Thật sự nghe lời, nghe theo lời dạy của các vị tiền bối, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, đây chính là một con đường gần nhất.
Long Thọ đại sĩ, là người Nam Thiên Trúc, là vị tổ thứ 14 của Thiền tông, khai tháp sắt, thấy được Kim Cang Tát Đỏa Bồ tát, truyền thọ mật pháp, cho nên Ngài trở thành tổ sư của Mật tông. Nhập Long cung, thỉnh kinh Hoa Nghiêm, cho nên Ngài lại là sơ tổ của tông Hoa Nghiêm, lấy việc tạo các bộ luận, tận lực hoằng pháp môn Tịnh độ.
Kinh Lăng Già hiển ký nói rằng, Ngài chứng được Hoan Hỷ Địa, đây là nói về địa vị của ngài, ngài là bồ Tát Sơ Địa. Vãng sanh tịnh độ, cho nên lại gọi là tổ sư của Tịnh tông, nước chúng ta tôn xưng vị đại sĩ này là Tổ sư của tám tông. Phía trước nói 4, phía sau có Thiên Thai, Nam Sơn, Nam Sơn là giới luật, Luật tông, Pháp Tướng, Tam Luận, đều thừa nhận Ngài là Tổ sư.
Cho nên Long Thọ Bồ tát và Đại thừa bát tông, bất luận tông nào cũng có sự quan hệ mật thiết đối với Ngài, tổ sư của tám tông. Truyện ký của Ngài có trong Đại tạng kinh, trong Cao Tăng Truyện cũng có, quí vị có thể tìm đọc. Trong truyện ký nói, Ngài chứng được Sơ Địa, Sơ Địa là pháp thân Bồ tát, chứ chẳng phải người tầm thường.
Thiên Thai Đại sư nói, vị này thật sự thành Phật rồi, phần chứng tức Phật, trên cơ bản thì Ngài đã siêu việt Thập pháp giới, trụ ở Nhất chân pháp giới, là người rất thông minh, minh tâm kiến tánh rồi. Đọc kinh điển mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền lại, đức Thế Tôn thuyến pháp 49 năm, chỉ 3 tháng là Ngài học xong. Bộ Đại tạng kinh này, 3 tháng là Ngài tốt nghiệp, các vị nghĩ thử xem có làm được hay không? Sự việc này có thiệt hay không? Tôi nghĩ chắc là thiệt, không phải giả đâu.
Vì sao vậy? Vì Đại sư Huệ Năng đã làm một tấm gương cho chúng ta thấy, Đại sư Huệ Năng kiến tánh, Ngài là người không biết chữ, bất cứ bộ kinh nào của đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, bạn đọc cho Ngài nghe, là Ngài có thể giảng giải cho bạn nghe, không cần học. Cho nên Bồ tát Long Thọ xem Đại tạng kinh, bộ kinh này có cần xem hết không? Không cần đâu, giống như đại sư Huệ Năng vậy, chúng ta thấy trong Pháp Bảo Đàn Kinh có ghi lại một đoạn như sau:
Thiền sư Pháp Đạt, suốt đời thọ trì kinh Pháp Hoa nhưng chưa khai ngộ, đọc 3000 bộ kinh Pháp Hoa, chúng ta biết bộ kinh này rất dài, có phân lượng rất lớn, một ngày nhiều nhất là đọc được một bộ, cũng phải mất 7,8 tiếng đồng hồ, mỗi ngày đọc một bộ, 3000 bộ, là nói con số chẵn, chắc chắn là vượt trên số 3000, 10 năm.
10 năm đọc một bộ kinh là cũng giỏi lắm đấy, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Cho nên Ngài đến Tào Khê, tham vấn với Lục Tổ đại sư, khi lễ Lục Tổ bái đầu không sát đất, đảnh lễ lão Hòa thượng 3 lạy, nhưng đầu lại không sát đất.
Đứng dậy, Lục Tổ hỏi Thiền sư, vừa rồi tôi thấy ông lễ bái mà đầu không sát đất, ông có điều gì đáng kiêu ngạo vậy? Thiền sư nói, con đã đọc được 3000 bộ kinh Pháp Hoa rồi, người đời nay đáng để kiêu ngạo đấy. Bị Lục Tổ nhìn thấu rồi, Ngài hỏi: Đại ý của kinh Pháp Hoa là gì? Thiền sư không trả lời được, hỏi ngược lại Lục Tổ, Lục Tổ nói, ta chưa hề nghe qua bộ kinh này, ngươi đọc cho ta nghe thử xem.
Kinh Pháp Hoa có 28 phẩm, thiền sư đọc đến phẩm thứ hai, Lục Tổ nói, được rồi, không cần đọc nữa, ta hiểu hết rồi, giảng cho Thiền sư, thiền sư liền khai ngộ. Lục Tổ đại sư giảng cho chúng ta, chúng ta không khai ngộ, vì sao vậy? Vì không có Pháp Hoa Tam Muội, thiền sư 10 năm đọc bộ kinh này, nên được Pháp Hoa Tam Muội, nghĩa là trong kinh Pháp Hoa, thiền sư đã được tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, thiền sư đạt được điều này.
Cho nên khi Lục Tổ giảng là thiền sư đại triệt đại ngộ, hiểu rõ hết, lễ bái, lễ tạ Lục Tổ, thì đầu sát đất rồi. Điều này cho chúng ta một bài pháp rất lớn, người đã minh tâm kiến tánh, có cần học hết kinh điển hay chăng? Không cần, chỉ cần đọc vài trang, đọc vài câu là được, là hiểu rồi, một bộ kinh đọc vài câu, thì ba tháng đương nhiên là một thời gian rất dài đấy, kinh điển mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng một đời, Ngài đều thông hết.
Cho nên Bồ tát Sơ Địa phá vô thỉ vô minh, những vẫn còn tập khí, tập khí chưa đoạn. Giống như thiền sư Pháp Đạt vậy, có một chút gì đó cho rằng mình rất giỏi, trên thế gian này không có một người nào giỏi hơn mình, ở Sơ Địa gọi là Tiểu Bồ tát, vừa mới nhập môn thôi.
Đại Long Bồ tát thấy, chăm sóc cho Ngài, dẫn Ngài đến Long cung. Bồ tát Long Thọ hiếu học, chẳng phải ngươi thích học sao, quảng học đa văn sao? Dưới Long cung kinh điển rất phong phú, dắt ngươi đến đó mà xem. Thấy cuốn Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, đại bổn, bộ hoàn chỉnh, bộ kinh mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng trong 21 ngày, có dung lượng bao nhiêu đây?
Có 10 tam thiên đại thiên thế giới vi trần bài kệ, một tứ thiên hạ vi trần phẩm, bộ kinh này mang về địa cầu của chúng ta thì không thể để được. Bồ tát Long Thọ thấy cuốn kinh này, thì một chút tập khí ngạo mạn đó lập tức không còn nữa, mới biết rằng những gì suốt đời mình học được còn quá ít.
Thấy cuốn đại bổn Hoa Nghiêm, chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề, chúng sanh ở trên quả địa cầu, không có một người nào có thể thọ trì được, không thể học được. Ngài xem tiếp trung bổn, phân lượng của trung bổn cũng còn rất lớn, không khế hợp với căn cơ của chúng sanh ở thế giới Ta Bà này. Cuối cùng xem tiểu bổn, tiểu bổn là gì? Là mục lục đề cương, giống như chúng ta xem Tứ Khố Toàn Thư vậy.
Tứ Khố là đại bổn, Tứ Khố Hội Yếu là trung bổn, tiểu bổn là mục lục đề cương, chỉ có 5 cuốn, đóng thành 5 cuốn, mục lục đề cương. Tên của mỗi cuốn sách, ai là người trước tác, giới thiệu sơ lược nội dung đại ý bên trong. Ngài nói cuốn này được đấy, cuốn này đối với Diêm Phù Đề chúng sanh không có vấn đề gì. Phân lượng là bao nhiêu? 10 vạn kệ, 40 phẩm, 40 phẩm, 10 vạn kệ.
Người Ấn Độ tính 4 câu là 1 bài kệ, 10 kệ, nghĩa là 40 vạn câu. Ngày nay chúng ta xem bộ kinh Hoa Nghiêm, là mục lục đề cương của kinh Hoa Nghiêm. Bộ kinh này do Bồ tát Long Thọ truyền đến thế gian, cho nên Ngài là Tổ sư của tông Hoa Nghiêm, Hoa Nghiêm do Ngài truyền đến. Trước Ngài thì kinh Hoa Nghiêm không lưu truyền ở thế gian này, đây là bộ kinh Đức Thế Tôn khi ở trong định giảng 21 ngày, sau khi giảng xong Bồ tát Đại Long đã thu giữ lại ở Long cung.
Từ dây cho chúng ta có một cảm nhận rất sâu sắc, khai ngộ là việc rất cấp thiết, minh tâm kiến tánh là việc cấp thiết, sau khi kiến tánh thì thông hiểu hết, hoàn toàn không còn chướng ngại gì. Chân tướng sự thật này, trong kinh điển Đại thừa Đức Phật thường dạy, “nhất kinh thông nhất thiết kinh thông”, thông được một pháp môn, thì thông hết tất cả mọi pháp môn, cho nên kêu bạn, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu là vậy.
Tất cả mọi pháp môn đều có thể thông đến minh tâm kiến tánh, cho nên pháp môn bình đẳng, không có cao thấp. Con đường nào cũng có thể đến nhà, chỉ cần bạn chịu đi là được rồi, bạn không cần phải đi tìm con đường khác, tìm đường khác, mất thời gian, vất vả, mà lại không đến được nhà. Nhất môn thâm nhập, một bộ kinh, một pháp môn, chắc chắn được định, định nghĩa là Tam Muội.
Sau khi được định rồi, thì tiếp tục tiến lên nữa, không thay đổi phương hướng, thì chắc chắn khai ngộ. Sau khi ngộ, thì cũng giống như Bồ tát Long Thọ vậy, học tập rất dễ dàng, không hề có chút khó khăn nào hết, vừa thấy là hiểu, vừa nghe là hiểu ngay, vừa tiếp xúc là hiểu được hết. Đây là bí quyết tu học trong Phật pháp, nếu không tin, tự cho mình là thông minh, thì con đường của họ đi còn rất xa, họ còn gặp rất nhiều khó khăn. Thật sự nghe lời, nghe theo lời dạy của các vị tiền bối, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, đây chính là một con đường gần nhất.
Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 38
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày 13 tháng 05 năm 2010
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Tâm Hướng Phật/St!