Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Nhân duyên phát khởi của vạn vật trong vũ trụ đều là vô lượng

Quả thật nhân duyên phát khởi của vạn vật trong vũ trụ đều là vô lượng, vô tận, vô số, chẳng phải là ngẫu nhiên, đúng là vô lượng nhân duyên.

Đoạn thứ nhất trong phần Khái Yếu là “giáo khởi nhân duyên”, nay chúng ta học tập đoạn này. “Giáo khởi nhân duyên giả, minh đại giáo sở dĩ hưng khởi chi nhân duyên” (Giáo khởi nhân duyên là nói rõ nhân duyên khiến cho đại giáo hưng khởi). “Minh” (明) là nói rõ, “đại giáo” là Đại Thừa. Tịnh Tông thuộc Đại Thừa. [Giáo khởi nhân duyên] là lý do vì sao Đại Thừa Phật pháp hưng khởi. Vì sao nó hưng khởi? Chúng ta học Phật, phải hiểu rõ điều này trước tiên. Trong phần này, chia thành hai đoạn. Đoạn thứ nhất là “sơ minh đại giáo dữ Tịnh Độ pháp môn chi hưng khởi” (trước hết, nêu rõ sự hưng khởi của giáo pháp Đại Thừa và pháp môn Tịnh Độ): Vì sao pháp Đại Thừa và pháp môn Tịnh Độ hưng khởi? Đoạn thứ hai là “tắc tường thuật bổn kinh hưng khởi chi nhân duyên” (trình bày cặn kẽ nhân duyên khiến cho kinh này xuất hiện), đây là nói về nhân duyên hưng khởi của bộ kinh này, tức Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh. Chúng ta đọc câu văn kế tiếp: “Phù nhất thiết pháp, bất ly nhân duyên” (hết thảy các pháp chẳng lìa nhân duyên). “Phù” (夫) trợ từ, tuy lão cư sĩ dùng văn tự rất minh bạch để viết [lời chú giải], nhưng vẫn theo quy củ của Văn Ngôn. Chữ “phù” này là “ngữ trợ từ” trong văn chương Văn Ngôn, không có ý nghĩa, là tiếng đệm, tức là nói: Hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều chẳng tách rời nhân duyên. Nó được hưng khởi, “đại giáo chi hưng, nhân duyên vô lượng, nhi vô lượng nhân duyên duy vi nhất đại sự nhân duyên cố” (Đại giáo được hưng khởi bởi vô lượng nhân duyên, nhưng vô lượng nhân duyên chỉ là một đại sự nhân duyên). Quả thật nhân duyên phát khởi của vạn vật trong vũ trụ đều là vô lượng, vô tận, vô số, chẳng phải là ngẫu nhiên, đúng là vô lượng nhân duyên.

Đức Phật dạy học, đặc biệt là dạy kẻ mới học, đã quy nạp vô lượng nhân duyên thành bốn loại lớn, nói khéo lắm. Trong bốn loại lớn, thứ nhất là Thân Nhân Duyên, thứ hai là Sở Duyên Duyên, thứ ba là Vô Gián Duyên, thứ tư là Tăng Thượng Duyên. Đức Phật chia vô lượng nhân duyên thành bốn loại lớn. Quý vị phải biết, mỗi loại trong bốn loại lớn này đều là vô lượng nhân duyên. Trong sự giảng học ấy có pháp phương tiện, tức là nói đại lược. Giống như thực vật, nó sanh trưởng như thế nào? Nó có hạt giống, hạt giống là Thân Nhân Duyên. Chẳng có hạt giống, làm sao nó sanh trưởng được? Nhưng chỉ có mình hạt giống, mà chẳng có những duyên khác; đem hạt giống ấy bỏ trong chén trà, để cả trăm năm, nó cũng chẳng thể mọc thành cây. Vì thế, nó phải có Sở Duyên Duyên. Có Sở Duyên Duyên, hạt giống nhất định có hy vọng mọc thành cây, đơm hoa, kết quả, nó có một mục tiêu để duyên vào. Cũng giống như động vật, chúng có Sở Duyên Duyên là nhất định muốn được sanh tồn, còn mong mỏi sẽ sanh sôi nẩy nở thành đời sau. Đấy là bản năng, “bản năng” như chúng ta đã nói chính là Sở Duyên Duyên. Sở Duyên Duyên chẳng thể gián đoạn; hễ gián đoạn, nó sẽ hủy diệt. Vì vậy, quý vị nhìn vào ba món duyên đầu tiên, ba thứ hiện tượng có cùng một Thể. Duyên sau cùng là Tăng Thượng Duyên, nó cũng chẳng thể thiếu. Tăng Thượng Duyên: Hạt giống muốn trưởng thành, cần phải có đất đai, cần đến không khí, cần có nước, thậm chí còn phải có sức người giúp nó, nó mới có thể phát triển. Toàn bộ những thứ ấy gọi là Tăng Thượng Duyên. Tăng Thượng Duyên là sức mạnh bên ngoài giúp đỡ, là ngoại lực; ba thứ duyên trước đó, chính mình vốn sẵn có. Phật pháp là nhân duyên sanh, cho nên ý nghĩa này rất sâu. Phàm thứ gì là nhân duyên sanh (do nhân duyên sanh ra) sẽ đều chẳng thật! Pháp được sanh bởi duyên sẽ có sanh, có diệt; có sanh có diệt sẽ chẳng thật. Vì thế, đức Phật bảo chúng ta: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (pháp còn nên bỏ, huống hồ phi pháp). Quý vị chớ nên chấp trước Phật pháp. Hễ chấp trước thân này là Ngã, trật rồi! Nếu quý vị chấp trước kinh điển là Phật pháp, cũng trật luôn! Nó là pháp được sanh bởi các duyên. Thứ nào chân thật sẽ chẳng phải là duyên sanh, nó vốn có. Tự tánh là vốn có, Tánh Đức trong tự tánh là vốn có. Trí huệ, đức năng, và tướng hảo vốn sẵn có trong tự tánh. Ý nghĩa này sâu lắm, nó biến thành cái được gọi là Triết Học cao cấp và khoa học trong hiện thời. Nói pháp duyên sanh với quý vị, đó là sơ cấp, Tiểu Học và Trung Học đều có thể học.

Sở dĩ vô lượng nhân duyên chỉ là một đại sự nhân duyên là vì nếu chúng ta tổng quy nạp vô lượng nhân duyên lại, chúng ta sẽ tìm ra nhân duyên quan trọng nhất là gì? Vì sao phải xuất sanh? Đó là một đại sự nhân duyên. Một đại sự nhân duyên là như trong kinh Pháp Hoa đức Phật đã dạy: “Chư Phật Thế Tôn duy dĩ nhất đại sự nhân duyên cố, xuất hiện ư thế” (Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong cõi đời). “Duy dĩ Phật chi tri kiến, thị ngộ chúng sanh” (chỉ nhằm dùng tri kiến của Phật để chỉ bày, khiến cho chúng sanh khai ngộ). Trong kinh Pháp Hoa có một câu nói về đại sự nhân duyên như sau: “Khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến”. Vì sao mười phương chư Phật, Bồ Tát, đến ứng hóa trong thế gian? Vì chuyện này! Bởi lẽ, Phật tri Phật kiến chính là cái mà hết thảy chúng sanh vốn có; do vậy, Phật chẳng độ chúng sanh! Phật ban cho quý vị cái gì? Cái gì Phật cũng chẳng ban cho, bản thân quý vị đã vốn có! Vốn có, nhưng quý vị mê rồi, chẳng thể thụ hưởng. Đang mê hoặc, điên đảo, đang luân hồi trong lục đạo, sống cuộc đời thê thảm, khổ nạn như thế; Phật đến điểm hóa quý vị. Quý vị có Phật tri Phật kiến, vốn là Phật, nhưng bị mê, mê mất tự tánh. Do vậy, đối với chúng sanh, đức Phật chỉ có thể làm được hai chữ: “Khai thị”. Dùng phương tiện nào để hoàn thành hai chữ này? Thân hành và ngôn giáo. Thân hành là “thị” (示). “Thị” làm mẫu cho quý vị xem; “ngôn giáo” là [giáo hóa bằng] lời nói. Đức Phật coi “thị” là phương pháp trọng yếu để giáo hóa chúng sanh, “ngôn” nhằm bổ sung những chỗ thiếu sót trong “thị”. Vì thế, trước hết nêu gương cho quý vị xem, sau khi xem xong, quý vị sẽ cảm động, lãnh hội. Sau khi nhìn thấy sẽ cảm động, nhưng chưa hiểu rõ lắm, quý vị lại hỏi, khi được hỏi sẽ giải thích cho quý vị. Đức Phật làm trước! Vì sao đức Phật phải thị hiện làm một vị Tăng khổ hạnh, tam y nhất bát, đêm nghỉ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa Ngọ, để làm gì vậy? Có ý nghĩa gì? Chúng tôi học nhiều năm như thế, đã hiểu ý nghĩa, nhằm dạy người ta điều gì? Buông xuống! Buông xuống bèn trở về tự tánh. Vì sao quý vị mê ? Do quý vị tự tư, tự lợi, có tham, sân, si, mạn, tham ái hưởng thụ ngũ dục, lục trần, do làm những chuyện này cho nên mê.

Trên thực tế, có thể hưởng thụ ngũ dục lục trần hay chăng? Có thể! Vì sao không thể? Quý vị hưởng thụ, nhưng trong lúc ấy chẳng khởi phân biệt, dấy chấp trước nơi ấy, đó là đúng. Nhưng khi quý vị hưởng thụ, bèn khởi phân biệt, dấy chấp trước, khởi lên thất tình, ngũ dục, hỏng rồi! Sẽ sanh ra nhiều tác dụng phụ, đó là tạo nghiệt[4]! Sanh ra những thứ ấy, những thứ đó lại chuốc lấy quả báo. Do cái nhân chẳng thiện, nên chẳng đạt được thiện quả, [thọ sanh trong] lục đạo tam đồ. Quý vị phải hiểu: Lục đạo tam đồ chẳng có, trong tự tánh chẳng có, vốn chẳng có, nhưng hiện thời là có hay không? Hiện tại vẫn là chẳng có, nói với quý vị, quý vị đâu có tin! Nói “hiện tại có”, quý vị sẽ tin tưởng; nói “hiện tại chẳng có”, quý vị không tin. Trong sự cảm nhận của Phật, Bồ Tát, đúng là chẳng có, chẳng phải là giả! “Đương tướng tức không, liễu bất khả đắc” (Chính tướng ấy là không, trọn chẳng thể được), có ở chỗ nào? Trong kinh, đức Phật thường nói “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Nói tổng kết về kinh Đại Bát Nhã thì bộ kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm quyển đã giảng điều gì? Nhằm giảng bốn câu: “Hết thảy các pháp vô sở hữu, rốt ráo không, chẳng thể được”, bốn câu ấy! Thích Ca Mâu Ni Phật giảng [Bát Nhã] hai mươi hai năm, nhằm dạy chúng ta chân tướng sự thật là như vậy đó. Quý vị chẳng liễu giải chân tướng sự thật, chấp trước nó là có thật, trật rồi! Trong các cảnh giới, cảnh giới hư huyễn, quý vị dấy lên ý niệm khống chế, chiếm hữu, sai rồi! Quý vị đã tạo tội nghiệp! Nếu quý vị thụ dụng, nhưng chẳng có ý niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng khởi tâm động niệm, sự thụ dụng của quý vị là sự thụ dụng của chư Phật Như Lai. Thưa quý vị, cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai là sự thụ dụng ấy. Người trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm có thụ dụng, nhưng chẳng có phân biệt, chấp trước, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, đó gọi là hưởng thụ thật sự, đó gọi là thế giới Cực Lạc. Chẳng khởi tâm, không động niệm, cho nên sự hưởng thụ của họ chẳng có một tí trở ngại nào, chẳng khởi tâm động niệm! Nay chúng ta hưởng thụ, bèn khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, phiền phức ở chỗ này! Do vậy, nói: Chẳng có luân hồi mà tạo tác thành luân hồi. Luân hồi là ác mộng. Quý vị đi ngủ vốn chẳng có mộng, mỗi ngày gặp ác mộng thì ác mộng do chính quý vị tạo tác, chẳng phải do người khác tặng cho quý vị.

Đại sự nhân duyên là khai thị ngộ nhập, đức Phật có thể làm được hai chữ “khai thị”; nhưng chúng sanh tiếp xúc sự khai thị ấy, phải ngộ nhập! “Ngộ” là hiểu rõ, giống như chúng ta thường nói là “thấy thấu suốt”. “Nhập” thế nào? Nhập là buông xuống, buông xuống là nhập. Quý vị chẳng buông xuống được, sẽ chẳng nhập cảnh giới; hễ buông xuống liền nhập. Cận đại, Ấn Quang đại sư có một phương pháp hết sức tuyệt diệu, dạy chúng ta ngộ nhập như thế nào. Khi lão nhân gia tại thế, có một khoảng thời gian rất lâu, Ngài bế quan tại Linh Nham Sơn Tự ở Tô Châu, đó là đạo tràng tu học cuối cùng của lão nhân gia. Tôi đã đến thăm quan phòng (gian phòng dùng để bế quan) ấy. Rất nhỏ, hết sức đơn giản, chỉ có một cái bàn vuông, trên bàn thờ một pho tượng Phật, thứ gì cũng đều chẳng có, rất đơn giản! Một pho tượng Phật, một cặp chân đèn, một lư hương, một cái dẫn khánh, một cái mõ nhỏ. Phía sau tượng Phật viết một chữ to, do chính lão nhân gia viết. Ngài viết một chữ Tử. Phương pháp này khéo lắm! Khiến cho quý vị vừa trông thấy, cái chết đã cận kề, thử hỏi quý vị còn có điều gì chẳng buông xuống được chăng? Vì thế, trong thời đại hiện tại, bản thân tôi thường nghĩ: Thọ mạng của chúng ta tới hôm nay là hết, ngày hôm nay phải chết, còn có gì để mơ tưởng nữa? Do vậy, chúng ta sẽ sốt sắng, nghĩ đến cái chết, đã chết rồi, cái chết đang đón đầu, còn có thể nghĩ tới ăn, mặc, ở, đi nữa chăng? Còn có thể mong hưởng thụ hay chăng? Chẳng có! Hiện thời chỉ còn sót lại một ý niệm cầu sanh Tịnh Độ. Điều gì cũng đều buông xuống, chỉ nghĩ đến A Di Đà Phật, “con ở đây chờ Ngài, Ngài hãy đến tiếp dẫn con”. Trừ một niệm này ra, ý niệm gì cũng đều chẳng có. Có thứ gì trong thế gian này là của ta? Ngay cả cái thân cũng chẳng phải! Chúng ta phải dùng tâm thái ấy để niệm Phật, đúng như kinh Di Đà đã nói: “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, cho đến bảy ngày” sẽ vãng sanh, thật đấy, chẳng giả đâu! Hôm nay A Di Đà Phật chưa đến, coi như chưa tới lúc, ngày mai vẫn nghĩ như thế, mỗi ngày đều nghĩ như thế, có nghĩa là gì? Nêu gương cho các đồng học học Phật, khẳng định có một ngày nào đó, A Di Đà Phật sẽ đến. A Di Đà Phật nói: “Ngươi đã nêu gương, có thể đến thế giới Cực Lạc”.

Chẳng có gì khác, triệt để buông xuống! “Buông xuống” chẳng phải là bỏ hết mọi việc, chẳng phải vậy! Mọi sự vẫn phải làm, chuyện trong ngày hôm nay vẫn phải làm như thế, nhưng trong tâm không in dấu vết. Tâm như thế nào? Trong tâm là một câu A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật, tưởng A Di Đà Phật, thật sự niệm Phật, chẳng giả vờ. Đấy là gì? Vì đại sự này mà chư Phật Như Lai tới thế gian này, để làm gì? Giúp chúng sanh nhanh chóng thành Phật. Quý vị vốn là Phật, nay quý vị niệm Phật, chắc chắn làm Phật, vốn là Phật mà! Chuyện thế gian, chuyện trong mười pháp giới đừng quan tâm tới, tùy duyên là tốt rồi, không nên phan duyên! Cổ đại đức dạy chúng ta: “Tùy duyên tiêu cựu nghiệp, mạc tái tạo tân ương” (tùy duyên tiêu nghiệp cũ, đừng tạo ương họa mới). Nếu chúng ta không biết, đối với hết thảy người và sự vật xung quanh vẫn khởi tâm động niệm, vẫn còn phân biệt, chấp trước, đấy là quý vị đang tạo ương họa mới, tạo nghiệp, lầm rồi! Trên mặt Sự bèn tùy duyên, trong lòng phải tinh sạch. Sự là gì? Là giả, Sự Sự vô ngại! Chỉ cần chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chướng ngại gì cũng đều chẳng có. Chướng ngại là khởi tâm động niệm! Khởi tâm động niệm là chướng ngại nghiêm trọng nhất. Thứ nhất là đối lập. Quyết định chẳng thể đối lập với người khác. Chớ nên đối lập với Sự. Chớ nên đối lập hết thảy vạn vật. Trước hết phải tiêu trừ điều này, thành tựu viên mãn đạo nghiệp của chính mình trong một đời này. Quyết định chớ nên có ý niệm khống chế, càng không nên có ý niệm chiếm hữu, hãy học điều này, thực hiện từ chỗ này. Làm thế nào để hóa giải ý niệm? Niệm A Di Đà Phật để hóa giải. Trong tâm ta chỉ có A Di Đà Phật, chỉ nghĩ đến A Di Đà Phật, nhất tâm mong quay về thế giới Cực Lạc sớm hơn một chút, đến thế giới Cực Lạc để thành Phật.

Hoàn cảnh tu học ở bên ấy tốt đẹp, thọ mạng con người lâu dài, vô lượng thọ, lại thành tựu nhanh chóng. Vì sao? Hoàn cảnh tu học tốt đẹp, quý vị chắc chắn chẳng gặp duyên gây chướng ngại, quý vị tìm ở nơi đâu không có chướng ngại? [Các duyên trong thế giới Cực Lạc] đều là duyên thành tựu. Do vì quý vị ở bên đó, những người quý vị được tiếp xúc đều là chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát. Phải hiểu: Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị có thể thời thời khắc khắc tiếp xúc mười phương hết thảy chư Phật Như Lai. Quý vị có năng lực phân thân, ngồi nơi đó nghe A Di Đà Phật giảng kinh, thuyết pháp, [đồng thời] phân vô lượng vô biên thân đến thập phương thế giới lễ Phật, cúng dường, nghe Phật thuyết pháp. Trong mười phương thế giới chẳng có duyên phận này, nhưng thế giới Cực Lạc trọn đủ. Do vậy, học rộng nghe nhiều thì đến thế giới Cực Lạc sẽ thật sự học rộng nghe nhiều, chư Phật đích thân giáo huấn. Quý vị có năng lực phân thân. Quý vị nói xem: Nhân duyên và hoàn cảnh học tập thù thắng như vậy, có thể nào không đến đó? Cớ gì tham luyến nơi đây? Thích Ca Mâu Ni Phật sợ chúng ta ở nơi đây sẽ dấy động ý niệm tham luyến, cho nên suốt đời chẳng lập đạo tràng, chẳng tham luyến, chỉ cho phép ngủ dưới mỗi gốc cây một đêm, vì sao? Bóng cây rất lớn, quý vị dấy lên tâm tham, nên chỉ có thể ngủ một đêm, ngày hôm sau sang chỗ khác, [chế định như vậy] nhằm đoạn tâm tham của quý vị. Đúng là phương tiện thiện xảo, giúp cho chúng ta chẳng sanh phiền não, giúp chúng ta chẳng tạo tội nghiệp. Cũng có người nói: Một đại sự nhân duyên này chính là sanh tử đại sự. Nếu hiểu theo ý nghĩa ấy thì chưa đủ thấu triệt! Thấu triệt vẫn phải là tuân theo kinh điển để nói. Trong kinh điển đã nói “khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến”, [đại sự nhân duyên] là chuyện ấy.

Trong toàn bộ sự giáo học của Phật pháp, chuyện này gồm ba giai đoạn phải hoàn thành. Học Phật là học gì? Trong kinh điển, chúng ta thường đọc thấy câu “A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”; câu này cũng là tiếng Phạn dịch âm, có thể phiên dịch, nhưng vì sao chẳng dịch? Do tôn trọng nên chẳng dịch, do nó là mục tiêu tu học chung cực của quý vị; vì thế, giữ nguyên âm tiếng Phạn, [nhằm tỏ ý] tôn trọng. Dịch sang tiếng Hán là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đó là tri kiến Phật mà chúng ta phải viên mãn. Trong ba giai đoạn này, trước hết là cầu Chánh Giác, giác ngộ, giác ngộ chính xác, chẳng lệch lạc, chẳng tà, đều là sẵn có trong tự tánh. Làm thế nào để có thể thành Chánh Giác? Chỉ cần chẳng chấp trước hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, buông chấp trước xuống sẽ thành Chánh Giác. Thành Chánh Giác có một danh xưng học vị là A La Hán, quý vị chứng đắc A La Hán. Vì thế, quý vị phải hiểu: Chứng đắc A La Hán là thành Chánh Giác; trong khai thị ngộ nhập tri kiến Phật, quý vị đạt tới giai đoạn thứ nhất. Giai đoạn thứ hai là phải tiếp tục buông xuống, buông phân biệt xuống, phân biệt nhẹ hơn chấp trước, chấp trước rất nghiêm trọng. Do chấp trước mới có lục đạo luân hồi; buông chấp trước xuống, lục đạo chẳng còn nữa, đó gọi là vượt thoát lục đạo luân hồi, chẳng còn nữa, lục đạo chẳng có, là giả, giống như nằm mộng, tỉnh giấc thì mộng cảnh chẳng tồn tại nữa! Nếu quý vị buông phân biệt xuống, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng phân biệt, cảnh giới của quý vị sẽ được nâng cao, chứng đắc Chánh Đẳng Chánh Giác. Chánh Đẳng Chánh Giác được gọi là Bồ Tát, là danh xưng của học vị thứ hai trong Phật pháp, quý vị thành Bồ Tát. Ai chẳng phải là Bồ Tát? Hễ buông xuống sẽ là Bồ Tát! Học vị tối cao sẽ thêm chữ Vô Thượng vào đằng trước, tức Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, danh xưng của học vị này là Phật Đà. Do vậy, trong kinh giáo Đại Thừa, đức Phật thường nói: “Hết thảy chúng sanh vốn là Phật”, quý vị nói có đúng hay không? Đúng! Chỉ cần quý vị buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống, quý vị sẽ là Phật. Chẳng buông xuống thì vẫn là Phật! Chẳng thể nói quý vị không phải là Phật, nhưng là một vị Phật có đèo thêm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Thật đấy, chẳng giả! Do vậy, đức Phật chẳng dám khinh mạn ai! Vì sao? Ngài biết hết thảy đều là Phật. Phật Phật bình đẳng, Phật Phật Tánh Đức giao lưu. Phật thấy hết thảy chúng sanh là Phật, nhưng chúng sanh thấy Phật cũng là chúng sanh, vì sao? Họ có phân biệt; dùng cái tâm phân biệt để nhìn Phật, dùng cái tâm chấp trước để nhìn Phật, cho nên khác nhau, thấy lầm rồi! Do vậy, nếu quý vị hỏi: “Ngày nào tôi sẽ thành Phật?” Rất đơn giản! Ngày nào quý vị thấy tất cả hết thảy chúng sanh đều là Phật, chúc mừng quý vị, quý vị đã thành Phật rồi! Không chỉ hữu tình chúng sanh đều là Phật, mà cây cối, hoa, cỏ, núi sông, đại địa thảy đều là như vậy, chẳng có một pháp nào không phải, quý vị thành Phật rồi! Quý vị vẫn thấy ưa thích cái này, thấy chán ghét cái kia, quý vị là lục đạo phàm phu. Vì chuyện này mà đức Phật xuất hiện trong cõi đời, giúp chúng ta là những vị Phật bị mê hoặc, điên đảo khôi phục bình thường. Đấy là nhân duyên hưng khởi của chư Phật, Bồ Tát.

Phẩm [Như Lai] Tánh Khởi của kinh Hoa Nghiêm có một câu như sau: “Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác”, đấy là mười hiệu của đức Phật. Mười thứ danh hiệu, tất cả chư Phật bình đẳng, mười loại đức hiệu ấy là Tánh Đức, cho nên trong tự tánh của quý vị thảy đều có. “Tánh khởi chánh pháp, bất khả tư nghị” (tánh khởi chánh pháp chẳng thể nghĩ bàn), “chánh pháp” là Đại Thừa, Đại Thừa do đâu mà có? Trong tự tánh vốn trọn đủ, là thật, chẳng giả. Vì là tánh khởi, nó chẳng phải là duyên khởi, duyên khởi chẳng thật, tánh khởi là thật. Phải biết: Luân lý đạo đức như tổ tiên đã dạy là tánh khởi, chẳng phải là duyên khởi. Văn hóa truyền thống của Trung Quốc dùng một chữ làm đại biểu, tức là Hiếu đạo. “Hiếu văn hóa” (văn hóa đặt nền tảng trên chữ Hiếu). Từ “hiếu” mở rộng thành bốn khoa là Ngũ Luân, Ngũ Thường, Tứ Duy, và Bát Đức. Chúng là tánh khởi, chẳng do một ai sáng chế, chẳng do ai định đặt, chẳng phải vậy! Giống như trong thiên nhiên, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông phân minh, chẳng do con người định đoạt, tự nhiên mà! Danh từ trong Phật pháp [nhằm diễn tả điều này] là “pháp nhĩ như thị” (pháp vốn là như thế), vốn là như vậy, cho nên là Tánh Đức. Tổ tiên Trung Quốc cũng rất phi phàm, nói ra chân tướng sự thật: Tánh con người vốn lành. Tam Tự Kinh có câu: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (con người thuở đầu, tánh vốn lành), “thiện” ấy chẳng phải là thiện trong thiện – ác. Thiện trong thiện – ác là tương đối, là duyên khởi, thiện [trong câu “tánh bổn thiện”] là tánh khởi. Tánh khởi chẳng có tương đối. Nói cách khác, hai bên thiện và ác đều chẳng vướng mắc, đó là chân thiện. Có thiện, có ác, đó là bất thiện. Cảnh giới này cao lắm, tánh con người vốn thiện. Nếu dùng Phật pháp để nói sẽ dễ hiểu hơn. Huệ Năng đại sư kiến tánh, [đã diễn giải] tánh như thế nào? Quý vị hãy xem Ngài miêu tả: “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”, thanh tịnh là Tánh Đức, thanh tịnh là tánh khởi, tánh vốn là như vậy, chưa từng bị nhiễm. Nay bổn tánh thanh tịnh của chúng ta có bị nhiễm hay không? Chẳng có! Tại thánh hay tại Phật, chẳng thêm tí nào, nơi phàm chẳng giảm, nó cũng chẳng giảm tí nào, đúng là bất tăng, bất giảm, bất cấu, bất tịnh. Nó chẳng phải là nhị biên, mà cũng chẳng phải là Trung Đạo. Trung Đạo và nhị biên đối lập, cho nên: “Nhị biên bất lập, Trung Đạo bất tồn” (Hai bên chẳng lập, Trung Đạo chẳng còn), chẳng thể nghĩ bàn! Quý vị chẳng thể nghĩ, hễ nghĩ bèn trật! Quý vị chẳng thể nói, hễ nói cũng sai, không thể nói được! Vì thế, các vị đại đức trong Tông Môn có tỷ dụ: “Như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri” (như người uống nước, ấm lạnh tự biết), chính quý vị biết rõ ràng, rành rẽ, nhưng chẳng thể nói được! Chỉ có người đạt đến cảnh giới ấy, đôi bên hiểu ý nhau bèn cười, đều hiểu rõ. Kẻ chưa đạt đến cảnh giới ấy thì không được. Do vậy, tánh khởi và duyên khởi khác nhau, tánh khởi chánh pháp, Đại Thừa là tánh khởi, Tiểu Thừa là duyên khởi. Trong Đại Thừa có duyên khởi hay chăng? Có! Nếu phân chia Đại Thừa theo đẳng cấp, Thượng Thượng Thừa là tánh khởi, còn Đại Thừa, Trung Thừa, Tiểu Thừa như thường nói đều là duyên khởi. Thiền Tông rất rõ rệt, Huệ Năng đại sư tiếp dẫn bậc thượng thượng căn, đó là tánh khởi; Thần Tú đại sư tiếp dẫn Đại Thừa, đó là duyên khởi, vì Ngài còn có thấy: “Thân thị Bồ Đề thụ, tâm như minh kính đài” (thân là cội Bồ Đề, tâm như đài gương sáng), đấy là duyên khởi. Chúng ta phải lắng lòng thấu hiểu!

“Sở dĩ giả hà? Phi thiểu nhân duyên, thành Đẳng Chánh Giác, xuất hưng ư thế” (Vì sao vậy? Chẳng phải do đôi chút nhân duyên mà [Phật] thành Đẳng Chánh Giác, xuất hiện trong cõi đời), đó là gì? Đó là duyên khởi. Chư Phật Như Lai ứng hóa trong thế gian là duyên khởi, chẳng phải là tánh khởi. Duyên khởi là gì? Cảm ứng. Do nhân gì? Chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng. Chúng tôi dùng thí nghiệm với nước của tiến sĩ Giang Bổn Thắng [để trình bày], quý vị sẽ hiểu rõ. Ông ta làm thí nghiệm với nước, có rất nhiều ảnh chụp, chúng tôi có treo [những bức ảnh ấy] trên hành lang ở nơi đây, quý vị có thể đến xem. Chúng ta khởi tâm động niệm là cảm, là duyên. Nước là khoáng vật, tức vật chất, vật chất thì sao? Nó thấy nghe hay biết, thấy nghe hay biết vĩnh viễn chẳng diệt. Câu nói kiến tánh thứ hai của Huệ Năng đại sư là: “Nào ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt”. Cái vốn chẳng sanh diệt chính là thấy nghe hay biết, cho nên thấy nghe hay biết là tự tánh; nhưng sau khi mê thì sao? Sau khi mê sẽ không gọi là thấy nghe hay biết, mà gọi là gì? Gọi là Thọ, Tưởng, Hành, Thức, biến thành A Lại Da Thức. A Lại Da Thức là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Quý vị thấy năm thức đầu là Thọ; thức thứ sáu là Tưởng; thức thứ bảy là Hành, Hành là niệm niệm chẳng trụ, thức thứ tám là Thức, [thấy nghe hay biết] biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Chúng ta gọi [Thọ, Tưởng, Hành, Thức] là tinh thần, hay tâm lý, hoặc tâm pháp. Do vậy, tâm pháp và vật chất vĩnh viễn chẳng tách rời. Chỉ cần là vật chất, trong ấy nhất định có thấy nghe hay biết. Trong lục đạo, chắc chắn có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Do vậy, chúng ta khởi lên ý niệm: “Ta ưa thích ngươi”, quý vị thấy nước bèn tiếp nhận, nó cũng ưa thích chúng ta, hiện ra cấu trúc kết tinh hết sức đẹp đẽ. Chúng ta ưa thích nó, nó ưa thích chúng ta. Ta chán ghét nó, nó hiện tướng rất xấu xí, thô kệch, có nghĩa là “tôi cũng chán ghét quý vị”. Khoáng vật thông hiểu tình cảm của con người! Tôi bảo tiến sĩ Giang Bổn: Nước có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Tất cả vật chất đều có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, ông hãy gắng thí nghiệm. Nó không chỉ hiện tướng Sắc. Đức Phật dạy nó có bốn loại: Sắc, Thanh, Hương, Vị, nó có bốn loại [tướng ấy]. Nay ông làm thí nghiệm, mới nhìn thấy một trong bốn loại, mới thấy Sắc. Quý vị còn chưa nghe âm thanh, chưa ngửi hương, chưa nếm vị; nó có Sắc, Thanh, Hương, Vị. Vì thế, khoa học vẫn còn kém Phật pháp một khoảng cách! Khi nào phương pháp khoa học có thể trắc nghiệm Sắc, Thanh, Hương, Vị thì mới là viên mãn. Đức Phật nói tới Thật Tướng của các pháp, chẳng phải là giả, mà là chân tướng. Thật Tướng là chân tướng của hết thảy các pháp. Nay chúng ta nói hiện tượng vật chất nhỏ nhất là hạt cơ bản, tức khoa-khắc (quark, hạt vi lượng), chẳng thể thấy bằng mắt thường. Quý vị chớ nên coi thường vật chất bé bỏng như vậy, tất cả hết thảy hiện tượng vật chất đều do vật chất nhỏ nhoi này hợp thành. Mỗi vật chất nhỏ nhất, vật chất cơ bản, thảy đều có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Hễ giác ngộ, Thọ, Tưởng, Hành, Thức biến thành thấy, nghe, hay, biết. Khi mê, thấy nghe hay biết biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Nó bất sanh, bất diệt, đó là chân tướng sự thật.

Vì thế, đức Phật xuất hiện trên thế gian là cảm ứng. Chúng sanh chẳng có cảm, Phật sẽ không thể xuất hiện; chúng sanh có cảm, Phật bèn xuất hiện. Chúng ta muốn thấy A Di Đà Phật, A Di Đà Phật thật sự bị quý vị trông thấy. Quý vị có cảm, tôi chẳng có cảm, vì sao cũng thấy A Di Đà Phật? Thật ra là có cảm, nhưng chính quý vị không biết. Cảm có hiển cảm (cảm rõ rệt) và minh cảm (cảm ngấm ngầm). “Hiển” (顯) là khởi tâm động niệm rất rõ rệt, tôi muốn cầu Phật; “minh” (冥) là gì? Tôi khởi tâm động niệm, nhưng chính mình cũng không biết, hoặc là duyên quá khứ bất tri bất giác chín muồi, nên cảm Phật hiện tiền, Bồ Tát hiện tiền. Ứng cũng có hai thứ là hiển ứng và minh ứng. Chúng ta cầu Phật thì Phật, Bồ Tát có đến hay không? Đến! Chúng ta mắt thịt nhìn không thấy, đó là “minh ứng” (ứng ngấm ngầm). Chẳng phải là các Ngài không đến, thật sự các Ngài ở bên cạnh quý vị, nhưng quý vị không thấy các Ngài, các Ngài thấy quý vị. Quý vị chẳng thấy các Ngài. “Minh ứng” là âm thầm chiếu cố, giúp đỡ quý vị, có thật, chẳng phải là không có! Có “hiển cảm, hiển ứng, minh cảm, minh ứng”, cho nên có bốn câu cảm ứng. Đây là nói rõ chuyện gì? Phật pháp là duyên sanh pháp. Chớ nên chấp trước duyên sanh pháp! Phật pháp có cần thiết hay không? Nay tôi đang mê, vẫn chưa khai ngộ, chưa kiến tánh, tôi cần nó, nó giúp đỡ tôi. Sau khi kiến tánh, chẳng cần nữa, buông toàn bộ xuống. Sau khi kiến tánh, nếu quý vị vẫn chấp trước Phật pháp thì lại mê rồi, trật lất rồi! Chúng ta chẳng thấy người kiến tánh mà vẫn còn kè kè cả đống kinh sách, chẳng có! Kẻ chưa kiến tánh đi tới đâu đều vác theo kinh sách, người kiến tánh chẳng có. Vì sao? Tất cả hết thảy kinh luận thảy đều từ tự tánh lưu lộ, người ấy cần phải vác theo làm chi? Huệ Năng đại sư không biết chữ, suốt đời chẳng mang theo quyển sách nào. Ngài mang theo đến bất cứ nơi đâu là y bát, chớ hề có một quyển kinh sách nào! Quý vị đem kinh sách hỏi Ngài, Ngài đối đáp như nước chảy, chẳng có gì bắt bí Ngài được! Đó là gì? Xứng tánh. Chúng ta học Phật có mục tiêu chung cực là muốn kiến tánh, muốn kiến tánh phải buông xuống. Buông Phiền Não Chướng xuống, buông Sở Tri Chướng xuống, sẽ chẳng có chướng ngại nào!

Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 10
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

Bài viết cùng chuyên mục

Người niệm Phật chính là Phật

Định Tuệ

Pháp tu căn bản của người Phật tử

Định Tuệ

Bồ Tát sợ nhân chúng sanh sợ quả

Định Tuệ

Thường trụ có nghĩa là gì?

Định Tuệ

Chỉ rõ chân tâm, hiển bày căn tánh

Định Tuệ

Phương pháp nuôi dạy con ở trong Kinh Địa Tạng

Định Tuệ

Tu Tịnh độ muốn vãng sanh Cực Lạc có cần Giới Định Tuệ không?

Định Tuệ

Niệm Phật đúng cách sẽ được sự gia trì từ 10 phương Như Lai

Định Tuệ

Niệm Phật phải thực chứng bằng kinh nghiệm của bản thân

Định Tuệ

Viết Bình Luận