Phật tổ nói với chúng ta pháp môn này là “vạn người tu vạn người đi”, mấu chốt là ở bốn chữ “chí tâm nguyện sanh” này, một lòng một dạ cầu sanh Tịnh Độ, không có ý niệm thứ hai.
Rất nhiều đồng tu viết thư cho tôi, họ phát tâm muốn xuất gia. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để xuất gia thì tốt, ở thế gian này xuất gia đều không dễ dàng gì thành tựu. Vì vậy chúng ta một lòng một dạ, bất luận là tại gia hay xuất gia đều như nhau, chỉ cần bạn chí tâm nguyện sanh thì bạn nhất định được sanh. Phật tổ nói với chúng ta pháp môn này là “vạn người tu vạn người đi”, mấu chốt là ở bốn chữ “chí tâm nguyện sanh” này, một lòng một dạ cầu sanh Tịnh Độ, không có ý niệm thứ hai.
Phàm phu dẫu sao cũng là phàm phu, tuy rằng có cái duyên phần thù thắng như vậy, nghe được chư Phật Như Lai giới thiệu tiến cử cho chúng ta, nhưng mỗi một người chúng ta đích thực là tín nguyện có sâu cạn không như nhau. Có người vừa nghe liền tin sâu không nghi, có người sau khi nghe xong thì bán tín bán nghi, người người đều không như nhau. Những người trong quá khứ thuộc thế hệ trước nói với chúng ta, đầu năm Dân Quốc, lão Hòa thượng Đế Nhàn có một đồ đệ làm nghề vá nồi. Câu chuyện này có ở trong quyển Ảnh Trần Hồi Ức Lục. Pháp sư Đàm Hư khi đả Phật thất ở Hồng Kông, ông có một cái máy ghi âm, đầu tiên là tôi nghe được từ máy ghi âm đó mà biết.
Người đồ đệ ấy làm nghề vá nồi, không được học hành, không biết chữ, cả đời sống một cuộc sống vô cùng nghèo khổ. Pháp sư Đế Nhàn là bạn chơi chung với ông lúc còn nhỏ, họ sinh ra trong cùng một ngôi làng, cho nên khi còn nhỏ đã cùng nhau chơi đùa. Đến lúc nhìn thấy Pháp sư Đế Nhàn xuất gia làm Pháp sư, ông rất ngưỡng mộ, nên ông đã tìm đến Pháp sư Đế Nhàn yêu cầu được xuất gia.
Pháp sư Đế Nhàn đối với người bạn khi còn nhỏ, khuyên ông không nên xuất gia. Vì sao vậy? Tuổi tác đã cao, bốn mươi mấy tuổi rồi, trước đây hơn 40 tuổi thì coi như gần già rồi. Ngài nói ông không đi học, học kinh giáo thì không kịp nữa, con người ông lại vụng về, xuất gia thì thời khóa sớm tối ông đều không học được, vậy nếu ông ở trong chùa nhất định sẽ bị người khác kỳ thị, người ta sẽ xem thường ông, ngày tháng như vậy sẽ rất khó sống. Ngài nói với ông như vậy, nhưng không cho xuất gia thì ông không chịu.
Pháp sư Đế Nhàn sau cùng đã thương lượng với ông, Ngài nói: “Nếu ông thật sự muốn xuất gia, vậy thì ông phải nghe lời của tôi.” Ông nói: “Việc đó không vấn đề gì, con đã bái Pháp sư làm Sư phụ rồi thì Pháp sư nói gì con cũng đều nghe.” Như vậy Ngài đã làm thế độ cho ông, sau khi thế độ thì đưa ông về quê tìm một ngôi miếu cũ. Lúc đó là năm đầu Dân Quốc, quân phiệt cát cứ, xã hội không an định, có rất nhiều ngôi miếu nhỏ không có ai ở. Ngài tìm một ngôi miếu nhỏ cho ông đến ở, tìm một vài cư sĩ chăm sóc cho ông, đem một ít thức ăn đến cho ông. Ngài bảo ông hãy ở nơi đó, dạy ông một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Ngài nói với ông: “Ông một ngày từ sớm đến tối hãy niệm câu Phật hiệu này, niệm mệt rồi thì nghỉ ngơi, nghỉ ngơi khỏe rồi thì nhanh chóng niệm tiếp.” Ông chân thật biết nghe lời. Phương pháp này rất hay, không có áp lực, niệm được hơn ba năm thì công phu của ông thành tựu, ông đứng mà vãng sanh. Đây là người cách chúng ta thời gian cũng không lâu, chẳng qua chỉ là sự việc cách đây bảy tám mươi năm trước, là việc có thật không phải giả. Con người này có lòng tin sâu, ông có thể tin sâu, không hoài nghi một chút nào, lão sư dạy ông như thế nào, ông thật sự làm thế ấy.
Lão Hòa thượng Đế Nhàn ba ngày sau đó mới đến ngôi miếu này để làm hậu sự cho ông, vô cùng tán thán ông. Ngài nói: “Pháp sư giảng kinh thuyết pháp trong thiên hạ (cả đất nước Trung Hoa) không ai bằng ông; phương trượng trụ trì các tòng lâm tự viện thành tựu cũng không bằng ông”. Sau khi ông vãng sanh đã đứng như vậy suốt ba ngày, cũng không có gì khác là ông tin sâu nguyện thiết, lão thật niệm Phật.
Những người như chúng ta là không lão thật, cho nên bạn không thể thành tựu. Người lão thật thì nhất định có thành tựu, người lão thật thì không có tạp niệm, người lão thật thì không có phân biệt chấp trước. Vì vậy tâm của ông là thanh tịnh, tâm của chúng ta là bất bình. Vì sao mà bất bình vậy? Bạn có phân biệt, bạn có chấp trước, tâm của bạn bất bình.
Cho nên Kinh Kim Cang nói phá bốn tướng: vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng. Tâm bình khí hòa, thuận cảnh thiện duyên không động tâm, nghịch cảnh ác duyên cũng không động tâm, tâm của người thợ vá nồi này là định. Ba năm không phải là thời gian rất dài, ông đã thành tựu, thành tựu một cách thù thắng như vậy, ông biết trước ngày giờ ra đi. Sự việc này, trong lúc giảng kinh tôi đã nhắc qua rất nhiều lần, rất nhiều đồng học đều biết rõ.
Tín nguyện của mỗi người chúng ta có sâu cạn khác nhau, phát tâm cũng có lớn nhỏ khác nhau. Có người thì phát tâm rất rộng lớn, có người lại phát tâm rất nhỏ, chỉ lo cho chính mình, lo cho gia đình của mình, bạn bè thân thích, hoặc là lo cho đoàn thể mình.
Có một số người phát tâm chân thật có thể nghĩ đến rất nhiều chúng sanh khổ nạn ở thế gian này, tâm lượng như vậy thì lớn. Tu hành thì có người rất tinh tấn, có người thì giải đãi lười biếng. Trì tụng (trì danh, tụng kinh) thì có như pháp có bất như pháp. Như pháp là nhất tâm chuyên chú, không như pháp là đọc kinh nghe kinh mà vẫn khởi vọng tưởng.
Cho nên người học Phật thì rất nhiều nhưng thật sự là thiên sai vạn biệt, tình trạng mỗi người đều không như nhau, đây là nói hiện tiền. Lại nói sâu thêm nữa thì thiện căn phước đức nhân duyên của mỗi người trong đời quá khứ đều không như nhau, thế thì phẩm vị vãng sanh sẽ có sự sai khác rất lớn.
Trong kinh nói có ba bậc chín phẩm. Lấy một ví dụ, trong đoạn kinh văn này chúng ta có thể thấy trong tam bối có thượng bối, trung bối, hạ bối. Trong Quán Kinh nói rất tường tận, trong thượng bối thì có thượng phẩm thượng sanh, thượng phẩm trung sanh, thượng phẩm hạ sanh. Trong trung bối thì có trung phẩm thượng sanh, trung phẩm trung sanh, trung phẩm hạ sanh, vì vậy tam bối thì có chín phẩm. Phật nói đến chỗ này chúng ta liền hiểu được rồi, liền biết suy một ra ba.
Ở trong 9 phẩm thì mỗi một phẩm vẫn có thượng trung hạ, 3 lần 9 là 27. Hai mươi bảy phẩm đó thì trong mỗi một phẩm lại có thượng trung hạ, phải nên biết đạo lý này. Vì vậy phẩm loại sai biệt rất lớn. Phật giới thiệu cho chúng ta chỉ nói giản lược đại khái mà thôi, tỉ mỉ hơn nữa thì bản thân chúng ta có thể thể hội được.
Đại đức xưa cũng đã chú giải cho chúng ta rất hay, ví dụ như Quán Kinh nói 9 phẩm, mỗi phẩm trong 9 phẩm lại có 9 phẩm, vậy thì 9 lần 9 là 81. Nếu suy diễn rộng ra thì số phẩm vị này là vô lượng vô biên, trong vô lượng vô biên phẩm vị chỉ nói tam bối. Tam bối hàm chứa tất cả những người vãng sanh không như nhau, nhân duyên vãng sanh phức tạp đến như vậy, sự sai biệt khác xa thì không phải là người thông thường chúng ta có thể tưởng tượng ra được.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 333
Tâm Hướng Phật/St!