Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Muốn liễu sanh tử thoát luân hồi phải hiểu luân hồi từ đâu mà có?

Muốn liễu sanh tử thoát luân hồi trước tiên phải hiểu luân hồi từ đâu mà có? Phật ở trong kinh nói rất hay, vô minh phiền não, trần sa phiền não, kiến tư phiền não, ba loại phiền não này là nghiệp nhân của luân hồi.

Tiên sinh Giang Dật Tử ở Đài Trung, ông cũng là học trò của lão sư Lý, là bạn học của tôi, đây là một họa sĩ đương đại, ông đã vẽ một bức “Địa Ngục Biến Tướng Đồ”. Bức tranh này vẽ xong, cộng luôn phần lời tựa và lời bạt của ông thì dài đến 60 mét, một bức tranh lớn đến như vậy. Ở đây chúng ta nhìn thấy phía sau có bức phù điêu 500 vị La-hán. Tôi không biết nó được 60 mét hay không, bức tranh này đã hoàn thành rồi, bạn phải tỉ mỉ mà xem bức tranh này, bạn sẽ biết địa ngục thật đáng sợ.

Vì bức tranh này mà chúng tôi đã tra lại Đại Tạng Kinh, bởi vì trước giờ chưa có cái động cơ này, bức tranh này đã tạo động cơ để chúng tôi đi tra lại Đại Tạng Kinh. Tôi cử ba vị đồng học, mất hết khoảng hơn 2 tuần để tra về tình trạng địa ngục mà Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói trong Đại Tạng Kinh. Kết quả đã tìm được 25 bộ kinh luận, trong đó Thế Tôn có nói đến địa ngục, vả lại nói về tình trạng của địa ngục thì so với Giang lão sư còn đáng sợ hơn nhiều.

Bức tranh này của ông là y theo quyển sách Ngọc Lịch Bảo Sao của Đạo giáo, nói đến thập điện Diêm-la, lấy thập điện Diêm-la làm cương lĩnh để vẽ ra. Hiện tại chúng ta đều biết tình trạng địa ngục mà Phật nói ở trong kinh vô cùng tường tận, vô cùng vi tế. Chúng ta ở trong cuộc sống thường ngày khởi tâm động niệm đều có nhân quả. Sau khi xem những kinh văn này xong, bạn lại đi đọc Kinh Địa Tạng thì tâm tình của bạn sẽ không như nhau.

Kinh Địa Tạng nói “chúng sanh Diêm-phù-đề khởi tâm động niệm không gì mà không phải tội, không gì mà không phải nghiệp”, chúng ta luôn đọc xong như vậy rồi lướt qua. Phật nói nghiêm trọng đến như vậy, rốt cuộc là nghiêm trọng ở chỗ nào thì không biết, bạn xem những kinh luận này thì liền biết. Đích thực là đã nói về nghiệp nhân quả báo của việc khởi tâm động niệm, lời nói việc làm vô cùng rõ ràng, so với Đạo Giáo thì đầy đủ hơn rất nhiều.

Những vị đồng học đi tra Đại Tạng Kinh đến nói tôi biết, Phật nói người hay mắng người khác bị đọa địa ngục thì đọa địa ngục gì vậy? Đọa địa ngục mắng người, mỗi một người bị họ mắng thì ngày ngày đều mắng người họ, ở trong địa ngục đó bao nhiêu kiếp thì bị mắng bấy nhiêu kiếp, bạn nói xem việc này có đáng sợ hay không. Người thích đánh người thì vào địa ngục đánh nhau, phải đánh nhau mấy nghìn năm, mấy vạn năm, mấy kiếp, ngày ngày đánh nhau, đánh chết rồi thì sống lại đánh tiếp. Những điều này thì trong Ngọc Lịch Bảo Sao đều không có.

Nói cách khác, chúng ta động ý niệm gì thì bạn sẽ gặp phải báo ứng như thế nào, bạn đối với người khác như thế nào thì nhất định sẽ có rất nhiều rất nhiều người cũng dùng cái phương pháp đó đối với bạn. Cảnh giới này không phải là từ bên ngoài vào, là bạn tự mình biến hiện ra, đích thực là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, là do nghiệp lực của chính mình biến hiện ra, bạn phải nhận chịu. Đến khi nào ý niệm này của bạn không còn nữa thì không thấy địa ngục nữa, không hiện nữa.

Nếu vẫn còn ý niệm ví dụ như mắng người, nếu vẫn còn ý niệm mắng người thì bạn vẫn còn thấy địa ngục này. Từ nay về sau không mắng người nữa, ý niệm không còn nữa, sạch sẽ rồi thì địa ngục liền biến mất. Cảnh giới này không thể nghĩ bàn! Hiện tại các đồng học đã làm xong rồi, đem những nghiệp nhân quả báo địa ngục mà Phật nói trong 25 bộ kinh luận hội tập lại thành một quyển, chúng ta xem sẽ rất thuận tiện, không cần phải lục tìm nhiều nơi. Quyển sách này in ra rồi, chúng tôi đã đặt một cái tên cho nó là “Chư Kinh Phật Thuyết Địa Ngục Tập Yếu”, phân lượng một quyển cũng tương đối lớn, là kinh Phật chuyên giảng về địa ngục.

Việc giáo dục nhân quả trong thời đại ngày nay quan trọng hơn bất cứ thứ gì, chúng ta nên xem nhiều để đề cao cảnh giác, nhất định không được có tâm bất thiện đối với người. Ngôn ngữ bất thiện, hành vi bất thiện hết thảy đều gặp phải quả báo rất đáng sợ. Không phải nói bạn làm rồi thì vô sự, nhân duyên quả báo nhất định là chân thật. Kinh Phật thường nói “không phải không báo mà thời giờ chưa đến”.

Hiện tại tạo tác một số tội nghiệp mà quả báo chưa hiện tiền, nguyên nhân là gì? Là do trong đời quá khứ bạn đã tu phước báo, phước báo đó của bạn vẫn chưa hưởng hết, bạn hiện tại hưởng thụ là dư phước mà trong đời quá khứ đã tạo, khi hưởng hết phước báo này rồi thì nghiệp tội của bạn, tội báo của bạn liền hiện tiền, không thể không biết đạo lý này.

Cho nên hiểu được những chân tướng sự thật này thì chúng ta sẽ cảm nhận được sanh tử đáng sợ, sanh tử quá khổ, không thể tiếp tục tạo lục đạo luân hồi nữa. Nếu tạo quả báo sanh tử nữa, nói lời thành thật thì chính là oan oan tương báo trong lục đạo, vẫn là không tránh khỏi những sự việc báo ân báo oán, đòi nợ trả nợ. Đời đời kiếp kiếp đang tạo nhân, đời đời kiếp kiếp đang thọ báo, bạn nói xem có ý nghĩa gì chứ?

Cho dù làm thiện bạn có thể hưởng được một chút phước báo trời người, suy cho cùng thời gian cũng ngắn tạm, hưởng hết phước báo rồi thì chủng tử tập khí ác từ vô lượng kiếp trong A-lại-da lại hiện tiền, xác thực là sẽ ở trong lục đạo. Bạn không ra khỏi lục đạo thì nhất định là thời gian ở trong ba đường ác dài, thời gian trong ba đường thiện ngắn, đây là lời chân thật. Cho nên Phật Bồ-tát khuyên chúng ta liễu sanh tử thoát luân hồi.

Muốn liễu sanh tử thoát luân hồi trước tiên phải hiểu luân hồi từ đâu mà có? Phật ở trong kinh nói rất hay, vô minh phiền não, trần sa phiền não, kiến tư phiền não, ba loại phiền não này là nghiệp nhân của luân hồi. Kinh Hoa Nghiêm không nói đến danh từ này, điều mà Kinh nói chúng ta dễ hiểu hơn, đó là: chấp trước, phân biệt, vọng tưởng. Chấp trước chính là kiến tư phiền não, phân biệt chính là trần sa phiền não, vọng tưởng chính là vô minh phiền não.

Sử dụng danh từ không giống nhau, nhưng là cùng một việc, chỉ cần bạn có vọng tưởng phân biệt chấp trước thì bạn sẽ không có cách nào thoát khỏi lục đạo luân hồi, bạn nói xem sự việc này phiền phức biết bao. A-la-hán thoát ly được lục đạo luân hồi rồi, nguyên nhân là gì?

Họ không có chấp trước, cái ý niệm chấp trước đối với hết thảy pháp thế xuất thế gian đều không còn nữa, đương nhiên đã không còn loại hành vi này nữa, cho nên họ mới có thể siêu vượt lục đạo luân hồi. Tuy siêu vượt lục đạo luân hồi rồi nhưng họ không ra khỏi được mười pháp giới. Ngoài lục đạo luân hồi là Tứ Thánh pháp giới, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật.

Ở trong đây cũng có Phật, là Phật trong mười pháp giới, không siêu vượt ra được. Vì sao vậy? Họ có phân biệt, tuy rằng không có chấp trước nhưng họ có phân biệt, cho nên phải không có cái tâm phân biệt đối với hết thảy pháp thế xuất thế gian, không còn ý niệm này nữa thì siêu vượt mười pháp giới, siêu vượt mười pháp giới mới được gọi là Nhất Chân pháp giới.

Trong Nhất Chân pháp giới mới từ từ mà đoạn trừ vọng tưởng, vọng tưởng là vô minh. Vô minh có 41 phẩm, 41 phẩm vô minh này ở trong Nhất Chân pháp giới từ từ đoạn dứt, đoạn tận rồi thì mới là Phật quả cứu cánh viên mãn. Đây là điều mà hết thảy kinh Phật thường gọi là pháp môn đại đạo. [Nhưng đối với] chúng ta thì vô cùng khó khăn, đây chính là mức thấp nhất.

Nghiệp nhân của lục đạo luân hồi chính là chấp trước, chúng ta gọi là tình chấp. Tình chấp rất đáng sợ, nhất định không thể nào rời khỏi luân hồi. Tình càng sâu thì càng đọa lạc đi xuống, tình sâu nhất là địa ngục, hướng lên thì tầng trên mờ nhạt hơn tầng dưới một chút.

Kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng minh bạch, những kinh luận này bạn nhất định phải thường đọc, không đọc thường xuyên thì sẽ quên mất, sẽ bị xã hội này mê hoặc, quên mất sự việc này. Thường xuyên đọc tụng, thường xuyên suy nghĩ, bạn càng nghĩ thì thấy càng đáng sợ, càng nghĩ thì tâm xuất ly mới có thể sanh ra được.

Chân thật muốn ra khỏi lục đạo luân hồi, chân thật muốn vãng sanh Tịnh Độ thì cái “thâm tín thiết nguyện” đó của bạn liền sanh khởi, “thâm tín thiết nguyện” mới là “Bồ-đề tâm” mà trong kinh đã nói. Cái tâm này không phải là dễ dàng, thật sự là trong một vạn người niệm Phật, khó có được 2-3 người chân thật có được lòng tin kiên định bất di bất dịch như vậy. Tin sâu nguyện thiết như vậy lại nhất hướng chuyên niệm, một phương hướng, một mục tiêu, nhất định không thay đổi. Bất luận là người nào đến nói với ta, ta tuyệt đối đều không dao động, ta nhất định sẽ không thay đổi.

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 334
Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Người niệm Phật là người có phước

Định Tuệ

Nhìn thấu buông xả: Đời sống thanh tịnh tự tại, giải thoát

Định Tuệ

Niệm Phật tâm miệng phải tương ưng, thiết tha chân thành

Định Tuệ

Thiện báo ác báo như bóng theo hình

Định Tuệ

Niệm Nam Mô A Di Đà Phật mới giúp chúng ta liễu thoát sanh tử

Định Tuệ

Thần Chú là gì? Công đức, lợi ích của người đọc tụng thần chú

Định Tuệ

Học Phật càng ngạo nghễ ngã mạn còn chuốc phải ma chướng

Định Tuệ

Tịnh Nghiệp Tam Phước

Định Tuệ

Người tu Tịnh Độ làm thế nào để niệm Phật được bền lâu?

Định Tuệ

Viết Bình Luận