Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Địa ngục là do nghiệp lực của chính mình biến hiện ra

Những phán quan, tiểu quỷ, ngưu đầu, mã diện chấp pháp trong địa ngục cũng là nghiệp lực chính mình biến hiện, bạn có thể trách ai? Đích thực là tự làm tự chịu.

Khi tôi mới học Phật, chưa xuất gia, ban đầu tiếp xúc Phật pháp, một người bạn giới thiệu cho tôi lão tiên sinh Chu Kính Vũ (người bạn này của tôi là đồng hương với lão cư sĩ Chu). Lão cư sĩ Chu là người học Phật. Ông là người Ôn Châu Chiết Giang. Vào lúc đó tôi còn rất trẻ, mới 26 tuổi, lão tiên sinh lúc đó khoảng 71 tuổi. Ông nhìn tôi như nhìn một đứa bé, rất là thương yêu. Ông đã thành lập một xưởng in Kinh ở Đài Loan, tất cả Kinh sách in ra ông đều tặng cho tôi. Lão tiên sinh lúc đó đã về hưu rồi, chuyên làm công việc in Kinh này. Chuyện kể của ông rất nhiều, chúng tôi thường hay gặp ông là để nghe ông kể chuyện. Những câu chuyện đó đều là thật, không phải là giả. Ông đã từng kể cho tôi nghe một câu chuyện, nói rõ không có nghiệp lực này thì địa ngục ở ngay trước mặt bạn cũng không nhìn thấy. Câu chuyện này như sau:

Đó là câu chuyện của nhạc phụ của ông ở Trung Quốc, tên là Chương Thái Viêm (ông là con rể của Chương Thái Viêm). Chương Thái Viêm là Đại Sư trong giới học thuật Trung Quốc vào đầu năm dân quốc, Phác học Đại Sư, cũng rất nổi tiếng. Ông ở Bắc Kinh. Vào lúc đó Viên Thế Khải đương quyền. Ông không mắng Viên Thế Khải. Vì sao không mắng? Không đáng được ông mắng. Lời nói này về sau có một số người nịnh với Viên Thế Khải liền đem câu nói này báo cáo với Viên Thế Khải, Viên Thế Khải nghe rồi rất tức giận, liền cho bắt ông lại, nhốt vào trong lao ngục hơn một tháng. Thực tế ông không có tội gì hết, chỉ là không chịu mắng ông ấy.

Trong một tháng ngồi trong lao ngục, ông lại xuất hiện một kỳ tích, Đông Nhạc Đại Đế mời ông đi làm phán quan (Đông Nhạc Đại Đế thấp hơn một bậc so với vua Diêm La, Vua Diêm La cũng giống như tổng thống của một nước vậy, vị Đông Nhạc này chúng ta gọi là Ngũ Nhạc. Đông Nhạc Đại Đế cũng là một đại quỷ vương, quản rất nhiều tỉnh). Địa vị phán quan tương đối cao, cũng giống như tổng thư ký. Buổi tối thì ông đến nơi đó làm việc. Ông nói, khi sắp hoàng hôn thì có hai quỷ nhỏ mang kiệu đến mời ông lên kiệu, rồi khiêng kiệu đến nơi làm việc, đến sáng sớm ngày hôm sau, khi trời sáng thì đưa ông trở về. Sau khi ra khỏi nhà giam, ông vẫn còn làm phán quan, đã làm một thời gian tương đối dài. Ông có cơ hội thấy được tình hình ở trong Âm Tào Địa Phủ. Có lúc bạn bè nói chuyện với nhau, ông đem việc mà buổi tối ông đi làm, nói ra cho mọi người nghe. Đó là thật! Ở âm gian, tuy là chủng tộc không như nhau, quốc gia không như nhau, tiếng nói không như nhau, nhưng dường như khi ở Âm Tào lời nói đều thông, đôi bên nói chuyện đều không có chướng ngại, đều có thể hiểu nhau, đó là một hiện tượng kỳ diệu. Ăn uống, đi đứng của họ cũng gần giống như thế gian này vậy, chỉ là không thấy được thái dương, nên ngày của họ là vĩnh viễn tối đen. Cõi ngạ quỷ là vĩnh viễn tối đen, không có ánh sáng mặt trời, mãi mãi là tối đen, tối âm u.

Có một lần, ông nghĩ đến trong địa ngục này có một loại hình phạt gọi là pháo lạc, chính là đem một cây cột đồng đốt lên đỏ rực, bắt người thọ hình phải ôm lấy. Ông Chương Thái Viêm là một người học Phật, một Phật tử thuần thành, ông nói loại hình phạt này quá tàn khốc, nên yêu cầu Đông Nhạc Đại Đế bỏ đi. Ông nói: “Ngài có thể bỏ đi không? Nếu Ngài bỏ đi, chẳng phải Ngài đã làm được một việc thật tốt, có đại công đức rồi sao?”. Đông Nhạc Đại Đế nghe xong rồi nói: “Ông có thể đi xem qua trước hình trường” và liền phái ra hai tiểu quỷ dẫn ông đi đến hiện trường. Vị tiểu quỷ này dẫn ông đi qua rất nhiều con đường, đến nơi hiện trường, tiểu quỷ đứng yên bất động và nói: “Đến rồi! Mời phán quan Ngài đến xem”. Thế nhưng ông không hề thấy, thế là bỗng nhiên hiểu ra, mới biết được ở trong Kinh Phật nói địa ngục là do nghiệp lực biến hiện ra, không phải do vua Diêm La thiết lập. Do nghiệp lực biến hiện, bạn không có nghiệp lực này, dù có ở ngay trước mặt bạn cũng không thấy được. Dường như câu chuyện này, lão cư sĩ Chu ở cuối đời đã viết lại trong trước tác của ông. Đây đều là việc chân thật. Bạn không có tạo ra nghiệp này thì không thể nhìn thấy được. Trên Kinh Địa Tạng nói, địa ngục chỉ có hai người có thể thấy được, có thể đi đến được. Một chính là người tạo tác ra nghiệp địa ngục, người chịu hình phạt thì mới nhìn thấy. Ngoài ra một người nữa là Bồ Tát, Bồ Tát vào trong đó giáo hóa chúng sanh. Nếu như bạn không phải thuộc hai người này thì cảnh giới địa ngục ở ngay trước mặt cũng nhìn không thấy. Cho nên về sau cư sĩ Chương Thái Viêm không nói nữa, mới biết được việc này không phải do sức người làm ra, mà là do nghiệp lực của chính họ biến hiện ra cảnh giới này, họ đến thọ tội. Thực tế mà nói, những phán quan, tiểu quỷ, ngưu đầu, mã diện chấp pháp trong địa ngục cũng là nghiệp lực chính mình biến hiện, bạn có thể trách ai? Đích thực là tự làm tự chịu.

Cho nên, chúng ta tạo tác ba nghiệp nhất định phải cẩn trọng, quá khứ đã tạo ra tội nghiệp thì phải mau hồi đầu. Hồi đầu thì được cứu, không nên sợ quá khứ đã tạo ra tội nghiệp rất nặng, sợ tương lai chịu báo. Nếu bạn thật có cái tâm lo sợ này thì bạn được cứu rồi, còn nếu như bạn vẫn cứ mờ mịt không biết, vậy thì bạn hết cứu. Vì sao biết ta có cái tâm lo sợ, có cái tâm e ngại, có cái tâm hối cải thì được cứu không? Xưa nay thí dụ này rất nhiều, hiện rõ ra từ bi của nhà Phật, chân thật gọi là đại từ đại bi, quay đầu là bờ, chỉ sợ bạn không quay đầu, vừa quay đầu thì liền được cứu. Chúng ta xem thấy ở trong “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh”, vua A Xà Thế giết cha, hại mẹ ruột, đoạt lấy ngôi vua, cùng với Đề Bà Đạt Đa liên kết lại phá hoại Tăng đoàn, tội ngũ nghịch đều đã tạo ra. Giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật ra máu, họ đều làm. Tội nghiệp đó nhất định đọa vào địa ngục A Tỳ. Thế là Phật ở trong “A Xà Thế Vương Kinh” nói với chúng ta, khi ông lâm chung sám hối, chân thật hối cải, biết được việc làm cả đời của ông đã tạo là sai, đặc biệt sai, ông dùng tâm sám hối này niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, cho nên ông được vãng sanh. Cả đời ông tạo ra tội nghiệp nặng như vậy mà còn có thể vãng sanh. Trong suy nghĩ của ta, ông vãng sanh đại khái chỉ vãng sanh hạ hạ phẩm, nhưng ở trên Kinh Phật nói với chúng ta, phẩm vị vãng sanh của ông là thượng phẩm trung sanh. Như vậy chúng ta mới hiểu rõ, vãng sanh là có hai phương thức, một là bình thường tích lũy công đức, thành thật niệm Phật vãng sanh, hai là lâm chung sám hối vãng sanh. Sám hối vãng sanh, phẩm vị của bạn thế nào thì hoàn toàn xem ở tâm sám hối của bạn, xem ở lực sám hối của bạn.

Một người tạo ra tội nghiệp cực trọng, đến lúc lâm chung chân thật sám hối còn có thể vãng sanh, còn có thể được độ, đây là đạo lý gì vậy? Thực tế mà nói, đạo lý là một, không phải là hai, “vạn pháp do tâm”, chính là Hoa Nghiêm đã nói “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, xem cách chuyển tâm niệm của bạn như thế nào. Bạn phải chuyển được nhanh, bạn phải thật chuyển lại được. Đây là một thí dụ tạo tội ngũ nghịch mà được thượng phẩm trung sanh, chúng ta xem thấy được ở trên Kinh.

Ngoài ra còn có một thí dụ rất rõ ràng, pháp sư Oánh Kha vào triều nhà Tống (việc này ở trong Vãng Sanh Truyện, trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đều có). Ông là một người xuất gia, phá giới, không giữ thanh quy, đại khái giới luật thanh quy ông thảy đều phạm hết. Thế nhưng ông có một chỗ rất tốt, ông biết được chính mình đã tạo ra tội nghiệp, chính điểm này đã cứu ông. Ông biết được tương lai ông nhất định sẽ đọa địa ngục, nghĩ đến những sự khủng khiếp trong địa ngục nên ông lo sợ, liền thỉnh giáo với các bạn đạo đồng tu của ông có cách gì có thể cứu ông không, có cách nào làm cho ông không đọa vào địa ngục không? Có một bạn đồng tu liền lấy cuốn Vãng Sanh Truyện đưa cho ông xem. Sau khi ông đọc rồi rất là cảm động, liền hạ quyết tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Việc này trong truyện ký ghi chép, ông đóng kín phòng của ông lại, niệm một câu A Di Đà Phật đến cùng, ông không hề ngủ, không ăn thứ gì, niệm ba ngày, ba đêm thì niệm ra được Phật A Di Đà. Phật A Di Đà nói với ông: “Ông còn có mười năm dương thọ, trong mười năm này ông cố gắng tu hành, khi đến lúc lâm chung, ta sẽ trở lại tiếp dẫn ông”. Có cảm ứng như vậy! Chân thật là chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng, xem tâm chân thành của bạn, tâm chân thành thì niệm ra được Phật. Pháp sư Oánh Kha liền nói với Phật A Di Đà: “Tập khí của con quá nặng, không thoát khỏi mê hoặc, cho nên mười năm nữa không biết con sẽ phạm phải bao nhiêu tội. Tuổi thọ mười năm con không cần nữa, bây giờ con đi liền với Ngài”. A Di Đà Phật liền đồng ý, Ngài nói: “Được! Ba ngày sau ta đến tiếp dẫn ông”. Oánh Kha rất là vui mừng: “Tốt quá! Ba ngày sau Phật đến tiếp con, con theo Ngài vãng sanh”. Ngài liền mở cửa ra, hân hoan vui mừng nói với mọi người trong chùa: “Ba ngày sau tôi sẽ vãng sanh”. Người trong chùa đều cho là thần kinh của ông không bình thường, một người ác đến như vậy, ba ngày sau thì làm gì có thể vãng sanh? May mà thời gian ba ngày không dài, mọi người náo nhiệt, thử xem ba ngày sau ông có vãng sanh được không! Khi đến sáng sớm ngày thứ ba, ông tắm qua thân thể, thay bộ quần áo mới, xin các đồng tu thời khóa sáng nay chúng ta thảy đều niệm A Di Đà Phật đưa ông vãng sanh; nội dung khóa tụng thì thay đổi một chút, đọc Kinh A Di Đà, niệm Phật hiệu, đưa ông vãng sanh. Khi Phật hiệu niệm được đại khái thời gian chỉ có một giờ đồng hồ, thời gian không dài lắm, ông liền nói với mọi người: “Phật A Di Đà đến rồi (ông nhìn thấy được, người khác thì không nhìn thấy), tôi đi với Phật A Di Đà đây. Cáo biệt mọi người!”. Nói rồi ông liền đi. Ông thật được vãng sanh rồi, không hề có bệnh. Cách biểu diễn của ông nói với chúng ta một việc, trên Kinh Di Đà đã nói: “Nếu một ngày, nếu hai ngày, cho đến bảy ngày…” không hề sai. Bình thường có làm việc xấu, một câu Phật cũng không niệm, vậy mà niệm Phật chỉ ba ngày thì có thể vãng sanh. Đây không phải là giả, là thật đấy!

Ngày nay chúng ta đóng cửa phòng lại, niệm ba mươi ngày cũng không thể vãng sanh, đây là do nguyên nhân gì? Tâm của bạn là giả, không phải là thật, bạn không phải dùng tâm chân thật, trong mỗi câu Phật hiệu còn có vọng tưởng xen tạp ở trong đó. Bạn không biết địa ngục là đáng sợ, Oánh Kha biết được địa ngục là đáng sợ, không vãng sanh thì phải đọa địa ngục, thật đáng sợ. Ông chỉ có hai con đường, không có cách chọn lựa khác. Ông sợ chịu khổ địa ngục, nên toàn tâm toàn lực chuyên chú một ý niệm cầu vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Việc này nói rõ, cho dù đời trước đã tạo tội nghiệp, hoặc giả ngay trong đời này tạo tội nghiệp cũng không sợ, chỉ cần chân thật đầy đủ ba điều kiện tín-nguyện-hạnh này, ngay cả chúng sanh địa ngục cũng có thể ở ngay trong một đời thành Phật, làm Tổ. Pháp môn không thể nghĩ bàn!

Chúng ta mở miệng ra, vì sao không niệm Phật? Tại vì sao phải nói chuyện phiếm? Cho nên mọi người phải biết, bạn không niệm Phật, bạn liền tạo khẩu nghiệp, thì bạn phải chịu khổ báo ở ba đường. Một ngày từ sớm đến tối tiếp xúc với người, người này thì tốt, người kia thì xấu, đều là nói thị phi nhân ngã. Bạn học Phật, đọc Kinh, bái Phật, lễ Phật, tu một chút công đức đó đều bị rơi mất từ nơi cửa miệng của bạn, những gì bạn tích lũy lại đều là tội nghiệp, vô lượng vô biên tội nghiệp. Bạn phải giác ngộ, bạn phải thông hiểu, phải mau hồi đầu. Cái miệng này ngày ngày niệm A Di Đà Phật chính là xưng tán Như Lai. Trong lòng nhớ Phật, miệng niệm Phật, không xen tạp, không gián đoạn, được vô lượng vô biên công đức mà bạn không làm, lại đi tạo tội nghiệp, vậy thì không còn cách nào.

Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 12
Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Tu hành: Cục đá cột chân người tu

Định Tuệ

Tu tịnh khẩu là tu như thế nào? Tu sao để không mắc khẩu nghiệp?

Định Tuệ

Người thế gian khổ đến cùng cực

Định Tuệ

Thiền là gì? Là khi tâm lặng, tinh thần tươi sáng, trí tuệ phát huy

Định Tuệ

Thọ Bát quan trai giới vào ngày nào? Lợi ích của Bát quan trai giới

Định Tuệ

Dưỡng tâm còn quan trọng hơn dưỡng thân

Định Tuệ

Phật tử đi chùa như thế nào mới đúng?

Định Tuệ

Tin sâu nguyện thiết, trì danh niệm Phật được lợi ích trong ba đời

Định Tuệ

Vì sao nói Tịnh độ môn là pháp môn cực viên đốn?

Định Tuệ

Viết Bình Luận