Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Hết thảy chư Phật đều khuyên chúng sanh niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc

Không một vị Phật nào không khuyên tất cả chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chúng ta phải giác ngộ ở ngay chỗ này, phải chân thật nắm được.

Theo thường lệ, khi mở đầu kinh văn thì cần phải liệt kê mấy nhân vật làm đại biểu, cổ đức gọi các vị đó là “Thượng thủ”. Quyển kinh này, từ triều nhà Hán mãi đến triều nhà Tống tổng cộng có mười hai lần phiên dịch, nêu tên nhiều ít không như nhau, có quyển nêu ra hơn ba mươi vị; có quyển nêu ra ít, chỉ mười vị, hai mươi vị. Vì sao phải nêu tên của những vị này ra ở đây? Vì đó là biểu pháp. Thế Tôn giảng kinh nói pháp, bất cứ hội nào họ cũng đều đến tham gia, thế nhưng tại vì sao ở trong hội này, kết tập bộ kinh này thì nêu tên những người này, kết tập một bộ kinh khác thì lại nêu lên số người khác? Chúng ta phải hiểu được ý nghĩa ở chỗ nào. Danh hiệu, đức hạnh của những người trong số này đủ có thể đại biểu ý nghĩa của bộ kinh này. Chúng ta xem thấy những người này thì liền biết được nội dung của bộ kinh này, biết được trọng điểm của pháp hội lần này là ở đâu, cho nên nêu tên ra thì đã có ý nghĩa rồi, vì vậy tên không phải tùy tiện mà nêu lên. Cũng giống như thông thường hiện tại trong xã hội chúng ta mở hội nghị vậy, xem thấy những nhân vật nào đến tham dự hội nghị thì bạn liền biết được tính chất của hội nghị đó, hội nghị đó nói đến những vấn đề gì! Pháp hội này nêu tên những bậc thượng thủ cũng là ý này.

Lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập bộ kinh điển này, ở chỗ thượng thủ, Ngài tỉnh lược bớt rất nhiều người, chỉ đem những bậc quan trọng nhất nêu ra. Mấy vị này cũng đủ để đem nghĩa thú của toàn kinh thảy đều có thể biểu đạt ra hết. Đó là thủ pháp cao minh của người hội tập, làm cho hậu học chúng ta giảm bớt được rất nhiều thời gian và tinh thần, chúng ta nhận được tinh hoa của kinh Vô Lượng Thọ. Trong mười hai loại bản dịch, nhiều năm đến nay có bảy loại đã thất truyền. Hiện tại trong Đại Tạng Kinh còn có năm loại nguyên bản dịch. Bổn hội tập này của Hạ lão có thể nói là bổn tổng hợp của năm loại nguyên bản dịch, cho nên bạn đọc quyển này cũng như đã đọc qua hết năm loại nguyên bản dịch kia, văn tự nghĩa lý hoàn chỉnh đầy đủ, không hề kém khuyết chút nào. Năm xưa khi Hạ lão còn ở đời, pháp sư Huệ Minh tán thán, pháp sư Từ Chu tán thán, lão cư sĩ Mai Quang Hi thì càng không cần phải nói, trong lời tựa, trong bạt văn, chúng ta đều xem thấy. Hội tập được rất tốt, hội tập được quá viên mãn, thù thắng hơn rất nhiều so với ba loại hội giảo bổn ngày trước. Đó là giản lược giới thiệu với các vị. Bây giờ chúng ta xem đức hiệu đại biểu của mấy vị này.

Kinh văn: “Kỳ danh viết: Tôn Giả Kiều Trần Như, Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên, Tôn Giả Ca Diếp, Tôn Giả A Nan đẳng, nhi vi thượng thủ”.

Bạn xem, đây đều là đại A La Hán, chỉ nêu ra cho chúng ta năm vị, thật là giản lược thấu đáo.

Vị thứ nhất là “Tôn Giả Kiều Trần Như”.

Chúng ta ở trong rất nhiều kinh điển, thượng thủ đại biểu rất ít xem thấy có Ngài, mà “Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên” thì thường nghe thấy, chúng ta rất quen thuộc. Kiều Trần Như thì trái lại rất lạ, rất ít nghe đến tên của Ngài. Thực tế mà nói, bất cứ hội nào cũng không thiếu vắng Ngài, vì sao không nêu Ngài lên? Ngài ở trong số đệ tử Phật đại biểu cho ý gì vậy? Đại biểu “Chứng quả đệ nhất, khai ngộ đệ nhất”. Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở dưới cội Bồ Đề thị hiện thành đạo. Sau khi thành Phật, Ngài đến Vườn Nai để độ năm vị Tỳ Kheo này. Đó là lần đầu tiên Ngài giảng kinh nói pháp, thính chúng chỉ có năm người. [Hiện tại các vị đến học giảng kinh, thính chúng có được năm người thì rất đầy đủ rồi, không hề khác gì với Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật lần đầu giảng kinh chỉ có năm thính chúng, hiện tại ta mới bắt đầu học giảng kinh không phải chỉ có năm người, mà thù thắng hơn rất nhiều so với Thích Ca Mâu Ni Phật]. Ngài độ năm vị Tỳ Kheo. Trong năm vị Tỳ Kheo này, người khai ngộ thứ nhất, chứng quả thứ nhất là Kiều Trần Như (Kiều Trần Như có rất nhiều tích truyện, ở đây chúng ta sẽ không giảng). Chỗ này chúng ta cần phải tin tưởng Ngài đại biểu cho cái gì? Đại biểu bộ kinh này là kinh khai ngộ bậc nhất, pháp môn này là pháp môn chứng quả đệ nhất, Ngài biểu đạt cái ý này.

Phía sau bổn kinh này không phải là Tiểu thừa. Đoạn đầu là phần khuyên tín lưu thông. Chúng ta xem đoạn thứ hai, phần phán khoa.

Kinh văn: “Tâm vô hạ liệt, diệc bất cống cao, thành tựu thiện căn, tất giai tăng thượng, đương tri thử nhân, phi thị Tiểu thừa, ư ngã pháp trung đắc danh đệ nhất đệ tử”.

Chúng ta xem thấy đoạn kinh văn này, trước sau tương ưng với nhau. Kiều Trần Như là khai ngộ đệ nhất, chứng quả đệ nhất, nên xếp Ngài ở thứ nhất. Đây chính là nói rõ bộ kinh này là pháp môn khiến cho tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật đệ nhất. Tất cả kinh mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong 49 năm, kinh nào là đệ nhất? Đây chẳng phải đã nói rõ ràng rồi sao, đây là đệ nhất kinh. Thiên kinh vạn luận, ngày nay chúng ta có thể chọn được đệ nhất kinh, việc này nếu không phải là đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên thì làm sao bạn có thể gặp được? Ngày nay chúng ta gặp được đó là đệ nhất kinh trong tất cả kinh. Kiều Trần Như đại biểu đệ nhất, thế nên xếp Ngài ở thứ nhất, phía sau cũng đều là thứ nhất. Từ chỗ này về sau, mãi đến bộ kinh này viên mãn, mỗi câu mỗi chữ đều là đệ nhất, không có đệ nhị.

Vị thứ hai là Tôn giả Xá Lợi Phất

Vị thứ ba là Tôn giả Mục Kiền Liên

Chúng ta xem thấy ở trong tất cả các kinh, Xá Lợi Phất đại biểu cho trí tuệ, Mục Kiền Liên đại biểu thần thông, Kiều Trần Như xếp ở phía trước, vậy thì ý nghĩa biểu thị của Xá Lợi Phất được nâng cao hơn. Xá Lợi Phất ở ngay đây đại biểu trí tuệ đệ nhất. Mục Kiền Liên ở chỗ này đại biểu thần thông đệ nhất. Thần thông chính là năng lực mà ngày nay chúng ta thường gọi. Thông là ý nghĩa thông đạt, không có thứ nào không thông đạt, không hề chướng ngại. Thần là thần kỳ, siêu việt thường thức của chúng ta, siêu việt tưởng tượng của chúng ta. Họ có năng lực thù thắng như vậy, năng lực đệ nhất. Trong tất cả kinh đều có hai vị tôn giả này, đó chính là nói, tất cả các kinh mà Phật đã nói đều là trí tuệ đức năng, đều từ trong trí tuệ chân thật, đức năng chân thật mà lưu xuất ra. Ở chỗ này chúng ta phải đem nó thêm vào đệ nhất, trí tuệ là đệ nhất, thần thông năng lực là đệ nhất, tuyệt đối không phải các kinh khác có thể so sánh. Vì sao vậy? Bất cứ kinh nào cũng đều không thể khiến cho tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật, chỉ có bộ kinh này, một pháp môn này có thể khiến cho tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật. Các vị phải ghi nhớ, chúng ta ở ngay nơi đây xây dựng tín tâm. Học đoạn kinh văn này chính là kiến lập tín tâm kiên định không gì bằng của chúng ta, tin tưởng chính mình “thị tâm thị Phật”, tin tưởng chính mình “thị tâm tác Phật”, quyết định thành Phật. Chúng ta ở trong đoạn kinh văn này, then chốt là phải học chỗ này. Phía sau cũng là giúp chúng ta xây dựng tín tâm, nhất định không dao động.

Vị thứ tư là Tôn giả Ca Diếp

Vị thứ năm là Tôn giả A Nan

Tôn giả Ca Diếp là đại biểu Thiền tông, là sơ tổ của Thiền tông. Tôn giả A Nan đại biểu Giáo hạ, Tông môn cùng Giáo hạ hợp lại chính là bao gồm tất cả Phật pháp, không hề sót lọt thứ nào. Ngoài Thiền tông ra thảy đều gọi là Giáo hạ. Ý nghĩa mà hai vị này đại biểu chính là nói với chúng ta, Tông môn, Giáo hạ cuối cùng cũng sẽ quy về Tịnh Độ, bạn nói xem, Tịnh Độ thù thắng dường nào! Thế nhưng, Tông môn có phải thật quy về Tịnh Độ hay không? Chân thật quy về. Thí dụ rõ ràng nhất, hai vị Đại sư Mã Tổ và Bá Trượng xây dựng tòng lâm, lập thanh qui, đề xướng cùng tu, bạn thấy “Thiền môn nhật tụng”, thanh qui mà Đại sư Bá Trượng đã lập ra, đó là bổn khóa tụng của Thiền tông, khóa tối đều niệm A Di Đà Phật, buổi tụng kinh tối thì tụng kinh A Di Đà, há chẳng phải quy Tịnh Độ đó sao? Không hề xem nhẹ Tịnh Độ, rõ ràng là ngàn kinh vạn luận và mọi tông phái đều quy về Vô Lượng Thọ, quy về bộ kinh Vô Lượng Thọ này, quy về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Hiểu rõ đạo lý này thì chúng ta lựa chọn pháp môn Tịnh Độ, chuyên tu chuyên hoằng, nhất quyết không bị các pháp môn khác làm lay động ý nguyện của chúng ta. Ý nghĩa này là ở chỗ đó.

Kinh văn: “Hựu hữu Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, cập hiền kiếp trung, nhứt thiết Bồ Tát, giai lai tập hội”.

Xem kỹ trong pháp hội còn có chúng Bồ Tát, trong chúng Bồ Tát đề cử cho chúng ta ba vị Bồ Tát. Vị thứ nhất là Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Di Lặc và tất cả Bồ Tát trong hiền kiếp đều đến hội họp. Ý nghĩa này rất hay.

Bồ Tát Phổ Hiền đại biểu điều gì? Đại biểu Tịnh – Mật không hai. Chúng ta hiểu được, mười tông phái trong Phật pháp, trong đó có Mật tông. Vào thời cận đại, Mật tông hoằng truyền rất rộng. Tổ sư của Mật Tông là ai vậy? Là Bồ Tát Phổ Hiền. Vị truyền thừa của Mật tông là Bồ Tát Long Thọ. Sau khi Phật diệt độ 600 năm, Bồ Tát Long Thọ xuất hiện ở thế gian này, Ngài là Bồ Tát Sơ Địa. Ngài ở Nam Thiên mở tháp sắt. Sau khi tháp sắt mở ra thì thấy Kim Cang Tát Đỏa (cũng gọi là Kim Cang Thủ Bồ Tát), truyền cho Ngài mật pháp này. Sau này Ngài truyền lại. Kim Cang Thủ Bồ Tát cũng chính là Kim Cang Tát Đỏa, là hóa thân của Bồ Tát Phổ Hiền. Cho nên, Bồ Tát Phổ Hiền ở Mật tông xưng là Kim Cang Tát Đỏa. Ngài ở đây đại biểu Mật tông, đến cuối cùng cũng quy về Tịnh Độ. Ý nghĩa này hiển thị đặc biệt rõ ràng ở trong bản kinh, vì sao? Trong phẩm thứ hai “Đức Tôn Phổ Hiền”, trong kinh Hoa Nghiêm “thập đại nguyện vương, đạo quy Cực Lạc”, Mật tông đâu có lý nào mà không quy về Tịnh Độ chứ? Ý nghĩa này phải hiểu.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đại biểu Thiền tông không hai. Thiền tông là do tổ sư Đạt Ma truyền xuống, không phải là Thiền định trong Lục độ, mà là Bát Nhã Ba La Mật trong lục độ. Bạn thấy trong “Lục Tổ Đàn Kinh”, Lục Tổ khi mở lời thì dạy mọi người cứ niệm Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, cho nên chư vị phải hiểu rằng, Thiền tông là tu Bát Nhã Ba La Mật Đa. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là đại biểu, đây là bổn tôn trong Tông môn, Phổ Hiền là bổn tôn trong Mật tông. Tất cả đều hướng về Tịnh Độ. Chúng ta tu Tịnh Độ, tâm đã định rồi thì nhìn thấy Thiền, nhìn thấy Mật, rất hay. Ta là “Mật trong Mật, Thiền trong Thiền”, không hề bị họ làm lay động, tín tâm nguyện tâm của bạn mới kiên định. Bồ Tát được liệt kê vào ở chỗ này, bạn phải nên hiểu nghĩa thú sâu rộng này. Ngay chỗ này chân thật giúp đỡ chúng ta xây dựng tín tâm, nguyện tâm không gì bằng.

Vị tiếp theo là Bồ Tát Di Lặc. Bồ Tát Di Lặc là đại biểu truyền thừa tương lai. Thích Ca Mâu Ni Phật là một thời đại lớn. Thời đại lớn này là một vạn hai ngàn năm. Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật có Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp. Thời đại lớn này là một vạn hai ngàn năm. Sau một vạn hai ngàn năm, các chư Phật khác đến hoằng dương pháp môn gì vậy? Có phải giống như Thích Ca Mâu Ni Phật hay không? Cũng là hoằng dương pháp môn này ư? Không sai! Bồ Tát Di Lặc chính là kế thừa Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư trong Hiền kiếp, Di Lặc là vị thứ năm, cho nên là tiếp nối tương lai, cũng tiếp nối pháp môn này. Vì sao vậy? Pháp môn này là pháp môn đệ nhất, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai độ chúng sanh thành Phật đạo. Pháp môn đệ nhất chính là kinh Vô Lượng Thọ. Đối tượng kinh Vô Lượng Thọ, đối tượng có thể tiếp dẫn chính là chúng sanh căn tánh chín muồi ở thế gian. Cái gì gọi là chín muồi? Ngay trong một đời này quyết định làm Phật. Đó chính là đối tượng của kinh Vô Lượng Thọ. Trong một đời này của chúng ta tiếp xúc được pháp môn này, vạn nhất không thể vãng sanh, vậy thì phải nói thế nào đây? Không thể vãng sanh không phải là kinh có kém khuyết, mà chính là chúng ta chưa y giáo phụng hành. Bạn phải cố gắng ghi nhớ, quả nhiên có thể y giáo phụng hành thì ngay trong một đời này, bạn quyết định làm Phật, không hề khác biệt với A Di Đà Phật. Đây là thật, không phải giả. Cho nên, tất cả chư Phật Như Lai gặp được chúng ta căn tánh chín muồi, đều phải nói pháp môn này, đều phải nên khuyên bảo tất cả chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Do đây có thể biết, pháp môn này, pháp hội này thù thắng, xác thực ra là không tiền tuyệt hậu.

Đoạn sau cùng: “Cập hiền kiếp trung, nhất thiết Bồ Tát”. Tất cả Bồ Tát này chuyên chỉ Hiền kiếp Thiên Phật, thời đại đó thì càng to lớn hơn. Trong một đại kiếp (nhà Phật gọi một đại kiếp là nói đơn vị thời gian rất lớn), ở trong đại kiếp này, có một ngàn vị Phật xuất hiện ở thế giới Ta Bà này.

Nhà Phật gọi là một đại kiếp, đó là nói đơn vị thời gian rất lớn. Trong một đại kiếp này có một ngàn vị Phật ra đời ở thế giới Ta Bà. Thế giới Ta Bà chúng ta hiện tại là ở trong đại thiên thế giới. Địa cầu này của chúng ta là một tinh cầu nhỏ trong đại thiên thế giới. Lúc trước người thông thường đa phần cho rằng đại thiên thế giới mà nhà Phật đã nói đại khái là hệ Ngân Hà mà các nhà thiên văn học hiện tại chúng ta phát hiện ra. Thế nhưng cách nhìn của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ không như vậy, ông có viết một đoạn văn chương ở phía sau quyển chú giải kinh Vô Lượng Thọ. [Khi tôi ở Đài Loan, ông từ Bắc Kinh gởi đến, đây là lần sau cùng ông gởi cho tôi, hy vọng tôi đem thiên văn chương này để vào phía sau phần chú giải, bởi vì lúc ông giảng kinh để sót đoạn này]. Ông là một nhà khoa học, dạy vô tuyến điện trong trường đại học Thiên Tân, ông là giáo thọ khoa học của trường đại học Thiên Tân. Căn cứ cách nhìn của ông, hiện tại chúng ta gọi là hệ Ngân Hà, trên thực tế chỉ là một đơn vị thế giới mà trong Phật pháp thường gọi, cũng chính là nói, đơn vị thế giới này ở trên kinh Phật nói là lấy núi Tu Di làm trung tâm, thái dương cũng là xoay vòng theo núi Tu Di. Núi Tu Di rốt cuộc là cái gì? Từ xưa đến giờ chưa có người nào có thể đem việc này nói cho rõ ràng. Hoàng Lão cư sĩ nói, “núi Tu Di chắc là lổ đen mà thiên văn đã phát hiện”. Ông nói cũng có đạo lý. Lỗ đen chính là ngày nay chúng ta gọi là trung tâm của vũ trụ, trung tâm của hệ Ngân Hà, thái dương đích thực là đang xoay quanh chỗ này. Giả như lời nói này của ông có thể chứng thực, vậy thì một đại thiên thế giới có bao nhiêu hệ Ngân Hà? Mười vạn ức hệ Ngân Hà. Mười vạn ức hệ Ngân Hà là một đại thiên thế giới mà trong kinh Phật nói. Một đại thiên thế giới là khu vực giáo hóa của một vị Phật, các vị phải rõ ràng, phải tường tận. Vậy Thích Ca Mâu Ni Phật có diệt độ hay không? Không hề, Thích Ca Mâu Ni Phật ở thế giới này của chúng ta thị hiện diệt độ rồi, nhưng có thể Ngài lại thị hiện ở một tinh cầu khác, không hề có diệt độ. Nơi nào duyên đã chín muồi rồi thì Phật ở ngay nơi đó hiện thân, như trong phẩm Phổ Môn đã nói: “Thiên xứ sở cầu thiên xứ ứng”, trên kinh Lăng Nghiêm nói là “tùy loại hóa thân, tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”. Phật không có thân tướng nhất định, nơi nào có duyên thì hiện thân đến nơi đó, nơi nào không còn duyên nữa thì thân cũng sẽ không còn, cho nên không có sanh tử, mà là tùy loại hóa thân. Đó là thật, không phải là giả. Thế nên, ở trong Hiền kiếp có một ngàn vị Phật đến thế giới Ta Bà để thị hiện thành Phật (theo lời của Hoàng Lão cư sĩ đã nói, thế giới Ta Bà chính là một đại thiên thế giới, là mười vạn ức hệ Ngân Hà, trong một phạm vi lớn đến như vậy). Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thứ tư, Phật Di Lặc là vị thứ năm, về sau còn có 995 vị Phật. Hiện tại địa vị các Ngài là Bồ Tát, tương lai liên tục thảy đều thay nhau thành Phật trong Hiền kiếp này, những người này đều đến dự hội. Ý này rõ ràng nói với chúng ta, trong vạn Phật không một vị Phật nào mà không nói kinh này, không một vị Phật nào mà không tuyên dương pháp môn này, không một vị Phật nào không khuyên tất cả chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chúng ta phải giác ngộ ở ngay chỗ này, phải chân thật nắm được.

Hiện tại chúng ta sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, tương lai ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là nguyên lão, tư cách tiền bối, bởi vì trên kinh đã nói rất rõ ràng, A Di Đà Phật thành Phật đến nay mới có mười kiếp. Mười kiếp, ở trong thời không không bờ mé mà nói là rất ngắn ngủi. Hôm nay chúng ta đến thế giới Cực Lạc là rất sớm đạt được, sau vạn Phật ra đời rồi mới đi thì đều là hậu bối của chúng ta, cho nên hiện tại bạn vãng sanh, tương lai đều là huynh trưởng của những người đó. Phải đi sớm hơn một chút, không nên phải luân hồi nữa. Vừa luân hồi, vừa đọa lạc, về sau người hiện tại đi đều thành Phật, thành đại Bồ Tát rồi, chúng ta thì rơi lại quá xa. Tôi nghĩ đây là việc mà chúng ta không hề muốn nhìn thấy. Thật nếu không muốn nhìn thấy thì phải chăm chỉ nỗ lực học tập tinh tấn. Do đây có thể biết, chân thật là mười phương tất cả chư Phật Như Lai, không chỉ là Hiền kiếp thiên Phật, không một vị nào mà không lấy kinh này làm đệ nhất, không một vị nào mà không lấy pháp môn niệm Phật làm đệ nhất. Đó là chúng ta phải nên học tập ở trong phẩm thứ nhất.

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 3-4

Bài viết cùng chuyên mục

Sự linh ứng nhiệm mầu của Kinh Pháp Hoa

Định Tuệ

Công năng của Thần Chú Lăng Nghiêm

Định Tuệ

Người tu hành tự thấy có năng lực nào đó coi chừng tẩu hỏa nhập ma

Định Tuệ

Trên Kinh Phật nói với chúng ta, Tam Giới đều là khổ

Định Tuệ

Chỉ rõ chân tâm, hiển bày căn tánh

Định Tuệ

Phóng sanh tiêu trừ được bệnh tật, được công đức vô lượng

Định Tuệ

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ giảng giải ý nghĩa

Định Tuệ

Con cái có thể Sám Hối thay cho cha mẹ với lòng chí thành

Định Tuệ

Người ác có thể cải ác hướng thiện thì họ có thể vãng sanh

Định Tuệ

Viết Bình Luận