Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

5 bộ Kinh Phật thường đọc tụng và ý nghĩa cơ bản bạn nên biết

Xin giới thiệu với quý bạn 5 bộ kinh Phật thường đọc tụng hàng ngày và ý nghĩa cơ bản của từng bộ mà mỗi người Phật tử nên biết.

Đạo Phật có rất nhiều kinh điển, độ sâu cạn, cao thấp khác nhau. Mỗi người tùy theo căn cơ của mình mà phù hợp với những kinh điển khác nhau, không ai giống ai. Người nào phù hợp với kinh điển nào thì khi tụng kinh đó sẽ thấy rất hứng thú, sinh tâm tín kính và có thể duy trì tụng niệm lâu dài.

Ngược lại, nếu không có duyên với một bộ kinh nào đó, khi cố ép mình tụng sẽ sinh tâm chán nản, khó hiểu, cảm thấy nghi ngờ, không thể duy trì đọc tụng thường xuyên, và bỏ tụng.

Và bộ tụng kinh tốt nhất chính là kinh phù hợp với mình nhất, riêng mỗi người một khác, chứ không có cứng ngắc là tất cả ai cũng đều nên đọc kinh này hay kinh kia.

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu với quý bạn 5 bộ kinh Phật thường đọc tụng hàng ngày và ý nghĩa cơ bản của từng bộ mà mỗi người Phật tử nên biết.

1. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện

Tông chỉ tu hành của Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện được thể hiện qua tám chữ: Hiếu đạo, Độ sanh, Bạt khổ, Báo ân.

Tựa đề của Kinh Địa Tạng là “U minh Giáo chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát Ma ha tát”. Có nghĩa là đấng giáo chủ cõi U minh là Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát. Một Ngài Bồ tát tên Địa Tạng, Ngài cầm trong tay phải một cây tích trượng và tay trái một hạt minh châu. Ngài xuống địa ngục làm giáo chủ, dùng tích trượng đập phá cửa địa ngục để cứu vớt chúng sinh, nếu chúng sinh chí thành niệm danh hiệu của Ngài. Tuy nhiên, đó có phải là ý nghĩa thực sự?

“Bổn” là Bổn tâm. “Tôn” là tôn quý, “Địa” là tâm địa, “Tạng” là Như Lai tạng. Chỉ có Bổn tâm mới là tôn quý nhất, đó là kho Như Lai tạng tâm địa; chỉ có Bổn tâm mới làm chủ được cõi U minh, tức làm chủ cõi địa ngục tham, sân, si của chính mình.

Địa ngục chính là địa ngục tham, sân, si. Chúng sinh khổ là do tham, sân, si đầy dẫy trong tâm, phiền não khởi phát. Muốn phá được cửa địa ngục này cần phải là Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình vậy. Quan trọng là bản thân nhận ra được bản tính Như Lai trong tâm, thì mình mới có thể đập phá được địa ngục tham, sân, si và cứu giúp chúng sinh muôn loài.

Nếu ta hiểu Ngài Địa Tạng là một vị Bồ tát có hình tướng rõ ràng, và có một cõi địa ngục thật sự, thì chúng ta sẽ ỷ lại vào tha lực, rồi vô tình gạt bỏ quy luật nhân quả. Nếu thật sự có một Ngài Bồ tát đủ khả năng đập phá cửa địa ngục, thì chúng ta khỏi cần tụng kinh, tọa thiền hay tinh tấn tu học, chỉ cần một lòng cầu Ngài Bồ tát, chờ đến lúc chết sẽ có Ngài đến cứu.

Như vậy thì tinh thần ỷ lại, dựa dẫm, mong chờ sự cứu rỗi của Ngài Bồ tát càng tăng lên. Quy luật Nhân Quả cũng không có ý nghĩa. Điều đó dẫn đến sự ra đời của Đức Phật cũng là vô nghĩa. Vậy tại sao chúng ta phải nỗ lực tu hành? Nếu chúng ta không dứt trừ các nghiệp ác nơi thân, khẩu, ý, thì có vị Bồ tát nào cứu vớt mình được? Chúng ta tu là tu tâm của chúng ta, nếu thanh tịnh cũng là thanh tịnh chân tâm; khi giác ngộ là giác ngộ tự tâm. Ngoài tâm sẽ không có cái gì cả.

Địa ngục chính là tham, sân, si, phiền não của chúng sinh. Địa ngục cũng chính là cảnh giới của ba nghiệp ác, từ thân khẩu ý phát sinh ra. Địa ngục là sự tối tăm ám chướng, là sự mê muội trong tâm thức của mỗi người. Đó chính là địa ngục tự tâm.

Phật nói kinh Địa Tạng là muốn cảnh tỉnh tất cả chúng ta dẹp bỏ tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tâm mình, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm. Cuối cùng trở về với Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình. Đó là nội dung cốt yếu của toàn bộ kinh Địa Tạng.

Nội dung Kinh: Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện trọn bộ cho bạn đọc tụng

2. Kinh A Di Đà

Kinh A Di Đà là bản kinh văn thuộc hệ thống kinh tạng của Phật giáo Đại thừa với phần nội dung được đức Phật Thích Ca giới thiệu về cảnh giới viên mãn thù thắng nơi cõi Cực lạc Tây phương của đức Phật A Di Đà với sự trang nghiêm của y báo và chính báo kiến lập cho chúng sinh hướng về tu tập cùng sự tán thán của các đức Phật ở các thế giới khác.

Trong tư tưởng triết lý của Phật giáo Đại thừa, kinh A Di Đà lại có tầm ảnh hưởng rất phổ quát và đặc biệt quan trọng. Nội dung tư tưởng của bản kinh đã được ngài Long Thọ trích dẫn trong tác phẩm “Dị Hành Phẩm” thuộc“Luận Thập Trụ Tì Bà Sa”, ngài Thế Thân trình bày trong “Thập Địa Luận Kinh” cho đến việc về sau này phát triển thành một tông phái Tịnh độ chính thống của Phật giáo Đại thừa tại Trung Hoa, vốn được các vị Tổ của Phật giáo Đại thừa chủ trương thiết lập và hướng đến xây dựng nội dung giáo nghĩa tu tập.

Kinh A Di Đà là kinh khen ngợi công đức và được tất cả chư Phật hộ niệm. Kinh này chuyển tải nội dung rất sâu xa do đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự giảng nói.

Nội dung Kinh: Kinh A Di Đà PDF trọn bộ cho bạn đọc tụng – HT Thích Trí Tịnh dịch

3. Kinh Dược Sư

Là người Phật tử, tìm hiểu và đọc các giáo lý, chúng ta hiểu được rằng cuộc sống của chúng ta chịu ảnh hưởng, chi phối của nghiệp cũ rất nhiều, nghiệp cũ có thể khiến chúng ta khỏe mạnh hay bệnh tật, chết yểu hay sống thọ, gặp tai nạn hay may mắn, cuộc đời sang hay hèn.

Vì vậy, khi tụng đọc Kinh Dược Sư, chúng ta sẽ được nghe Phật dạy cách phải sống thế nào, phải tu tập tâm thế nào, chúng ta làm tất cả các thiện hạnh, rồi chuyển hóa tâm, phát khởi thiện tâm. Đó là cái chúng ta được chuyển hóa nghiệp.

Do chuyển hóa nghiệp, vâng theo lời Phật dạy như thế mà chúng ta được tiêu trừ bệnh tật, thọ mạng được kéo dài. Chứ không phải chúng ta chỉ đến rồi khấn Phật xin cho con được khỏe mạnh, được sống dai.

Không Đức Phật nào phù hộ thế được, mà phải là sự tu tập chân thật. Đó là điều mà đạo Phật khác với các đạo khác, các tôn giáo khác: phải tu tập chân thật, không phải chỉ là cầu xin.

Nội dung Kinh: Kinh Dược Sư PDF để bạn tụng đọc – HT Thích Trí Quảng

4. Kinh Phổ Môn

Tên gọi thông thường của bài kinh này là Phẩm Phổ Môn, Kinh Phổ Môn hay Kinh Quán Thế Âm và gọi đủ là Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm. Đây là bài kinh nói về hạnh nguyện độ sanh của Bồ tát Quan Thế Âm, và thông qua đó, giới thiệu cách “quán chiếu” cuộc đời để đạt được giác ngộ và giải thoát như phương pháp tu tập phổ biến và có hiệu quả trong cõi Ta bà.

Kinh Phổ Môn chủ yếu được tụng vào các dịp cầu an, cầu bệnh, cầu tai qua nạn khỏi, cầu gia đạo bình an, cầu quốc thái dân an, cầu mưa hòa gió thuận, hay tụng vào những dịp khánh hỷ, lễ an vị Phật, lễ khai trương, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ tân gia, lễ sinh nhật, lễ đáo tuế, lễ cầu thọ, lễ chúc thọ …

Nội dung Kinh: Kinh Phổ Môn hay Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm

5. Kinh Báo Ân

Kinh Báo Ân hay kinh đại báo ơn sinh thành và dưỡng dục của các bậc thân mẫu. Trong 14 lời Phật dạy hẳn chúng ta còn nhớ có câu “ Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu“, vì thế mà kinh Báo Ân có một vai trò rất quan trọng trong các bộ kinh Phật pháp nói chung.

Kinh Báo Ân thường được tụng trong các buổi lễ mừng thọ, các dịp giỗ chạp của cha mẹ, ông bà, tổ tiên để thể hiện lòng thành kính của các bậc con cháu.

Khi tụng kinh phải có thái độ nghiêm trang, thành kính quyết thực hiện tốt nghĩa vụ của bậc con cháu với ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục với ông bà, cha mẹ.

Không chỉ với người tụng mà ngay cả người nghe cũng phải có thái độ thành kính, nghiêm túc như vậy thì bài kinh mới mang đầy đủ ý nghĩa nhất.

Nội dung Kinh: Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân – HT Huyền Tôn dịch

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Định niệm hơi thở: 19 đề mục Định niệm hơi thở

Định Tuệ

12 lợi ích khi trì tụng Kinh Lương Hoàng Sám

Định Tuệ

Niệm Phật hàng ngày có tốt không? Lợi ích niệm Phật mỗi ngày

Định Tuệ

Tại sao chúng ta phải niệm Phật?

Định Tuệ

Hòa Thượng Tịnh Không khai thị Pháp thanh tịnh giải thoát

Định Tuệ

Quan trọng nhất, không gì vượt qua pháp môn niệm Phật

Định Tuệ

Vì sao Phật xuất hiện ở thế gian này?

Định Tuệ

Nguy cơ to lớn trong thời Mạt Pháp

Định Tuệ

Đạo con người là đạo ngũ luân, chúng ta có làm được chăng?

Định Tuệ

Viết Bình Luận