Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Quân tử tánh như thủy

Nước là đạo, là pháp, nước là thiện, là lành. Nước là sống đời vĩnh viễn, nước ấy là tánh của người quân tử, là tâm của Phật, là thân của trời, là trí của loài người…

Ông Khổng Phu Tử: Phu là đại trượng phu, Tử là chí quân tử. Chí quân tử cửu châu lập nghiệp, đại trượng phu tứ hải vi gia. Người trượng phu quân tử như mây như nước, trôi bay khắp cùng thiên hạ, do đó mà được chỗ hơn người. Phật thì gọi là Tâm thủy.

Có người lại gọi nước là Trời, vì nước trong nổi lên lớp trên, mắt kiến(thấy) nước có ánh sáng ngũ sắc, soi rõ tất cả muôn hình, gọi là mắt trời. Nơi mặt biển, trời nước dính liền một màu tiệp sắc, gọi đó là chân trời; trên trời có chi, thì xem trên nước sẽ thấy, cho nên trời là nước vậy.

Nước là một chất lỏng chan hòa với tất cả các chất, cũng như sự không xan tham, chan sớt sống chung cùng với cả chúng sanh. Nước bao giờ cũng mát, dầu phải bị cơn đốt nấu đi nữa, thì sau khi đó nó cũng mát trở lại tánh cũ. Cũng như người quân tử không bao giờ sân giận, dầu phải bị ai gây gỗ khêu chọc, thì cái nóng ấy cũng chỉ trong giây lát mà thôi. Vì bởi người đã quen tánh mát, tánh mát đã tự nhiên, để tự nhiên là nó mát lấy nó.

Nước chỉ có một màu sáng trắng, tức là sự thanh bạch của các vị đạo sư. Nước cũng có vị lạt, nhưng khi biến sanh đất, thú, cỏ, cây, sắt, đá, thì lại có đủ vị mùi, cũng như pháp giáo của thánh hiền, lời lẽ rất tầm thường mà tánh cách của lý nghĩa rất quí, hay, mầu nhiệm, do đó mà sanh đẻ ra tất cả chúng sanh sự sống.

Thiếu ăn thì người ta còn nhịn được, chớ thiếu nước ắt chẳng xong. Cũng như không có ác là không sao, chớ mất thiện lành thì người ta phải chết.

Nước bao giờ cũng thấm nhuần trong đất, làm cho đất dính liền, không đến nỗi phải khô khan ra bụi. Cũng như, giáo lý thánh hiền lúc nào cũng từ bi thương xót kẻ lợi danh ác quấy, ban bố dạy khuyên. Cảm hóa lần lần, chớ không nỡ để cho họ chia rẻ tương tàn sát hại với nhau.

Thế nên gọi thiện là đầu, ác là chân, nước là đầu trên, đất là chân dưới. Người quân tử là kẻ trên đầu của chúng sanh cũng y như vậy, ai mà không tôn kính, mến trọng! Ai mà không phải đem của cải tô đắp, nâng cao người quân tử! Ai mà không đem vật chất kéo trôi theo nguồn đạo? Ai mà chẳng hạ bỏ xác thân đối với đạo thiện trên cao?

Dầu cho cõi đời, cái ác cao đến mấy, vật chất chỗ nào cao nhiều, thì cái thiện bị lấn áp ở thấp sâu, chớ không phải thiện là ở dưới. Trái lại xứ nào cái ác thấp và vật chất ít, là đạo đức sẽ phủ tràn giăng bủa, như nước ngập mênh mông kia vậy.

Nước là đạo, là pháp, nước là thiện, là lành. Nước là sống đời vĩnh viễn, nước ấy là tánh của người quân tử, là tâm của Phật, là thân của trời, là trí của loài người, mà khi xưa các bậc hiền triết muốn cho chúng sanh tập theo tánh nước ăn ở sống đời, nên đặt tên là nước, nước là dân, dân là đạo, đạo là tâm thủy tánh nước đó.

Người lo việc nước tức là lo trau giồi tâm thủy, tập tánh quen như nước, chớ nào phải là sự đánh giết ai đâu? Nước là quân tử là Phật, mà các bậc đại hiền muốn cho tất cả đều tu, và chỉ đạo cho ngó thấy, lấy nước mà so sánh cho dễ hiểu, mong cho cõi đời trở nên xứ Phật, xứ đạo đức, xứ hiền lương, chớ nào có bảo việc hơn thua tranh lợi.

Dầu nước ao, nước sông, nước rạch, nước nguồn, thảy đổ vào biển cả, bao nhiêu màu sắc đều hóa một màu. Cũng như bao nhiêu tông giáo, giáo phái, chi nhánh pháp môn của đạo đức, đều đến gồm về có một mục đích là Niết bàn nhà đạo!

Và khi mọi người đều đến mục đích đắc đạo rồi, thì không còn thấy mình chia rẻ xa lạ, phân biệt màu sắc với ai ai kẻ khác, như hồi thuở còn đang tu, đang mang xác thân đen trắng của khi trẻ nhỏ. Vậy nên màu của chúng sanh là màu đạo đức, chỗ ở của chúng sanh là ở Niết bàn, trước sau ai ai rồi cũng phải gặp nhau nơi ngày cuối chót kia thôi.

Người ta thường tắm mưa, nước rớt trên đầu không sao, chớ đất rớt trên đầu thì ai cũng phải bị hại. Cũng giống như vậy, lời đạo đức từ trên dạy xuống thì ai cũng nên, lời ác trược đè dạy thì ai cũng phải khốn lụy.

Nước có đường nên kêu là đạo, đất không có đường nên kêu là vô đạo. Đất là con của nước, bởi nước lóng nuôi sanh. Nước là bà mẹ hiền, đất là đứa con khờ dại, dơ dáy tối tăm mê muội. Cũng như kẻ ác là con của người thiện, ác là đứa con nhỏ dại hay phá hại mẹ lành; nhưng trái lại, mẹ lành bao giờ cũng tha thứ cho đứa con ác dại. Tuy vậy chớ con đánh mẹ, mẹ chẳng đến nỗi gì, mà con thì mang hại, cũng như lấy đất liệng vào nước: nước vẫn như thường mà đất thì tan rã. Kẻ ác cũng thế, tự mình, hại lấy mình, sức mưu của mình làm cho mình chết khổ, chớ kẻ thiện kia nào có sao đâu?

Vả lại trong đời không ai nỡ đi giết hại đấng trọn lành cả, còn kẻ tội ác thì khó an toàn thân mạng. Người ta ban đất cuốc đất, chớ nào ai ban nước cuốc nước. Đất có cao thấp là như giai cấp thế quyền, bị người ta cuốc cái cao, bị gió thổi quét cái cao, cái cao phải bị mòn bởi giẫm đạp cho thấp xuống. Thật vậy ai cũng muốn đắp cái thấp vì thương, và ghét cái cao mà muốn hại.

– Đất thì hay đứng cao làm vách, mới phải ngã nhào, khác nào sự không công của người hay giỏi.

– Đất thì lục cục to nhỏ chen nhau xô xát, khác nào những gia đình, xã hội thế giới tranh đua.

– Đất không ai động nó cũng nứt, cũng như vì tham, vì lợi thì chia rẽ đồng bào. Đất hay sanh thú, và là chỗ ở của thú, với quỉ ma hang động, giống in như xứ lợi nhiều vật tốt, là chỗ chứa kẻ ác gian xảo quyệt, trong đời là chỗ kẹt đất hang sâu.

TÓM LẠI: Có nước mới có đường đi là đạo, đạo của người quân tử, đạo làm con mà người ta trọng là vua; đạo ấy mới là sự giác ngộ thật hành của tất cả chúng ta, mà đừng ai để làm cái đất tan rã, cái nước chảy trôi, là cái chết, cái khổ không đâu, rộn nhọc. Chúng ta phải là những cái cây cao sống mãi, đứng hoài, rút lấy trong đất, nước, ác, thiện, cái sống, cái giác, để nuôi nhánh lá, hoa, trái, để dành hột giống khô mãi mãi, là cái chơn như bất diệt ở nơi đời, làm cái sống đời đời, hay nói đúng hơn là: Có cõi đời trong nước đất. Như thế há chẳng hay hơn!

Thân ta là đất sanh bởi nước
Tánh ta là nước sanh bởi gió
Trí ta là gió sanh bởi lửa
Tâm ta là lửa sanh bởi đất

Tánh nước thì năng tắt trừ tâm lửa. Trí gió thì hay thổi quét thân đất. Người sống đời như nước, gió, ấy là kẻ bề trên, cao hơn thiên hạ là kẻ ở trên trời. Vậy ai muốn làm Trời thì hãy xem mình như nước, gió và tránh xa chỗ đất lửa kia đi!

Còn như ta muốn làm Phật, giữ luôn cả đất, nước, lửa, gió, thì nên nhớ rằng:

Có nước thì đất mới sống – là thân
Có gió thì nước mới sống – là tánh
Có lửa thì gió mới sống – là trí
Có đất thì lửa mới sống – là tâm

Nghĩa là: Sự nóng, lạnh, mát, nguội, phải dung hòa, đừng cái nào nhiều ít mà mang khổ. Hay cũng như là sự ở đời phải có lỏng, có đặc, có hơi, có nóng, đều đủ mới không tai nạn; mà nên nhớ rằng: thái quá bất cập là sự tai hại không vừa, nếu thiếu một pháp thì ba pháp kia cũng khó đặng bình yên đứng vững. Chính cái sống là sự giác ngộ ấy, là người biết sống, muốn sống, có cái sống và sống mãi đời đời. Hiểu nước là để hiểu đất, và đặng hiểu luôn cả lửa gió. Người mà biết rõ tứ đại tức là Phật.

Vậy chúng ta nên phải làm Phật, và đặng cho cõi đời trở nên xứ Phật, thì quí biết dường nào! Sao ai ai lại chẳng cầu mong “MỘT LẼ SỐNG”. Vì ai ai cũng là Phật, tánh thủy hết.

Trích: CHƠN LÝ của TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG!

Bài viết cùng chuyên mục

10 Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ Tát – Nguyện thứ nhất: Lễ kính chư Phật

Định Tuệ

Bốn cách hành trì niệm Phật tam muội

Định Tuệ

Người tu tịnh độ trước khi chết có những điềm lành gì không?

Định Tuệ

Niệm Phật phải phát nguyện vãng sanh Cực Lạc

Định Tuệ

Cảnh giới phát hiện – Nội cảnh, ngoại cảnh, biện ma cảnh

Định Tuệ

Người niệm Phật không chết, họ bỏ thân thể này đi đến Cực Lạc

Định Tuệ

Nhất tâm niệm Phật để mau chóng về An Dưỡng Cực Lạc Quốc

Định Tuệ

Mười phương chư Phật đều khuyên chúng ta tu học Tịnh Độ

Định Tuệ

Dùng tâm luân hồi để học Phật pháp thì Phật pháp cũng biến thành pháp luân hồi

Định Tuệ

Viết Bình Luận