mắn có được thân người. Nếu không biết dùng thân người để tu hành thì đợi đến khi nào mới chịu tu? Chỉ e đến lúc mất thân này rồi, dẫu có muốn tu hành thì đã quá muộn màng!

Khi tu học Phật pháp, điều thiết yếu là phải chân thật. Nơi mỗi hành động, lời nói, cử chỉ đều phải chân thật.

Sống trong tự viện, chúng ta phải biết tiết kiệm mọi vật dụng. Có câu: Giữ gìn vật của chùa như bảo vệ tròng con mắt.

Không thương cùng không ghét chính là nghĩa Trung Đạo. Tu đạo là gì? Tức là tu theo Trung Đạo. Khi đối xử với mọi người, phải lấy lòng bình đẳng và lòng từ bi làm căn bản. Khi hành sự, phải cẩn thận, chớ đi lạc vào lưới rọ tình ái.

Chưa bao giờ có việc Ngày nay tu Đạo thì ngày mai thành Phật. Mới cuốc một nhát đâu có thể đào giếng nước ngay được. Tu hành là đem khối sắt mài thành cây kim. Khi công phu đầy đủ thì tự nhiên sẽ thành tựu.

Việc đầu tiên khi tu học Mật chú là phải chánh tâm thành ý. Nếu tâm không chân chánh thì khi tu học, Mật chú nào cũng thành tà. Tâm nếu chân chánh thì việc tu học Mật chú mới được cảm ứng.

Vô minh có hai đồng bạn. Hai đồng bạn đó chính là tham ăn và tham sắc dục. Cả hai việc này trợ giúp vô minh tạo ra vô số nghiệp xấu. Có câu:

Khi muốn làm người tốt thì nghiệp báo hiện,
Khi muốn thành Phật thì ma đến thử thách.

Nếu không muốn trở thành người lành thì nghiệp báo không tìm đến. Càng quyết chí làm người lành bao nhiêu thì nghiệp báo càng tìm đến tới tấp bấy nhiêu để đòi chúng ta thanh toán nợ nần cho rõ ràng.

Phật và ma chỉ khác nhau nơi một tâm niệm: Phật thì có tâm từ bi, còn ma thì có tâm tranh hơn thua. Người thực sự biết cách tu hành thì nhất cử nhất động đều là tu cả.

Người tu Đạo không nên đi khắp nơi quảng cáo sự tu hành của mình. Ai thường làm việc đó thì nhất định sẽ đọa lạc vào đường ma. Khi ở bất cứ nơi nào, người tu Đạo cũng đều phải che giấu và tẩy xóa tông tích; chớ nên để lộ diện.

Tâm của chúng ta thường trú tại những nơi khác chứ không trú tại trong tâm mình. Trú tại những nơi khác nghĩa là có thân mà tâm lại chạy tán loạn.

Giảng Kinh thuyết Pháp là tu Huệ. Ngồi Thiền là tu Định. Không nói lời tạp nhạp là tu Giới. Phiền não tức Bồ Đề. Nếu biết cách tu hành thì phiền não tức là Bồ Đề, bằng ngược lại thì Bồ Đề biến thành phiền não.

Tu Đạo cần phải tập dại khờ. Càng dại khờ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Dại khờ cho đến lúc buông xả muôn việc thì vọng tưởng sẽ không còn.

Vô minh nghĩa là không hiểu rõ. Gốc rễ của vô minh là ái dục. Mục đích chủ yếu của sự tu hành là cắt đứt dòng sanh tử, chứ không phải cầu cảm ứng.

Tu hành thì cần phải giữ mình cho trong sạch, như giữ đôi mắt không để dính một hột cát.

Cờ bạc thì tạo nghiệp nặng. Bố thí thì tích lũy công đức. Ngồi Thiền thì trừ ngu si, giúp sanh trí huệ.

Người tu hành nên cẩn thận lời nói nơi chỗ đông người và phòng hộ tâm niệm khi ngồi một mình. Lúc ở giữa đại chúng, đừng nên nói nhiều. Khi ở riêng một mình nên đề phòng tâm ích kỷ và vọng tưởng. Nếu làm được như thế thì chẳng bao lâu sự tu hành sẽ được chuyên nhất và thấy rõ chân tâm.

Thọ khổ thì dứt khổ. Hưởng phước thì hết phước. Người chân chánh tu Đạo phải quán xét mọi hành vi, cử chỉ của chính mình. Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, chớ rời chánh niệm. Đừng giống như tấm gương, chỉ biết soi mặt người mà không thể tự soi lại bộ mặt thật của mình.

Nếu còn chấp trước thì đó là tâm người thế tục. Nếu xả chấp thì đó là tâm Đạo.

Nếu không muốn chết, phải sống như người đã chết, tức là phải giữ tâm đừng để tham lam, sân hận, si mê nổi lên.

Người học Đạo nhất định phải phát nguyện. Nguyện lực có khả năng thôi thúc chúng ta tiến tu theo Chánh Đạo mà không lạc vào đường tà. Tuy nhiên, phát nguyện mà không hành thì giống như cây có hoa nhưng không đơm trái, thật vô ích!

Dùng lưỡi để thuyết pháp thì tích lũy công đức. Ngược lại, nếu dùng lưỡi để nói chuyện thị phi thì tạo nghiệp xấu. Thay vì thuyết Pháp mà lại nói những lời thị phi vô nghĩa, chính là tạo 1.200 tội lỗi.

Đối với kẻ trong người ngoài, già, trẻ, lớn, bé, sang giàu, hèn hạ, người tu Đạo phải nên dùng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả. Nhờ những tâm hạnh đó mới được cảm ứng.

HT. Tuyên Hóa!

3. Vô minh là không biết vô thường, sinh diệt

Minh trong đạo Phật là tuệ giác, thấy biết như thật về vạn pháp. Đức Phật khi thành đạo Ngài chứng Tam minh (Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh). Các bậc Thánh A-la-hán chứng đạo thì vô minh diệt và minh sinh.

Hàng đệ tử Phật chúng ta mỗi phút giây vẫn đang thực tập minh sát, phát huy chánh niệm và tỉnh giác để thấy tất cả pháp đều vô thường, sinh diệt, vô ngã.

“Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật. Buổi chiều sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Tôi có điều muốn hỏi, Nhân giả có rảnh để giải đáp cho chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

– Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu tôi biết, tôi sẽ trả lời.

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh?

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

– Là không biết. Không biết tức là vô minh. Không biết cái gì? Không biết như thật mắt là vô thường; đó gọi là không biết. Không biết như thật mắt là pháp sanh diệt, đó gọi là không biết. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Như vậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đối với sáu xúc nhập xứ này mà không như thật thấy, biết, không vô gián đẳng, ngu si, không sáng, tối tăm, đó gọi là vô minh.

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Gọi là minh, vậy thế nào là minh?

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

– Là biết. Biết tức là minh. Biết những gì? Mắt là vô thường, nên biết như thật mắt là vô thường; mắt là pháp sanh diệt, nên biết như thật mắt là pháp sanh diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Thưa Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, đối với sáu xúc nhập xứ này mà như thật biết, thấy, sáng tỏ, giác ngộ, có trí tuệ, có vô gián đẳng, đó gọi là minh.

Bấy giờ, hai vị Chánh sĩ đều tùy hỷ, mỗi người trở về chỗ của mình.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 251)

Thì ra, minh hay tuệ giác không ở đâu xa mà có ngay trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Ngay nơi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của mình, hãy quán sát để thấy biết rõ chúng vô thường, là pháp sinh diệt. Cái khó là chúng ta không phải lúc nào cũng tỉnh giác để hiện quán (vô đẳng giác), thấy rõ đương tại các pháp đang sinh diệt trong từng sát-na.

Sáu căn vô thường sinh diệt lại tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) cũng vô thường sinh diệt. Do tiếp xúc làm duyên nối căn trần lại với nhau mà từ đó sinh yêu ghét. Vô minh hay có minh xuất hiện trong khoảnh khắc này và dẫn ta đi về vô tận thăng trầm khổ vui hay nhẹ nhàng an yên trong cuộc sống.

Không thường biết (vô minh) thì mọi thứ đều thật, mọi khổ vui trong cuộc đời đều hiện hữu rất thật. Từ đó mà rong ruổi tìm cầu, nắm giữ điều yêu thích và chối bỏ, xua đuổi những điều chán ghét. Vòng luẩn quẩn yêu ghét của cuộc sống sẽ chấm dứt khi tâm ta sáng tỏ, thấy căn trần đều hư giả thì nhẹ nhàng xả buông mọi thứ. Thường minh, tức luôn thấy biết rõ ràng tính duyên sinh giả hợp của pháp thì tự khắc an yên.

Quảng Tánh!

4. Tâm điên đảo nghe pháp hiểu sai

Khi Đức Phật còn tại thế. Bấy giờ, Ngài đang ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kì-đà, nước Xá-vệ.

Một hôm có người cha vừa mất con. Mặc dù, ông theo đạo Bà-la-môn, cũng hiểu ít về tôn giáo, nhưng đứng trước giờ phút người thương yêu nhất ra đi mãi mãi thì ông không thể nào chấp nhận được. Cuối cùng, ông bị điên loạn, chạy lung tung khắp nơi, gặp ai ông cũng hỏi: “Bạn ơi! Có thấy con của tôi ở đâu không?”

Trải qua vài ngày, ông chẳng màng tới chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, nên tâm càng điên đảo nặng hơn. Một hôm, ông đến thẳng tinh xá của Đức Phật, ông cũng hỏi:

– Sa-môn Cù-đàm ơi! Ông có biết con của tôi ở đâu không?

Đức Phật bảo:

– Này Bà-la-môn! Con người vì thương yêu mà xa cách, oán ghét mà gặp nhau đều là khổ đau.

Ông ta đang cuồng loạn, nghe Đức Phật dạy cũng chẳng hiểu nói gì, liền quay lưng bỏ chạy đi, nhưng trong đầu vẫn nhớ mang máng lời Ngài: “Con người vì thương yêu mà xa cách, oán ghét mà gặp nhau đều là…hạnh phúc.” Ông chạy khắp nơi, nói với mọi người: “Sa-môn Cù-đàm bảo tôi như thế này: “Con người vì thương yêu mà xa cách, oán ghét mà gặp nhau đều là hạnh phúc.”

Có những người nghe ông ta nói như thế đều cảm thấy rất kì lạ nói: “Đức Phật là bậc Đại giác có trí tuệ thì làm sao nói, con người vì thương yêu mà xa cách, oán ghét mà gặp nhau đều là hạnh phúc?” Sau đó, câu nói này lan truyền khắp nơi. Một hôm, vua Ba-tư-nặc và phu nhân Mạt-lợi đứng trên lầu nhìn thấy dân chúng tụ tập, xem ra tình hình khác với mọi ngày trước đây. Họ vốn sống bằng nghề mua bán, an phận giữ mình. Vì sao hôm nay lại cùng tụm năm, tụm ba bàn tán, rốt cuộc xảy ra việc gì?

Do đó, nhà vua liền hỏi quan cận thần. Vị quan thưa:

– Muôn tâu bệ hạ! Mọi người đang bàn luận rằng: có một người đến gặp Phật xin nghe pháp. Ngài dạy ông ta: “Con người vì thương yêu mà xa cách, oán ghét mà gặp nhau đều là hạnh phúc.”

Vua nói:

– Lẽ nào có việc này! Rốt cuộc là việc này như thế nào?

Phu nhân Mạt-lợi là đệ tử Phật giáo thuần thành, nên liền thưa:

– Tâu bệ hạ! Đức Thế Tôn không bao giờ nói như thế, nếu đúng như Ngài nói như vậy thì có dụng ý của Ngài.

Chân tâm – bản tâm – đạo tâm, vậy tâm này là tâm nào?

Phu nhân liền sai một vị đại thần đến tinh xá gặp Phật để hỏi sự thật. Ngài giải thích rất kĩ càng: “Con người vì thương yêu sâu nặng mà phải xa cách thì rất đau khổ. Oán ghét mà gặp nhau thì cũng rất khổ. Hai việc này đều không có hạnh phúc.” Đức Phật nói lại lần nữa để cho vị đại thần trở về cung thưa lại với phu nhân Mạt-lợi.

Thật vậy! Con người đang thương yêu sâu nặng mà phải chia li thì tất nhiên là rất đau khổ, làm sao mà hạnh phúc được? Còn sống chúng với người mình oán ghét, đương nhiên cũng rất khổ sở, làm sao mà an lạc được?

Nhìn từ việc này, chúng ta thấy, tuy có người sống cùng thời với Đức Phật, đối diện với Ngài mà cũng xảy ra việc sai lầm, huống gì về sau này? Cho nên nói: “Nhân duyên thù thắng được gặp Phật. Nghe pháp không hành cũng uổng công.” Lại nói: “Thân người khó được, nay đã được. Siêng dưỡng huệ mạng làm tư lương.” Thân người khó được, nay chúng ta đã được, tiếp đến là chúng ta phải chuyên cần bồi dưỡng huệ mạng. Sinh mạng vốn có phân đoạn sinh tử, nhưng huệ mạng lại lâu dài liên tục. Trên con đường nhân sinh, chúng ta phải nhanh chóng tích trữ tư lương huệ mạng.

“Tâm Phật, tâm mình, hành chánh đạo. Sinh ra gặp Phật có khó gì.” Chúng ta biết rõ sau này sinh ra gặp Phật còn ở đời thật là không đơn giản. Chỉ cần chúng ta có tâm, hiểu được tâm Phật thì tất nhiên cảnh giới của Phật sẽ càng ngày càng gần chúng ta.

Pháp sư Thánh Nghiêm – Thích Nữ Viên Thắng việt dịch!

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Bài viết cùng chuyên mục

Vì sao người học Phật nhưng không có được lợi ích từ Phật pháp?

Định Tuệ

Oai lực của Ngũ đại tâm chú Lăng Nghiêm

Định Tuệ

Những lợi ích của việc vuốt đầu niệm Phật cho trẻ trước khi đi ngủ

Định Tuệ

Tất cả Pháp thế gian đều là giả, không phải thật

Định Tuệ

Người ngoài hành tinh thuộc cõi nào?

Định Tuệ

Dạy trì danh niệm Phật Tam Muội

Định Tuệ

Lời phát nguyện cho người tu Tịnh độ cầu vãng sanh Cực Lạc

Định Tuệ

Vẽ ngựa liền biến thành ngựa

Định Tuệ

Khai thị lúc lâm chung – Cách thức trợ niệm – Cách thức truy tiến

Định Tuệ