Chúng ta niệm kinh Di Đà mỗi ngày mà chẳng nhận ra. Niệm mấy chục năm vẫn chẳng phát hiện. Thích Ca Mâu Ni Phật do niệm A Di Đà Phật mà thành Phật, thật đấy, chẳng giả tí nào!
“Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” (tâm này là Phật, tâm này làm Phật): Đức Thế Tôn đã nói câu này trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. Đối với hiện thời, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta gặp nhiều kẻ chẳng học Phật hiểu lầm Phật, có thể dùng điều này để giải thích cho kẻ ấy. Phật là gì? Phật là chân tâm của quý vị. Ma là gì? Ma là vọng tâm. Trong tám tướng thành đạo của Tiểu Thừa có hàng ma, Đại Thừa không có. Đại Thừa biết Phật và ma là một, chẳng hai. Giác ngộ, ma bèn thành Phật; mê rồi, Phật biến thành ma, chuyện là như vậy đó, thảy đều là chính mình. Nói cách khác, mê là ma, giác là Phật. Tâm thì sao? Tâm không có giác hay mê, giác hay mê là vọng tâm, chân tâm chẳng có giác hay mê. Vì vậy, đã giác ngộ, mà quý vị còn ý niệm giác ngộ, tức là quý vị vẫn chưa giác ngộ, vẫn rớt trong hai ba (tam tâm, nhị ý). Hai ba là bất giác; [nhận thấy] mê và giác đối lập, làm gì đi nữa thì vẫn là hai thứ! Câu cuối cùng nói rất hay: “Bất khả tư nghị” (Chẳng thể nghĩ bàn). Chuyện này quý vị chẳng thể nghĩ nổi. Hễ vừa nghĩ liền trật, vừa nghĩ tới liền mê. Quý vị chẳng thể nói được, hễ nói thì cũng mê rồi! Thốt không nên lời! Nói không nên lời, cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật nói suốt bốn mươi chín năm, tuy nói suốt bốn mươi chín năm, [nhưng đúng như] đức Phật đã nói rất hay: “Nói mà chẳng nói, chẳng nói mà nói”. Chúng ta nghe lời này càng nghe càng hồ đồ, lời Ngài nói là thật. Ngài nói lời giả, chúng ta nghe hiểu rõ lắm, chẳng có vấn đề gì. Ngài nói lời thật, càng nghe càng hồ đồ! Chúng ta phải biết dụng tâm để hiểu. Do vậy, đức Phật mới bảo chúng ta: Quý vị phải biết nghe. “Biết nghe” là như Mã Minh Bồ Tát đã dạy trong Khởi Tín Luận: “Ly ngôn thuyết tướng”, [nghĩa là] quý vị nghe, nhưng đừng chấp trước tướng nói năng. Nghe nhưng chẳng chấp trước, chẳng phân biệt sẽ là đúng. Nói cách khác, thật sự có thể chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, ai nghe như vậy? Phật nghe như vậy. Có khởi tâm, động niệm, nhưng chẳng có phân biệt, chấp trước, ai nghe như thế? Bồ Tát nghe như thế. Có khởi tâm, động niệm, vẫn còn phân biệt, nhưng không chấp trước, đó là cái nghe của A La Hán. Nếu khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, thảy đều trọn đủ, đó là cái nghe của phàm phu. Quý vị thấy đó: Đều là nghe, nhưng khác nhau, cảnh giới lãnh hội khác nhau.
Quý vị thấy danh từ Khởi Tín trong bộ Khởi Tín Luận của Mã Minh Bồ Tát, đó chính là nhập môn. Đại Thừa nhập môn liền cho quý vị biết: Thật ra, đối với khởi tâm động niệm, nói thật ra, chúng ta chẳng có cách nào, nó quá vi tế. Di Lặc Bồ Tát bảo: “Trong một khảy ngón tay, có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, làm sao chúng ta có thể phát hiện được? Chúng ta làm sao có thể đoạn sạch niệm? Chẳng thể nào! Do chúng ta chẳng phải là bậc thượng thượng thừa, nhưng chúng ta có thể học theo bậc thượng thừa. Bậc thượng thừa là Bồ Tát, Bồ Tát có khởi tâm động niệm, quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước, quý vị sẽ nghe được nghĩa chân thật của Như Lai. Có phân biệt, chấp trước, quý vị nghe xong, nói đã hiểu, thì đó là ý nghĩa của chính quý vị, chẳng phải [ý nghĩa] do đức Phật nói. Lại nói rõ hơn một chút, đấy chẳng phải là kiến giải do Tánh Đức của quý vị, mà là kiến giải trong A Lại Da Thức. Vì sao? Vì quý vị có phân biệt, chấp trước, vẫn là A Lại Da làm chủ tể! A Lại Da là vọng tâm. Tri kiến trong vọng tâm, chẳng phải là chân tâm, còn cách chân tâm một tầng; do điều này mà biết tu hành Phật pháp là tu gì? Chính là hai chữ “buông xuống”, buông xuống là được!
Thật sự có thể đạt đến chẳng nghĩ bàn, điều gì cũng chẳng nghĩ tới, điều gì cũng chẳng nói tới, người ta hỏi, quý vị bèn trả lời. Chẳng hỏi, cái gì cũng không biết; còn hễ hỏi tới, điều gì cũng biết. Không ai hỏi quý vị, tâm quý vị hoàn toàn ở trong Định. Đó là Căn Bản Trí, kinh Bát Nhã bảo là “Bát Nhã vô tri”. Lúc không có duyên, Bát Nhã vô tri, ở trong đại định, đó chính là cảnh giới Đại Niết Bàn thanh tịnh, tịch diệt. Người khác có cảm, quý vị lập tức có ứng; khi ứng thì “không gì chẳng biết”, đó là gì? Căn Bản Trí khởi tác dụng, không gì chẳng biết. Giống như trong kinh đã kể chuyện ngài Xá Lợi Phất: Ngài Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất, không có vấn đề nào bắt bí Ngài được! Bao nhiêu người thỉnh giáo Xá Lợi Phất, Ngài đều đối đáp trôi chảy. Có người tới hỏi Thích Ca Mâu Ni Phật, vì sao Xá Lợi Phất có đại trí huệ như vậy? Trí huệ của Ngài do đâu mà có? Phật giơ cái trống lên. Gõ trống, đức Phật lấy cái trống làm tỷ dụ, Ngài nói: “Ông có thấy cái trống này hay chăng?” “Dạ thấy”. “Bên trong cái trống có gì hay không?” “Không có, trống trơn!” Là hai tấm da căng ra; gõ nó, gõ mạnh, kêu to, gõ nhẹ, kêu nhỏ, chẳng gõ, chẳng kêu! Đức Phật nói trí huệ trong tâm Xá Lợi Phất giống như cái trống. Nếu quý vị chẳng gõ, cái gì cũng đều không có. Nếu quý vị gõ, Ngài sẽ lập tức có phản ứng. Đó là gì? Tự tánh Bát Nhã, chẳng phải do bên ngoài mà có, bên ngoài không có. Học những thứ từ bên ngoài quá khổ sở. Cảnh giới bên ngoài là duyên, sẽ cảm. Giống như chúng ta đọc kinh, mở kinh văn ra, đối trước văn tự, văn tự là cảm, chúng ta phải ứng, do tự tánh ứng, nên sanh trí huệ. Nếu chúng ta dùng phân biệt hay chấp trước để ứng, nói theo cách người hiện thời là “nghiên cứu”, nghiên cứu theo kiểu nào, nghiên cứu tới, nghiên cứu lui cũng đều là phiền não, đều là tri kiến sai lầm, chẳng phải là chánh tri chánh kiến. Đức Phật nói “chánh tri chánh kiến”, chớ nên nghiên cứu, nghiên cứu là suy nghĩ, bàn bạc. Chớ nên nghiên cứu thì gọi là gì? Danh từ Phật học là “tham cứu”, không gọi là nghiên cứu. Tham cứu và nghiên cứu khác nhau ở chỗ nào? Trong nghiên cứu có phân biệt, có chấp trước; trong tham cứu không có phân biệt, chấp trước; khác nhau ở chỗ này! Tham cứu là trí huệ, nói thẳng thừng thì trong ấy chắc chắn không có hiện tượng cong vạy, chúng ta học Đại Thừa chẳng thể không biết điều này!
Tiếp đó, dẫn sách Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư. Trong Di Đà Kinh Yếu Giải có một đoạn như thế này: “Nhất thanh A Di Đà Phật, tức Thích Ca Bổn Sư ư ngũ trược ác thế sở đắc chi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề pháp. Kim dĩ thử quả giác toàn thể thọ dữ trược ác chúng sanh, nãi chư Phật sở hành cảnh giới, duy Phật dữ Phật năng cứu tận, phi cửu giới tự lực sở năng tín giải dã” (Một tiếng A Di Đà Phật, chính là pháp để Thích Ca Bổn Sư đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trong đời ác ngũ trược. Nay đem toàn thể quả giác này trao cho chúng sanh trược ác, đấy chính là cảnh giới do chư Phật đã hành, chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu tột cùng, chẳng phải là chín giới cậy vào tự lực mà hòng tin hiểu được). Đây là nói rõ, thuyết minh đơn giản pháp môn này khó tin, khó hiểu. Vì sao khó tin, khó hiểu? Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật như thế nào? Ngẫu Ích đại sư đã vạch trần bí mật: Niệm A Di Đà Phật bèn thành Phật. Lời này ở đâu vậy? Nói ngay trong kinh Di Đà. Chúng ta niệm kinh Di Đà mỗi ngày mà chẳng nhận ra. Niệm mấy chục năm vẫn chẳng phát hiện. Thích Ca Mâu Ni Phật do niệm A Di Đà Phật mà thành Phật, thật đấy, chẳng giả tí nào! Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật đã dạy chúng ta một nguyên lý, nguyên tắc: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Nghĩ đến Phật bèn thành Phật, chúng ta hằng ngày tưởng A Di Đà Phật, quý vị quyết định thành Phật; quý vị mỗi ngày tưởng Quán Âm Bồ Tát, sẽ thành Quán Âm Bồ Tát. Quán Âm Bồ chẳng phải là một người, A Di Đà Phật cũng chẳng phải là một người, nhất định phải biết điều này. Quán Âm, Di Đà vô lượng vô biên thân, quý vị niệm các Ngài, sẽ hòa cùng một Thể với các Ngài, Tự, Tha bất nhị! Trong [Tam Thời] Hệ Niệm Pháp Sự, thiền sư Trung Phong đã nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Niệm danh hiệu này là đức hiệu của tự tánh, Quán Âm Bồ Tát cũng là đức hiệu của tự tánh, một đằng được kiến lập từ quả, một đằng kiến lập từ nhân. Danh hiệu Phật là nói theo Quả, danh hiệu Bồ Tát là nói theo nhân, Thể đều là tự tánh, chẳng rời khỏi tự tánh.
Câu này rất quan trọng, Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật như thế nào? Điều này được chính đức Phật dạy rõ trong kinh. Đây là pháp để Ngài đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, cả câu này là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán thì có thể dịch là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. A là Vô, chữ A trong A Di Đà Phật phải dịch là Vô; Nậu Đa La là Thượng, [A Nậu Đa La là] Vô Thượng; Tam là Chánh, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Chánh; Miệu là Đẳng, tức Đẳng trong bình đẳng. Phía sau lại có một chữ Tam là Chánh, Bồ Đề là Giác. Do vậy, dịch toàn bộ sang nghĩa tiếng Hán là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, có thể dịch, chứ không phải là chẳng thể dịch. Vì sao không dịch? Do tôn trọng, nên không dịch. Trong pháp Đại Thừa, quý vị tu học nhằm hướng đến mục tiêu gì? Chính là câu này! Nói cách khác, Đại Thừa nhằm cầu chính điều này, chứ không có gì khác. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là tự tánh giác, chẳng phải điều gì khác, cũng là nói “trở về tự tánh”. A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề sẵn có trong tự tánh, “đắc” là “trở về”. Nói theo mặt Tướng, Tịnh Độ Tông nói bốn cõi, Thường Tịch Quang Tịnh Độ trong bốn cõi chính là điều này, nó tương ứng với Thường Tịch Quang. Trong Thường Tịch Quang, không có hiện tượng vật chất, mà cũng chẳng có hiện tượng tinh thần, nó tồn tại, chẳng có sanh diệt. Khi Huệ Năng đại sư khai ngộ, đã nói năm câu về Thường Tịch Quang: “Vốn tự thanh tịnh, vốn chẳng sanh diệt, vốn tự trọn đủ, vốn chẳng lay động, có thể sanh ra vạn pháp”. Sanh ra vạn pháp như thế nào? Có một niệm bất giác, vạn pháp liền xuất hiện. Một niệm bất giác gọi là “vô thỉ vô minh”, quý vị phải nhớ, đức Phật giảng rất rõ ràng, rất minh bạch. “Vô thỉ”, “thỉ” (始) là bắt đầu, [vô thỉ là] không có bắt đầu. Vì sao có một niệm bất giác? Chẳng có lý do, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng có sự gì. Nếu quý vị muốn truy cứu một niệm bất giác, vì sao có một niệm bất giác, quý vị đọa lạc ngay lập tức. Quý vị thấy quý vị có phân biệt, có chấp trước, liền từ chỗ cao nhất rớt xuống lục đạo luân hồi. Do vậy, đức Phật dùng danh từ này hay lắm, vô thỉ! Quý vị chớ nên truy cứu, đừng nên truy cứu nó bắt đầu khi nào, chớ nên truy cứu, đúng là vô thủy.
Mãi cho đến khi đọc phần đối thoại giữa đức Thế Tôn và Di Lặc Bồ Tát, chúng tôi mới hơi hiểu rõ chân tướng sự thật này. Vì sao nó vô thỉ? Nó quá ngắn ngủi! Quý vị hãy nghĩ xem, nay chúng ta tính trong một giây khảy ngón tay bốn lần, một niệm là thời gian bao lâu? Một ngàn hai trăm tám mươi triệu phần của một giây, quý vị có thể nói nó bắt đầu từ đâu hay chăng? Chúng ta nói “bắt đầu” thì chẳng biết đã trải qua bao nhiêu niệm, bởi lẽ, niệm tồn tại trong một thời gian quá ngắn ngủi, tạm bợ. Kinh thường nói là một “sát-na” là thời gian cực ngắn, nhưng ngắn đến mức nào, sẽ nói mơ hồ, chẳng rõ ràng. Di Lặc Bồ Tát giảng rõ ràng chuyện này, chẳng mơ hồ tí nào: “Một cái khảy ngón tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”. Chúng ta khảy ngón tay lẹ làng, có thể là tôi khảy nhanh hơn, được năm lần, nói chung khảy chừng bốn lần. Nếu khảy năm lần, sẽ là một ngàn sáu trăm triệu, tức là năm nhân với ba trăm hai mươi triệu, quý vị thấy tốc độ lẹ như thế, làm sao có thể nói nó có sanh diệt? Vì thế, chẳng thể nói nó sanh diệt, tính không kịp! Do vậy, kinh Phật bảo là “sanh diệt đồng thời”. Chữ “đồng thời” có thể giảng theo cách này. Bất sanh bất diệt chỉ có thể nói theo cách này. Quý vị phải thật sự hiểu ý nghĩa của cách nói này. Nếu thật sự chẳng sanh diệt, nói “bất sanh bất diệt” chẳng phải là nói nhảm, nói dư thừa hay sao? Xác thực có sanh diệt, nhưng sanh diệt với tốc độ quá nhanh, quý vị không có cách nào quan sát, mắt chẳng thể thấy được, ý niệm nghĩ không ra; cho nên chỉ nói sự sanh diệt ấy là bất sanh bất diệt. Trong bất sanh bất diệt có sanh diệt, sanh diệt chính là bất sanh diệt, bất sanh diệt chính là sanh diệt, quý vị mới hiểu chân tướng sự thật rõ ràng, minh bạch. Chúng ta hiểu rõ ràng, minh bạch thì nói thật ra, vẫn là phân biệt, chấp trước; chẳng dùng đến phân biệt, chấp trước, vẫn không hiểu rõ lắm, chẳng hiểu rõ rệt! Vì sao? Chưa biết dùng chân tâm, mà chính là dùng vọng tâm. Thật sự chưa hiểu rõ lắm thì quý vị đừng cố nữa, hãy cứ thật thà niệm A Di Đà Phật, về thế giới Cực Lạc sẽ chẳng hiểu rõ ràng ư? Đây là biện pháp tốt đẹp, cần gì phải chuốc lấy phiền phức? Cung kính niệm kinh Đại Thừa một biến, đấy là công đức; nhưng quý vị khởi tâm động niệm suy nghĩ “kinh có ý nghĩa gì”, công đức bị phá sạch! Công đức chẳng còn nữa, biến thành phước đức. Phước đức khác công đức. Vì sao chúng ta vẫn phải niệm? Niệm nhằm tu Định, dùng phương pháp đọc kinh để nhiếp tâm, buông tất cả vọng tưởng, chấp trước xuống. Đọc kinh cũng chẳng dấy vọng tưởng, cũng không khởi chấp trước, đọc kinh là tu Định. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, đây cũng là một pháp môn, vấn đề là chính mình có biết sử dụng hay không.
Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 4
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang