Tâm Hướng Phật
Kinh Tạng Bắc Truyền

Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa trọn bộ PDF

Dưới đây là nội dung Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa trọn bộ gồm 28 tập, Lão pháp sư Tịnh Không chủ giảng.

Trích đoạn quyển 1

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 1

Xin chư vị mở phần Lời Tựa trong sách Sớ Sao Diễn Nghĩa, cũng là trang thứ nhất theo cách đánh số bằng chữ số Ả Rập ở cuối trang, mở trang thứ nhất, tức trang thứ nhất sau phần Khoa Phán.

Lần này tôi được Diệp cư sĩ khải thỉnh, giảng bộ Quán Kinh Diệu Tông Sao. Chúng tôi đang in Sớ Sao, có thể sẽ gởi tới ngày hôm nay. Sau khi nhận được sách, sẽ chia ra biếu tặng các vị đồng tu. Sớ Sao không chỉ phân lượng lớn, lại còn có mức độ khá tinh vi, sâu thẳm, trong kỳ hạn một tuần ngắn ngủi rất khó giảng xong!

Khóa giảng này, chúng tôi chọn bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa. Có danh xưng Diễn Nghĩa là do lão pháp sư Đế Nhàn đã viết một bản tinh giản cho bộ Diệu Tông Sao, tức là chọn lọc những phần trọng yếu và tinh hoa. Vì thế, sách Diễn Nghĩa chính là tinh hoa của Sớ Sao.

Lần này, chúng tôi cùng chư vị chung sức nghiên cứu, cũng dùng phương thức tinh giản, ngõ hầu trong khoảng thời gian ngắn ngủi chư vị có thể nhận biết khái lược lý luận, cách tu học, nhân quả, và thành tựu của Tịnh Tông, như vậy thì mục đích của khóa giảng này đã đạt được!

Do đó, tôi cũng chẳng bỏ qua lời tựa của lão pháp sư, vì Ngài viết lời tựa rất hay; những điểm trọng yếu trong lời tựa cũng cần phải đề cập.

Chúng ta xem lời tựa, “Quán Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa tự”, trước hết, hãy đọc đoạn ấy một lượt: “Di Đà kinh dĩ tín nguyện lực trì Phật danh hiệu, vi chí trực tiệp, chí viên đốn, tối cực ổn đáng, tối dị thành tựu, thị Thế Tôn triệt để bi tâm, phổ linh nghiệp trọng chúng sanh hoành siêu tam giới, đới nghiệp vãng sanh, cố xưng dị thắng phương tiện chi pháp môn dã” (Kinh Di Đà dùng sức tín nguyện để trì danh hiệu Phật, là [cách tu] thẳng chóng nhất, viên đốn nhất, ổn thỏa, thích đáng tột bậc nhất, dễ thành tựu nhất, đó là bi tâm triệt để của đức Thế Tôn, khiến cho khắp các chúng sanh vượt khỏi tam giới theo chiều ngang, đới nghiệp vãng sanh, nên được gọi là “pháp môn có phương tiện thù thắng lạ thường”).

Ba bộ kinh trọng yếu nhất trong Tịnh Độ Tông là kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà và kinh này, được gọi là Tịnh Độ Tam Kinh. Kinh Vô Lượng Thọ là khái luận của Tịnh Độ Tông, giới thiệu viên mãn y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Tây Phương, nên là một bộ kinh điển trọng yếu nhất trong Tịnh Độ Tông. Kinh Di Đà là tinh yếu của kinh Vô Lượng Thọ, điểm đặc sắc trong kinh ấy là khuyến tín, khuyến nguyện, khuyến hành. Những điểm đặc sắc của kinh Di Đà đã được nêu rõ bởi mấy câu này của pháp sư Đế Nhàn, xác thực là “dị thắng phương tiện”, “dị” (異) là lạ lùng, chẳng giống với những kinh điển và pháp môn khác, “thắng” (勝) là thù thắng. “Dị thắng phương tiện” là pháp môn thù thắng lạ lùng, thuận tiện khôn sánh. Cũng có thể nói là trong khi bất cứ phương pháp nào cũng đều chẳng độ được, vì nghiệp chướng và tập khí của các chúng sanh ấy quá nặng, đều độ không được, thì pháp môn này có thể độ. Do đó, pháp môn này đích xác là pháp môn thù thắng bậc nhất!

Chúng ta nhìn lại kinh này, kinh này thiên trọng lý luận và phương pháp của Tịnh Tông. Phương pháp là mười sáu phép Quán, bao gồm Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, và Trì Danh Niệm Phật, các phương pháp niệm Phật đều có trong bộ kinh này. Đồng thời, kinh lại còn giảng rõ nhân quả của bốn cõi và chín phẩm trong Tịnh Độ rõ ràng, cặn kẽ hơn Tam Bối Vãng Sanh (ba bậc vãng sanh) trong kinh Vô Lượng Thọ.

Vì thế, đối với người tu Tịnh Độ, nói thực tại, phải hợp ba kinh lại để xem thì mới có thể liễu giải và nhận thức triệt để Tịnh Tông, tín tâm mới có thể sanh khởi. Về sau, các vị đại đức như cư sĩ Ngụy Nguyên đã ghép phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện vào sau ba kinh, trở thành Tịnh Độ Tứ Kinh; lão pháp sư Ấn Quang là một vị tổ sư cận đại của Tịnh Tông lại ghép chương Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm vào sau bốn kinh, trở thành Tịnh Độ Ngũ Kinh.

Chúng ta suy nghĩ, có còn cần phải ghép thêm một kinh nào nữa để thành Tịnh Độ Lục Kinh hay không? Nói thật ra, đến năm kinh là đã thật sự viên mãn trọn đủ, chẳng cần đến sáu kinh, chẳng cần thêm nữa, đã đạt đến viên mãn rồi!

Vì thế, tu hành trong Tịnh Tông, năm bộ kinh ấy là viên cực, tức là đã đạt đến viên mãn tột bậc, mà cũng là đốn cực (nhanh chóng tột bậc). Đó là người trong thời đại chúng ta có phước, kinh điển hoàn bị đã xuất hiện trong thời này!

Mời quý bạn đọc tụng Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa trọn bộ – Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng tại file PDF dưới đây.

[pvfw-embed viewer_id=”5039″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Tăng Nhất A Hàm – Thích Đức Thắng việt dịch PDF

Định Tuệ

Một trăm truyện tích nhân duyên Phật giáo – Kinh Bách Duyên PDF

Định Tuệ

Kinh Niệm Phật Ba La Mật PDF – HT Thích Thiền Tâm dịch

Định Tuệ

Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm – Hạnh Cơ việt dịch PDF

Định Tuệ

Kinh Lăng Già Tâm Ấn PDF – Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Định Tuệ

Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết PDF – Đoàn Trung Còn việt dịch

Định Tuệ

Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ Tát PDF

Định Tuệ

Kinh Từ Tâm Và Phước Đức PDF – TT. Thích Nhật Từ biên soạn

Định Tuệ

Phật Thuyết Kinh cha mẹ ân trọng khó báo đáp

Định Tuệ

Viết Bình Luận