Quí vị nói với họ mà họ tin tưởng, họ có thể lý giải được, đây gọi là có duyên. Khi họ đã hiểu rõ, họ sẽ thực hành. Đó gọi là duyên thành thục.
Đối với quá khứ, chúng ta cư trú ở lục đạo luân hồi một thời gian dài. Đoạn thời gian dài này, dùng lời của người thế gian để nói thì đối với lục đạo họ có tình cảm sâu dày. Ở đây có nhiều người có duyên. Bây giờ ta đã đạt được vãng sanh, được bất sanh bất diệt. Dĩ nhiên ta cũng hy vọng họ đều đạt được.
Ta có thể giúp đỡ họ được chăng? Được! Chúng ta thực sự có năng lực giúp họ. Họ ở đâu? Bất luận họ ở đâu, ta đều thấy rất rõ ràng, đều nhận biết được họ. Họ không quen ta, nhưng ta quen họ. Cho nên nếu thấy duyên thành thục rồi thì nhất định phải đến độ họ.
Như thế nào gọi là duyên thành thục? Quí vị nói với họ mà họ tin tưởng, họ có thể lý giải được, đây gọi là có duyên. Khi họ đã hiểu rõ, họ sẽ thực hành. Đó gọi là duyên thành thục. Duyên thành thục hay không thành thục, chính là ở chỗ họ có chịu thực hành hay không. Không chịu thực hành là chưa thành thục, chịu thực hành là đã thành thục.
Người thành thục thì đáng mừng, vì trong đời này họ sẽ thành Phật. Thành Phật là quả vị tu hành cao nhất. Phàm phu một đời thành Phật không dễ. Ngoài pháp môn tịnh độ ra, những pháp môn khác, trong đời này đạt đến địa vị này rất ít, rất hiếm gặp.
Trong một đời đạt đến cảnh giới A la hán, nhưng đạt đến cảnh giới của Như Lai thì không dễ. Nếu gặp được pháp môn tịnh độ, phải thật sự nhận thức được kinh Vô Lượng Thọ, thấu triệt danh hiệu Phật A Di Đà. Dùng chân tâm niệm, thì nhất định được vãng sanh.
Sanh đến thế giới Cực Lạc làm A Duy Việt Trí Bồ Tát. Tuy chưa thành Phật, cũng giống như thành Phật. Vừa đến thế giới Cực Lạc liền đạt được. Đúng là trúng thưởng rồi. Lúc này trí tuệ, thần thông, đạo lực, tướng hảo quang minh đều gần giống như Phật A Di Đà, rất giống. Quả báo này thù thắng biết bao!
Người không có thiện căn, Phật đến giảng cho họ, họ nghe cả đời mà cũng không hiểu nổi. Đây là thật không giả chút nào. Hàng ngày đều cùng Phật Bồ Tát ngồi chung một chỗ, ngồi đến 100 năm cũng nghe không hiểu. Hạng người này là đại đa số, chứ không phải thiểu số.
Nên Phật độ người có duyên. Người có duyên khẳng định không phải đời này mới tu, mà nhiều đời nhiều kiếp, đời đời kiếp kiếp, đều có duyên rất sâu với Phật A Di Đà và tây phương tịnh độ. Họ mới dễ dàng cảm động.
Tuy có nghiệp chướng, nhưng nghiệp chướng không chướng ngại được họ. Họ đã bị cảm động. Điều này chứng minh, thiện căn phước đức nhân duyên của mình rất sâu dày. Đời này cơ hội vãng sanh, có phần của chúng ta.
Gợi ý về thiện căn phước đức nhân duyên, đó chính là nhân duyên. Nhân duyên của mỗi người không giống nhau. Nghiệp chướng nặng, thì sự phát khởi sẽ rất khó khăn. Vì sao? Phải huân tu một thời gian dài.
Giống như một cây gỗ ngâm trong nước, ngâm rất nhiều năm, đã thấm ướt. Bây giờ đem nó ra, dùng một bó củi muốn đốt nó. Khó. Làm sao có thể đốt cháy được? Bó lửa này đốt xong, lại đốt tiếp bó khác. Cần phải có tâm kiên nhẫn, đốt một vạn bó, mười vạn bó, một trăm vạn bó, thì nó cũng đốt cháy. Phải huân tu một thời gian dài, nếu thời gian không dài thì đốt sẽ không cháy.
Bản thân tôi cũng là một ví dụ. Nên đối với điều này tôi cảm nhận rất sâu sắc. Tôi tiếp xúc Phật Pháp không khó. Thầy Phương giảng cho tôi triết học trong kinh Phật xong, tôi liền tin tưởng, thật sự tiếp nhận. Những quan niệm sai lầm trước đó, như cho rằng Phật giáo là mê tín, là tôn giáo, đây là quan niệm sai lầm, đều sửa đổi lại hết, và thật sự muốn học. Nhưng đối với sự tiếp nhận Pháp môn tịnh độ, tôi học Phật mười mấy năm sau mới tiếp nhận. Trong kinh nói pháp môn này là pháp khó tin, mà tôi đã tin. Tôi mất hết mười mấy năm mới tiếp nhận nó, thật không đơn giản chút nào!
Đối với nhiều vị pháp sư ngang hàng, những người bạn già tuổi gần bằng nhau. Họ là đại pháp sư, thông tông thông giáo. Chúng tôi gặp nhau, bàn luận đến tịnh độ, họ đều không tin. Điều này tôi có thể lý giải, vì ngày xưa tôi cũng học giáo, rất thích những bộ đại kinh như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm. Rất hứng thú. Nhưng đối với Tịnh độ thì không, căn bản là không chịu tiếp xúc.
Thầy giáo là người chuyên tu tịnh độ, là đệ tử của Ấn Quang đại sư. Tặng tôi bộ “Ấn Quang Đại Sư Văn Sao”. Sáu mươi năm trước, khi đó là bốn cuốn, bìa thường bốn cuốn. Chánh biên hai cuốn, tục biên hai cuốn. Tôi đã đọc, sau khi đọc xong đối với Tịnh độ không còn bài xích nữa, không dám coi thường, nhưng vẫn không muốn học. Tôi cũng đã từng nói với quý vị, nhân duyên tôi quay về tịnh độ.
Tôi giảng kinh Lăng Nghiêm, kinh Lăng Nghiêm cũng giảng rất nhiều lần. Giảng qua đại ý kinh Pháp Hoa, giảng qua kinh Hoa Nghiêm. Trong hội Hoa Nghiêm, thấy được ngài Văn Thù Phổ Hiền phát nguyện cầu sanh tịnh độ. Thấy hai vị Bồ tát này, là hai vị Bồ Tát khiến người ta ngưỡng mộ nhất_Văn Thù Phổ Hiền. Các ngài lãnh đạo 41 vị pháp thân đại sĩ ở Hoa Tạng Hải Hội, đến thế giới Cực Lạc lễ bái Phật A Di Đà. Lạy Phật A Di Đà làm thầy, theo Phật A Di Đà học tập. Lúc này tôi mới tin.
Nếu tôi không thấy sự việc này, thì tôi vẫn chưa tin. Thầy Lý đã dùng nhiều phương tiện thiện xảo để dụ dỗ tôi, nhưng đều không thành công. Cuối cùng thực sự đã đạt được. Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm dẫn dắt tôi quay về tịnh độ. Mới thật sự nhận thức rằng nó là kinh số một trong tất cả các kinh giáo, mà Đức Thế Tôn đã nói trong suốt 49 năm. Là pháp môn vô thượng. Triển khai bộ kinh này, từng chữ từng câu đều có vô lượng nghĩa.
Lần này chúng ta học cuốn sách này, dự định thời gian là 1200 giờ đồng hồ. Bây giờ chúng ta đã giảng đến hơn 600 giờ, gần được một nửa của giáo trình lớn. Quý vị học ở trong trường, hai tiếng đồng hồ là một học phần. Có môn học nào mà chiếm hết 600 học phần chăng? Tìm không thấy. “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”, tôi dự định thời gian là bao nhiêu? Hai vạn giờ. Có trường đại học nào trên thế giới, có môn học một vạn học phần chăng? Chính là bộ kinh này. Hai vạn giờ, tôi đã hoàn thành trên hơn bốn ngàn giờ rồi. Tôi nghĩ giảng xong bộ kinh này, sẽ tiếp tục giảng nữa. Nhưng có thể giảng xong hay không còn chưa nhất định. Sống một ngày thì giảng một ngày, như vậy mà vui không hề biết mệt, rất vui.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – Tập 331
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn