Tâm địa thanh tịnh không có ô nhiễm thì sẽ không sanh bệnh. Từ bi có thể hóa giải tất cả những điều chẳng lành.
Câu thứ 18 trong Cảm Ứng Thiên là “từ tâm ư vật” (từ tâm đối với muôn loài). Từ đoạn kinh văn này trở đi là nói về sự tu tâm dưỡng tánh. Ở trong khoa mục này là nói tu kính. “Từ tâm ư vật”, “vật” là chỉ cho chúng sanh. Trong Phật pháp thường nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, “từ bi” là đức, “phương tiện” là công. Chúng ta thường nói công đức, đoạn trước dạy chúng ta tích đức lũy công. Tích đức chính là giữ tâm, lũy công chính là hành vi việc làm. Tâm từ bi chính là tâm thương yêu mà người thế gian đã nói.
Vì sao Phật pháp không nói thương yêu mà nói từ bi? Có một nguyên nhân. Sự thương yêu của người thế gian là cảm tình, thương yêu sanh ra từ tình cảm. Từ bi cũng là thương yêu, nhưng từ bi là sanh từ trí huệ, là lý trí chứ không phải tình cảm. Phàm là tình cảm thì rất dễ dàng thay đổi. Cho nên người thế gian nói tình yêu là chắc chắn không thể tin cậy được, thiên biến vạn hóa, bản thân không thể khống chế được. Tâm thương yêu của Phật Bồ-tát là vĩnh hằng bất biến, nên gọi là từ bi. Nó là lý tánh, nó lưu xuất từ trong tâm tánh chân lý rất tự nhiên. Chân thành, từ bi, bình đẳng chính là Phật.
Trong kinh điển, Phật nói với chúng ta nhân và hạnh của mười pháp giới, nhân duyên của mỗi pháp giới đều vô cùng phức tạp. Trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là “vô lượng nhân duyên”. Trong vô lượng nhân duyên luôn có một nhân tố quan trọng nhất, cho nên Phật đem cái nhân tố quan trọng nhất đó ra để chỉ dạy cho chúng ta. Làm Phật, nhân tố quan trọng nhất chính là “chân thành, từ bi, bình đẳng”. “Chân” là thuần chân.
Trong phần “tích công lũy đức”, chúng tôi đã nói, một người tu hành, một người hiểu biết sáng suốt, người triệt để hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh, họ có ba điều mà hầu hết phàm phu chúng ta thường không chú ý. Thứ nhất, tâm của họ là chân thành, chí thiện. Tâm thiện, tâm thiện đạt đến cứu cánh viên mãn là chí thiện. Nhà Nho cũng dạy người “chỉ ư chí thiện” (đạt đến chỗ cực thiện), một tâm thuần thiện, đối nhân xử thế tiếp vật, tâm thuần thiện chính là ở chỗ này gọi là tâm từ, đây là điều đặc biệt thứ nhất.
Điều thứ hai, thuần là một tâm yêu thương người, không hề nghĩ đến chính mình, giống như người mẹ hiền yêu thương đứa con bé bỏng của mình vậy, toàn tâm toàn lực chăm lo, quên đi cả bản thân mình. Phật và đại Bồ-tát đều dùng cái tâm yêu thương như vậy để yêu thương chúng sanh trong mười pháp giới.
Điều thứ ba là thuần một tâm làm lợi ích. Ba điều này đã nói ra hết tâm hạnh của chư Phật Bồ-tát. Chúng ta quan sát thật kỹ, ba điều này hầu như là thông với tất cả tôn giáo. Tuy giáo nghĩa của mỗi tôn giáo không giống nhau, nghi thức không giống nhau, nhưng ba điều này là điểm chung của các tôn giáo, nên các tôn giáo có thể viên dung hòa hợp. Có thể nói đây là pháp căn bản, pháp nền tảng. Bắt đầu làm từ pháp nền tảng này rồi phát triển mạnh mẽ. Kinh Hoa Nghiêm là một điển hình, kinh Pháp Hoa cũng là một điển hình.
Thử xem kinh luận Đại Thừa của nhà Phật, giáo điển Nhất Thừa, không kinh luận nào mà không có ba nhân tố này, dung hợp đủ các tộc loại khác nhau trong tận hư không khắp pháp giới. Chúng ta ngày nay gọi là văn hóa khác nhau, lối sống khác nhau, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, dùng ba nhân tố này để dung hợp. Chí thiện, chân từ, làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, thật sự làm được xả mình vì người. Phật là bậc đại trí đại giác, chúng ta nói giác hạnh của Ngài viên mãn. Phàm là người đại trí đại giác, nhất định sẽ có đầy đủ ba nhân tố này, có thể dùng tâm bình đẳng tâm từ bi làm bạn.
Nhà Phật dạy người dưỡng sinh, đây là nói tất cả chúng sanh không phân chia tộc loại, không phân tôn giáo, việc quan tâm nhất là làm thế nào gìn giữ sự khỏe mạnh, sống lâu, hạnh phúc vui vẻ là dưỡng sinh. Nếu muốn thân thể khỏe mạnh, trường thọ, điều quan trọng nhất chính là tâm từ bi, đây là điều mà rất nhiều người thường không để ý. Tâm địa thanh tịnh từ bi thì sẽ không sanh bệnh.
Tất cả mọi ốm đau phiền não sanh từ đâu vậy? Chúng ta nếu quan sát tỉ mỉ, chính là sanh ra từ ô nhiễm, cái đạo lý này không khó hiểu. Mấy hôm nay tôi nghe người ta nói, trên báo chí đăng tin thịt bò Châu Âu lại xảy ra vấn đề, không thể ăn được, thậm chí là trong rượu nho có trộn lẫn máu bò, nhuộm đỏ cả rượu nho. Mọi người đều hoảng hốt, đây rất rõ ràng là ô nhiễm chính là nguồn gốc của bệnh tật.
Tâm địa thanh tịnh không có ô nhiễm thì sẽ không sanh bệnh. Từ bi có thể hóa giải tất cả những điều chẳng lành. Không những có thể giải độc cho bản thân mà tâm từ bi còn có thể giải độc cho người khác. Tâm từ bi có thể hóa giải tất cả sự hiểu lầm, kỳ thị giữa những tôn giáo, chủng tộc của thế gian. Cho nên tâm từ bi có thể hóa giải được tất cả những điều chẳng lành.
Tôi đã khởi vọng tưởng nhiều năm rồi, đó là hy vọng có thể lập một trường học đa nguyên văn hóa. Đa nguyên văn hóa là dạy cái gì? Chính là dạy tâm chí thiện, tâm từ bi, tâm làm lợi ích cho chúng sanh. Phòng nghiên cứu đa nguyên văn hóa, khoa đa nguyên văn hóa, nội dung chương trình giảng dạy là ba điều này. Trong Phật pháp nói người có ba điều này chính là Bồ-tát.
Trong tâm từ bi, điều quan trọng nhất là không sát sanh. Điều thứ nhất của Tịnh nghiệp tam phước là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát”. “Từ tâm ư vật”, “vật” là nói tất cả chúng sanh, không thể có ý niệm sát hại đối với tất cả chúng sanh. Không những không được sát, mà cũng không được phép làm tổn hại, đây mới là tâm từ chân thật, là nền tảng của tất cả mọi giới luật, căn bản của giới hạnh. Phật Bồ-tát dạy chúng ta đạo dưỡng sinh, đặc biệt chú trọng tâm từ bi.
Về việc dưỡng sinh, người thế gian chỉ biết dưỡng sinh lý, ăn uống phải hợp vệ sinh. “Vệ” là bảo vệ, bảo vệ sinh lý, mong cho thân thể khỏe mạnh. Thế nhưng họ chưa tìm ra nguyên nhân đích thực của sinh lý khỏe mạnh. Cho nên dù lựa chọn thức ăn lành mạnh nhất, họ vẫn cứ bị bệnh, họ vẫn cứ bị già chết. Nguyên nhân là gì? Đối với sự khỏe mạnh trường thọ thì sinh lý khỏe mạnh không phải là nguyên nhân đứng đầu, nó là nguyên nhân thứ hai, đây là trị ngọn, không phải trị gốc. Người xem trọng vệ sinh là trị ngọn không trị gốc. Gốc là gì? Gốc là tâm. Trong kinh Phật thường nói: “Y báo chuyển theo chánh báo”, cái thân thể này của chúng ta là y báo, tâm là chánh báo. Tâm lý khỏe mạnh thì sinh lý của chúng ta phần lớn là sẽ khỏe mạnh. Hơi chú ý vế mặt ăn uống một chút thì sẽ sống vô cùng khỏe rồi. Tâm lý không khỏe mạnh, dù có điều dưỡng sinh lý thế nào đi nữa cũng chẳng giúp ích gì được, chúng ta thấy trường hợp này quá nhiều rồi.
Những bậc đế vương quan tướng thời xưa, để bảo vệ sức khỏe, họ tìm những chuyên gia, người lỗi lạc đến chăm lo nhưng họ vẫn đoản mạng như thường. Đế vương các đời, các vị hãy thử xem sống đến 70 tuổi có được mấy người? Không được mấy người, đại đa số là 40-50 tuổi thì mạng sống đã kết thúc, 50-60 tuổi là trường thọ rồi. Người 70 tuổi trở lên thật hiếm có. Người xưa gọi là tuổi này xưa nay hiếm. Nguyên nhân là gì? Họ chỉ biết vệ sinh sinh lý, họ không biết vệ sinh tâm lý. Cho nên tâm từ bi là quan trọng hơn cả. Chúng ta dưỡng thân thể, còn phải biết dưỡng tính tình.
Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 18
Tâm Hướng Phật/St!