“Tâm này làm Phật”, làm Phật như thế nào? Niệm Phật là làm Phật, niệm Bồ Tát là làm Bồ Tát, niệm A La Hán là làm A La Hán.
“Thị cố, Quán Kinh vân” (Do vậy, Quán Kinh nói). Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh là một trong ba kinh Tịnh Độ, bộ kinh này giảng về lý luận và phương pháp tu hành; còn kinh Vô Lượng Thọ là Tịnh Tông khái luận, giới thiệu toàn thể y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quán Kinh chuyên giảng về hai bộ phận lý luận và phương pháp. Kinh A Di Đà là lược bổn (bản rút gọn) của kinh Vô Lượng Thọ, tức là một phiên bản (version) tinh giản, thuận tiện cho quý vị học tập trong khóa sáng và khóa tối. Trong kinh ấy, có bốn lần khuyên dạy, chẳng dễ có, rát miệng, buốt lòng khuyên bảo chúng ta hãy tin tưởng, hãy phát nguyện, phải cầu sanh Tịnh Độ, [làm như thế] là đúng. Đây là chư Phật Như Lai bi tâm vô tận, mong cho chúng ta thành tựu trong một đời. Trong các kinh điển khác, đức Phật chẳng khuyên chúng ta nhiều như thế, nhưng trong kinh Di Đà khuyên tới bốn lần; cũng có nghĩa là pháp môn này đảm bảo quý vị sẽ thành tựu trong một đời. Chỉ cần thật sự làm được, chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn, sẽ thành công. Đại Thế Chí Bồ Tát đã làm gương cho chúng ta thấy. Trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, có hai câu như sau: “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” (Tâm này là Phật, tâm này làm Phật); đây là nguyên văn hai câu trong kinh ấy. “Tâm này là Phật”, tôi vừa mới nói lắm lời như vậy chỉ nhằm giải thích bốn chữ này! Tôi nói tới các tế bào trên toàn thân chúng ta thì tế bào vẫn còn lớn. Nếu chia chẻ tế bào, sẽ biến thành phân tử. Lại chia chẻ phân tử, sẽ biến thành nguyên tử. Chia đến cuối cùng là hạt cơ bản. Mỗi hạt cơ bản đều là A Di Đà Phật, do tâm biến ra. Hạt cơ bản là tâm, tâm này là Phật, lẽ nào các hạt cơ bản ấy chẳng phải là Phật! Tất cả tế bào trên thân tôi đều là Phật, các tế bào trên thân quý vị có là Phật hay không? Là! Ngay cả cây cối, hoa cỏ, núi, sông, đại địa đều là! Từ chỗ này, quý vị sẽ giác ngộ: Chẳng có một pháp nào chẳng phải [là A Di Đà Phật]! Hễ giác ngộ, pháp nào cũng đều như thế. Do vậy, kinh Phật được mở đầu bằng câu “như thị ngã văn”, “như thị” là gì vậy? Như là Chân Như. “Tướng giống như Tánh, Tánh giống như Tướng, Tánh và Tướng bất nhị”. Tánh là Phật, lẽ nào Tướng chẳng phải là Phật! Đâu có lẽ ấy! Tâm này là Phật, có chuyện gì chẳng phải là Phật! Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, Phật là gì? Phật là tâm, là chân tâm, chẳng phải là vọng tâm, là gì? Cái tâm có thể sanh, có thể hiện. Cái tâm có thể biến chính là thức tâm, tức A Lại Da Thức, chuyển các tướng “có thể hiện, có thể sanh” thành y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, chuyển biến thành lục đạo luân hồi. Đó là chuyện thực hiện bởi thức tâm. Thức là gì? Là phân biệt, chấp trước. Thức thức sáu, tức Ý Thức, phân biệt; thức thứ bảy chấp trước, Mạt Na chấp trước. Thức thứ sáu phân biệt, thiên biến vạn hóa. Sách Hoàn Nguyên Quán nói có ba thứ “châu biến” (trọn khắp), “xuất sanh vô tận” (sanh ra vô tận) chính là nói về ý nghĩa này. Tâm này là Phật, không gì chẳng phải Phật, dùng tâm này để trì danh, niệm Phật.
“Tâm này làm Phật”, làm Phật như thế nào? Niệm Phật là làm Phật, niệm Bồ Tát là làm Bồ Tát, niệm A La Hán là làm A La Hán. Người trong thế gian hiện nay niệm gì? Đầu óc nghĩ tới tiền, nghĩ nhớ tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, nghĩ tới những thứ này. Niệm những điều này sẽ biến thành những điều này, niệm gì sẽ biến ra đó, giống như ống kính vạn hoa vậy, niệm cái gì sẽ biến ra cái đó. [Niệm ngũ dục] sẽ không phải là Phật. Tài sắc là gì? Thưa quý vị, tài sắc là ngạ quỷ, địa ngục. Vì sao? Quý vị nổi tâm tham. Tâm tham là ngạ quỷ, sân khuể là địa ngục, ngu si là súc sanh. Ngu si là chẳng liễu giải chân tướng sự thật, nên gọi là ngu si. Trong thế gian hiện thời, mấy ai hiểu rõ chân tướng sự thật? Nếu chúng ta không học kinh giáo Đại Thừa, sẽ chẳng có cách nào thoát khỏi ngu si; chỉ có những kinh điển Phật pháp Đại Thừa mới giúp chúng ta phá mê khai ngộ. “Ngộ” ở đây chẳng phải là chứng ngộ, mà là giải ngộ, chúng ta đã hiểu rõ. Vì sao chưa chứng đắc? Chưa buông xuống! Thật sự buông xuống là cảnh giới nào? Tôi vừa mới nói đấy thôi! Khi thật sự buông xuống, niệm niệm đều là A Di Đà Phật, chẳng phải là thô niệm, mà là tế niệm, niệm niệm thật sự giác ngộ. Trong cảnh giới ấy chẳng có lục đạo, chẳng có mười pháp giới, cảnh giới ấy là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai. Chúng ta gọi cảnh giới ấy là Nhất Chân pháp giới, “nhất” là thật, “nhị” là giả. Quý vị đọc đoạn thứ nhất trong Hoàn Nguyên Quán, tức bài văn của Hiền Thủ đại sư, [Ngài đã giảng về] Nhất Chân, [cảnh giới] đó là thật: “Tự tánh thanh tịnh viên minh thể”. Tự tánh thanh tịnh viên minh thể là tâm, là Phật, chẳng hai; tâm và Phật là một, chẳng hai. Khởi lên nhị dụng thì sao? Khởi lên nhị dụng sẽ biến đổi! Nhị dụng là gì? Vũ trụ xuất hiện, vạn vật xuất hiện, ta xuất hiện! Ta là chánh báo; trừ chánh báo ra, tất cả hết thảy hoàn cảnh đều là y báo. Trong y báo, có y báo nhân sự, tức là quan hệ giữa con người với nhau, và y báo hoàn cảnh vật chất. Hễ ý niệm vừa dấy lên, y báo và chánh báo trang nghiêm đều xuất hiện. Khi nó xuất hiện, nó chưa biến, đều do tự tánh hiện; do vậy, có thể hiện, có thể sanh, nhưng chẳng biến hóa. Đấy gọi là Nhất Chân pháp giới.
Nhưng nếu khởi phân biệt, [cảnh giới] sẽ biến đổi. Chư vị phải hiểu: Tâm phân biệt dấy lên, sẽ chẳng thấy cõi Thật Báo nữa, xuất hiện cảnh giới gì? Tứ thánh pháp giới, tức là bốn tầng trên trong mười pháp giới, có phân biệt, nhưng không chấp trước. Nếu hơi có một chút chấp trước, chấp trước gì vậy? Ta mong khống chế nó, toan chiếm hữu nó; hễ có ý niệm như thế, tứ thánh pháp giới chẳng còn nữa, không thấy nữa, lại xuất hiện gì? Lục đạo luân hồi xuất hiện. Lục đạo do đâu mà có? Do chấp trước! Do vậy, trong lục đạo, toàn bộ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều có. Trong tứ thánh pháp giới, có vọng tưởng, có phân biệt, nhưng chẳng có chấp trước. Trong Nhất Chân pháp giới của các cõi Phật, có vọng tưởng, nhưng không có phân biệt và chấp trước. Chấp trước hại chết người! Vì sao quý vị sống trong thế gian khổ sở như thế? Do chấp trước. Chấp trước chẳng còn nữa, trong thế gian này, quý vị sẽ sung sướng, chẳng khổ sở, lìa khổ, được sướng. Câu tiếp theo là “tâm này làm Phật” quá quan trọng! Vì sao quý vị chẳng niệm Phật? Niệm Phật được tự tại, niệm Phật được tương ứng, càng niệm càng hoan hỷ, càng niệm càng sung sướng, biết vạn sự vạn pháp trong khắp pháp giới hư không giới và chính mình là nhất thể; quý vị bèn chứng đắc hai câu “tâm này là Phật, tâm này làm Phật”, đó chính là cảnh giới của quý vị. Người ấy vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đối với bốn cõi, sẽ sanh trong cõi nào? Sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, hoa nở, thấy Phật, chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, đó là gì? Là một vị A Duy Việt Trí Bồ Tát thật sự, chẳng giả tí nào! Nếu chưa nhập cảnh giới này, vẫn có thể vãng sanh, thường gọi là “đới nghiệp vãng sanh”, pháp môn này thù thắng khôn sánh! Tám vạn bốn ngàn pháp môn chẳng có đới nghiệp, chỉ có pháp môn này cho phép quý vị đới nghiệp vãng sanh, sanh về cõi Phương Tiện hay cõi Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong thế giới của chúng ta, cõi Đồng Cư là lục đạo, cõi Phương Tiện là tứ thánh pháp giới.
Nhưng cõi Đồng Cư và Phương Tiện trong thế giới Tây Phương không giống với thế giới của chúng ta. Ở nơi đây (thế giới Sa Bà), chúng ta có chướng ngại; thứ bậc khác nhau sẽ chẳng thấy được [cảnh giới của các cõi Tịnh Độ khác]. Tây Phương Cực Lạc thế giới là thế giới bình đẳng, không có chướng ngại. Điều này giống như gì? Chúng ta học tập trong nhà trường, Tiểu Học và Trung Học chẳng ở chung trong một trường, học trò Tiểu Học chẳng thể đến trường Trung Học; mà học trò Trung Học cũng chẳng thể đến [học trong] trường Tiểu Học. Trong Tiểu Học, còn có các lớp khác nhau; những trò cùng một lớp sẽ học chung với nhau. Nếu khác lớp, tuy là bạn đồng học, chẳng thường gặp mặt, chẳng cùng lên lớp với nhau. Thế giới Cực Lạc rất đặc biệt, Tiểu Học, Trung Học, Đại Học cùng nghe giảng trong một phòng học; cho nên gặp mặt mỗi ngày, thật sự là đồng học. Học trò lớp Một, lớp Hai Tiểu Học cùng học với các đàn anh sinh viên Đại Học năm thứ nhất, năm thứ hai thuộc hệ nghiên cứu sinh, gọi nhau là huynh đệ hay đồng học, gặp mặt mỗi ngày. Đấy là chỗ chẳng thể nghĩ bàn của thế giới Cực Lạc. Mười phương thế giới không có trạng huống và tình hình này, thù thắng lắm! Do vậy, thế giới Cực Lạc là “sanh vào một, là sanh hết thảy”. Quý vị sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, gần như cũng đồng thời sanh vào cõi Phương Tiện và cõi Thật Báo. Đây là lý do vì sao Thích Ca, Di Đà khuyên chúng ta vãng sanh, chư Phật trong mười phương thế giới cũng khuyên chúng ta vãng sanh, đạo lý ở chỗ này. Nếu trong một đời này, chúng ta chẳng thể vãng sanh, làm sao xứng với Phật Thích Ca? Làm sao xứng với Phật Di Đà? Làm sao xứng với mười phương chư Phật? Những câu này, câu nào cũng đều là lời chân thật. Vì thế, hai câu nói “tâm này là Phật, tâm này làm Phật” đã nói trọn hết những nghĩa lý tinh vi của pháp môn Tịnh Độ.
Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 5
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang