Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Sửa mình chân chánh, cảm hóa người khác

Trí huệ, đức hạnh của mình chưa thành tựu thì không thể giáo hóa chúng sanh. Cho nên, nếu muốn giáo hóa chúng sanh thì trước tiên bản thân phải tu cho tốt.

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Câu tiếp theo của Cảm Ứng Thiên là “chánh kỷ hóa nhân”. (Sửa mình chân chánh, cảm hóa người khác).

Những gì mà phần trước nói đều là để hoàn thành đức hạnh của chính mình, mục đích là nhằm giúp đỡ người khác. Trí huệ, đức hạnh của mình chưa thành tựu thì không thể giáo hóa chúng sanh. Cho nên, nếu muốn giáo hóa chúng sanh thì trước tiên bản thân phải tu cho tốt. Đây là đạo lý nhất định. Bất kể là cổ Thánh tiên Hiền Trung Quốc hay chư Phật Bồ-tát của Ấn Độ, mỗi người cũng đều phải làm như vậy, thậm chí là tất cả chư Phật mười phương thế giới cũng không có ngoại lệ. Cho nên chúng ta bắt buộc phải tuân theo con đường này, nhất định trước tiên phải tu bản thân cho tốt. Phần trước đề cập đến Tứ Hoằng Thệ Nguyện với quí vị. Muốn thực hiện được câu “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” của Tứ Hoằng Thệ Nguyện thì nhất định trước tiên phải đoạn phiền não, thành tựu pháp môn, sau đó mới có thể hóa độ người. Đoạn phiền não là hoàn thành đức hạnh của mình. Học pháp môn là thành tựu trí huệ của mình, chúng ta thường nói là “phẩm học kiêm ưu” (phẩm hạnh và học vấn đều ưu tú).

Bản thân chúng ta là đệ tử Phật, bất luận là đệ tử xuất gia hay là đệ tử tại gia đều có sứ mạng hóa độ chúng sanh. Xuất gia, tại gia đều là Bồ-tát, cho nên giáo dục của Phật, thành tựu của Ngài là pháp giới Bồ-tát. Thế giới Hoa Tạng trong Kinh Hoa Nghiêm là pháp giới Bồ-tát. Thế giới Cực Lạc trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ ràng, không những là pháp giới Bồ-tát mà còn là pháp giới của Bồ-tát Phổ Hiền, “tất cả cùng tu theo đức của Phổ Hiền Đại Sĩ”, câu này quí vị đều đã đọc qua. Chúng ta thử suy nghĩ, chúng ta có cái đức của Phổ Hiền Đại Sĩ chưa? Nếu như chưa có đức của Phổ Hiền Đại Sĩ thì không thể vãng sanh, điểm này chúng ta phải đặc biệt lưu ý.

“Tất cả cùng tu theo đức của Phổ Hiền Đại Sĩ”, đây là câu Kinh văn đầu tiên sau phần liệt kê đại chúng thượng thủ trong Kinh Vô Lượng Thọ. Phật chỉ dạy chúng ta như thế nào, chúng ta cần phải học tập như thế ấy. Sau đó thử nghĩ tiếp, người niệm Phật rất nhiều, nhưng tại sao người vãng sanh lại ít như vậy? Lưu ý một chút đối với Kinh văn thì sẽ rất rõ ràng, rất minh bạch. Tuy người niệm Phật rất nhiều nhưng chưa đủ đức của Phổ Hiền Đại Sĩ, cho nên không thể vãng sanh. Đức của Phổ Hiền Đại Sĩ mấu chốt ở chỗ nào vậy? Mấu chốt là ở chỗ tâm lượng. Tâm lượng của Bồ-tát Phổ Hiền giống như hư không pháp giới, Ngài thật sự là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Tâm lượng của chúng ta nhỏ như vậy, mỗi ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng không thể vãng sanh. Lời nói này là thật, không phải giả. Đại đức xưa nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng uổng công”. Nếu như có cái đức của Phổ Hiền Đại Sĩ thì chỉ cần niệm một tiếng Phật hiệu cũng vãng sanh rồi, đâu cần thiết niệm nhiều như vậy. Tâm của họ chính là tâm Phật, hạnh của họ cũng chính là hạnh Phật, tâm và hạnh tương ưng, từng nguyện tương ưng thì đâu có đạo lý nào không vãng sanh? Chúng ta phải hiểu rõ, hằng ngày tụng niệm Kinh Vô Lượng Thọ mà không tu đức của Phổ Hiền Đại Sĩ thì sao có thể thành tựu được.

Đức của Phổ Hiền Đại Sĩ vô lượng vô biên, chư Phật Như Lai đồng kể ra cũng kể không hết. Thế Tôn vì chúng ta quy nạp thành mười loại lớn, gọi là “Phổ Hiền Thập Đại Nguyện Vương”, khi chúng ta tu học sẽ tương đối thuận tiện. Nguyện thứ nhất là “Lễ kính chư Phật”, chúng ta có làm được chưa? Ý này chính là dùng tâm chân thành, cung kính mà đối xử với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật, đó gọi là lễ kính chư Phật. Chúng ta chưa làm được thì phải xem lại. Nếu chúng ta đối với người, với việc, với vật có tâm thái hoàn toàn tương phản, vậy là đại bất kính. Hằng ngày cặp mắt giống như kẻ trộm vậy, chỉ chuyên tìm thói xấu của người khác, chuyên thấy khuyết điểm của người khác, sưu tập lỗi lầm của người khác, đây chính là đại bất kính, vậy thì bạn niệm Phật có gào rát cổ họng cũng uổng công.

Chúng ta đọc sách Nho, bản hội tập sách Nho giáo huấn đức hạnh, quyển đầy đủ tính đại biểu nhất là “Ngũ Chủng Di Quy” do tiên sinh Trần Hoằng Mưu thời triều Thanh biên tập. Ông đem Kinh điển của Nho gia và một số ngôn hạnh, lời dạy chân thật của các bậc Đại đức nhiều đời phân loại, biên tập lại. Trước đây tôi cầu học ở Đài Trung, lão sư Lý chỉ định quyển sách này làm sách giáo khoa tu thân cho học sinh chúng tôi. Năm xưa, sách của chúng tôi đọc là sách của nhà xuất bản nào tôi không nhớ rõ, chữ khá nhỏ, phân lượng tương đối nhiều, sách đóng bìa cứng rất dày. Về sau Trung Hoa Thư Cục từ trong “Tứ Bộ Bị Yếu” tách ra thành hai bản lẻ thượng và hạ, đóng bìa thường, lưu hành. Trung Hoa Thư Cục in sách này chữ lớn, dễ đọc.

Chúng ta hãy xem, bậc Thánh Hiền thế gian dạy người như thế nào? Chúng ta phải thường xuyên phản tỉnh, không được phép làm việc tổn đức. Tu đức còn không kịp, cứ chuyên làm việc tổn đức thì sao có thể thành tựu được? Nói cách khác, điều kiện để làm một người thiện, quân tử thế gian chúng ta còn không thể đạt được thì chúng ta cách Bồ-tát, cách A-la-hán quá xa rồi. Những kỹ năng ở trên bục giảng chúng ta có thể dễ dàng học được, nhưng bạn ở trên bục giảng muốn nhiếp thọ được đại chúng thì phải dựa vào công phu tu trì của bạn. Bạn không có công phu tu trì chân thật thì bạn không thể nhiếp thọ được đại chúng. Nói cách khác, lời mà bạn nói ra, từng câu từng chữ phải từ trong tâm bạn lưu xuất ra, không phải nói ra từ cửa miệng. Tâm hạnh không hợp nhau, ngôn hạnh không hợp nhau thì không có ai tin bạn, dù bạn nói hay đi nữa, người ta nghe rồi cười xòa là xong. Cho nên, bất kể người xuất gia hay tại gia đều phải có công phu tu hành thật sự. Bản thân chúng ta không chánh, muốn bảo người khác đoan chánh thì không có đạo lý này. Ở thời đại tai nạn triền miên, chúng ta không có năng lực phòng tránh tai nạn mà muốn đi giúp đỡ người khác, cũng không có đạo lý này.

Câu nói “Chánh kỷ hóa nhân” rất quan trọng. Ở trong bài, từ câu này trở xuống là giảng về hóa tha. Câu này là nói tổng quát. Ở trong Vựng Biên đã giải thích hai câu này, chú giải rất tường tận. Thế nào gọi là “chánh”? “Xác bất khả dịch” (đúng thật không thể thay đổi) là chánh. “Hóa giả, tự nhiên nhi nhiên” (Hóa là hoàn toàn theo tự nhiên), hai câu nói này rất hay. “Chánh” là tín tâm kiên định, tâm nguyện kiên định. Tín nguyện của chúng ta là ở cầu đạo, là ở cầu chứng quả. Chứng quả là gì? Ở trong Phật pháp A-la-hán là chứng quả, Bồ-tát là chứng quả, Phật là chứng quả. Nếu muốn cầu chứng quả thì trước tiên phải đoạn phiền não. Tập khí phiền não không đoạn thì sự tu học của chúng ta sẽ không thể bàn đến thành tích gì được nữa. Mọi người đều biết, đoạn sạch kiến tư phiền não rồi mới có thể chứng được quả A-la-hán. Tuy chúng ta không đoạn được nhưng nếu đi theo hướng con đường đoạn phiền não này, nhất định phải làm được phiền não nhẹ thì công phu của chúng ta mới có thành tựu. Phiền não mỗi năm một nhẹ bớt, mỗi tháng một ít dần thì đời sống của bạn được hạnh phúc, được tự tại, được vui vẻ, trong Phật pháp thường nói là “pháp hỷ sung mãn”. Đó là thật, không phải giả. Trong đồng tu chúng ta, có ai học Phật mà học rất thích thú, rất có thọ dụng hay không? Có, cũng không phải là thiểu số, họ thật sự có thọ dụng này. Họ đến nói với tôi, tôi cũng mừng cho họ. Họ được pháp hỷ, họ làm thật. Bắt đầu làm từ đâu vậy? Cổ đức dạy cho chúng ta rất nhiều, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là “bắt đầu từ không vọng ngữ”. Đây là lời dạy chân thật. Chúng ta tu hành bắt đầu từ đâu vậy? Bắt đầu tu từ “không vọng ngữ”, phù hợp cương lĩnh tu hành mà Thế Tôn nói với chúng ta trong Kinh Vô Lượng Thọ là “khéo giữ ba nghiệp”. Câu đầu tiên là “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Đại đức xưa dạy chúng ta tu hành “bắt đầu từ không vọng ngữ” là tương ưng với Kinh dạy.

Cổ đức lại dạy chúng ta phương pháp tu tâm thanh tịnh. Trong Kinh Di Đà, pháp môn Tịnh tông tu “Nhất tâm bất loạn”. Mục đích tu học của Tịnh tông thật sự chính là Nhất Tâm Bất Loạn. Trong Kinh Di Đà nói: “Nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo”. Nhất tâm bất loạn là định, tâm không điên đảo là huệ. Làm thế nào có thể thật sự thành tựu nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo? Đương nhiên khéo giữ ba nghiệp là vô cùng quan trọng. Nhưng bắt đầu từ chỗ nào? Cổ nhân cũng dạy chúng ta: “Biết quá nhiều chuyện, thêm phiền não. Quen quá nhiều người, lắm thị phi”. Việc gì phải biết nhiều chuyện như vậy chứ? Đi hóng chuyện khắp nơi, vậy là bạn tiêu rồi!

Năm xưa, hai năm sau khi chúng tôi xuất gia, thọ giới, chúng tôi có một vị sư huynh cùng thọ giới, đó là Pháp sư Giác Bân. Huynh ấy sau khi thọ giới không lâu (đại khái là khoảng nửa năm), về miền Nam để nhập thất. Điều này rất tốt, chúng tôi rất ngưỡng mộ huynh ấy, vì có phước báo nhập thất như vậy. Trải qua một năm tôi có duyên về miền Nam, tôi đặc biệt ghé vào trong thất để thăm huynh ấy. Khi huynh ấy nhập thất, đã mượn tôi một bộ sách Trung Quán Luận Sớ gồm mười hai quyển, phân lượng hoàn toàn không nhiều, sách đóng bằng dây buộc. Huynh ấy muốn đem vào thất để xem. Trải qua một năm, tôi hỏi huynh ấy: “Sách huynh mượn của đệ, đã xem được nhiều ít rồi?”. Huynh ấy trả lời: “Quyển thứ nhất còn chưa xem xong”. Khi gặp mặt tôi, huynh kể cho tôi nghe chuyện thiên hạ, kể đạo tràng, kể vị Pháp sư này. Huynh ấy ở trong thất, sao mà biết tin tức nhanh và rộng như vậy? Tôi ở bên ngoài mà mọi thứ đều không biết. Nghe huynh ấy nói tin tức cho tôi, tôi nghĩ: “Nhập thất kiểu này mà gọi là nhập thất sao?”, vì vậy một chút thành tựu cũng không có. Về sau huynh ấy cùng Pháp sư Bạch Thánh đến chùa Cực Lạc – Tân Thành ở Nam Dương. Sư Bạch là trụ trì, mời huynh ấy làm quản lý. Ở bên đó không bao lâu thì huynh ấy qua đời. Huynh ấy là một người tốt, giao hảo với tôi cũng rất tốt, chỉ là ưa thích hóng chuyện. Người xưa nói: “Biết nhiều chuyện quá, thêm phiền não”. Huynh ấy có quá nhiều phiền não, nên tâm không thể định được.

Đồng tu chúng ta, bất luận là xuất gia hay tại gia, tâm thanh tịnh là quan trọng. Việc không liên quan gì với mình, biết nhiều để làm gì? Mọi người đều biết, có biết bao nhiêu người viết thư cho tôi, nhưng những thư đó tôi không xem. Tại sao vậy? Tôi không muốn biết nhiều chuyện như vậy. Viết thư cho tôi làm gì? Thật thà niệm Phật là tốt rồi. Tôi mỗi ngày giảng Kinh đã là nhiều việc rồi, còn muốn làm những việc không liên quan này là quá đỗi sai lầm. Quen biết càng ít người càng tốt. Tôi cho các bạn xem, trên người tôi mang theo một sổ tay nhỏ ghi số điện thoại, chỉ có hai mươi mấy người. Tại sao tôi phải làm vậy? Có khi cần liên lạc, nếu không ghi chép lại thì không được, nên tôi mới ghi. Những số không cần thiết thì tôi không nhớ, ngay cả số điện thoại của học hội chúng ta, của Cư Sĩ Lâm, số fax trên lầu chúng ta, tôi đều không biết. Tên người, tôi cũng không thể nhớ được. Vậy thì tốt! Khi gặp mặt, thấy rất quen, chào hỏi qua, tôi không cần biết người ấy họ gì, tên gì, chẳng liên quan, nhớ những thứ này làm gì? Bạn một mình tự tại biết bao. Nếu như nói nhớ tên một vài người, tại sao không nhớ tên của Phật Bồ-tát? Làm bạn bè với Phật Bồ-tát, qua lại với Phật Bồ-tát thì tiền đồ của chúng ta mới có hy vọng.

Vì vậy, giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền chúng ta phải thường xuyên ghi nhớ ở trong tâm, y giáo phụng hành. Lời dạy của các Ngài đều là giúp chúng ta được “giác – chánh – tịnh”. Đây là lời dạy chân thật. Giữa người với người, lỗi lầm lớn nhất, chướng ngại lớn nhất chính là truyền bá thị phi. Người tu hành vì sao không thể thành tựu? Khi ở cùng nhau bạn thử nghe, điều mà họ nói đều là thị phi, hay dở. Phía trước tôi nhìn thấy một câu chuyện, tôi cũng đã nêu ra với quí vị rồi. Truyện kể có một vị Pháp sư tu thiền định, ở trong định nhìn thấy hai người xuất gia đang đàm luận, thần hộ pháp đứng vây quanh. Qua một lát sau, thần hộ pháp đi hết. Một lát sau nữa thì yêu ma quỷ quái kéo đến, đứng vây quanh họ. Đây là nguyên nhân gì? Vị thiền sư này nói, mới đầu hai người này thảo luận Phật pháp, cho nên có thần hộ pháp vây quanh. Qua một lát sau, hai người này nói chuyện gia đình nên thần hộ pháp đi hết, không còn ở đó nữa. Khi nói chuyện gia đình thì họ bàn luận chuyện thị phi, nên yêu ma quỷ quái kéo đến. Cho nên, thường bàn thị phi, luận hay dở thì bạn nên biết rằng xung quanh bạn đều là yêu ma quỷ quái, không có thần hộ pháp. Làm sao có thể có được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần phù hộ? Tâm ở trong đạo, đây là cảm ứng đạo giao. Chúng ta khởi tâm động niệm có cảm, chư Phật Bồ-tát liền có ứng. Nếu như cái cảm của chúng ta là bất thiện thì yêu ma quỷ quái sẽ ứng. Yêu ma quỷ quái từ đâu mà ra? Chính do bạn chiêu cảm họ đến, không phải họ tìm bạn mà là do bạn tìm họ. Bạn tìm họ thì họ đến ngay. Khởi một niệm ác, nói một câu nói ác đều có thể khiến yêu ma quỷ quái tìm đến. Người tu hành nếu làm cái việc này, há chẳng phải là quá đỗi sai lầm hay sao? Cho nên bạn nhớ kỹ, lời giáo huấn của cổ nhân là vô cùng có đạo lý. “Biết ít chuyện thì phiền não ít”. Việc không liên quan gì với mình thì không cần biết đến. Người không cần thiết quen biết thì bớt tiếp xúc, vì tiếp xúc không có lợi ích, thị phi nhiều. Vào thời xưa, người tu hành tại sao chọn ở chỗ núi sâu, nơi không có dấu chân người đến? Tâm họ thanh tịnh, dễ dàng thành tựu. Chúng ta hiện nay sống ở đô thị, đây là môi trường xấu nhất. Ở trong môi trường xấu nhất, bạn còn muốn đi hóng chuyện khắp nơi, đi soi mói khắp nơi, vậy làm sao được? Bạn không có hy vọng thành tựu rồi! Cho nên, nếu chúng ta muốn thành tựu thì nhất định trước tiên phải biết làm sao bảo vệ mình.

Phương pháp bảo vệ mình, pháp biểu trưng của Tứ Đại Thiên Vương dạy chúng ta biết cách bảo vệ mình như thế nào, chúng ta phải biết học. Tượng biểu trưng cho Bồ-tát Di Lặc là Hòa thượng Bố Đại, đó là tâm Phổ Hiền, lượng lớn phước lớn, tâm bao thái hư, lượng châu sa giới. Năm mươi ba tham ở phần sau Kinh Hoa Nghiêm, ba vị Đại Sĩ sau cùng là Bồ-tát Di Lặc, Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Văn Thù, cuối cùng Thiện Tài Đồng Tử tham vấn ba vị Bồ-tát này, dụng ý rất là sâu xa. Di Lặc đại biểu cho tâm lượng, Văn Thù đại biểu cho trí huệ. Tâm lượng không lớn thì trí huệ không thể viên mãn. Ứng dụng của trí huệ là Bồ-tát Phổ Hiền. Sau cùng dùng ba Đại Sĩ đại biểu đại viên mãn. Chúng ta đọc Kinh, phải thể hội được ý nghĩa này thì mới biết học tập như thế nào. Một câu bốn chữ này, ý nghĩa rất sâu rất rộng, chúng tôi cũng cần dùng vài buổi nữa để cùng nhau học tập với quí vị đồng học.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi. A Di Đà Phật!

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Phần trên chúng tôi đã giảng đến hóa tha, ý nghĩa tổng quát lại là “chánh kỷ hóa nhân”. Ở trong chú giải nói rất hay: “Bản thân đã chánh đáng, chẳng ép buộc mà người khác sẽ hành theo. Đã đổ công dốc sức giữ mình chánh đáng, sẽ có nhiều loại diệu dụng giáo hóa người khác. Người có thể giữ mình chánh đáng, chưa hề chẳng thể khiến cho muôn loài đều chánh đáng theo”.

Những lời nói này đều vô cùng khẳng định, muốn giúp đỡ người khác, giúp đỡ xã hội, điều quan trọng nhất vẫn là ở chính mình. Bản thân bất chánh, muốn giúp đỡ người khác sẽ vô cùng khó khăn, đương nhiên sẽ gặp biết bao chướng ngại, nhất là ở xã hội hiện đại này của chúng ta. Sự và lý chúng ta cũng phải thật rõ ràng, thật minh bạch. Bản thân chúng ta tâm chánh, ngôn chánh, hạnh chánh thì tự nhiên sẽ được đại chúng tôn trọng. Không những đại chúng tôn trọng bạn, mà quỷ thần cũng tôn trọng bạn, từ trong âm thầm tự nhiên được ủng hộ, càng có thể được chư Phật hộ niệm. Bản thân muốn hành chánh, điều quan trọng nhất là tâm chánh. Mỗi người chúng ta đều muốn học, rất mong được học, nhưng tại sao không học được? Nguyên nhân của không học được chính là không thể buông bỏ ý nghĩ tự tư tự lợi, đều bị thứ này chướng ngại mất rồi. Cho nên, nếu muốn tâm hạnh của mình được chánh, nhất định phải đem những chướng ngại này xả sạch. Có một số đồng tu nói: “Chúng con cũng rất muốn buông xả mà không thể buông xả được”. Nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Nói thực ra, nguyên nhân là chưa hiểu rõ đối với thực tướng của các pháp. Thích-ca Mâu-ni Phật thuyết pháp 49 năm, nội dung 49 năm nói pháp là gì vậy? Chỉ một câu: “thực tướng của các pháp”, dùng cách nói hiện nay để nói, chính là “chân tướng của vũ trụ nhân sinh”. Hiểu rõ chân tướng rồi thì tự nhiên sẽ dễ dàng buông bỏ, không hề khó khăn chút nào cả. Thế nhưng chân tướng của vũ trụ nhân sinh đã sâu lại rộng, rất khó hiểu rõ, cho nên Phật phải dùng thời gian dài như vậy. Đặc biệt là Kinh Bát Nhã chỉ chuyên nói mỗi sự việc này. Phật thuyết pháp 49 năm, nhưng nói Kinh Bát Nhã trong 22 năm, gần như chiếm toàn bộ một nửa thời gian. Ngài dùng thời gian dài như vậy hết lòng khuyên bảo, chỉ có một mục đích là giúp chúng ta nhìn thấu. Sau khi nhìn thấu rồi thì tu hành, trên đường Bồ-đề sẽ không còn chướng ngại lớn nữa. Đường Bồ-đề là đường gì vậy? Là con đường sống hạnh phúc mỹ mãn. Bồ-đề là tiếng Ấn Độ, nghĩa là giác ngộ. Chúng ta sống ở trong biển đại giác sáng suốt, đối với người, với việc, với vật đều không còn mê hoặc điên đảo, đây gọi là đường Bồ-đề. Cho nên đường Bồ-đề chính là đời sống, chính là công việc thường ngày, chính là loại hoạt động bình thường đối với người, với việc, với vật. Hoạt động bình thường chính là đời sống của Bồ-tát, đời sống của Phật. Chúng ta học Phật mục đích cũng là ở chỗ này. Đây là điểm mà chúng ta trước tiên cần nhận thức rõ ràng. Không được phép xem Phật Bồ-tát là thần linh. Cầu khẩn thần linh phù hộ chúng ta, quan niệm này sai rồi!

“Chánh kỷ hóa nhân”. Ở trên công phu, đương nhiên trước tiên phải xây dựng một vũ trụ nhân sinh quan chính xác, cũng chính là nói, cách nhìn đối với nhân sinh, cách nhìn đối với môi trường sống của chúng ta có nhận thức chính xác. Đây là trí huệ. Có trí huệ rồi, còn phải có công phu. Công phu là gì? Là khắc phục tập khí phiền não của mình. Tập khí phiền não hình thành từ vô lượng kiếp đến nay, nhà Nho gọi là “tập tánh”, tập quen thành tự nhiên. Tập tánh này rất đáng sợ, rất phiền phức, rất không dễ dàng đoạn hết. Nếu không thể đoạn hết thì dù lý giải được cũng không lợi ích gì, vẫn tạo ra lục đạo luân hồi, vẫn phải đọa ba đường ác. Vì sao đọa ba đường ác? Thị phi, nhân ngã, tham – sân – si – mạn. Những quan niệm này, những hành vi này là nghiệp nhân đọa ba đường ác. Chúng ta đem nhân tố này tiêu trừ rồi, xả sạch rồi, vậy mới không bị đọa ba đường ác. Thế nhưng có mấy người có thể tiêu trừ được? Tại sao không thể tiêu trừ? Họ không chịu khắc phục tập khí phiền não của mình, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, họ liền tự nhiên sinh khởi tham – sân – si – mạn, tự nhiên sinh khởi tự tư tự lợi, phiền phức này quá lớn rồi.

Phật dạy chúng ta phải làm một cuộc chuyển đổi. Câu nói này rất hay, nhất định phải làm một cuộc chuyển đổi, nói ở trên công phu là phải chuyển ác thành thiện. Bắt đầu chuyển từ đâu vậy? Bắt đầu chuyển từ trên ý niệm, bắt đầu chuyển từ trên hành vi. Trước kia, ý niệm của chúng ta, hành vi của chúng ta đều là vì bản thân, vậy từ nay về sau, chúng ta đem ý nghĩ này chuyển đổi lại, chúng ta là vì người khác, không vì chính mình.

Niệm niệm nghĩ vì người khác, nghĩ vì xã hội, nghĩ vì tất cả chúng sanh. Thế gian này, người đáng thương quá nhiều. Tại sao họ đáng thương như vậy? Không có người dạy họ, nên họ không biết hành thiện, không biết tích đức. Họ gieo nhân ác, cảm thọ quả báo ác, tuy được thân người, nhưng cơm ăn áo mặc thường xuyên không đủ. Chúng ta nhìn thấy rồi phải tận tâm tận lực giúp đỡ họ. Khi Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế, không những chính bản thân Ngài, mà học trò thông thường của Ngài không phải không thể sống đời sống sung túc một chút, Ngài có thể làm được và làm rất dễ dàng. Ngài xuất thân là một vương tử, quốc vương và đại thần đều là hộ pháp của Ngài, vì vậy về mặt vật chất, Ngài muốn hưởng thụ kiểu nào thì không phải là việc khó khăn. Tại sao Ngài phải đi khất thực, tại sao phải sống đời sống bần hàn như vậy? Không có gì khác, chẳng qua là muốn tiết kiệm một miếng cơm để chia sẻ, giúp đỡ cho những người không có cơm ăn. Ngài có phải thật sự có thể giúp được hay không? Xin thưa với quí vị, thật sự có thể giúp được, giảm bớt thọ dụng vật chất của mình, giúp đỡ những người thiếu hụt. Nếu cái tâm này mà chúng ta không có thì hạnh Bồ-tát kia đương nhiên là không thể làm được rồi, cho nên trước tiên chúng ta phải có tâm này. Tâm này là tâm thuần thiện, hạnh này là hạnh thuần thiện, cho nên cảm động long thiên thiện thần đều hộ trì. Long thiên thiện thần hộ trì thì việc giáo hóa chúng sanh trong đời mới có thể thu được hiệu quả. Chúng ta học Phật thì phải bắt đầu học từ chỗ này, phải có công phu chân thật.

Sự thọ dụng về mặt vật chất của chúng ta ngày nay, lấy ăn uống mà nói, ba bữa cơm vẫn không no, còn phải ăn vặt thêm để bổ sung. Đây là nguyên nhân gì? Thân thể này chính là thân nghiệp chướng; tâm có nghiệp chướng, thân cũng có nghiệp chướng. Sự ăn uống đối với mạng sống của con người là quan trọng nhất. Mạng sống của chúng ta, thân thể là một bộ máy, bộ máy này đang không ngừng hoạt động. Hoạt động thì cần có năng lượng bổ sung. Ăn uống là bổ sung năng lượng. Người nghiệp chướng nặng thì lượng tiêu hao lớn, nếu bổ sung ít thì họ sẽ bị bệnh, họ sẽ không thể làm việc. Sự tiêu hao nguồn năng lượng, rốt cuộc tiêu hao ở chỗ nào vậy? Người học Phật nên biết, có đến 95% năng lượng bị tiêu hao vào trong vọng niệm (chúng ta thường nói là nghĩ ngợi lung tung). Người tu hành thì vọng niệm ít, tâm địa luôn thanh tịnh hơn so với đại chúng thông thường trong xã hội. Vọng niệm ít thì năng lượng tiêu hao ít, cho nên họ bổ sung sẽ ít hơn. Thế Tôn thị hiện vì người sơ học chúng ta, dạy chúng ta đem tất cả lo âu, nhớ tưởng, những sự việc phiền muộn này buông xuống, bởi vì đó đều là việc không cần thiết. Thân tâm của bạn khỏe mạnh thì lượng tiêu hao của bạn sẽ dần dần giảm bớt, cho nên một ngày ăn một bữa là đủ rồi. Một bữa này không ăn cũng không sao cả, vẫn cứ hoạt động như thường. Đây là chân tướng sự thật. Chúng ta thấy ở trong Kinh, tâm của A-la-hán vô cùng thanh tịnh, vọng tưởng tạp niệm hầu như không còn nữa, sự bổ sung năng lượng của họ chính là một tuần ăn một bữa, một tuần đi khất thực một lần, một bữa đó là đủ lượng dinh dưỡng trong một tuần rồi. Bích-chi Phật có định công sâu hơn, tâm thanh tịnh hơn so với A-la-hán, cho nên nửa tháng đi khất thực một lần, tức là hai tuần ăn một bữa là đủ rồi. Nói thực ra, Phật và Pháp Thân Đại Sĩ không cần thiết phải ăn uống, có thể hoàn toàn đoạn hết. Phật-đà ở đời là thị hiện làm tấm gương cho chúng ta thấy. Nếu như ở trong thân phận đó mà Ngài có thể hoàn toàn đoạn hết, đoạn sạch, phàm phu chúng ta thấy rồi, không thể làm được, như thế thì có nguy không? Cho nên đối với người tu hành chúng ta, mỗi ngày ăn một bữa là đủ rồi, tu tâm thanh tịnh là quan trọng. “Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn”, dùng thiền duyệt, dùng pháp hỷ để bồi dưỡng thân thể của bạn, dùng tâm thanh tịnh thì tiêu hao năng lượng ít nhất. Đây đều là công phu ở trên pháp hành. Công phu này phải rèn luyện trong đời sống thường ngày, luyện tâm thanh tịnh, luyện hạnh thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, hạnh thanh tịnh, không có gì khác, chính là buông xuống mà thôi. Việc không liên quan phải buông xuống, ý niệm không liên quan phải buông xuống, thường xuyên gìn giữ chánh niệm hiện tiền. Chánh niệm chính là niệm Phật. Trong hai mươi bốn giờ, từng giây từng phút ở trong tâm chỉ có một câu Phật hiệu, đây là chánh niệm. Tất cả chúng sanh không biết sự thù thắng của Phật pháp, không biết lợi ích của niệm Phật, chúng ta dùng phương tiện thiện xảo giúp đỡ họ, khiến họ biết được lợi ích của niệm Phật, để họ có thể học tập, noi theo chúng ta niệm Phật.

Việc mà Bồ-tát giúp đỡ tất cả chúng sanh không thể nói hết, nhưng chỉ có một mục đích cuối cùng là khuyên nhủ, hướng dẫn mọi người niệm Phật. Mục đích này là thuần chánh. Ngoài điều đó ra, không có mục đích gì khác. Cho nên đối nhân xử thế tiếp vật, bạn phải từ bi, phải khoan hồng độ lượng, phải nhận thức đại thể, dứt khoát không được thuận theo lòng ham muốn của mình. Thuận theo lòng ham muốn của mình chính là thuận theo phiền não, bạn sẽ làm sai sự việc, nhà Phật nói bạn sẽ tạo nghiệp. Công phu sơ bộ thường ngày của chúng ta, trước tiên phải đem thị phi nhân ngã làm tan nhạt bớt (vì đoạn thì không dễ dàng), nhất là về việc khen chê, gặp phải người khác phỉ báng, hoặc giả là có người tán thán, khen chê bạn mà bạn đều không động tâm thì tâm bạn dần dần sẽ thanh tịnh. Việc không cần thiết thì không cần biết đến, người không cần thiết tiếp cận thì không cần làm quen. Cổ nhân nói rất hay: “Biết quá nhiều việc thêm phiền não. Quen quá nhiều người, lắm thị phi”. Phiền não nhiều, thị phi nhiều thì tâm của bạn làm sao có thể thanh tịnh được? Tâm của bạn không thanh tịnh thì tịnh nghiệp của bạn sẽ không thể thành tựu. Điều mà chúng ta mong cầu là đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, sớm ngày được thân cận A Di Đà Phật. Điều kiện duy nhất vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc là tâm phải thanh tịnh. Tâm tịnh thì Phật Độ tịnh. Chúng ta niệm một câu Phật hiệu này, hiệu quả ở chỗ nào vậy? Dùng một câu Phật hiệu này để dẹp hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn. Ở trong tâm vừa có tạp niệm thì đề khởi câu “A Di Đà Phật”, liền buông xuống tạp niệm rồi. Thật sự trong hai mươi bốn giờ chỉ có một câu Phật hiệu, vọng tưởng tạp niệm không khởi lên được thì công phu của bạn thành tựu, bạn sẽ nắm chắc phần vãng sanh, bạn đã cảm ứng đạo giao với A Di Đà Phật. Bạn niệm Phật mà không đoạn được vọng niệm thì đương nhiên công phu sẽ không đắc lực.

Có người hỏi, học giáo cũng bị phân tâm, đây có phải là tạp niệm hay không? Học giáo nếu vì danh vọng lợi dưỡng của mình là tạp niệm. Học giáo là để làm rạng rỡ Phật pháp, phổ độ chúng sanh, đó là chánh niệm. Từ đó cho thấy, ta không phải vì bản thân, ta vì chúng sanh phá mê khai ngộ, đây chính là chánh niệm hiện tiền. Nếu như vì danh vọng lợi dưỡng của mình, đó là ý nghĩ luân hồi, giảng Kinh thuyết pháp vẫn là tạo nghiệp luân hồi. Tạo thiện nghiệp ở trong nghiệp luân hồi thì nhận quả báo ở ba đường thiện. Nếu tâm danh lợi quá nặng thì có lẽ ba đường thiện cũng không có phần, thế thì đi về đâu? Đi hưởng phước ở trong đường ác. Tóm lại, hoằng pháp lợi sanh là tu phước, coi trọng danh vọng lợi dưỡng của mình quá mức, chạy theo sự hưởng thụ ngũ dục lục trần thì hưởng phước trong đường súc sanh, hưởng phước trong đường ngạ quỷ. Những điển hình này quá nhiều, nhiều không kể xiết. Năm xưa, bạn học của An Thế Cao đọa vào đường súc sanh, mang thân rắn, làm Long vương ở hồ Cung Đình. Ông tạo nghiệp gì vậy? Ông là người xuất gia, thông hiểu Kinh điển, ưa bố thí. Ông thông đạt đạo lý Phật pháp, lại ưa thích bố thí, nhưng tự tư tự lợi chưa buông bỏ; đi khất thực được một bữa cơm có lẽ không được ngon lắm, không đúng như ý của mình, trong tâm không thoải mái thì liền tạo nghiệp, đời sau đọa làm thân súc sanh. Ông thông hiểu Kinh điển, ông có trí huệ, cho nên đọa vào thân súc sanh có phước báo lớn, làm Long vương rất linh. Linh là do ông có trí huệ. Tín đồ trong vòng một ngàn dặm đều đi cúng bái, cúng dường ông, phước báo lớn này là do ông ưa thích bố thí. Đi làm Long vương, khổ không thể nói ra lời! An Thế Cao đã độ ông, giảng Kinh thuyết pháp cho ông, khuyên ông quay đầu là bờ. Ở trong “An Thế Cao Truyện Ký” viết rất rõ ràng, hơi một chút bất như ý, không thỏa mãn, cho dù hiểu rõ Kinh điển, ưa thích bố thí vẫn phải đọa tam đồ. Chúng ta ngày nay Kinh cũng không rõ, cũng không ưa bố thí, sự giận dữ còn lớn hơn ông rất nhiều, vậy thì tương lai chúng ta đi về đường nào chẳng phải rất rõ ràng, rất minh bạch sao? Chắc chắn là chúng ta không bằng ông, cho nên chúng ta thử nghĩ xem, những sự việc này mới thật sự đáng sợ. Biết đáng sợ thì liền quay đầu, không dám khởi niệm ác, không dám có hành vi ác. Cho nên đọc nhiều truyện ký thì sẽ có lợi ích, có thể từng giây từng phút cảnh tỉnh, sách tấn, khích lệ chúng ta.

“Chánh kỷ hóa nhân” ứng dụng vào trong đời sống hành trì, sự tướng đa dạng không sao kể xiết. Ở trong tiểu chú đã nêu ra mấy ví dụ cho chúng ta, rất đáng để chúng ta học tập. Chú giải nói: “Thanh cao thì đáng quý nhất là có thể bao dung, người nhân từ thì cốt sao phải quyết đoán”. Hai câu nói này chúng ta luôn luôn lơ là. Sự khác nhau lớn nhất giữa người học Phật với người thế gian chính là sự thanh cao, ngạn ngữ gọi là “thanh bần trọc phú”. Đây đều là danh ngôn ngàn xưa.

Người thanh cao, điều quan trọng là phải bao dung, phải có độ lượng. Ở trong Phật pháp, rõ ràng Thế Tôn là người thể hiện sự thanh cao vô song, khiến người kính ngưỡng. Phật giáo dạy người, cũng là đem sự việc này xếp vào môn học đầu tiên trong dạy học. Chúng ta đến am đường hay tự viện, thông thường công trình kiến trúc đầu tiên của nhà Phật chính là điện Thiên Vương, chúng ta cũng có thể gọi là thần hộ pháp. Ngay chính giữa điện Thiên Vương cúng dường hình tượng Bồ-tát Di Lặc. Người Trung Quốc tạo tượng Bồ-tát Di Lặc đều lấy hình tướng của Hòa thượng Bố Đại. Hòa thượng Bố Đại xuất hiện ở Trung Quốc vào thời Nam Tống. Quí vị có lẽ đều hiểu rõ, Nam Tống có một vị đại tướng tên là Nhạc Phi, Ngài là người cùng thời đại với Nhạc Phi. Ngài xuất hiện tại huyện Phụng Hóa – Triết Giang. Khi Ngài sắp đi, Ngài nói cho mọi người biết Ngài là Bồ-tát Di Lặc hóa thân đến. Ngài nói xong thì liền đi ngay. Đây là thật. Nếu như nói rồi mà không đi thì đó là giả, người đó không đáng tin. Hiện nay chúng ta nghe có rất nhiều Pháp sư, Đại đức nói họ là Phật tái lai, Bồ-tát tái lai, nói xong mà không đi, vậy là không thể tin được. Ngài nói xong liền đi ngay. Cho nên về sau, người Trung Quốc tạo tượng Bồ-tát Di Lặc đều lấy hình tượng của Ngài. Cái tướng này của Ngài rất đặc sắc, ý nghĩa biểu pháp vô cùng rõ ràng. Ngài có cái tướng hoan hỷ, tươi cười đón người, pháp hỷ sung mãn, nên người ta gọi Ngài là Phật Hoan Hỷ. Biểu pháp đặc trưng thứ hai là bụng của Ngài rất lớn, biểu thị có sức chứa, có thể bao dung. Cho nên từ hình tượng của Ngài, cổ đức đã đề ra tám chữ hai câu: “Sinh tâm bình đẳng. Hiện tướng hỷ duyệt”. Hai câu nói này là môn học đầu tiên, dạy người sơ học chúng ta nhất định phải có sức dung chứa, phải bao dung tất cả. Không thể bao dung thì nhất định không thể học Phật. Tại sao vậy? Chúng ta hiện nay hiểu Phật pháp rõ ràng rồi, hiểu sáng tỏ rồi, Phật pháp là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Đa nguyên văn hóa, điều quan trọng nhất chính là có thể bao dung, vì nếu không thể bao dung thì không thể bàn đến giáo dục đa nguyên văn hóa, cho nên phải đem bao dung đặt ở vị trí hàng đầu. Đây là điều chúng ta không thể không biết, không thể không học tập. Người học Phật, bất luận là tại gia hay xuất gia, học Phật không có gì khác, đó chính là học cách làm thế nào chung sống hòa thuận với các quần thể khác nhau, văn hóa khác nhau, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau. Cho nên môn học đầu tiên này, chúng ta chưa làm cho rõ ràng thì về sau học Phật có rất nhiều chướng ngại, rất nhiều khó khăn.

Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 27-28

Bài viết cùng chuyên mục

Học Phật pháp mình cần phải có tâm chân thật

Định Tuệ

Làm như thế nào để phát Bồ Đề tâm?

Định Tuệ

Tu hành như thế nào mới có thể liễu sanh thoát tử?

Định Tuệ

Cảnh giác với cuồng huệ – Bảo hộ chúng sinh khỏi rơi vào tà kiến

Định Tuệ

Tiểu Sử về ngài Pháp Sư Cưu Ma La Thập

Định Tuệ

Cúng vái lạy cầu vong linh về ăn uống có chứng hưởng không?

Định Tuệ

Người mê mà tỏ ngộ gần mãi cảnh uế trược thời tất sẽ mê lại

Định Tuệ

Thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp giới bình đẳng

Định Tuệ

Niệm Phật hay Bồ Tát Quán Thế Âm là liều thuốc trị vọng tưởng

Định Tuệ

Viết Bình Luận