Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Tự tánh của chính chúng ta vốn đầy đủ trí huệ, đức năng

Trong Kinh Đại Thừa thường nói: “Tự tánh vốn đầy đủ trí huệ, đức năng”. Từ đó cho thấy, những điều mà đại Thánh thế xuất thế gian nói với chúng ta đều là sự lưu lộ tự nhiên của tự tánh.

Khổng Lão Phu Tử nói, cả đời Ngài dạy học là “chỉ thuật lại chứ không sáng tác”. Thích-ca Mâu-ni Phật giáo hóa chúng sanh trong 49 năm cũng “chỉ thuật lại chứ không sáng tác”. Đây cũng chính là nói những đạo lý mà các Ngài nói ra đều do quá khứ từng đời tương truyền xuống, chứ không có sáng kiến của riêng mình (ngày nay người thế gian thông thường gọi là sáng tạo). Khổng Lão Phu Tử không hề sáng tạo. Thích-ca Mâu-ni Phật cũng không hề sáng tạo. Khổng Lão Phu Tử nói, những điều mà Ngài nói là do trước đây Hoàng đế Hạ, Thương, Chu, Văn, Vũ, Chu Công truyền thừa lại. Thích-ca Mâu-ni Phật nói là cổ Phật quá khứ từng đời tương truyền xuống, hoàn toàn không phải do Ngài sáng tạo. Vậy thì những đạo lý này rốt cuộc là do ai sáng tạo? Không có ai sáng tạo, nói thực ra là từ trong tự tánh lưu xuất ra một cách tự nhiên. Tự tánh của ai vậy? Là tự tánh của chính chúng ta, chắc chắn không phải là sáng tạo. Trong Kinh Đại Thừa thường nói: “Tự tánh vốn đầy đủ trí huệ, đức năng”. Từ đó cho thấy, những điều mà đại Thánh thế xuất thế gian nói với chúng ta đều là sự lưu lộ tự nhiên của tự tánh. Nhà Phật nói: “Pháp vốn như vậy”, một mảy may sáng tạo ý mới cũng không có. Đây mới là sự thật. Nếu bạn nói là do bạn sáng tạo thì đó là đồ giả. Bạn sáng tạo là cái của bạn, không phải của tự tánh. Tự tánh vốn có, tự tánh là bản thể chung của tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới. Cho nên, nếu nói đó là cái sáng tạo của bạn, tự nhiên sẽ không phải là lý lẽ chung của tất cả chúng sanh, đó không phải là chân thật.

Người hiện nay có ý niệm sáng tạo dầy đặc. Đây là mê, là phân biệt, là vọng tưởng, là chấp trước. Những thứ từ trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước lưu xuất ra là trái ngược với tự tánh. Cho nên, chúng ta có ý nghĩ sáng tạo thì mê rồi, đã sai rồi. Cái sai lầm này không những đã đem đến tai họa cho bản thân, mà còn đem lại tai họa vô cùng cho đại chúng xã hội, cho tất cả chúng sanh. Đạo lý và chân tướng sự thật này, chúng ta phải suy nghĩ nhiều, phải bình tâm mà quan sát, vậy mới có thể sáng tỏ. Nho và Phật dạy chúng ta phải tuân theo gốc đạo. Gốc đạo là cội gốc của đạo lớn, chính là nhất niệm tâm tánh. Thể của nhất niệm tâm tánh chính là hiếu. Tác dụng của nhất niệm tâm tánh chính là trung. Cho nên thể và gốc của đạo lớn chính là “trung hiếu” mà thôi. Chúng ta khởi tâm động niệm phải tuân theo cội gốc. Đây là tâm hạnh bộc lộ ra một cách tự nhiên của Thánh nhân thế xuất thế gian, dạy chúng ta tìm về nguồn cội của thiên mệnh. Thiên mệnh là gì? Thiên chính là tự nhiên. Hóa ra hai chữ “thiên mệnh” này chính là tùy thuận tự nhiên. Nguyên tắc của tự nhiên chính là thiên mệnh. Xuân sinh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàng, đây là thiên mệnh. Noi theo tự nhiên, tùy thuận tự nhiên, đây chính là người khỏe mạnh nhất, người hạnh phúc nhất, người mỹ mãn nhất. Người mà không phân giàu nghèo, không phân sang hèn, biết sống thuận theo tự nhiên, biết làm việc thuận theo tự nhiên, xử thế thuận theo tự nhiên thì người này chính là Thánh nhân. Từ đó cho thấy, phàm phu đã hoàn toàn đi ngược lại tự nhiên, ngày nay chúng ta nói là phá hoại môi trường tự nhiên. Thân người, đôi chân là để đi, nên đi là tự nhiên, ngồi xe là không tự nhiên, là làm trái tự nhiên rồi. Cho nên, người mà thường xuyên ngồi xe, đến khi về già thì đôi chân không thể nhúc nhích, vì tê dại, đây là bị bệnh rồi. Tại sao những lão nông ở thôn quê khỏe mạnh như vậy, trường thọ như vậy? Vì họ thuận theo tự nhiên. Người sống ở đô thị, cái gì cũng hưởng thụ văn minh khoa học kỹ thuật, sống hoàn toàn trái ngược tự nhiên, nên bệnh gì cũng có cả. Ở trong đây đạo lý rất sâu, sự tướng quá phức tạp, chúng ta hãy suy nghĩ thêm. Những lời tôi nói này chính là nguồn gốc của tai nạn trên thế giới hiện nay, do chúng ta đã hoàn toàn làm trái ngược với đời sống tự nhiên, đã phá hoại môi trường tự nhiên. Đây là loài người tự làm, cho nên quả báo vẫn phải tự chịu. Làm sao để tự cứu đây? Thánh Hiền nhân dạy cho chúng ta “thượng đồng thiên chí”. Chúng ta thử nghĩ, cái chí của thiên thần, Thượng Đế, Phật Bồ-tát là gì? Đều là ở trung hiếu, anh em yêu thương nhau. Tâm của đại Thánh đại Hiền là cái tâm thuần hiếu.

Chữ “hiếu” này, ở phần trước tôi đã giảng qua với quí vị rồi, chính là “thực tướng các pháp” mà trong Kinh Bát Nhã nói, chúng ta bình thường nói là “chân tướng của vũ trụ nhân sanh”. Còn trong văn tự Trung Quốc (văn tự là ký hiệu), hàm nghĩa của ký hiệu này là hư không pháp giới là một chỉnh thể. Tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là một thể, cùng chung mạng sống, “hiếu” biểu thị cho ý nghĩa này. Trong Kinh Đại Thừa nói “ngã”, có chân ngã. Hiện nay người thông thường nói “ngã”, khái niệm này là sai lầm, cho nên Phật nói với chúng ta “vô ngã”; “không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”. Nếu bạn minh tâm kiến tánh rồi thì có ngã, có “thường – lạc – ngã – tịnh”, có chân ngã. Chân ngã không phải cái thân này, mà chân ngã là tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới. Hiện nay chúng ta cho rằng cái thân này của mình là ngã. Hiểu sai rồi! Cái thân này chỉ là một vi trần của hư không pháp giới mà thôi, chúng ta đem vi trần cho là ngã, mà quên đi cả hư không pháp giới. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật có ví dụ rất hay. Ngài ví dụ biển lớn là ngã, nhưng trong biển lớn lại nổi lên bong bóng nước nhỏ, bạn hiểu lầm cho rằng bong bóng nước là ta, mà quên mất biển lớn rồi. Cho nên phàm phu không biết có pháp thân, người tu hành không thể chứng được pháp thân, nguyên nhân ở chỗ này. Người minh tâm kiến tánh thì giác ngộ rồi, họ biết được tất cả chúng sanh là ngã, cho nên họ khởi tâm động niệm đương nhiên là vì tất cả chúng sanh, ý nghĩ tự tư tự lợi hoàn toàn đoạn tuyệt sạch sẽ rồi. Đây là sự khác nhau về nhận thức cơ bản giữa Phật Bồ-tát và phàm phu chúng ta. Phật Bồ-tát biết rõ chân tướng sự thật, còn chúng ta thì hoàn toàn sa đọa vào trong vọng tưởng và từ vọng tưởng khởi lên phân biệt, chấp trước.

Sự nhận biết thuần chánh chính là trí huệ. Trí huệ này là tự tánh vốn đầy đủ, không phải đến từ bên ngoài. Sự nhận biết này khởi tác dụng là “hiếu – đễ – trung – tín”, nhân từ với nhân dân, yêu thương mọi vật. Đây đều là thuận theo tự nhiên, không hề có mảy may tạo tác. Phàm phu chúng ta mê quá lâu rồi, vô lượng kiếp đến nay đã mê mất tự tánh, cho nên sống đời sống như thế nào vậy? Thuận theo phiền não của mình, thuận theo vọng tưởng của mình, thuận theo tập khí của mình, đem Nhất Chân Pháp Giới chuyển biến thành mười pháp giới, chuyển biến thành sáu cõi luân hồi, chuyển biến thành ba đường ác. Chúng ta ngày nay sống đời sống gì vậy? Nếu chúng ta thấy rõ ràng, thấy minh bạch rồi thì chúng ta ngày nay sống đời sống của ba đường ác: Súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Nhìn thấy cái thân thể này là hình dạng con người, nhưng tư tưởng, ngôn hạnh, đời sống toàn là ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Ai biết vậy? Phật Bồ-tát biết, người sáng tỏ thấy rất rõ ràng. Ba đường ác là trạng thái gì? Tham – sân – si là ba đường ác. Người chấp trước kiên cố, tham danh văn lợi dưỡng, tham ngũ dục lục trần thì đời sống của họ là đời sống của cõi quỷ. Việc không như ý nho nhỏ thì tâm sân hận liền sinh khởi, đố kỵ, chướng ngại người khác, đó là đời sống của địa ngục. Đúng sai không rõ, tà chánh không phân biệt được, không thể thân cận thiện tri thức, hằng ngày thân cận với tà tri thức, ở trong Kinh Phật gọi là “thầy tà, bạn ác”, thân cận giao thiệp với những người này, đây là ngu si, là đời sống của súc sanh. Chúng ta thử nghĩ đáng sợ biết bao. Chúng ta tự mình phải phản tỉnh từng giây từng phút, không nên nhìn người khác, phải xem lại đời sống của mình là đời sống gì. Nếu bạn sống đời sống con người thì ngũ giới thập thiện viên mãn rồi, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm nhất định tương ưng với ngũ giới thập thiện, nhất định tương ưng với hiếu – đễ – trung – tín.

Chúng ta phải hiếu thân, tôn sư. Cha mẹ còn sống thì phải luôn quan tâm chăm sóc, nếu cha mẹ không còn thì vẫn phải thường xuyên nhớ ân đức của cha mẹ. Bản thân chúng ta cố gắng tu học, nhà Phật nói đem công đức ấy hồi hướng cho cha mẹ. Công đức là gì? Mặc áo, ăn cơm đều là công đức; khởi tâm động niệm đều là công đức; không dám khởi niệm ác, không dám khởi vọng tưởng, vì khởi niệm ác, khởi vọng tưởng, làm một việc sai trái là có lỗi với cha mẹ. Đây là hồi hướng thật sự. Không phải nói là bạn mỗi ngày niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, đọc bao nhiêu quyển Kinh, đem công đức này hồi hướng cho cha mẹ, như vậy thì cha mẹ bạn không nhận được gì cả! Tại sao vậy? Vì bạn niệm Phật, bạn đọc Kinh, bạn có miệng mà không có tâm. Công đức chân thật là đời sống của bạn phải tương ưng với lời dạy của Phật, lời dạy của Thánh nhân, đó mới gọi là công đức. Bạn có thể dùng công đức này để hồi hướng.

Công đức chân thật là ở khởi tâm động niệm của bạn, ở ngôn ngữ tạo tác của bạn. Bạn dùng tâm thuần thiện, thuần là tâm yêu thương người, thuần là tâm hạnh giúp đỡ người khác phá mê khai ngộ, hoàn toàn thực hiện vào trong đời sống, trong công việc của mình thì đây là công đức chân thật. Bạn dùng công đức này hồi hướng mới có tác dụng. Đây là hiếu thuận cha mẹ đích thực, niệm niệm không quên. Nếu cha mẹ vãng sanh rồi, công đức này có thể giúp họ nâng cao phẩm vị. Nếu cha mẹ bạn bất hạnh, bị đọa ở đường ác, công đức này có thể giúp họ siêu sanh. Đây là siêu độ đích thực, không phải mời mấy vị Hòa thượng, đạo sĩ tụng Kinh là có thể siêu độ được, đó là mê tín. Hoàn toàn ở trên tâm hạnh thực tế của mình.

Quí vị có lẽ đã đọc qua Ảnh Trần Hồi Ức Lục của Pháp sư Đàm Hư. Cư sĩ Lưu – bạn của Pháp sư Đàm Hư “tám năm gian khổ đọc Lăng Nghiêm”, ông siêu độ gia thân quyến thuộc của ông, siêu độ oan thân trái chủ của ông như thế nào? Không có bất kỳ hình thức nào, hoàn toàn dựa vào đức hạnh của mình, khởi tâm động niệm, hành vi đời sống như Phật đã dạy, học theo những gì mà Phật đã hành. Đây gọi là hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính sư trưởng, hữu hảo yêu quí anh em. Có thể tôn trọng tất cả chúng sanh, yêu thương tất cả chúng sanh vô điều kiện, vô tư, tận tâm tận lực giúp đỡ tất cả chúng sanh, giúp chúng sanh lìa khổ được vui, chỉ có một cái tâm như vậy, chỉ có một ý nghĩ như vậy. Ý nghĩ này, cái tâm này chính là thiên chí (chí của trời), trong Phật pháp gọi là nguyện của Phật. Quí vị thử nghĩ, chúng ta gần đây giảng Kinh Vô Lượng Thọ, đúng lúc giảng đến 48 nguyện, mỗi nguyện đều giúp đỡ chúng sanh lìa khổ được vui. “Lìa khổ được vui” là tổng nguyện. Lìa khổ được vui là quả. Có quả ắt có nhân. Muốn khiến tất cả chúng sanh lìa khổ được vui thì trước tiên dạy họ tu nhân. Nhân là gì vậy? Phá mê khai ngộ. Khổ là từ trong mê mà ra, vui là từ trong ngộ mà có. Phá mê chính là lìa khổ, khai ngộ thì liền được vui. Cho nên, đại Thánh nhân thế xuất thế gian cả đời đều dấn thân vào công tác dạy học. Dạy học là trực tiếp giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, còn những ngành nghề khác đều là thuộc về gián tiếp. Không những hướng dẫn, chỉ dạy mà còn phải làm nên tấm gương cho người ta thấy. Hy vọng mọi người nhìn thấy hình tướng của các Ngài, nghe thấy ngôn từ chỉ dẫn của các Ngài thì liền giác ngộ, liền sáng tỏ. Chúng ta phải noi theo Thánh Hiền, học tập theo Phật Bồ-tát thì mới có thể đạt được quả báo chân thật. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, nhất là vào cuối thế kỷ này, tai nạn rất nhiều và tương đối nghiêm trọng.

Làm thế nào phòng tránh tai nạn? Làm thế nào tự độ, độ người? Thảy đều ở việc hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh, triệt để quay đầu, quay đầu là bờ thì vấn đề này liền có thể được giải quyết. Mọi lời tiên đoán của phương Đông, phương Tây đã nói có rất nhiều khả năng xảy ra tai nạn. Kết luận cuối cùng của họ rất hay, mục đích của tiên đoán không phải cảnh cáo bạn tai nạn sắp đến, mà là để bạn hiểu rõ có khả năng sự việc này xảy ra, để chúng ta từ trên tâm lý làm một cuộc chuyển đổi, gấp rút quay đầu, đoạn ác tu thiện. Tai nạn rốt cuộc có hay không là quyết định ở trong một niệm của chính chúng ta, không phải quyết định ở bên ngoài, mà quyết định bởi chính mình. Cho nên, chúng tôi ở trong buổi giảng thường nói, tâm tham chiêu cảm đến là nạn nước; trong Kinh Lăng Nghiêm nói sân hận là nạn lửa, ngu si là nạn gió, cống cao ngã mạn là động đất. Nếu như chúng ta dập tắt tham sân si từ trong nội tâm, đối với người, với vật chúng ta học khiêm tốn, nhẫn nhường thì tai nạn này liền không còn nữa. Thiên nhân Tứ Thiền tại sao không có ba nạn lớn nước, lửa, gió? Vì họ hoàn toàn chế phục được tham sân si rồi. Cho nên người có phước báo thì nơi họ cư trú là đất phước. Chúng ta nghe Phật nói rồi thì phải giác ngộ, phải hiểu rõ, phải thật sự từ bên trong nội tâm dập tắt tham sân si mạn, dùng lòng từ bi đối nhân xử thế tiếp vật.

Hôm qua tôi giảng Kinh, khuyên mọi người học Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát dùng ánh mắt gì để nhìn người vậy? Các Ngài thấy tất cả chúng sanh đều là Phật Bồ-tát. Đó là sự thật. Chúng ta thấy tất cả chúng sanh đều là phàm phu, đều là người ác. Chúng ta thấy sai rồi, Phật Bồ-tát thấy chính xác. Người thông thường nghe thấy lời này của tôi, họ giữ ý kiến tương phản: “Phật Bồ-tát thấy sai rồi, chúng tôi thấy mới chính xác, rõ ràng người này là người tốt, người kia là người xấu”. Tại sao Phật Bồ-tát không phân biệt được tốt xấu? Trên thực tế, Phật Bồ-tát thấy chính xác, chúng ta thấy sai rồi. Đạo lý này rất sâu, phải suy nghĩ chín chắn, điều chỉnh quan niệm sai lầm, điều chỉnh hành vi sai lầm của chúng ta.

Chịu ơn người một giọt nước thì vĩnh viễn phải ghi nhớ, vĩnh viễn không quên. Người ta có gì không phải với chúng ta, tuyệt đối không nên nhớ ở trong lòng, phải quên cho thật sạch sẽ, dứt khoát không lưu lại ấn tượng thì bạn mới có đủ điều kiện học Phật, mới có tư cách làm Phật. Vong ơn bội nghĩa, thường hay ghi nhớ người này không phải với ta, người kia có lỗi với ta thì chắc chắn đọa tam đồ, hằng ngày tụng Kinh niệm Phật vẫn phải đọa tam đồ. Những năm đầu triều Thanh, Pháp sư Quán Đảnh cũng nói như vậy, Ngài nói không sai chút nào. Hy vọng chúng ta ghi nhớ, chúng ta nghiêm túc nỗ lực học tập, gấp rút quay đầu, phòng tránh tai nạn.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi. A Di Đà Phật!

Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 25

Bài viết cùng chuyên mục

Chú Chuẩn Đề: Phật Mẫu Chuẩn Đề thần chú tiếng Phạn và Việt

Định Tuệ

Chúng ta vốn dĩ đã là Phật

Định Tuệ

Sám hối là gì? Hình thức của sám hối

Định Tuệ

Người tu đạo cần có tâm kiên trì không đổi

Định Tuệ

Sám hối là gì? Sám hối có xóa sạch được tội lỗi hay không?

Định Tuệ

Niết bàn là gì, ở đâu? Ý nghĩa của Niết bàn trong đạo Phật

Định Tuệ

Sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật xin hãy thường niệm

Định Tuệ

Chư Thiên Thần là ai? Sắc thân và tuổi thọ của chư Thiên ra sao?

Định Tuệ

8 tướng thành đạo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Định Tuệ

Viết Bình Luận