Phật dạy con người tu hành là tu sửa kiến giải sai lầm của chính mình. Ngã kiến chính là kiến giải, kiến giải chính là khởi tâm động niệm.
Phật dạy con người tu hành là tu cái gì? Tu sửa kiến giải sai lầm của chính mình. Ngã kiến chính là kiến giải, kiến giải chính là khởi tâm động niệm.
Khởi tâm động niệm chính là ái, kiến, si, mạn, đó gọi là ngã chấp. Chấp trước vào ái, kiến, si, mạn (ái luyến, kiến chấp, si mê, kiêu mạn) thì vĩnh viễn không thoát khỏi lục đạo luân hồi, trải qua những ngày tháng quá đau khổ, quá đáng thương.
Phật dạy chúng ta giác ngộ, dạy chúng ta quay đầu. Giác ngộ là hiểu sự việc rõ ràng, sáng tỏ; quay đầu là về sau không bao giờ dám làm nữa, xả bỏ một cách sạch sẽ.
Các bạn đồng tu học Phật đều mong muốn buông xả, mong muốn có thể xả bỏ, nhưng lại không buông xả được. Các vị buông xả được thì liền thành Phật.
Phật và chúng sanh chỉ cách nhau ở một niệm, xoay chuyển lại thì chuyển phàm thành Thánh, chuyển mê thành ngộ. Vì sao các vị không chuyển lại được? Vì sao các vị không giác ngộ?
Chấp trước của các vị quá nặng, niệm niệm đều là mong cầu cho lợi ích của chính mình. Chính mình là ích kỷ, là ngã ái, ngã si, ngã kiến, niệm niệm đều vì cái này mà tạo nghiệp.
Trong Phật pháp Đại thừa, lời dạy bảo của Thế Tôn hết sức cao minh, người mê hoặc đến cùng cực nếu có thể tin tưởng lời dạy của Phật-đà thì đều có thể xoay chuyển được. Các vị không tin tưởng, không chịu học thì không còn cách nào nữa.
Chỉ cần các vị chịu tin tưởng, chịu y giáo phụng hành, phàm phu một đời thành Phật, không những về mặt lý luận là có thể mà trên thực tế nhất định có thể làm được.
TÔN SƯ TỊNH KHÔNG CHỦ GIẢNG
TRÍCH THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN, TẬP 67