Những đồng tu học Phật chớ nên không biết điều này! Bởi lẽ, Phật pháp phải lưu thông, hễ những thứ gì có lợi ích cho chúng sanh đều nên lưu thông.
Lưu thông Pháp Bảo công đức vô lượng. Lưu thông Pháp Bảo thuận lòng chư Phật, là đại từ đại bi phổ độ chúng sanh. Do vậy, phải lưu thông Phật pháp.
Phật pháp không chú trọng đến quyền lợi, quý vị thấy đằng sau những bản chú giải của các vị đại đức từ xưa, những bản chú giải ấy do các Ngài trước tác, hoàn toàn không ghi thêm câu “giữ bản quyền, in lại ắt sẽ truy cứu trách nhiệm”.
Các Ngài đều khuyên người khác lưu thông, “hoan nghênh ấn hành, công đức vô lượng”. Đấy là đại từ đại bi, đấy là chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, thực hành đại nguyện của quý vị.
Trước tác của chính mình còn ghi thêm câu “hoan nghênh ấn hành, công đức vô lượng”, huống hồ trước tác của cổ nhân, huống hồ là kinh điển!
Tôi thấy hiện thời có rất nhiều kinh điển phía sau có nơi phần bản quyền cũng in thêm câu “giữ bản quyền, in lại ắt sẽ truy cứu trách nhiệm”, ai có bản quyền?
Bản quyền kinh A Di Đà thuộc về Cưu Ma La Thập đại sư, Ngài phiên dịch kinh ấy nhưng không giữ bản quyền, ai sẽ truy cứu?
Cưu Ma La Thập đại sư không truy cứu, ai dám truy cứu? Sớ Sao là tác phẩm của Liên Trì đại sư, Liên Trì đại sư không kiện ra tòa, ai dám thay Ngài kiện ra tòa?
Trong thời kỳ Mạt Pháp, có những kẻ buôn bán Như Lai, trong kinh đã giảng rất rõ ràng chuyện này, nhưng họ vẫn coi Phật pháp như hàng hóa để buôn bán.
Trong kinh nói rất rõ rệt: Tội lỗi ấy có quả báo là A Tỳ địa ngục. Chướng ngại lưu thông, quả báo là A Tỳ địa ngục. Hiện tại, những kẻ ấy được lợi ích bé tí teo, sau này mắc khổ quả to đùng! Ngu si đấy!
Những đồng tu học Phật chớ nên không biết điều này! Bởi lẽ, Phật pháp phải lưu thông, hễ những thứ gì có lợi ích cho chúng sanh đều nên lưu thông.
KINH A DI ĐÀ SỚ SAO DIỄN NGHĨA – QUYỂN 1, TRANG 84/ PS TỊNH KHÔNG!