Tại vì sao ngày nay cả thế giới lại hỗn loạn như vậy? Tại vì sao tai nạn nhiều như thế? Nguyên nhân này rốt cuộc là do đâu?
Tại vì sao ngày nay cả thế giới lại hỗn loạn như vậy? Tại vì sao tai nạn nhiều như thế? Khoa học kỹ thuật thì đang tiến triển từng ngày, nhưng đối với tai nạn, với sự động loạn thì không có cách giải quyết, một chút giải pháp cũng chẳng có. Nguyên nhân này rốt cuộc là do đâu? Cổ Thánh tiên Hiền nói với chúng ta, Phật pháp cùng với lời chúng tôi đã nói càng rõ ràng hơn, là đến hoàn cảnh cực điểm, chính là ý niệm thiện và ác, ở trong Phật pháp nói chính là giác và mê.
Các nhà khoa học rất thông minh nhưng họ chưa có giác ngộ, họ vẫn là đang mê, mê mà không giác, chắc chắn là tà mà không chánh, nhiễm mà không tịnh, hay nói cách khác, mê tà nhiễm đã tạo thành hiện tượng này. Muốn cho thế giới này có thể trở lại bình thường, tiêu tai miễn nạn, người dân thật sự có thể trải qua cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn, nhất định phải trở về với giác chánh tịnh. Đây là cuộc sống tương tự với pháp giới bốn Thánh. Sự thật thì tầng lớp của nó không đồng.
Làm thế nào để tạo dựng được khi giác chánh tịnh không tương đồng, chưa đạt được sự viên mãn? Trình độ không tương đồng. Trình độ của Phật nói là Nhất Chân pháp giới, lấy Nhất Chân pháp giới làm trình độ căn bản. Bên trong Nhất Chân pháp giới không có sự thay đổi. Tại sao không có sự thay đổi? Bởi vì hết thảy tất cả chúng sanh, sáu căn đối với sáu trần ở bên ngoài đều không khởi tâm động niệm, đều không có sự phân biệt chấp trước, cho nên cảnh giới của nó không thay đổi.
Giống như ở trong Kinh Vãng Sanh chúng ta đã đọc được, nhìn thấy được tình huống ở Thế giới Cực Lạc không có sự biến đổi, người là do hóa sanh. Không giống như chúng ta ở nơi đây, đến cõi người này, từ lúc còn nhỏ từ từ lớn lên. Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không như vậy. Nếu như còn nhỏ từ từ lớn lên, đó chính là hiện tượng sanh diệt. Họ thì không phải vậy mà là do hóa sanh, khi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thân hình giống như A Di Đà Phật vậy. Họ là do biến hóa ra, là hóa sanh, không phải là thai sanh, cho nên họ không có thay đổi, họ không bị già yếu đi, họ vĩnh viễn không bị bệnh. Từ “bệnh” này ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc không nghe nói đến, từ già cũng không nghe nói đến.
Từ đó cho thấy, trong giai đoạn hiện tiền này của chúng ta, việc đoạn ác tu thiện là quan trọng hơn hết. Đoạn ác tu thiện không phải là lợi ích cho người khác, mà là lợi ích cho chính mình. Chúng tôi nói là lợi ích cho người khác nhiều nhất chỉ ba phần, lợi ích cho bản thân ít nhất là bảy phần. Lợi ích người khác là chân thật lợi ích của bản thân. Việc làm lợi ích cho người khác, người khác chỉ được lợi ích có ba phần, bản thân nhất định được bảy phần. Con số này phải tính cho rõ ràng thì bạn mới vui vẻ đi làm. Bản thân đạt được lợi ích như thế nào? Không phải là được sự giàu có, không phải là đạt được công danh, không phải là được sự danh vọng lợi dưỡng, vậy thì được cái gì? Là được trí huệ. Trí huệ khai rồi thì đức tướng hiện tiền. Đức là năng lực, năng lực hiện tiền, tướng hảo hiện tiền, tướng mạo của bạn thay đổi rồi, thể chất thay đổi rồi.
Bất luận là ở trong hoàn cảnh nào, điều này ở trong Phật pháp có nói, thuận cảnh nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên, bạn đều được tự tại, đều sanh tâm hoan hỷ. Đây là sự thọ dụng chân thật, trong Phật pháp hay nói là thường sanh tâm hoan hỷ. Đây là thật, không phải giả, đây là sự thọ dụng chân thật của Phật pháp. Học Phật mà điều này một chút thọ dụng cũng không đạt được, vậy là học thật uổng công, càng học lại càng thấy đau khổ, vậy là sai lầm quá lớn rồi. Học Phật thì phải càng học càng sanh trí huệ, càng học càng vui thích. Tại sao vậy? Trí huệ khai rồi, bạn hiểu được chân tướng của vũ trụ nhân sanh.
Chân tướng là gì vậy? “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bào ảnh”. Cho nên sau khi bạn khế nhập cảnh giới rồi thì tư tưởng kiến giải của bạn sẽ thay đổi, hành vi của bạn hết thảy đều thay đổi, so với lúc chưa học Phật nhất định là có sự khác nhau. Đó chính là lúc chưa học Phật, niệm niệm là vì chính mình, thật sự là tự tư tự lợi. Sau khi thật sự hiểu rồi thì niệm niệm là vì chúng sanh. Ý niệm thay đổi rồi, vì chúng sanh nên họ biểu diễn.
Tôi ở Úc Châu có người đến hỏi tôi, Phật pháp của các bạn là những gì? Tôi trả lời là diễn kịch, hàng ngày biểu diễn cho người khác xem. Diễn kịch gì vậy? Làm tấm gương tốt cho người khác xem. Điều này thật sự có thọ dụng. Người của xã hội hiện nay thông thường là không biết hiếu thuận cha mẹ, chúng ta biểu diễn làm một tấm gương hiếu thuận với cha mẹ cho mọi người xem.
Hiện nay người không biết tôn sư trọng đạo, chúng ta thể hiện ra một tấm gương tôn sư trọng đạo để cho họ xem. Hiện nay con người không biết sống chung hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta làm tấm gương sống chung hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau để cho mọi người xem. Việc này phải nên làm.
Tôi đến Úc Châu mua được một ngôi giáo đường của đạo Tin Lành. Ngôi giáo đường này đã mục nát rồi nên tu sửa lại. Sau khi tu sửa thì có thể sử dụng. Chúng tôi tổ chức tiệc chiêu đãi những người hàng xóm, phát thiệp mời họ đến dùng cơm. Khách đến rất là đông. Chúng tôi giới thiệu cho họ biết ý tưởng của chúng tôi khi chúng tôi đến chỗ này. Bởi vì thành phố này nhỏ, thật sự đa số là đạo Tin Lành, không có các tôn giáo khác, chúng tôi đến đây là một tôn giáo khác.
Lúc chúng tôi mới đến thì họ có chút khó chịu, sau khi chúng tôi giới thiệu thì họ mới hiểu. Tôi nói chúng tôi chọn địa điểm này để thực hiện công tác giáo dục. Đại khái là buổi tiệc liên hoan chúng tôi làm cũng không tệ, họ dùng rất là vừa ý. Sau khi dùng xong thì họ nói với chúng tôi: “Pháp sư! Sự kiện như thế này Ngài có thể tổ chức thêm vài lần nữa được hay không?”. Tôi nói: “Được! Nếu như mọi người hoan hỷ, vào buổi cơm mỗi tối thứ bảy hàng tuần là buổi dạ tiệc ấm áp”. Cho nên chúng tôi liên kết được với tín đồ đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành ở cùng địa phương với nhau, cùng sống chung hòa thuận. Chúng tôi chỉ mời họ đến dùng cơm, chỉ tán gẫu với họ, tuyệt đối không nói chuyện tôn giáo, tuyệt đối không lôi kéo tín đồ.
Hai năm sau đó, tâm của mọi người đã bình trở lại, cảm thấy chúng tôi là người thiện – người tốt. Điều này là do họ khẳng định, không ngờ là trên thế gian này vẫn còn có người có lòng tốt như vậy. Chúng tôi là người có tấm lòng tốt. Hiện nay chúng tôi vẫn đang xây dựng, cũng sắp hoàn thành rồi, ngày 12 tháng 10 năm nay sẽ tiến hành buổi lễ khánh thành.
Sau buổi lễ khánh thành, thì các buổi tiệc chiêu đãi sẽ được đổi tên lại là buổi dạ hội ấm áp. Bởi vì buổi tối chỉ có dùng cơm, buổi cơm tối sẽ có biểu diễn. Nội dung biểu diễn của chúng tôi là nội dung vừa được bàn đến, chúng tôi sẽ diễn những điều trái ngược lại những hiện tượng không tốt của xã hội để cho họ xem. Chúng tôi biểu diễn hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng, anh em yêu thương nhau, chính là đối với tất cả người sự vật chung sống với nhau. Chúng tôi sẽ biểu diễn những nội dung này. Các câu chuyện trong lịch sử có rất nhiều, đều sẽ được đem lên sân khấu để dạy trung hiếu, nhân nghĩa.
Buổi dạ tiệc này chính là cơ hội để giáo dục, dạy cho người ta nhân cách sống. Cho nên hiện nay, nếu có thể để cho xã hội khôi phục được sự an định hòa bình, thì giáo học là gốc, một cái là Hiếu, một cái là Đễ. Hay nói cách khác, cái gốc đó chính là hiếu thân tôn sư. Những điều này phải được biểu diễn thường xuyên. Mỗi một vở, chúng tôi sẽ biểu diễn một lần trong một tuần, mỗi một lần biểu diễn nhất định phải có tiết mục về hiếu – đễ, sau đó sẽ phối hợp với các tiết mục âm nhạc khác, chủ đề là như vậy.
Con người nếu thật sự biết hiếu thảo, bất luận là vào lúc nào, khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm, họ đều phải cẩn trọng. Tại sao vậy? Nếu như không thiện, tự bản thân sẽ biết giác ngộ, hối lỗi với cha mẹ. Cái lực ràng buộc này rất lớn. Tâm hạnh bất thiện thì có lỗi với lão sư. Hết thảy các thiện pháp, nếu theo duyên mà nói, là từ ở chỗ này mà sanh ra.
Từ ở trên nhân mà nói, điều này Phật pháp nói rất hay, không tham – không sân – không si là ba thiện căn. Ba thiện căn vẫn còn ba thiện duyên. Duyên là luân thường tám đức, thông thường chúng ta nói là đạo đức. Hiếu – đễ – đạo đức là ba thiện duyên. Bây giờ chúng ta phải biểu diễn, chúng ta phải thật làm, phải nói, tất cả đều không lìa bỏ hiếu – đễ – đạo đức. Kinh điển cũng từ chỗ này mà nói.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 289 – 290
Tâm Hướng Phật/St!