Một niệm cuối cùng lúc lâm chung là A Di Đà Phật, chắc chắn vãng sanh Tây Phương. Mười niệm hay một niệm đều được vãng sanh, do một niệm lúc lâm chung quyết định!
Trong lời khai thị cho Phật Thất, lão pháp sư Đàm Hư có nói: Trước kia, lúc pháp sư Đế Nhàn làm Phương Trượng chùa Đầu Đà, trong chùa nuôi một con gà trống, con gà trống ấy vãng sanh. Chính mắt pháp sư Đế Nhàn thấy chuyện này.
Thuở ấy trong chùa không có đồng hồ, sáng sớm gà gáy báo sáng, mọi người thức dậy tụng khóa sáng. Mọi người sáng tối lên chánh điện, con gà trống ấy cũng theo lên chánh điện tham dự khóa tụng niệm Phật. Khi tăng chúng thọ trai, nó cũng đến. Mọi người vứt cơm, lá rau xuống đất, nó ăn sạch.
Có một lần, khóa tụng đã xong, mọi người đều trở về liêu phòng, con gà trống vẫn đi loanh quanh trong chánh điện chẳng rời đi, thầy Hương Đăng xua nó đi, bảo: “Khóa tụng xong rồi, tôi phải đóng cửa”.
Con gà trống ấy chạy vào Phật điện, nghển cổ nhìn tượng Phật, kêu lên ba tiếng, đứng tại đó chết ngay. Con gà trống ấy biết trước lúc mất, đứng vãng sanh.
Đọa lạc trong ác đạo, đương nhiên là chúng sanh tội nghiệp sâu nặng, nhưng linh tánh chẳng mê muội, gặp duyên niệm Phật vẫn có thể vãng sanh.
Cũng có người hỏi: “Đời trước đã tu tốt đẹp như thế, vì sao bị đọa trong ba ác đạo?” Vấn đề này chúng ta phải nên nghiên cứu cặn kẽ. Đời sau phải đi vào nơi nào là do ý niệm cuối cùng lúc lâm chung quyết định.
Quý vị suốt đời niệm Phật chuyên cần, nhưng ý niệm cuối cùng lúc lâm chung chẳng phải là niệm Phật, sẽ chẳng thể vãng sanh!
Lúc lâm chung khởi một niệm tham tâm, bèn vào đường ngạ quỷ. Lâm chung khởi lên một niệm sân khuể tâm, đi vào đường địa ngục. Lâm chung mê hoặc, điên đảo, đi vào đường súc sanh. Đấy là tam ác đạo!
Một niệm cuối cùng lúc lâm chung là A Di Đà Phật, chắc chắn vãng sanh Tây Phương. Mười niệm hay một niệm đều được vãng sanh, do một niệm lúc lâm chung quyết định!
Nhà Phật lại răn dạy chúng ta: Phải vô cùng thận trọng khi lâm chung, đó là đại sự, quan hệ đến hạnh phúc trong đời sau.
Con người sau khi qua đời, trong vòng tám tiếng đồng hồ, chớ nên đụng chạm, vì sao? Sợ đụng chạm sẽ khiến người ấy khởi tâm sân khuể. Trước khi tắt hơi, tốt nhất là trợ niệm, một mực niệm mãi cho đến khi người ấy đã tắt hơi tám tiếng đồng hồ, đó là tối thiểu!
Hiệu quả niệm Phật ấy vô cùng to lớn. Trợ niệm nhằm nhắc nhở người ấy, mong một niệm của người ấy lúc lâm chung là chánh niệm, là A Di Đà Phật.
Trong vòng tám tiếng đồng hồ, tuy người ấy đã tắt hơi, thần thức chưa rời khỏi thân. Vì thế, trong tám tiếng đồng hồ, nếu người ấy giác ngộ hồi đầu, cũng niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, vẫn còn có thể vãng sanh.
Vì thế, trong vòng tám tiếng đồng hồ sau khi người ấy tắt hơi vô cùng quan trọng, nhất định chớ khiến cho người ấy sanh phiền não, đừng khiến người ấy khởi tham, sân, si.
Sách Sức Chung Tân Lương có nói rõ: Tốt nhất là tách người nhà, thân quyến khỏi người chết, vì sao? Sợ người ấy trông thấy người thân sẽ khởi tâm tham: Bỏ người này chẳng được, kẻ nọ chưa thấy mặt ta chưa thể trút hơi, phiền phức to lớn, chẳng sang Tây Phương Cực Lạc thế giới được!
Lúc bình thường phải thấy thấu suốt, buông xuống, sẽ có ích rất lớn đối với việc vãng sanh của chúng ta.
A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa Tập 76
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa