Tứ như ý túc, có nghĩa là bốn phép làm nơi nương tựa cho các công đức thiền định, thần thông được thành tựu mỹ mãn như ý muốn của mình.
1. Tứ như ý túc là gì?
Tứ như ý túc là bốn phép thiền định. Nói cho rõ đó là bốn phương tiện giúp chúng ta thành tựu các tam ma địa Samadhi: (chánh định), vì thế nên cũng gọi là định pháp.
“Như ý” là được như ý mình muốn. “Túc” là chân, có nghĩa nương tựa mà cũng có nghĩa là đầy đủ. Tứ như ý túc, có nghĩa là bốn phép làm nơi nương tựa cho các công đức thiền định, thần thông được thành tựu mỹ mãn như ý muốn của mình. Bởi lý do ấy, nên cũng gọi nó bằng tên Tứ thần túc.
Luận Câu xá quyển 25 có nói: “Vì sao định mà gọi là thần túc? Vì các công đức linh diệu thù thắng đều nương nơi bốn định này mà được thành tựu“.
Bốn định ấy là:
- Dục như ý túc
- Tinh tấn như ý túc
- Nhất tâm như ý túc
- Quán như ý túc.
2. Nội dung của Tứ như ý túc
a. Dục như ý túc
Dục là mong muốn. Mong muốn một cách thiết tha, mong muốn cho kỳ được, mong muốn cho đến khi mãn nguyện mới thôi. Ðó gọi là dục như ý túc. Nhưng mong muốn cái gì? Tại sao đã là Phật tử mà còn “dục”, còn mong muốn?
Trước tiên, chúng ta nên nhận định rõ ràng tánh chất của sự mong muốn ở đây. Có thứ mong muốn thỏa mãn những thú tánh, những tham vọng, đó là mong muốn tội lỗi, nên diệt trừ. Có thứ mong muốn hướng thượng, trong lành, như mong muốn sống một cuộc đời đẹp đẽ, thanh cao, mong muốn được giải thoát ra ngoài biển khổ sinh tử, đó là thứ mong muốn hợp lý, đáng khuyến khích.
Người Phật tử mong muốn được thành đạt pháp tiền định mình đang tu, để tiến lên chứng các Thánh quả. Thứ mong muốn này rất cần cho người tu hành; nếu không mong muốn thiết tha, mãnh liệt thì khó mà đi đến đích giải thoát được. Ðây cũng là một sự cải chính rất hùng hồn để đánh tan quan niệm sai lầm cho rằng: người Phật tử phải diệt dục, mà diệt dục nghĩa là diệt tất cả, diệt luôn cả sự sống.
Thật ra diệt dục ở đây tức là dục vọng, diệt những phần ham muốn xấu xa đê hèn, làm cho con người bị đọa xuống hàng thấp thỏi như loài súc sinh, địa ngục, chứ đâu có diệt luôn cả những chí nguyện, những mong ước, những đức tánh tốt đẹp của con người.
Sự mong muốn sau nầy, người Phật tử không bao giờ lãng quên, trái lại họ trút cả tâm tư hướng về cái đích mình đang nhắm, những pháp mình đang tu. Người thế gian ưa thích vật dục mạnh mẽ như thế nào, thì người tu hành mong muốn thành tựu những pháp thiền định của mình cũng mạnh mẽ như thế ấy. Có như thế, hành giả mới tăng tiến mãi trên bước đường tu hành của mình.
b. Tinh tấn như ý túc
Dục như ý túc khởi lên ước muốn mãnh liệt, nguyên lực phi thường thì Tinh tấn như ý túc tiếp sức thêm, tinh cần nỗ lực để thành tựu ước muốn ấy.
Tinh tấn trong Tinh tấn như ý túc khác với tinh tấn bình thường vì “Tu tập Như Ý Túc cùng với tấn định tinh cần hành”, có nghĩa là năng lực của dục có định hỗ trợ, cộng thêm sức mạnh của tấn có định tiếp sức. Như vậy, sức mạnh của Tinh tấn như ý túc vươn tới mục tiêu không có gì lay chuyển nổi. Người tu tập có Tinh tấn như ý túc thì không thể bạc nhược, ươn hèn, yếu đuối trước những khó khăn, vất vả, trước những thử thách gian lao, trước những chông gai, cạm bẫy.
Hình ảnh một lực sĩ điền kinh với những bước chân kiên trì nỗ lực trên đường dài, không một phút giây nào thụt lùi ý chí, nhưng khi chỉ còn một quãng ngắn, y sẽ lấy hết sức lực như tung ra năng lượng cuối cùng để vươn tới vạch đích. “Kiên trì nỗ lực trên đường dài” là tinh cần, là tấn – mà “lấy hết năng lực cuối cùng” là Tinh tấn như ý túc vậy.
Tôn giả Ānanda là bậc Thánh Hữu Học, chỉ mới đắc quả Dự Lưu nên không được tôn giả Mahā Kassapa cho tham dự lễ kết tập kinh điển lần thứ nhất sau ba tháng Phật diệt độ, vì điều kiện phải là bậc A-la-hán. Mặc dù nhân số đại hội chỉ 499 vị, thiếu một vị mới đủ túc số nhưng tôn giả Mahā Kassapa vẫn cương quyết cấm cửa bậc Đa Văn! Thế là đêm ấy, tôn giả Ānanda nhiệt tâm tinh cần không mệt mỏi, nỗ lực tu tập để mong đắc quả A-la-hán để sớm mai đủ điều kiện tham dự đại hội. Có lẽ cả đêm tôn giả đã tấn quá sức, cho đến gần sáng thì Tấn Như Ý Túc cũng đã tiêu hao hết giọt năng lượng cuối cùng nên ngài định nghiêng lưng một chút. Ngay giây khắc ấy, giây khắc nghiêng lưng ấy, có lẽ Tấn Như Ý Túc của tôn giả đã trọn vẹn rồi nên ngài đắc quả A-la-hán (Chuyện không ở nơi nào giải thích, nhưng ai cũng thầm hiểu là tôn giả Mahā Kassapa cương quyết cấm cửa tôn giả Ānanda vì ngài biết trước là sau một đêm, bậc Đa Văn sẽ đắc quả A-la-hán – vì nếu không, chỉ có tạng Luật được kết tập do ngài Upāli tuyên đọc mà không có tạng Kinh cùng nửa tạng Abhidhamma!).
c. Nhất tâm như ý túc
Nhất tâm là tâm chuyên nhất vào định cảnh, không bao giờ tán loạn. Một con sông lớn, nếu bị chia nhiều ngành tất nhiên sức chảy của nó bị yếu. Trái lại, một giòng suối nhỏ, nếu chỉ chảy một đường, cũng đủ sức xoi thủng đá. Người tu hành, tâm được chuyên nhất, không bị tán loạn, thì muôn sự đều thành. Phật có dạy: “Như người chứa nước, khéo giữ bờ đê, người tu hành giữ nước trí tuệ cũng vậy, phải khéo tu thiền định, chớ cho tán động“.
d. Quán như ý túc
Quán nghĩa là dùng trí tuệ sáng suốt quán sát pháp mình đang tu. Quán trí ấy do định mà phát sinh, trí ấy là tịnh trí. Vì tịnh cho nên nó có thể như thật thông đạt thật nghĩa (chân lý) của các pháp (vũ trụ).
3. Kết luận
Tóm lại, lợi ích của Tứ Như Ý Túc thật là bất khả tư nghì. Trích phẩm Tương Ưng Như Ý Túc:
“- Những tỷ-kheo nào trong thời quá khứ, này các tỷ-kheo, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí đã chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả các vị ấy đều nhờ đã tu tập, đã làm cho sung mãn bốn Như Ý Túc. Những tỷ-kheo nào trong thời tương lai, này các tỷ-kheo, đã đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, sẽ tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn Như Ý Túc. Những tỷ-kheo nào trong thời hiện tại, này các tỷ-kheo, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tất cả những vị ấy đều nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn Như Ý Túc”.
Đức Phật còn dạy thêm:
“- Người chỉ tu tập thuần thục một pháp Như Ý Túc sẽ làm cho ba pháp Như Ý Túc còn lại trở nên sung-mãn – Như Lai gọi người ấy là người có một phần tư (1/4) Như Ý Túc. Tương tự như vậy, người tu thuần thục hai pháp Như Ý Túc, Như Lai gọi là người có hai phần tư (2/4) Như Ý Túc. Rồi ba phần tư (3/4) Như Ý Túc. Còn người thuần thục, sung mãn bốn pháp Như Ý Túc, Như Lai mới gọi là Con Người Toàn Diện”.
Ngoài ra, Đức Phật còn nói đến sự lợi lạc khác nữa:
Tứ Như Ý Túc còn được gọi là pháp trưởng (adhipaṭidhamma) vì nó sẽ làm cho những pháp đi chung (sahagaṭajāṭi) được phát triển lớn mạnh (trong 37 phẩm trợ đạo).
Nói tóm lại, có thể quả quyết rằng, tất cả mọi công việc hay nghề nghiệp sinh sống ở đời nếu không có, không đầy đủ Tứ Như Ý Túc thì không thể thành công, thành tựu cái gì được cả. Muốn thành một bác sĩ, một kỹ sư, một nhà giáo, một nhà khoa học… ai cũng đi từng giai đoạn trong tiến trình Như Ý Túc nầy. Đầu tiên là phải có ước muốn thích hợp với ước mơ của mình (dục), thứ nữa phải cố gắng cần chuyên, nỗ lực đúng mức cho ước muốn ấy (cần), tiếp theo là phải quyết tâm thực hiện cho bằng được (tâm), cuối cùng là xem lại kết quả, thấu hiểu trọn vẹn nghề nghiệp của mình (thẩm).
Như vậy, có Tứ Như Ý Túc hướng đến thành công trên đường đời và có Tứ Như Ý Túc hướng đến đạo, quả Niết-bàn.
Do vậy, hãy lên đường, hãy tu tập, dù chưa trọn vẹn, nhưng chỉ một phần Như Ý Túc cũng đã kết quả hạnh phúc nhân thiên và gieo duyên giác ngộ, giải thoát trong mai hậu không xa vậy.
Tâm Hướng Phật/TH!