Mục đích của sự tu hành không phải vì đạt được, mà là buông bỏ! Muốn giải thoát mà vẫn không muốn buông bỏ là một sự mâu thuẫn lớn tồn tại trong chúng ta…
1. Chiều sâu của sự tu hành
Có một vị Phật tử rất thuần thành, mỗi ngày đều hái hoa trong vườn nhà mình mang đến chùa dâng cúng Phật. Một hôm khi cô đang mang hoa tươi đến cúng Phật, tình cờ gặp thiền sư từ giảng đường đi ra.
Thiền sư hoan hỷ nói: “Con mỗi ngày đều chí thành mang hoa hương đến cúng Phật như thế, y theo lời ghi: Người nào thường dùng hoa hương cúng Phật, đời sau sẽ được quả báo tướng mạo xinh đẹp”.
Cô Phật tử rất vui đáp: “Đây là việc nên làm, con mỗi ngày khi đến chùa lễ Phật, tự cảm thấy trong tâm mát mẻ, giống như đã tẩy sạch hết các lỗi lầm. Nhưng về đến nhà thì tâm khởi lên buồn phiền, vì gia đình chúng con ở giữa phố thị ồn ào thì làm sao giữ được tâm thuần trong sáng thanh tịnh được.”
Thiền sư hỏi: “Con dâng hoa tươi cúng Phật, chắc là con có chút hiểu biết về hoa. Bây giờ thầy hỏi con, làm thế nào để giữ gìn cho hoa thường được tươi đẹp.”
Phật tử đáp: “Phương pháp giữ cho đóa hoa tươi đẹp là mỗi ngày phải thay nước và cắt bỏ một phần dưới của thân hoa, vì phần dưới thân ngâm trong nước nên dễ bị hư thối, khi hư thối thì không hút được chất dinh dưỡng, dẫn đến hoa mau héo tàn.
Thiền sư nói: “Việc giữ gìn tâm trong sáng thanh tịnh cũng như thế. Hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta cũng giống như nước trong bình. Chúng ta chính là hoa, chỉ có thường xuyên thanh lọc thân tâm thanh tịnh sửa đổi tập khí và không ngừng sám hối, tự kiểm điểm, cải thiện tật xấu, khuyết điểm, mới có thể thu nhập được nhiều hạnh phúc an vui.
Phật tử nghe xong, hoan hỷ lễ tạ, nói: “Cảm ơn thầy đã chỉ dạy. Hy vọng sau này con có cơ hội sống gần thầy, được làm người tu thiền sinh hoạt trong thiền viện của thầy, được thưởng thức tiếng chuông trống sớm khuya, yên tĩnh đọc lời kinh tiếng kệ.”
Thiền sư nói: Con hít vào thở ra mà tâm không chấp mắc chuyện đời là đọc kinh. Tim đập mạch máu động là tiếng chuông, tiếng trống. Thân thể là thiền viện. Hai tai nghe tỉnh giác là Bồ đề. Nếu con làm được như thế thì ở đâu cũng được an vui, hà tất phải đợi đến được sinh hoạt ở thiền viện!?
2. Tu hành cuối cùng đạt được điều gì?
Có người hỏi vị Tăng sĩ: “Thầy lúc nào cũng tu tu hành hành vậy thông qua tu hành, cuối cùng đạt được cái gì?”
Vị tăng sĩ trả lời:
“Cái gì cũng không đạt được”.
Người này lại hỏi:
“Vậy ngài còn Tu Hành làm gì?”
Vị tăng sĩ mỉm cười nói:
“Thế nhưng tôi cũng có thể nói với cậu những thứ tôi mất đi”.
Tôi từ từ mất đi tâm oán hận, ỷ lại, hẹp hòi, xoi mói, chỉ trích, bi quan và cầu vọng. Mất đi sự nông cạn, tầm nhìn hạn hẹp, mất đi hết thảy những thứ gây ra bao trầm luân đau khổ đó là tham, sân, si…
Thật ra chân lý của tu hành không phải vì muốn đạt được mà chính là phải vứt bỏ đi hết thảy những cái tâm chấp thủ, những ngục tù quan niệm đã bao đời ta hình thành và tự giam hãm mình trong đó…
Tóm lại, mục đích của sự tu hành không phải vì đạt được, mà là buông bỏ! Muốn giải thoát mà vẫn không muốn buông bỏ là một sự mâu thuẫn lớn tồn tại trong chúng ta…
3. Làm thế nào để được nhiều vui hơn khổ?
Trong cuộc sống hàng ngày lúc nào chúng ta cũng có ba thứ: lạc thọ, khổ thọ và cảm giác trung tính. Trung tính có nghĩa là không khổ không vui.
Nếu chúng ta muốn có vui nhiều hơn khổ thì chúng ta chỉ đơn giản biến những cái trung tính thành ra an lạc và trung tính hóa những khổ thọ, thế là ta chỉ có vui và trung tính. Để rồi bước kế tiếp biến những cái trung tính còn lại thành vui, thế là chúng ta được rốt ráo giải thoát.
Mà muốn được như vậy chỉ có “tu” mới có thể chuyển những cái không khổ không lạc thành lạc. Thí dụ như lúc ta chưa tu thì ta xem chuyện “không đau răng” là trung tính, không vui không buồn. Nhưng khi đã tu rồi thì chuyện “không đau răng là một điều an lạc.”
Đừng đi đâu xa để tìm một thí dụ điển hình, hãy xem một người bịnh liệt giường lâu ngày thì sẽ thấy là họ thèm được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cái mà họ không coi ra gì lúc chưa bịnh. Thấy đó, chúng ta hãy trân trọng những gì mà chúng ta đang có, thế là vui, thế là an lạc.
Phật dạy: “Chúng sanh cứ mãi mê đi tìm những lạc thọ mà quên rằng những cái trung tính có thể được chuyển hóa thành an lạc để trước mắt cuộc đời ta nhiều vui hơn khổ.” Chúng ta có khi không biến cái trung tính thành vui mà ngược lại biến cả cuộc đời chúng ta thành phiền hà khổ não. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta thường chỉ nhìn bằng cái nhìn của ta chứ không chịu nhìn bằng cái nhìn của kẻ khác.
Thí dụ như ta cho rằng ăn ớt là ngon, nhưng người khác có đồng ý là ớt ngon hay không? Chúng ta cho là đạo Phật cao quý tốt đẹp, nhưng người khác có nghĩ giống như vậy không? Như vậy muốn cho người khác vui, chúng ta phải làm sao? Hãy nhìn bằng cái nhìn của người ấy và hãy tập theo hạnh “lắng nghe” của Ngài Quán Thế Âm. Hãy nghe để thấy cái muốn cái thích của người khác hầu đem đến cho họ đúng cái mà họ muốn. Đem đến cho họ đúng cái mà họ muốn tức là ban vui dẹp khổ, tức là không phiền não, là giải thoát là rốt ráo vậy.
Hãy tự nguyện mang lại những niềm vui dù nhỏ cho thiên hạ để trả những nghiệp chướng mà mình đã tạo ra. Khi ta mang niềm vui đến cho người, ta cũng đồng thời chuyển hóa tâm hồn ta từ một người tham lam, bỏn xẻn, tàn ác thành một người rộng lượng, vị tha và hiền từ.
Chính tâm niệm mang vui cho người sẽ chuyển hóa những tham, sân, si thành từ, bi, hỉ xả. Hãy mang nụ cười và niềm vui đến cho kẻ khác thì tự nhiên cái vui nó sẽ đến với ta.
Định Tuệ!