Đức Phật dạy chúng ta một phương pháp, chư vị đồng học dùng phương pháp gì để hóa giải vọng tưởng phân biệt chấp trước của mình?
Đức Phật dạy chúng ta một phương pháp, chư vị đồng học dùng phương pháp gì để hóa giải vọng tưởng phân biệt chấp trước của mình? Phương pháp của Tịnh tông rất khéo léo, tức là dùng một câu A Di Đà Phật. Đại đức tông môn thường nói: “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”.
Niệm gì? Ý niệm chấp trước, ý niệm phân biệt, ý niệm khởi tâm động niệm. Tập khí mà! Ý niệm vừa khởi niệm thứ nhất, niệm thứ hai liền trở về A Di Đà Phật, đánh tan ý niệm thứ nhất. Chỉ cho phép trong tâm có một niệm. Ta phân biệt nó, chấp trước nó, khởi tâm động niệm cũng vậy, chỉ một niệm là A Di Đà Phật, nhất tâm bất loạn. Vậy có phân biệt, có chấp trước rồi? Đúng, là có phân biệt, có chấp trước.
Trong kinh Đức Phật dạy chúng ta: “chấp trì danh hiệu”, chấp nghĩa là chấp trước, chỉ được có chấp trước này. Cảm ứng của sự chấp trước này là gì, quả báo ở đâu? Ở thế giới tây phương Cực Lạc. Nó không tương ưng với lục đạo, cũng không tương ưng với thập pháp giới, nó tương ưng là thế giới tây phương Cực Lạc. Đây gọi là gì? Là đới nghiệp vãng sanh, mang theo nghiệp chấp trì danh hiệu vãng sanh.
Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, các pháp môn khác không có. Không có thì rất khó, chúng ta làm sao thành tựu? Thù thắng bậc nhất của thế giới Cực Lạc, chính là cho phép ta mang theo nghiệp này, không phải đem theo nghiệm khác.
Mang theo nghiệp chấp trì danh hiệu, ngoài ra đều buông bỏ hết. Nghiệp này là tịnh nghiệp, gọi nó là tịnh, vì nó tương ưng với Tịnh độ. Nó không tương ưng với lục phàm, lục phàm là nhiễm. Tứ thánh pháp giới cũng là tịnh, nó không phải Phật A Di Đà.
Đại trí có thể chiếu pháp giới, trí tuệ của Phật có thể chiếu pháp giới của vô lượng vô biên chư Phật, trí tuệ Phật A Di Đà chiếu pháp giới. Đừng quên, chúng ta có thân pháp tánh, trong thường tịch quang gọi là thân pháp tánh, gọi là cõi pháp tánh. Chúng ta có, không khác gì với Phật.
Trong kinh luận đại thừa Đức Phật thường nói: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, hiện nay có phải chăng? Phải, không hề thay đổi, phát tánh bất sanh bất diệt, vĩnh hằng bất biến. Mỗi người chúng ta đều có, vì sao hiện nay không còn? Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: do vì vọng tưởng phân biệt chấp trước mà không thể chứng đắc.
Chúng ta phải thường hỏi chính mình, vì sao phải phân biệt, vì sao phải chấp trước, vì sao phải khởi tâm động niệm? Mỗi ngày siêng năng tự hỏi chính mình, rất có lợi ích, nâng cao cảnh giác của bản thân. Điều này giúp ta rất hiệu quả, làm giảm nhẹ sự phân biệt chấp trước. Lợi ích này là chân thật, lợi ích này rất lớn.
Học Phật không có tăng tiến, không có tiến bộ, nguyên nhân không gì khác chính là ta không buông được. Phân biệt chấp trước hình như giảm nhẹ hơn trước nhiều, nhưng vẫn chưa được, vẫn không buông bỏ được.
Hiện nay thiên tai dồn dập, nếu chúng ta gặp phải, ta có cảm nhận như thế nào? Nói rất hay, đến lúc đó đúng là một sự thử thách. Thiên tai xuất hiện, chỉ có một câu A Di Đà Phật, ngoài ra không còn bất kỳ ý niệm nào, như vậy sẽ vượt qua một cách bình an.
Nếu thọ mạng đến thì về thế giới Cực Lạc, thọ mạng chưa đến sẽ được Phật lực gia trì. Quý vị biết vì sao không? Vì tâm ta và tâm Phật A Di Đà là cùng một tâm, tâm thanh tịnh, không hề bị vướng mắc.
Lúc thiên tai hiện tiền, một hơi thở ra không thở vào lại. Ta vẫn còn vướng mắc, vẫn còn âu lo, vậy là đi vào lục đạo, lại trôi lăn trong luân hồi. Đương nhiên khó đoạn nhất là tình chấp, quả thật rất khó đoạn. Tiếp đến chính là kim ngân tài bảo, những gì ta thích, rất khó phân ly với chúng. Chỉ cần có một niệm, là lập tức đi vào lục đạo, nếu là niệm niệm không đáng sợ ư? Rất nhanh lại trở về luân hồi như cũ, đáng sợ biết bao.
Trích đoạn trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 262
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 03.02.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu
Tâm Hướng Phật/St!