Phản bổn hoàn nguyên có nghĩa là chúng ta xưa như thế nào thì trở lại như thế đó; song khi xưa bổn lai như thế nào? Lúc xưa cái gì cũng chẳng có.
1. Phản bổn hoàn nguyên là gì?
Phật Giáo thường nói “Phản bổn hoàn nguyên,” có nghĩa là chúng ta xưa như thế nào thì trở lại như thế đó; song khi xưa bổn lai như thế nào? Lúc xưa cái gì cũng chẳng có. Cho nên bây giờ hoàn nguyên tức là quay trở lại trạng thái mà cái gì cũng chẳng có.
Hễ mình có một chút chấp trước tức là có chướng ngại. Có chướng ngại thì không thể ra khỏi Tam Giới, cho nên nhất định phải phá thủng mọi chấp trước. Khi tới chỗ chẳng có gì cả, thì đó là lúc mình khôi phục lại bộ mặt thật của chính mình. Hiện tại mình muốn có cũng chẳng được, chờ tới khi mình chẳng muốn gì cả thì mọi thứ đều có đủ. Trí huệ sẽ hiện tiền, thần thông sẽ hiện tiền, diệu dụng sẽ hiện tiền.
Tại sao mình chẳng có trí huệ, thần thông? Là vì mình đi hết chỗ này đến chỗ khác lượm lặt những thứ rơm rác, còn những thứ vàng bạc châu báu thì mình không muốn. Cái bản hữu quý giá của chính mình thì mình chẳng muốn, lại vất bỏ đi, mà chỉ đi tìm những thứ rác rưởi rồi tự cho mình là thông minh lắm. Ðúng ra thì thật là hết sức si mê vậy!
2. Dùng tâm bình thường để học Phật
“Lộ dao tri mã lực,
Nhật cửu kiến nhân tâm.”
Dịch là:
“Trải đường dài xa, biết sức ngựa,
Lâu ngày chày tháng, rõ lòng người.”
Kẻ học Ðạo không phải chỉ một ngày một đêm mà có thể học được Phật Pháp. Cần có thời gian lâu dài để thể nghiệm đạo lý Phật dạy, theo đạo lý đó mà tu hành mới có thể thành tựu được.
Người chân chính nhận thức được Phật Pháp thì chẳng kinh hãi, sợ sệt, chẳng vui cũng chẳng buồn. Phật Pháp thì như vậy: chẳng có gì đáng lo âu khiếp sợ, cũng chẳng có gì đáng vui hay đáng buồn cả. Phải luôn giữ trạng thái “như như bất động, liễu liễu thường minh,” vì đó chính là bản chất của Phật Pháp vậy!
3. Học Phật thì đừng tham danh lợi
Người học Phật Pháp cần phải luôn luôn thành thật dụng công mà tu hành, như hai chân đứng vững trên mặt đất (cước đạp thực địa), không được mưu đồ hư danh.
Ham thích hư danh thì chẳng ích lợi gì cho việc tu Ðạo. Muốn làm những việc “hữu thực vô danh” thì không được tham cầu chuyện “hữu danh vô thực”; nghĩa là không tham cầu cái danh giả dối, có tiếng mà không có miếng. Còn như làm những việc chân thật được biểu hiện ra ngoài thì được gọi là “hữu thực vô danh”!
Các vị đừng nên tham cầu cái hư danh; mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý niệm đều phải chân thật. Lòng tâm chân thật, làm việc chân thật, chính là bản sắc của tín đồ Phật giáo. Tâm mình sung mãn đạo đức, học vấn và trí huệ thì lúc đó mới gọi là có bản lãnh!
Ðừng tham cái danh hão, đừng thích cái lợi giả của thế gian; nếu không thì cũng giống như “cánh hoa giả” chẳng bao giờ có thể sinh “quả” thật được. Ðó là điểm hết sức quan trọng, mong các vị chú ý!
4. Tu đạo cần phải phản bổn hoàn nguyên
Thân Phật không phải do ngũ uẩn tích tụ mà thành, cũng không phải từ mười hai xứ hay mười tám giới đem lại. Phật đã không có một cái hình tướng, vì sao chúng sanh có thể thấy ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật? Đó là tùy thuộc tâm phân biệt của chúng sanh mà thị hiện.
Bởi chúng sanh có tâm phân biệt tốt hoặc không tốt, Phật muốn chúng sanh muốn phát tâm Bồ Đề, nên thị hiện loại loại thân thể không giống nhau, làm cho tâm hoan hỷ tăng lên, lòng tín ngưỡng tăng lên. Đó là pháp môn phương tiện rất khéo.
Người thanh niên suy tưởng tìm người con gái đẹp đẻ làm hiền nội, người con gái nghĩ tìm một chàng trai anh tuấn để làm phu quân. Điều đó chứng minh người người đều thích đẹp, không ai thích xấu. Người ta đều đồng tâm, đồng lý như vậy, ai ai cũng muốn có vợ đẹp, chồng quắc thước. Đó là thường tính của con người, cũng là việc thiên kinh địa nghĩa.
Có người hỏi: “Pháp sư giảng kinh, vì sao giảng đến điều nầy?” Quí vị nói không nên giảng cái gì? Người xưa nói: “Đạo của người quân tử, khởi đầu ở chồng vợ.” Trên thế giới nầy chỉ có hai người nam nữ. Đôi nam nữ nầy không phải Adam và Eva, cũng không phải đức Chúa Trời dùng đất bùn nặn ra nam nữ để đến thế giới nầy. Nói tóm lại, cái thế giới nầy do tổ chức vợ chồng tạo ra.
Có chồng vợ, sau đó có cha con, anh em, có anh có tôi. Nam nữ vốn là âm dương. Cho nên nói: “Một âm một dương gọi là đạo, rời khỏi âm dương đạo chẳng thành”. Lại nói: “Một mình âm không sanh, một mình dương không lớn”. Đó là đạo lý tự nhiên.
Chúng ta tu đạo cần phải phản bổn hoàn nguyên. Người nam tu đạo, phải do như chữ Ly trong bát quái, nghĩa là ba vạch ngang, nhưng vạch giữa trống, phản hồi đến chữ Càn, ba vạch kín liền. Người nữ tu đạo, phải do chữ Khảm, ba vạch thời chỉ vạch giữa liền còn vạch trên vạch dưới đứt làm hai, trở về chữ Khôn, ba vạch đều đứt đôi thành sáu khúc. Càn đại biểu cho nam, Khôn đại biểu cho nữ. Người nam cần trở về đồng chơn (đồng nam), người nữ phải quay về đồng nữ. Người nam cần giống như Thiện Tài Đồng Tử, người nữ cần phải giống như Long Nữ. Họ đều là đồng nam, đồng nữ, đã trải qua phản bổn hoàn nguyên. Chúng ta tu đạo cũng giống như thế, bảo trì vóc dáng nhi đồng, như vậy mới dễ dàng chứng đắc pháp thân thanh tịnh.
Nhân vì chúng sanh có tâm phân biệt, có thiện ác, có đẹp xấu, có phải trái, có mọi vấn đề như đen trắng, cho nên Phật theo tâm của chúng sanh, thể hiện ra mọi thứ thân thể, khiến chúng sanh thấy được thân Phật. Cho nên nói: “Ngàn sông có nước, ngàn sông có mặt trăng, muôn dặm không mây là muôn dặm trời”. Phật là tùy duyên hóa thân. Tâm chúng sanh như nước yên lặng, Phật bèn hiện ở trong. Vì sao chúng ta không thấy đuợc thân Phật? Bởi chúng ta có tư dục quá nặng, vô minh quá nặng, cho nen trí huệ không hiện ra. Tâm như nước đục, có Phật cũng chẳng hiện ra được.
Vô minh tức là đen tối, trí huệ là ánh sáng. Có vô minh ắt có phiền não, có phiền não sẽ ngu si, có ngu si mới đen tối, có đen tối là không có ánh sáng, không có ánh sáng là không có trí huệ, không có trí huệ sẽ không thấy được Phật. Đó là một chuổi liên đới quan hệ. Muốn thấy Phật thân, phải siêng tu giới, định, huệ, tức diệt tham sân si. Như thế tự nhiên Phật thân hiện ra trước mắt, hiện ra thuyết pháp cho hành giả.
Tâm Hướng Phật/Th/Trích: Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng giải!