Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Tu hành là gì? Tu hành cuối cùng đạt được điều gì?

Tu hành là gì? Tu hành không có nghĩa đơn giản chỉ là đi đến chùa thắp nhang, cúng dường, tụng kinh… Tu hành thật sự cần phải tu nơi tâm ý, chỉnh sửa ba nghiệp cho tốt đẹp.

1. Tu hành là gì?

Tu hành không có nghĩa đơn giản chỉ là đi đến chùa thắp nhang, cúng dường, tụng kinh… là đủ, bởi vì những việc đó chỉ mới là sự tu ở trên hình thức bên ngoài. Tu hành thật sự cần phải tu nơi tâm ý, chỉnh sửa ba nghiệp cho tốt đẹp.

“Tu” là sửa đổi ba nghiệp: thân, miệng và ý cho tốt hơn. Trong đó, quan trọng nhất là tu sửa cái miệng. Lúc trước muốn gì thì cứ nói và làm mà không sợ nhân quả cũng không biết chỉnh sửa thành tốt. Bây giờ đã biết đạo, mỗi khi muốn nói hoặc làm một việc gì, cũng đều phải suy xét cẩn thận liệu việc đó có lợi cho mình và ích cho người tiến tới mục đích giác ngộ hay không rồi mới nói hoặc làm.

Bên cạnh đó, việc tu tập về ý niệm cũng không kém phần quan trọng. Trong một ngày đêm có vô số ý niệm trồi lên lặn xuống, nhưng hầu hết đều trái ngược với đạo lý và luôn chạy theo Ngũ dục, Lục trần. Bây giờ, tu hành là chỉnh sửa những ý niệm đó cho hợp với đạo lý bằng cách học tập và ứng dụng những phương pháp quán xét về lẽ thật của thân và tâm. Ngoài ra, thực hành phương pháp niệm Phật theo hơi thở: “Hít vào A-di; Thở ra Đà-Phật”, tĩnh tọa để thu nhiếp những ý niệm loạn động lăng xăng đó về một chỗ, giúp cho trí tuệ soi chiếu lẽ thật, chấm dứt mọi mê lầm.

Sự thực hành sửa đổi ba nghiệp như vậy chính là tu. Tu hành không có nghĩa đơn giản chỉ là đi đến chùa thắp nhang, cúng dường, tụng kinh… là đủ, bởi vì những việc đó chỉ mới là sự tu ở trên hình thức bên ngoài. Tu hành thật sự cần phải tu nơi tâm ý, chỉnh sửa ba nghiệp cho tốt đẹp. Người biết tu khác với mọi người là thay vì ngày đêm chỉ biết chạy theo tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, địa vị, ăn uống, ngủ nghỉ và bao thứ cám dỗ của các vật chất khác, thì an phận sống với tinh thần ‘ít muốn biết đủ’ để dành nhiều thời gian tu luyện tâm trí, nhận ra cái tâm sáng suốt vô sinh ở ngay nơi mình. Đó gọi là khác về mặt vật chất ở bên ngoài.

Ngoài ra, tu hành còn phải khác về mặt hàng phục những tâm niệm sinh tử ở bên trong tâm của mình như: tham, sân, si hay bảy thứ tình cảm mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét và muốn, gọi là Thất tình luôn khuấy rối ở bên trong. Thu nhiếp, tiết chế và hàng phục những tâm ý loạn động đó, chuyển ác thành thiện, chuyển mộng thành chơn, chuyển mê thành ngộ trong từng phút từng giây trong cuộc sống hằng ngày cho nhân cách, đạo đức được nâng cao đến chỗ trọn vẹn, mới là sự tu hành thiết thực và có hiệu quả.

Khi những vấn đề xuất hiện trong cuộc sống, chúng ta thường cảm giác chúng làm rối loạn việc tu hành của chúng ta. Kỳ thực, tu hành và cuộc sống là một thể, chúng là nhất tính và đồng hành.

Mục đích của tu hành cũng là vì giải quyết những vấn đề trong thực tế cuộc sống. Cách ly cuộc sống mà nói chuyện tu hành, chẳng giống như né tránh vấn đề hay sao?

Nấu cơm rửa bát, làm việc nhà cũng là một loại tu hành.

Bao nhiêu khổ não sinh ra trong vũ trụ, thường khiến con người chuyển hướng suy nghĩ về sự yên ổn, quy ẩn nơi núi rừng, mạc thiên tịch địa, ngồi thiền, hành bộ…

Tuy nhiên, định nghĩa của tu hành tuyệt không phải chỉ có ngần ấy. Tu hành ngay trong cuộc sống, cần phải dũng cảm hơn những người tu ẩn một mình rất nhiều lần, phải cân bằng giữa công việc và gia đình, giữa áp lực và sức khỏe, giữa những mong muốn, cảm xúc, vui vẻ, khổ đau cùng vô thường. Tìm cầu sự cân bằng trong cái mối quan hệ phức tạp đan xen, trái lại càng có thể khiến chúng ta nhìn rõ bản chất thực của cuộc sống.

Đơn giản mà nói, chỉ cần bạn chuyên chú thì lập tức việc nấu cơm, rửa bát, trông trẻ nhỏ… cũng là một loại tu hành.

Vậy nên, chỉ cần thời thời khắc khắc kiểm tra tự ngã, loại bỏ những kiêu mạn, tham cầu, kỳ vọng và sợ hãi của bản thân, để đạt được một tâm hồn thanh tĩnh, thấy được các tầng thứ khác nhau của sinh mệnh, bạn và tôi đều sẽ thành những người thầy trong cuộc sống.

Tu hành tức là… ở đâu có vấn đề thì ở đó có tu sửa.

Ở nơi chùa chiền, thiền đường, đại sơn lâm, ở những nơi xung quanh toàn người tâm tính tốt, không xuất hiện vấn đề gì, vậy thì tu làm sao?

Tu hành không phải là hiển thị ra bên ngoài, kiểu như: “Nhìn xem tôi tu tốt chưa này? Tôi là một người tu”, mà là hướng vào chính bản thân, ví như: “Vấn đề này dù khó cũng không cản được tôi; khó cũng không thành vấn đề; cái gì cũng không thể mang đến vấn đề rắc rối hoặc phiền não cho tôi…”

Tu hành không phải vì để gặp Phật bên ngoài, mà vì để gặp chính mình trước nhất, tu cho tròn trước nhất đạo làm người…

Chân chính tu hành không ở nơi núi sâu, cũng không tại đền chùa hay thoát ly xã hội, mà chính ở trong hiện thực cuộc sống mà tôi luyện tâm can. Môi trường, hoàn cảnh chính là nơi tu đạo tốt nhất mà bạn nên tận dụng.

Tu hành là gì? Tu hành cuối cùng đạt được điều gì?

2. Tu hành cuối cùng đạt được điều gì?

Có người hỏi vị Tăng sĩ: “Thầy lúc nào cũng tu tu hành hành vậy thông qua tu hành, cuối cùng đạt được cái gì?”

Vị tăng sĩ trả lời:

“Cái gì cũng không đạt được”.

Người này lại hỏi:

“Vậy ngài còn Tu Hành làm gì?”

Vị tăng sĩ mỉm cười nói:

“Thế nhưng tôi cũng có thể nói với cậu những thứ tôi mất đi”.

Tôi từ từ mất đi tâm oán hận, ỷ lại, hẹp hòi, xoi mói, chỉ trích, bi quan và cầu vọng;

Mất đi sự nông cạn, tầm nhìn hạn hẹp, mất đi hết thảy những thứ gây ra bao trầm luân đau khổ đó là tham, sân, si…

Thật ra chân lý của tu hành không phải vì muốn đạt được mà chính là phải vứt bỏ đi hết thảy những cái tâm chấp thủ, những ngục tù quan niệm đã bao đời ta hình thành và tự giam hãm mình trong đó…

Tóm lại, mục đích của sự tu hành không phải vì đạt được, mà là buông bỏ! Muốn giải thoát mà vẫn không muốn buông bỏ là một sự mâu thuẫn lớn tồn tại trong chúng ta…

3. Tại sao chúng ta tu?

Chúng ta đang lặn hụp trong bể khổ của luân hồi sanh tử vì chấp cái ta, cho nên chúng ta tu là để biết dừng lại đừng chấp nữa, đừng chạy theo ảo ảnh nữa.

Tu là tìm cho được cái tâm của ta, tu để nắm cho được bốn chữ “Từ bi hỉ xả” để mang lại niềm vui và làm bớt khổ cho mình cho người.

Phàm phu chúng ta thường lầm tưởng cái khổ với cái vui, chính vì vậy mà chúng ta mãi lặn hụp trong vòng luân hồi sanh tử. Khi khổ thì buồn rầu than trách để rồi đến lúc cái khổ đi qua thì quay ra vui hưởng thụ, chứ làm sao mà hết khổ. Cái khổ nó luôn rình rập chờ đợi hễ có duyên đến là nó hoành hành chúng ta ngay. Đôi khi chúng biến ta thành điên dại, hoặc không còn khả năng chịu đựng được nữa.

Đức Phật chỉ cho chúng ta cách làm vơi đi những đau khổ và lấy sự đau khổ làm cái đà cho việc tu học hầu vĩnh viễn thoát lìa đau khổ. Phật dạy đừng tìm những gì đã mất, mà quan trọng là phải tìm cho được ta. Nhìn lại cuộc đời thì tất cả chúng ta đều mất mát hoặc nhiều hoặc ít, nghĩa là mọi người trong chúng ta đều có khổ.

Tuy nhiên, cái khổ lớn nhất của chúng ta là khổ đau từ bỏ chính mình. Như vậy muốn chấm dứt cái khổ, chúng ta phải bỏ cái chấp ta để thấy cho được cái tâm ta trước đã, nắm cho được bốn chữ “từ bi hỉ xả” của nhà Phật để mang lại sự an lạc cho chính ta, rồi sau đó giúp cho người khác cùng tu và cùng giải thoát.

Tóm lại, chúng ta tu để có được cái tâm thanh tịnh, nhìn cảnh đẹp mà không chạy theo những vọng niệm của nó. Không chạy theo vọng niệm của nó thì đâu có muốn thủ, hữu và như vậy thì đâu có đau khổ. Một lần không chạy theo vọng niệm là một lần ta không khổ, cứ như thế cho đến khi rốt ráo, tức là giải thoát vậy.

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Người tu hành tự thấy có năng lực nào đó coi chừng tẩu hỏa nhập ma

Định Tuệ

Nhìn thấu buông xuống là gì? Làm như thế nào?

Định Tuệ

Người chân chính tu Đạo thì phải biết từ tâm hả khí

Định Tuệ

Ăn cái người không ăn, làm cái người không làm

Định Tuệ

Người gieo nhân lãng phí nước uống sẽ bị quả báo gì?

Định Tuệ

Hữu vi và Vô vi theo quan điểm Phật giáo

Định Tuệ

Phải buông xả niệm tham, tham ăn cũng buông xả

Định Tuệ

Vô minh là gì? Vô minh là không biết vô thường, sinh diệt

Định Tuệ

Pháp môn niệm Phật gọi là pháp khó tin

Định Tuệ

Viết Bình Luận